Trang chủ

Cảm nhận về truyện ngắn Cô bé bán diêm

Xuất bản: 04/11/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 8] Cảm nhận về truyện Cô bé bán diêm của An-đéc-xen để hiểu rõ hơn về thế giới mộng tưởng nhưng vô cùng đẹp đẽ của cô bé nghèo.

Để làm được bài văn cảm nhận về truyện Cô bé bán diêm này, Đọc tài liệu xin gợi ý tới các em dàn ý kèm một số bài văn mẫu như sau:

Dàn ý cảm nhận truyện ngắn Cô bé bán diêm

I. Mở bài:

- Giới thiệu một vài nét về tác giả tác phẩm: “Cô bé bán diêm”, nhà văn An-đéc-xen.

- Nội dung chính của tác phẩm: Truyện “Cô bé bán diêm” khắc họa lại hình ảnh đáng thương của cô bé bán diêm đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của tác giả thông qua nghệ thuật kể đặc sắc.

II. Thân bài:

Luận điểm 1: Cảm nhận về nội dung

* Hình ảnh cô bé bán diêm đáng thương

- Hoàn cảnh đáng thương:

+ nhà nghèo, mồ côi mẹ, bà mất, gia đình sa sút

+ thường xuyên bị bố đánh đập, hành hung nếu không bán được diêm

+ phải đi bán diêm kiếm tiền

- Khung cảnh đêm giao thừa: một đêm trời rét mướt, khi mà nhà nhà sáng rực ánh đèn cùng mùi thơm của thức ăn tỏa ra khắp ngóc ngách.

- Trái ngược với khung cảnh ấy là hình ảnh cô bé bán diêm nhỏ bé ngồi nép vào góc tường, hứng chịu từng đợt gió rét xé thịt mà, vì không bán được ít diêm nào và cũng chẳng ai cho lấy một đồng khiến cô bé không dám về nhà, sợ cha đánh.

- Giữa hoàn cảnh thực đáng thương, 4 lần quẹt diêm để sưởi ấm chính là 4 giấc mộng của cô bé, là ước mơ, mong ước về cả quá khứ và cả tương lai.

+ Lần quẹt thứ nhất cô bé tưởng tượng ra chiếc lò sưởi.

+ Lần quẹt thứ hai cô bé nhìn thấy một bàn ăn thịnh soạn.

+ Lần quẹt thứ ba là cây thông Nô-en sặc sỡ của đêm giáng sinh.

+ Lần quẹt thứ tư, người bà hiện ra trước mặt cô bé

-> Mỗi lần quẹt diêm là một mộng tưởng, nhưng khi diêm tắt, hiện thực giá buốt lại hiện ra. Sự đan xen giữa hiện thực và mộng tưởng trong ánh mắt trẻ thơ đã một lần nữa gợi ra hoàn cảnh đáng thương đến xúc động của cô bé và những khát khao, mơ ước giản dị, chân thành của em.

- Hình ảnh cô bé bán diêm chết vì giá rét nhưng đôi má vẫn hồng hào và đôi môi đang mỉm cười khiến người đọc không khỏi bàng hoàng, xúc động, lặng người trước số phận đáng thương của con người.

Luận điểm 2: Thông qua hình ảnh đáng thương của cô bé bán diêm, tác giả lên án sự thờ ơ, vô cảm của xã hội.

- Người đáng lên án đầu tiên đó chính là cha của cô bé, một người cha tàn ác, nhẫn tâm, không thể lo nổi cho con mình còn bóc lột sức lao động, hành hung cô bé một cách tàn nhẫn. Đó chính là sự tha hóa, băng hoại về đạo đức con người.

- Không chỉ vậy, chính xã hội cũng thờ ơ, vô cảm với em. Họ không thể mua cho cô bé lấy nổi 1 bao diêm hay cho cô bé bất cứ một thứ gì mà chỉ quan tâm đến bản thân mình. Khi thấy xác cô bé bên đường, sự vô tâm lại càng khiến ta tức giận khi họ chỉ buông một câu xanh rờn “Chắc nó muốn sưởi ấm!”.

Luận điểm 3: Tấm lòng nhân đạo của tác giả

- Đồng cảm, thương xót trước số phận bất hạnh của cô bé bán diêm

- Đồng cảm với những ước mơ, khát khao giản dị, chân thành của con người nhỏ bé.

- Lên án, tố cáo sự thờ ơ, vô tâm, vô cảm của một lớp người trong xã hội.

- Hướng đến sự giải thoát cho cô bé bằng cách cho cô đoàn tụ với bà của mình trên Thiên đường.

Luận điểm 4: Đặc sắc về nghệ thuật

- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, đan xen hài hòa giữa hiện thực và mộng tưởng.

- Diễn biến tâm lí nhân vật hợp lí.

III. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị tác phẩm: “Cô bé bán diêm” là tác phẩm gây xúc động mạnh cho người đọc với hoàn cảnh đáng thương của con người nhỏ bé trước xã hội vô cảm.

- Liên hệ đến chủ nghĩa nhân đạo trong văn học: Tác phẩm thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn.

Văn mẫu cảm nhận truyện ngắn Cô bé bán diêm

Bài văn 1

Truyện cổ An-đéc-xen đã từng đi qua biết bao tuổi thơ của con người. Nó gợi lên cho người đọc trí tưởng tượng phong phú, đồng thời cũng gửi gắm trong đó nhiều thông điệp của tác giả. Không ai có thể quên những ánh lửa diêm nhỏ nhoi bùng lên giữa đêm giao thừa giá rét gắn với một thế giới mộng tưởng thật đẹp của cô bé nghèo khổ trong "Cô bé bán diêm" cùng một kết thúc buồn nhưng nhẹ nhàng, giàu tình người.

Trong mùa đông giá rét năm ấy, có một cô bé mồ côi đôi môi tím tái, bụng đói cồn cào đang lần từng bước chân trần trên hè phố. Em không dám về nhà vì nếu chưa bán được diêm, em sẽ bị cha đánh. Trong đêm giao thừa, em đã "ngồi nép trong một góc tường", "thu đôi chân vào người". Em không thể về vì biết "nhất định cha em sẽ đánh em". Một cô bé đáng thương vừa thiếu đi hơi ấm của ngọn lửa vừa thiếu đi hơi ấm của tình người.

Em thầm mong có một que diêm để quẹt lấy hơi ấm. Ước ao bé nhỏ ấy em không dám thực hiện chỉ đơn giản bởi em sợ mình sẽ làm hỏng mất bao diêm. Nhưng rồi cô bé ấy cũng "đánh liều quẹt một que". Nhờ vậy, em như được nhìn thấy phép màu quá ngọn lửa bé nhỏ: "lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt". Em nhận ra có "một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng". Có lẽ giữa sự khắc nghiệt của hoàn cảnh thực tại đã khiến em có một ước mơ giản đơn nhưng lại quá xa vời. Que diêm vụt tắt là lúc giấc mơ của em cũng kết thúc và em được trở về với hiện tại. Em tự mình hình dung ra những lời mắng chửi thậm tệ của cha. Nỗi lo sợ vây kín tâm hồn em.

Không chỉ phải chống chọi với cái giá rét của mùa đông, cô bé còn phải cầm cự với cơn đói khi cả ngày chưa có miếng nào vào bụng. Ánh sáng của ngọn lửa que diêm thứ hai rực lên cũng là lúc bức tường xám xịt kia trở thành một "tấm rèm bằng vải màu". Em ngập tràn hạnh phúc khi nhìn thấy : "Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay". Nhưng tất cả cũng chỉ diễn ra trong chốc lát. Không những thế, em còn chứng kiến sự thờ ơ ghẻ lạnh của những người qua đường. Thương em bao nhiêu, ta càng thấy oán trách sự vô tâm của xã hội em sinh ra và lớn lên.

Và một lần nữa, que diêm lại sáng bừng lên, cho em "một cây thông Nô-en", như trả lại tuổi thơ cho em: "Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong tủ hàng". Niềm vui của em vừa trỗi dậy rồi cũng vụt tắt như que diêm kia. Tất cả những gì em nhìn thấy cũng chỉ là ảo ảnh. Em không thể đưa tay chạm vào, mà chỉ có thể cảm nhận trong phút chốc qua trí tưởng tượng của bản thân. Trước đêm đông giá rét, em đang dần kiệt sức và gục ngã.

Thường những phút cuối đời, người ta thường mong ước được ở bên cạnh những người thân yêu. Có lẽ vì thế nên khi thắp lên que diêm tiếp theo, em nhìn thấy người bà hiền hậu mà em rất mực kính yêu. Em có cảm giác như mình được trở về với quãng thời gian ấm áp khi xưa. Em mong mỏi, khát khao được ở bên bà: "Cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu." Trong lời tâm sự ấy, ta hiểu được những vất vả, khó khăn đến cùng cực mà em đang phải gánh chịu. Điều cần thiết với em lúc này không phải là được sưởi ấm, được ăn no. Em mong mỏi được sống trong tình yêu thương của gia đình. ĐÓ chính là ước mơ thầm kín bấy lâu nay của em. Bởi vậy, mặc cho nỗi sợ bị cha đánh mắng, tuyết rơi giá rét, em vội vàng thắp hết những que diêm còn lại để được bên bà lâu hơn nữa. Rồi em được trở về với bà, đến một nơi mà "chẳng còn đói rét, buồn đau nào đe doạ". Em ra đi thanh thản trong niềm hạnh phúc ngập tràn.

Kết thúc câu chuyện là hình ảnh "ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm". Không ai biết được điều gì đã thực sự xảy ra trong đêm đông hôm đó. Một cái kết buồn trong lòng người đọc nhưng lại là niềm hạnh phúc bé nhỏ của em bé bán diêm bất hạnh.

Thông qua câu chuyện, nhà văn đã gửi gắm một thông điệp nhỏ tới toàn thể nhân loại: thông điệp về tình người. Còn đó ngoài kia biết bao trẻ em lang thang cơ nhỡ đang cần chúng ta dang rộng cánh tay giúp đỡ. Các em thực sự cần được quan tâm, yêu thương và bảo vệ.

Xem thêm: Đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về Cô bé bán diêm

Bài văn 2

Nhà văn An-đéc-xen là một nhà văn gắn liền với nhiều tuổi thơ của trẻ em trên toàn thế giới. Ông đã viết lên nhiều câu chuyện cổ tích với những cái kết có hậu làm nên nụ cười của rất nhiều độc giả nhí.

Nhưng trong tác phẩm "Cô bé bán diêm" kết thúc của truyện lại làm cho người đọc không khỏi băn khoăn day dứt trước sự ra đi của một cô bé nghèo khổ, lang thang trong đêm cuối năm.

Cái chết của cô bé bởi những con người xung quanh cô quá vô tâm, không ai quan tâm tới nỗi đau, sự cô đơn trong tâm hồn của em. Cái chết của cô bé bán diêm chính là lời tố cáo về sự thờ ơ của xã hội với những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.

Trong đêm cuối năm ấy, giữa mùa đông rét mướt đó có một cô bé đi trong đêm tối, dưới trời mưa tuyết với đôi chân trần không giày, không tất, em cũng không đội mũ.

Hai tay em đã tê cóng bởi lạnh buốt, bụng em đói meo bởi từ sáng tới giờ em chưa bán được bao diêm nào. Cũng không có ai nhủ lòng từ bi, bố thí cho em chút tiền lẻ, hay chiếc bánh mì để em có thể ăn lót dạ, ấm lòng.

Trong đêm cuối năm dường như rất ít người ra đường nếu có ai đó có việc phải đi ra ngoài thì hình như họ cũng rất vội vàng, bởi họ không muốn bỏ qua giây phút được cùng gia đình quây quần đón năm mới sang.

Em bé không thể về nhà bởi nếu em không bán được bao diêm nào thì nhất định về nhà sẽ bị cha em đánh đòn. Về nhà cũng không ấm áp hơn ngoài đường là bao, bởi em chỉ sống ở tầng áp mái, không có lò sưởi cũng chẳng đủ ấm. Nghĩ vậy nên cô bé bán diêm cứ tiếp tục đi trong đêm như vậy.

Em đi mãi mà chẳng bán được bao diêm nào, nên cô bé ngồi giữa khe hở của hai ngôi nhà trong suy nghĩ của em chợt lóe lên ý nghĩ lấy những que diêm sưởi ấm cho đôi bàn tay của mình. Nghĩ vậy em đã quẹt một que diêm lên.

Trong ánh sáng lung linh kỳ diệu đó em nhìn thấy một cái lò sưởi. Hơi ấm của nó lan tỏa làm em vô cùng ấm áp. Cô bé bán diêm đã rất lạnh và điều em ao ước lúc này chính là một cái lò sưởi để cho cơ thể em có thể ấm áp lên đôi chút. Khi ánh sáng từ que diêm vụt tắt em lại nhìn thấy những mảnh tường tối đen, tuyết vẫn rơi đường phố vắng lặng người qua lại.

Em quẹt que diêm thứ hai, lần này em nhìn thấy một bàn đầy thức ăn, chao ôi ngon ơi là ngon, có súp nóng, có cả một con ngỗng quay với những chiếc thìa, dĩa bằng bạc sáng loáng cả mắt. Dường như cô bé bán diêm của chúng ta đã rất lạnh và đói. Mơ ước giản dị của em chỉ là một nơi ấm áp và một bữa tối no bụng.

Một mơ ước bình dị với bất kỳ em bé nào nếu có cha có mẹ, có một mái ấm gia đình nhiều tình thương. Nhưng với em bé bán diêm của chúng ta thì thật là điều xa vời hoang tưởng.

Cô bé bán diêm lại quẹt que diêm thứ ba lên lần này em nhìn thấy một cây thông nô en rực rỡ sắc màu. Trên cây thông đó còn treo rất nhiều quà. Đó là cây thông đẹp nhất mà từ trước tới giờ em từng nhìn thấy. Que diêm thứ tư sáng lên em nhìn thấy bà ngoại của mình.

Người duy nhất trên đời này yêu thương em. Nhưng bà đã qua đời từ năm ngoái nên trên cõi đời này không còn ai yêu thương em nữa. Em nhìn thấy bà nhìn thấy người yêu thương của mình, khiến em òa khóc, cô bé muốn được đi cùng bà của mình. Cô gọi lớn "Bà ơi cho cháu đi theo với"

Em mong muốn được sống với người bà thân thương của mình được sống với tình yêu thương của người thân với mình.

Rồi em cũng được đi cùng bà tới một nơi mà chẳng còn những buồn đau, đói khổ, đến nơi mà ba em sẽ chẳng thể nào hành hạ đánh đập em được nữa. Nơi sẽ có nhiều tình thương yêu, hạnh phúc ngập tràn.

Cô bé bán diêm của chúng ta đã ra đi như vậy. Sáng hôm sau trên đường phố khi người ta thức dậy đã thấy có xác một cô bé nằm lạnh lẽo nơi góc phố, trên môi cô vẫn còn mỉm cười hạnh phúc.

Kết thúc của truyện ngắn làm cho người ta ám ảnh bởi trong cảnh đầu năm thiêng liêng, ngày mà con người ta mong ước tới những điều hạnh phúc, hy vọng mới nhưng cô gái nhỏ bé của chúng ta lại ra đi như vậy.

Một kết thúc khiến cho trái tim người đọc cảm thấy nhức nhối nhưng lại là sự giải thoát hoàn hảo cho em. Bởi trên thế gian này không còn ai yêu thương em nữa, mọi người sống ích kỷ và quá vô tâm trước nỗi đau của người khác.

Không ai lo lắng, yêu thương chăm sóc em, tới cha em người thân duy nhất của em cũng không hề quan tâm yêu thương em. Ông ta chỉ biết say xỉn suốt ngày rồi đánh đập hành hạ em bắt em phải đi kiếm tiền về cho ông ta mà thôi, vậy em sống cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Thông qua truyện ngắn này nhà văn An-đéc-xen muốn gửi những thông điệp ý nghĩa nhân văn tới toàn thể con người rằng ở ngoài kia có rất nhiều em bé lang thang cần bàn tay chăm sóc, giúp đỡ của chúng ta. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ nhoi chúng ta có thể cứu vớt được một linh hồn cô đơn, tuyệt vọng, khốn khổ.

Một đề văn hay tương tự: Cảm nhận về nhân vật Cô bé bán diêm trong tác phẩm cùng tên

Bài số 3

Nhà văn An-đéc-xen là một nhà văn nổi tiếng với những câu chuyện cổ tích thần thoại, được các bạn thiếu nhi trên cả thế giới biết tới. Trong những tác phẩm của ông những người tốt, những người có hoàn cảnh bất hạnh thường có một kết thúc có hậu, viên mãn, được hạnh phúc.

Tuy nhiên, truyện ngắn” Cô bé bán diêm” là một tác phẩm đặc biệt mà nhân vật chính trong câu chuyện có cái kết thật bất hạnh. Nó như một lời tố cáo tội ác của xã hội lúc bấy giờ, thờ ơ trước những mảnh đời bất hạnh, thờ ơ với những em bé mồ côi tội nghiệp. Thời đại mà tác giả viết trong tác phẩm của mình, thể hiện sự ích kỷ của người lớn. Họ chỉ biết quan tâm tới hạnh phúc của riêng mình mà thờ ơ với nỗi đau của những người xung quanh.

Truyện ngắn mở đầu bằng một đêm cuối năm, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa tuyết bao phủ, lạnh lẽo vây quanh cảnh vật thiên nhiên và tâm hồn của con người. Sự khắc nghiệt khi trời càng về khuya càng lạnh lẽo, tuyết rơi càng ngày càng dày đặc.

Điều đặc biệt nữa là đêm đó là đêm giao thừa, là đêm cuối năm mà những con người đều dành thời gian cho gia đình của mình. Họ đều mong chờ một điều gì đó tốt đẹp trong năm mới, nhưng lại lãng quên đi những số phận hoàn cảnh sống khó khăn hơn mình.

Trong đêm giao thừa ấy, là lúc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, là khoảnh khắc tiễn đưa năm cũ qua đi, và chào đón năm mới đến. Khắp nơi tuyết phủ một màu trắng xóa. Trong đêm cuối năm ấy, có một cô bé đầu trần không có mũ, chân đi đất, lạnh buốt đang mò mẫm trong đêm tối.

Em đi bán những bao diêm nhỏ để lấy tiền mưu sinh. Cả ngày hôm nay em chưa bán được bao nào, bởi vì ai cũng vô cùng bận, họ tất tả về nhà để kịp đón giao thừa với gia đình, người thân chẳng ai buồn để ý tới em.

Nên cô bé bán diêm tội nghiệp đi mãi đi mãi mà chẳng bán được gì. Nếu như không bán được thì về nhà em sẽ bị ba em đánh đòn. Nghĩ như vậy, em không dám quay trở về nhà dù người lạnh buốt bụng đói, và thân thể mệt mỏi.

Người thân duy nhất yêu thương cô bé trên cõi đời này chỉ có bà ngoại của em. Nhưng bà đã mất từ năm ngoái nên cô bé sống với cha của mình. Nhưng cha em là người thường xuyên say rượu và thường xuyên đánh đập em nếu em không có tiền mang về cho ông ấy. Hai cha con ở trên tầng gác mái, nơi lạnh lẽo, bởi những khe hở từ mái nhà, nên có về cũng chẳng ấm áp hơn.

Cô bé bán diêm đang thương không tên cứ lầm lũi đi trong đêm tối, bơ vơ vô định trong bầu trời trắng xóa bởi tuyết rơi, em cố gắng tới những nơi còn nhiều người qua lại, mong sao có thể bán được chút gì đó. Nhưng có lẽ do trời rét quá mà khách đi lại đều bước rất nhanh họ vội vã trở về nhà, chẳng ai quan tâm tới lời mời chào của em cả.

Em cứ đi đi mãi cho tới khi mệt mỏi em ngồi ở một vách ngăn giữa hai ngôi nhà, nhìn vào những ô cửa sổ. Bên trong nhà những cây thông nô-en lấp lánh ánh đèn đẹp lung linh. Trên những chiếc bàn ăn mọi người vui vẻ ăn tối, có súp nóng, có ngỗng quay, có cả lò sưởi nữa, thật hạnh phúc và ấm áp biết bao. Em bé cứ ngồi đó với hy vọng sẽ có người tới mua giúp em một bao diêm nhỏ.

Em lấy hai bàn tay của mình xoa vào nhau, đôi bàn tay của em đã cứng đờ lạnh cóng, em đưa chúng lên xoa xoa cho đỡ lạnh. Rồi em nghĩ tới việc đánh một que diêm lên để sưởi ấm đôi bàn tay nhỏ đang lạnh cóng. Em lấy bao diêm ra và quẹt một que.

Trong ánh sáng lung linh nhỏ nhoi kia. Em nhìn thấy một chiếc lò sưởi thật ấm áp. Em bé bán diêm của chúng ta đã lạnh cóng nên việc mơ ước đầu tiên của em là có một lò sưởi thật ấm áp để thỏa nỗi lòng. Nhưng khi ánh sáng của que diêm vừa vụt tắt, thì không gian xung quanh lại tối tăm, lạnh lẽo không có gì thay đổi cả.

Cô bé vội vàng lấy que diêm thứ hai ra và quẹt. Lần này em nhìn thấy một bàn đầy thức ăn, có cả một con ngỗng quay béo vàng ngậy. Đó là mơ ước giản dị của một cô bé khi đang đói bụng.

Rồi khi ánh sáng kia vụt tắt em nhìn thấy xung quanh mình tối tăm, lạnh buốt, không gian im ắng tới mức đáng sợ. Em lại vội vàng lấy que diêm thứ ba quẹt lên. Trong ánh sáng lung linh kia em nhìn thấy một cây thông nô en lung linh với những món quà, những ánh đèn nháy nhiều màu sắc thật là đẹp.

Đến que diêm thứ tư em nhìn thấy bà của mình. Bà xuất hiện với nụ cười hiền lành ấm áp, em gọi bà “bà ơi cho cháu đi theo với”, rồi khi que diêm vụt tắt, tất cả lại tăm tối, lạnh lẽo, không gian tĩnh mịch tới lạnh người. Em lại tiếp tục quẹt hết que diêm này tới que diêm khác cho tới khi không còn que diêm nào trong người nữa.

Thật đau xót biết bao khi em bé bán diêm tội nghiệp của chúng ta đã bị xã hội bỏ rơi, lãng quên trong sự đói rét lạnh lẽo của tâm hồn. Chính vì vậy, ước mơ của em là được đến nơi thiên đường nơi có bà em, người duy nhất thương yêu em.

Trong ánh sáng lung linh kia em nhìn thấy bà của mình. Bà cầm tay em rồi cả hai cùng vút lên cao cao mãi không còn những đói rét, bất hạnh, không còn nỗi buồn, những lời mắng chửi những trận đòn roi của cha em. Hình ảnh người bà thật ấm áp sưởi ấm trái tim lạnh giá của em.

Sáng hôm sau, khi người ta ra đường thì nhìn thấy một em bé đáng thương nằm chết cóng bên đường sau đêm giao thừa. Cái chết của em chính là lời tố cáo với xã hội vô tâm.

Dù trên khuôn mặt em chỉ như đang ngủ người ta nhìn thấy em có đôi má hồng và đôi môi như đang mỉm cười, thì cũng không thể nào chối bỏ rằng, việc em chết có phần trách nhiệm của những con người vô tâm kia.

Chính vì họ đã lạnh lùng bỏ đi, làm ngơ trước nỗi khổ của em, nên em mới phải từ biệt cuộc sống này để sang một thế giới khác ấm áp hơn, tình người hơn. Nơi sẽ không mang lại cho em những bất hạnh, đói khổ.

-/-

Trên đây là dàn ý kèm một số bài văn mẫu cảm nhận về truyện ngắn Cô bé bán diêm do Đọc tài liệu sưu tầm và thực hiện, mong rằng với nội dung này các em sẽ hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất.

Cũng đừng quên tham khảo thêm các bài văn mẫu 8 hay khác theo chương trình học nữa em nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM