Trang chủ

Nghị luận Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn ...

Xuất bản: 06/05/2019 - Tác giả:

Những bài nghị luận xã hội hay bàn về ý kiến: Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời họ.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời họ (Giêm A-len).

***

Dàn ý chi tiết:

I. Mở bài:

- Nêu vấn đề, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời họ

II. Thân bài:

1. Giải thích ngắn gọn ý kiến

– “Chính họ là người làm vườn cho tâm hồn”: Cách diễn đạt hình ảnh về khả năng tự giáo dục cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với quá trình hình thành, hoàn thiện nhân cách của mình.

– “Chính họ là đạo diễn cho cuộc đời họ”: Cách nói hàm súc, chính xác về khả năng chỉ đạo, tổ chức cuộc đời mình của mỗi cá nhân, cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cuộc sống của bản thân trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

– “Con người ta sớm hay muộn gì cũng nhận thấy…”: Khẳng định mỗi con người đều tiềm tàng khả năng tự nhận thức, tự giáo dục bản thân. Nhưng ở mỗi người, năng lực ấy được bộc lộ ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời. Có người, ngay từ khi còn trẻ đã có được nhận thức đúng về mình. Nhưng cũng có không ít người phải trải qua chặng đường đời dài lâu mới có được nhận thức như thế.

=> Mượn cách nói giàu hình ảnh, hàm súc mà chính xác, Giêm Alen đã giúp con người nhận ra năng lực tự nhận thức của mình và đặt ra cho mỗi người yêu cầu: không ai khác, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với quá trình rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, và đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng tương lai cho mình.

2. Bàn luận về ý kiến

– Cuộc đời, quá trình hình thành, hoàn thiện nhân cách của mỗi người chịu tác động của nhiều yếu tố:

+ Yếu tố khách quan (môi trường giáo dục gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội, xu thế phát triển của thời đại, những biến động lịch sử, chính trị…) đóng vai trò ảnh hưởng chi phối.

+ Yếu tố chủ quan (vốn sống, hiểu biết, bản lĩnh khát vọng, niềm đam mê, năng lực tự nhận thức, khả năng tự giáo dục…) của mỗi cá nhân đóng vai trò quan trọng có tính quyết định.

– Để trở thành “người làm vườn” đích thực của tâm hồn mình, là “đạo diễn” đích thực của cuộc đời mình, mỗi cá nhân phải chủ động trang bị cho mình những hành trang cần thiết (xác định nghiêm túc, đúng đắn mình muốn trở thành con người như thế nào? Tự bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện những phẩm chất, tính cách phù hợp, nói cách khác: tự mài sắc trí tuệ và luôn làm giàu tâm hồn).

– Con người khi trở thành “người làm vườn” đích thực của tâm hồn mình, là “đạo diễn” đích thực của cuộc đời mình, cũng có nghĩa là đã thực sự làm chủ được cuộc đời mình. Khi ấy, con người không còn bị lệ thuộc vào sự “rủi may” của cái gọi là “số phận” hay “định mệnh”.

– Phê phán những cá nhân sống không có trách nhiệm với bản thân, không có ý thức rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng tri thức để vươn lên, tự làm chủ cuộc đời mình => Không có trách nhiệm với gia đình, đất nước.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Ý kiến có giá trị sâu sắc, đúng đắn về cách sống:

+ Cần nhận thức rõ làm chủ cuộc đời mình là một trong những năng lực vô cùng quan trọng giúp con người, nhất là những người trẻ tuổi hòa nhập và đứng vững để đi đến thành công, có được hạnh phúc trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay.

+ Từ đó xác định rõ mục đích sống, tự bồi dưỡng kiến thức, trau dồi những phẩm chất tốt đẹp, ý thức được chính mình là người quyết định số phận của bản thân để không ngừng nuôi dưỡng khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Có những hành động cụ thể để khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực cho xã hội.

III. Kết bài

- Khẳng định lại ý nghĩa của câu nói và liên hệ thực tế bản thân

Có thể bạn cũng quan tâm: Nghị luận Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể

Top 2 bài văn mẫu nghị luận Con người chính là người làm vườn tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời họ

Bài số 1:

Chúng ta lớn lên từng ngày, có những giá trị trong bản thân mình mà không phải ai cũng nhận ra. Quá trình ta sống và làm việc khiến những giá trị ấy lớn lên từng ngày. Tương lai chúng ta là do ai quyết định? Nếu không phải chính bản thân mỗi người phấn đấu ở hiện tại? Hiểu được điều đó, Giêm A len đã có câu nói nổi tiếng và triết lý sâu xa: “Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời họ”.

Cuộc sống là một hành trình tiếp nối dài bất tận, từ ngày còn nhỏ ta đã được cắp sách đến lớp và học tập những tri thức cơ bản làm người. Rồi dần dần lớn lên, quá trình ấy lặp đi lặp lại, khiến những tri thức tích lũy dần trong khối óc ta, và ta nhận ra bản thân mình đã thay đổi từng ngày và trưởng thành từng ngày do chính những hành động và việc làm ấy của mình. Câu nói của Giêm A-len có thể giải thích rằng, con người ta sinh ra và lớn lên và phát triển ra sao trong suy nghĩ hành động, đều là do quá trình nuôi dưỡng, vun trồng tâm hồn và nhân cách của chính mình, chúng ta sắp đặt và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước cuộc đời mình. Và có lẽ đây là điều hiển nhiên và nhận thức qua từng bước trưởng thành cùng những trải nghiệm trong đời của mỗi người. Qua đó Giêm A – len đã đúc rút ra một triết lý của cả một đời người. Chúng ta sống và chết, tất cả những hành trình trong quá trình ấy đều do chính bản thân ta gây dựng lên, ông đã giúp ta nhận ra năng lực tự nhận thức của chính mình, và đặt ra một yêu cầu lớn lao: không ai khác, chính bản thân ta, mỗi cá nhân trong xã hội phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với cuộc sống riêng của mình. Không ai cso thể nâng đỡ dìu dắt ta cả cuộc đời, sống và suy nghĩ thay ta được. Và qua đó cũng là một nhiệm vụ bức thiết, đặt ra việc ta phải rèn luyện, trau dồi những kiến thức của chính mình để đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng tương lai của chính bản thân mình.

Trong cuộc sống xã hội ta từ trước đến nay, không ít những người mà ta biết họ đã gây dựng nên sự nghiệp bằng chính những bước đi của mình, họ tự tìm tòi, học hỏi và cuối cùng đã thành công. Như Hồ Chủ tịch, một mình bôn ba ngoài hải ngoại, tìm con đường cứu nước. Nếu không phải tự Bác đặt ra trách nhiệm cho mình phải tìm ra con đường cứu nước, và với tinh thần, tri thức tự học hỏi mần mò của mình, liệu Bác có thể đủ bản lĩnh kiên cường bước qua những thử thách, tự học hỏi để có thể quay trở về nước dẫn dắt nhân dân ta đứng lên đấu tranh hay không? Hay có nhiều tấm gương khác, như nhà giáo Nguyễn Ngọc Kí, không đầu hàng số phận, ông đã tự tìm cách mần mò tự học bằng cách viết bằng chân, chính ông đã chịu trách nhiệm trước cuộc đời và những khó khăn chính mình, vì thế cuối cùng ông đã thành công. Và họ đều là những người đã xây dựng làm vườn tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời của chính bản thân họ. Và nó còn là một tấm gương lớn cho bản lĩnh sống mà ta cần noi theo. Phê phán những người có thái độ bị động, ỷ lại, luôn trông chờ vào người khác, như thế là tự đánh mất đi chính cuộc đời của mình. Và những người như vậy sẽ mãi mãi không có được thành công trong đời.

Câu nói của Giêm – A len là một câu nói có ý nghĩa lớn và phổ quát. Cho thấy vai trò của cái “tôi” trong việc hình thành và phát triển bản sắc tâm hồn riêng mỗi người. Cái tôi quan trọng ấy là tiền đề để ta phát triển tương lai của mình, quyết định ta  thành công hay thất bại? từ đó dạy ta bài học phải biết làm chủ bản thân mình, cân nhắc kĩ lưỡng hành xử cho đúng đắn và phù hợp đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân. Hãy luôn chủ động tích cực vươn lên, đừng chông chờ gì vào người khác. Tuy nhiên, cá nhân sống trong tập thể, phải biết tạo dựng mối quan hệ cộng đồng, tích cực trau dồi, học hỏi lẫn nhau để ngày một hoàn thiện.

Và bản thân là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, ta không ngừng học tập và trau dồi tri thức. Có những hành động cụ thể, thiết thực để khẳng định giá trị bản thân cho xã hội và vị thế của chính mình.

Bài số 2:

Có một cô gái luôn phàn nàn với cha mình về cuộc sống cô thật đau khổ. Người cha liền lấy ba nồi nước sôi chứa ba nguyên liệu khác nhau: trứng, khoai tây và cà phê. Sau một thời gian, trứng đông cứng lại, khoai tây mềm nhũn ra trong khi nồi chứa cà phê lại tỏa ra một mùi hương thật quyến rũ. Người cha nói rằng: “Cùng một hoàn cảnh, nhưng mỗi thứ lại có một cách phản ứng khác nhau, con người cũng như thế, ta có quyền quyết định cho cuộc đời mình”. Đọc xong mẩu truyện, tôi lại bắt gặp ý kiến của Giêm A-len: “Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn cho tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời họ”.

Một người làm vườn có quyền chọn lựa mùa vụ, giống cây trồng,… cho mảnh đất của mình. Một đạo diễn có thể quyết định các tình tiết, diễn biến của bộ phim mà họ đảm nhận. Vậy nếu đặt chúng ta vào vị trí của một người nông dân và một người đạo diễn thì sao? Ta sẽ có trách nhiệm đối với quá trình rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, quyết định một lối sống, một cách hành xử của bản thân. Và hơn ai hết, ta sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của chính mình. Nói cách khác, mỗi người chính là vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền cuộc đời họ, nếu họ tài giỏi, có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ đưa con thuyền cập bến an toàn, nhưng ngược lại, nếu gặp nguy nan, họ cũng chính là người sẽ chìm với con thuyền ấy.

Tỷ phú Bill Gates từng đưa ra lời khuyên cho người trẻ rằng: “Bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết đi trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn”. Có nhiều người luôn tự hỏi rằng: Tại sao cuộc đời tôi lại đau khổ và bất hạnh như vậy? Tại sao có nhiều người khi sinh ra đã ở gần vạch đích, họ sống giàu có còn tôi thì không? Bạn ơi, không ai sinh ra có quyền lựa chọn số phận cho mình, cũng chẳng nhiều người may mắn có sự khởi đầu như ý. Nhưng chẳng lẽ vì vậy mà chúng ta bỏ cuộc và buông tay phó mặc cho số phận?

Cuộc sống của bạn nằm ở trong tay bạn cũng giống như cây bút chì nằm trong tay người họa sĩ. Bạn muốn vẽ nó tròn thì nó tròn, bạn muốn vẽ nó vuông thì nó là vuông, vì thế đừng cứ mãi đổ lỗi cho số phận. Có nhiều người sống trên đời, họ luôn thu mình vào cái vỏ bọc tinh thần rằng họ luôn gặp điều không may mắn để tự an ủi cho sự bất toàn của bản thân. Nhưng thử nghĩ xem, nếu ai cũng nghĩ như vậy, cuộc đời này còn gì là ý nghĩa, con người ta cứ sống như một chiếc lá rơi giữa dòng nước, nước đẩy đi đâu thì xuôi theo đó. Sống không chỉ để ghi dấu sự có mặt của mình trên đời mà sống phải cho có ý nghĩa. Kito Aya là một nữ sinh Nhật Bản không may mắc phải căn bệnh thoái dây sống thiểu não quái ác. Cô có thể buông xuôi, cũng có thể tự trách bản thân mình không may mắn,… nhưng những điều đó quá tầm thường, Aya đến với cuộc đời này để làm nên điều tuyệt vời hơn như vậy. Cô sống những giây phút cuối đời thật trọn vẹn bên cạnh người thân, cô gửi gắm biết bao mơ ước của một tuổi trẻ nhiệt huyết làm nên nguồn động viên to lớn cho những người trẻ khác. Kito Aya là một “người làm vườn”, một “đạo diễn” đích thực, cô không cho phép mảnh đất tâm hồn mình khô héo, cũng không để cuốn phim cuộc đời mình tẻ nhạt, với cô, sống phải thật hạnh phúc. “Cảm ơn” là hai chữ cuối cùng trong cuốn nhật ký “Một lít nước mắt” của cô, có lẽ Aya cảm ơn cuộc đời vì đã cho cô thấy tình yêu của mọi người, cũng có thể cô cảm ơn chính bản thân mình vì không để tình yêu ấy trở nên lãng phí.

Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng: Con người sống chứ không tồn tại. Và cuộc sống này chỉ có một lần, vậy nên thay vì cứ mãi trách móc, đỗ lỗi cho định mệnh, cho xui rủi, ta hãy một lần hành động để thay đổi cuộc đời. Hãy nhớ rằng, ta là “người làm vườn” chứ không phải một bông hoa chờ sự chăm sóc của người khác, ta là “đạo diễn” chứ không phải một cuốn phim vô hồn, ta là người chủ động, và chỉ có ta, một mình ta mới có thể quyết định số phận chính mình. Có bao giờ ta dành ít giây phút để ngẫm lại cuộc đời mình, tự hỏi mình là ai, mình sống để làm gì,… hay chưa? Đó chính là thời khắc ta bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chính mình, để đối diện với bản thân mà hiểu mình hơn, cũng là lúc ta sẽ quyết định cách sống của mình. Một người lớn lên trong gia đình như thế nào, môi trường sống ra sao cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi người, ta có đủ bản lĩnh để quyết định con đường mình đi hay chưa, có đủ khôn ngoan, tỉnh táo để đối diện với khó khăn hay chưa, có mạnh mẽ, kiên cường để vượt qua thất bại hay chưa? Dù là “người làm vườn” hay một “đạo diễn”, con người đều cần vốn sống, kinh nghiệm, sự khéo léo, khả năng tự nhận thức,… để chọn ra một lối đi đúng đắn nhất cho mình.

Triết gia Giêm A-len cũng cho rằng “con người ta sớm muộn gì cũng nhận ra” họ chính là người quyết định số phận, cuộc đời của mình. Mỗi con người đều tiềm tàng khả năng tự nhận thức, tự giáo dục bản thân. Nhưng ở mỗi người, năng lực ấy được bộc lộ ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời. Có người, ngay từ khi còn trẻ đã có được nhận thức đúng về mình. Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc từ thuở bé đã đam mê đứng trên sân khấu, được diễn và cống hiến cho khán giả. Từ đam mê ấy, Thành Lộc làm việc nghiêm túc để nuôi dưỡng tài năng và rồi trở thành cây đại thụ của làng kịch nói như ngày hôm nay. Nhưng cũng có không ít người phải trải qua chặng đường đời dài lâu mới có được nhận thức như thế. Điều đó không có nghĩa là ta thất bại, ta chỉ dùng vài năm, thậm chí là vài chục năm cuộc đời mình để đổi lấy những kinh nghiệm, kiến thức để có sự lựa chọn sáng suốt nhất mà thôi. Thuở nhỏ, Thomas Edison từng rất chán nản khi thầy cô và bạn bè đều nói ông không có khả năng tiếp thu bài vở, tốt nhất là nên nghỉ học, nhưng chính thời gian tự học ở nhà ấy đã giúp Edison có cơ hội quan sát cuộc sống và nhận ra sáng chế khoa học là ước mơ lớn nhất đời mình. Bạn ơi, sớm hay muộn không quan trọng, điều quan trọng là ta dám đứng lên làm chủ cuộc đời mình.

Khi bạn bè tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chính mình, định hướng tương lai, họ thường tìm đến tôi để xin lời khuyên hay sự hướng dẫn. Nhưng đôi lúc, khi gặp trở ngại, khó khăn, tôi lại muốn dựa dẫm vào người khác, đỗ lỗi cho hoàn cảnh để bản thân mình cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng câu nói của Giêm A-len đã thức tỉnh tôi. Tương lai của bạn là do bạn quyết định, đừng sống như một bông hoa chờ người chăm sóc, cũng đừng sống như một cuộn phim chờ người biên đạo, hãy sống như một “người làm vườn”, một “đạo diễn” thực thụ.

Trở lại câu chuyện ban đầu. Bạn sẽ sống cứng cáp như trứng? Bạn sẽ sống mềm nhũn như khoai tây? Hay bạn sẽ linh hoạt như hạt cà phê? “Con người cũng như những vật liệu trên, chúng ta có cách phản ứng khác nhau trong cùng một hoàn cảnh. Con à, dù con sẽ là trứng, khoai tây hay cà phê, con sẽ phải chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình” - Người cha nói với con gái.

Sưu tầm và tuyển chọn những bài văn hay lớp 12 / Đọc Tài Liệu


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM