Trang chủ

Bài văn cảm nhận về một biểu tượng của Sài Gòn (TP HCM)

Xuất bản: 03/04/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 9] Tổng hợp những bài văn hay viết về một biểu tượng của Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) mà em yêu thích nhất.

Đề bài: Hãy viết một bài văn ngắn về một biểu tượng của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh mà em yêu thích nhất.

***

Chợ Bến Thành - biểu tượng của Sài Gòn

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, từ lâu chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua ngôi chợ này đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay.

Những năm gần đây chợ Bến Thành còn là địa điểm tham quan không thể thiếu cho bất cứ tour du lịch nào đến TP. Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, du khách đến chợ không chỉ đơn thuần để tìm mua những hàng hóa hay quà lưu niệm mà còn tìm ở đó chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất.

Hình thành từ trước khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, ngôi chợ khởi thủy nằm ven sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy (thành Gia Định) nên có tên là Bến Thành. Đến năm 1911, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dời chợ về vị trí hiện nay, khi ấy còn là một cái ao sình lầy. Chợ được khởi công từ năm 1912 cho đến cuối tháng 3-1914 mới hoàn tất và hoạt động liên tục kể từ đó cho đến nay.

Bến Thành được xem là chợ bán lẻ quy mô nhất theo nghĩa có thể tìm thấy tại nơi này đủ thứ mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp, đặc biệt hàng thực phẩm thuộc loại chọn lọc nhất. Ở đây không thiếu một thứ gì, từ củ hành, trái ớt, mớ rau, con cá, đủ loại hoa quả mùa nào thức nấy, cho tới bánh kẹo, vải vóc, giày dép, túi xách, đồ điện, điện tử, hàng lưu niệm...

Chợ Bến Thành có tổng diện tích 13.056m², trung bình mỗi ngày đón khoảng 10.000 lượt khách lui tới mua bán và tham quan. Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.

Cửa Nam (nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang) với biểu tượng ngôi tháp đồng hồ ba mặt, là cổng chính, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô. Cửa Bắc (phía đường Lê Thánh Tôn) rực rỡ với những gian hàng hoa tươi và trái cây mời gọi người qua đường. Cửa Ðông (phía đường Phan Bội Châu) hấp dẫn khách hàng bởi các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc. Cửa Tây (phía đường Phan Chu Trinh) lại là nơi thu hút phái đẹp vì sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Ngoài ra, dọc theo các hành lang bao quanh nhà lồng chợ là những gian hàng bày bán đủ các loại mặt hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, thổ cẩm...

Nhắc đến chợ Bến Thành thì không thể bỏ qua khu ẩm thực với sự góp mặt của đầy đủ các món ăn truyền thống khắp mọi miền đất nước. Cuối tháng 1-2012, chợ Bến Thành đã được Tạp chí Ẩm thực Food and Wine nổi tiếng chọn là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh, chính là lời khẳng định hùng hồn cho sự phong phú đó.

Chợ Bến Thành cũng rất sôi động về đêm, bắt đầu từ 7 giờ tối, 178 quầy hàng đổ ra hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ với các quầy hàng mỹ nghệ, lưu niệm, quần áo và đặc biệt là hàng ăn.
Khách đến chợ Bến Thành chủ yếu chia thành hai dạng: khách vãng lai và khách hàng thân thiết. Khách vãng lai phần lớn là du khách trong đó đa phần là người nước ngoài, còn khách hàng thân thiết gồm dân cư sống ở các con phố lớn xung quanh cũng như những cư dân lâu năm của Sài Gòn.

Điểm độc đáo nhất, chẳng ở đâu có các cô bán hàng xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang và thành thạo ngoại ngữ như các tiểu thương chợ Bến Thành. Bước chân vào chợ là len lỏi giữa dòng du khách nước ngoài nườm nượp, tai nghe những lời chào bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Thái... xôn xao như một bản hợp âm. Có thể nói ít ngôi chợ nào trên đất nước thu hút được lượng du khách với mật độ cao, nhiều màu da và đa quốc tịch như cái chợ này.

Còn khách bản địa khi vào chợ thì được coi như người nhà, nếu còn trẻ thường được gọi là cưng, em gái hoặc chị Hai, cô Ba... ngọt xớt! Bẵng đi một thời gian, cũng người ấy nếu trở lại chợ sẽ được trìu mến gọi là má, mẹ, dì, và đến lúc nào đó sẽ không khỏi bần thần khi được mọi người cung kính gọi bằng... ngoại!

Hàng hóa ở đây đa dạng hơn rất nhiều nơi, có đủ các loại từ hàng xuất khẩu, hàng gia công đến hàng xách tay cao cấp. Thực phẩm thì đạt chuẩn vừa tươi vừa ngon, nhiều mặt hàng không đâu có được như rau củ trái mùa, trái cây ngoại nhập, thủy hải sản tươi sống, hàng đặc sản bào ngư, vi cá, hải sâm... được đưa thẳng tới từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Giá cả nơi đây lại không hề đắt, với điều kiện bạn dám trả giá mạnh bạo. Bí quyết để mua hàng rẻ là nắm đúng giá trị món hàng và có kỹ năng... kèo nài. Nếu khéo trả giá bạn vẫn có thể mua được hàng hóa với giá sỉ, vì phần lớn các quầy hàng ngoài việc bán lẻ còn là điểm buôn sỉ cho cả một hệ thống phân phối ở nhiều chợ, cửa hàng trong thành phố và các tỉnh..

Mặc dù xu hướng mua sắm của một đô thị hiện đại là vào siêu thị hoặc các trung tâm thương mại, nhưng đôi khi trong nhịp sống nhanh đó người ta cũng cần sống chậm đi, như một cách lấy lại thăng bằng cho tâm hồn. Đó là một trong những lý do để chợ Bến Thành nói riêng và các chợ truyền thống nói chung sẽ vẫn tồn tại mãi với thời gian. Và phần hồn của chợ Bến Thành nằm ngay trong nhà lồng, nơi đời sống đô thị diễn ra sinh động nhất qua những giao tiếp thân tình giữa con người với con người.

(Theo Thiên Khôi/ DNSG cuối tuần)

Một số bài viết hay về những biểu tượng của TP HCM

Bài số 1: Nhà thờ Đức Bà: Kiệt tác kiến trúc 138 năm tuổi giữa Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà nay là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn - TP.HCM. Trước đó, trong giai đoạn đầu của giáo phận Tây Đàng Trong (nay là Tổng giáo phận Sài Gòn - TP.HCM) từng có một ngôi nhà thờ đầu tiên, gọi là nhà thờ Sài Gòn ở đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế, Q.1) và tiếp đó là nhà thờ Sài Gòn (thứ 2) bằng gỗ được xây dựng bên bờ Kênh Lớn. Kênh Lớn trước đây còn gọi là Kênh Chợ Vải hay Kênh Charner, nằm ngay giữa đường Nguyễn Huệ, bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước Dinh Xã Tây, nay là trụ sở HĐND, UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn, Q.1). Ngày 11.4.1861, theo quyết định của đô đốc Léonard Victor Joseph Charner, Kênh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner. Hai bên bờ kênh là hai con đường chạy song song: đường Rigault de Genouilly (phía thương xá Tax) và đường Charner (phía khách sạn Palace). Năm 1887, kênh Charner được san lấp. Hai đường phía hai bên dòng kênh được sáp nhập thành đại lộ Charner. Năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ, và ngày nay là quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Để chuẩn bị cho một ngôi nhà thờ kiên cố, bền vững theo dòng thời gian, xứng tầm là nhà thờ trung tâm của vùng đất phương Nam - Sài Gòn đang phát triển mạnh mẽ, tháng 8.1876, Thống đốc Nam Kỳ Guy Victor Auguste Duperré đã tổ chức thi tuyển thiết kế nhà thờ mới - nhà thờ Sài Gòn thứ 3 (nhà thờ Đức Bà hiện nay). Vượt qua nhiều đồ án tham gia cuộc thi, đồ án của kiến trúc sư J.Bourad (ảnh) đã được chọn. Bản thiết kế của ông rất độc đáo, đã phối hợp hài hòa hai trường phái kiến trúc cổ điển lừng danh Roman và Gotich.

Thống đốc Nam Kỳ Guy Victor Auguste Duperré (ảnh) cũng cho tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thi công nhà thờ mới. Cuối cùng, kiến trúc sư J.Bourad trúng thầu công trình xây dựng đặc biệt này.

Sau khi bản vẽ chính thức được tuyển chọn, vấn đề vị trí của ngôi nhà thờ mới cũng từng bước được đặt ra và lựa chọn. Trước hết, vị trí Trường Thi cũ, nằm ở góc đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, hiện nay là Tòa lãnh sự Pháp. Nơi thứ 2 là vị trí nhà thờ cũ ở bên dòng Kênh Lớn (nay là quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ). Nhưng cuối cùng, vị trí hiện tại được chọn và nhà thờ Đức Bà hiện diện sống động giữa trung tâm Sài Gòn - TP.HCM suốt 138 năm qua.

Ngày 7.10.1877, Đức cha Isidore Colombert, tên Việt là Đức cha Mỹ, giám mục đại diện tổng tòa giáo phận Tây Đàng Trong lúc bấy giờ, đã cử hành nghi thức làm phép và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Sài Gòn (nay là nhà thờ Đức Bà).

Công trình được thi công khá nhanh, khoảng hai năm rưỡi, vào đúng vào dịp lễ Phục sinh, ngày 11.4.1880, thánh lễ làm phép và khánh thành nhà thờ Sài Gòn cũng do chính Đức cha Isidore Colombert cử hành trọng thể với sự tham dự của Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Villes. Các vật tư chính để xây dựng nhà thờ như xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông… đều được mang từ Pháp sang. Thời kỳ đầu, nhà thờ có tên gọi là nhà thờ Nước, bởi vì tất cả kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp thời ấy cung cấp với số tiền 2,5 triệu francs Pháp theo thời giá lúc bấy giờ.

Phần cao nhất của nhà thờ là hai tháp chuông. Khi mới hoàn thành công trình vào năm 1880, hai tháp chuông cao khoảng 37m. Năm 1895, theo thiết kế bổ túc của kiến trúc sư Fernand Gardes, hai tháp thép dạng chóp nhọn được lắp dựng thêm bên trên tháp chuông, làm cho tháp chuông nhà thờ vươn cao trên bầu trời với chiều cao mỗi tháp khoảng 60m. Để đỡ bộ chuông nặng gần 30 tấn với 6 quả chuông, tường nhà thờ được xây rất dày, khoảng 1,4m.

Từ phía tháp chuông nhìn ra ngoài, sẽ thấy một quảng trường (hiện mang tên Công xã Paris) với 4 con đường nhỏ giao nhau tạo thành hình thánh giá mà trung tâm là tượng Đức Mẹ Hòa Bình được lắp dựng vào năm 1959. Tượng do nhà điêu khắc G.Ciocchetti thực hiện. Bức tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn bằng đá cẩm thạch trắng carrara của Ý, được tạc với chủ đích nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế thẳng đứng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên bầu trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hòa bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn, mà hiện nay đầu con rắn bị bể mất cái hàm trên.

Vào thời điểm năm 1959, Đức Hồng y Agagianian đã làm phép tượng Đức Mẹ Hòa Bình tại quảng trường trước nhà thờ Sài Gòn. Từ đó, với sự kiện này, nhà thờ Sài Gòn có tên gọi là nhà thờ Đức Bà. Trên bệ đá, phía trước tượng Đức Mẹ, có một tấm bảng bằng đồng với hàng chữ Latinh: REGINA PACIS - ORA PRO NOBIS - XVII. II. MCMLIX, nghĩa là “Nữ vương Hòa Bình - Xin cầu cho chúng con - 17.2.1959”

Nhà thờ Đức Bà đã được kiến trúc sư J.Bourad thiết kế theo lối kiến trúc rất độc đáo, kết hợp hài hòa giữa kiểu thức Roman và Gotich tạo nên một phong cách riêng cho ngôi nhà thờ cổ kính. Công trình cũng ghi nhận sự du nhập, giao lưu và tiếp biến của văn hóa, kiến trúc Đông - Tây. Kiến trúc sư J.Bourad đã thành công trong một thể loại công trình thuộc nền văn hóa phương Tây, nhưng xây dựng ở phương Đông với những kết cấu và vật liệu mới nhưng lại phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu bản xứ.

Khi thiết kế mái ngói, kiến trúc sư J.Bourad đã thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa kiểu mái ngói Việt với mái ngói Tây. Căn cứ theo loại ngói lợp hiện nay, có thể phân chia mái ngói nhà thờ thành 3 vùng với khoảng hơn 100.000 viên ngói.

Bộ chuông cổ lắp đặt bên trong hai tháp chuông nhà thờ Đức Bà được thiết kế và vận hành rất độc đáo. 6 quả chuông đồng lớn, được hãng đúc chuông Bollee chế tác vào năm 1879, tại Pháp, với những đường nét họa tiết rất tinh xảo. Bộ chuông nặng tổng cộng khoảng 30 tấn, được phối âm độc đáo với các cung: sol - la - si - do - re - mi.

Trên tường phía dưới và trên cao của nhà thờ Đức Bà có các cửa sổ được lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật thánh bằng kính màu, có nội dung diễn tả các nhân vật thánh và sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng cũng xen kẽ rất nhiều họa tiết và hình tượng phương Đông. Hệ thống kính màu được thiết kế rất đặc sắc và phối sáng hài hòa, tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời. Trong lòng nhà thờ, một làn ánh sáng nhẹ nhàng, tạo bầu không khí trang nghiêm, an bình... Ánh sáng huyền ảo cũng làm cho các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường nổi bật và đẹp hơn. Toàn bộ các ô cửa kính màu do hãng Lorin (Pháp) sản xuất.

Bàn thờ phía cung thánh trong nhà thờ Đức Bà được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối với sáu thiên thần được tạc trên khối đá bàn thờ. Bệ đỡ bàn thờ được chia làm 3 phần, đây là tác phẩm điêu khắc mỹ thuật tuyệt đẹp diễn tả các sự kiện trong Kinh Thánh.

Ánh sáng từ những chiếc đèn chùm được thiết kế với những hoa văn theo kiểu Roman - Gotich tạo nên một không gian lung linh, trang trọng và thánh thiêng. Những chiếc đèn này được chế tác tại Pháp, gắn liền với lịch sử 138 năm qua của nhà thờ Đức Bà.

(Nguồn: thanhnien.vn)

Bài số 2: Thăm quan Bến nhà Rồng

Nếu bạn là người thích tìm hiểu về lịch sử, Bến Nhà Rồng là nơi không thể bỏ qua khi muốn tìm chỗ tham quan tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Bến Nhà Rồng Thành phố Hồ Chí Minh hay còn gọi là Bảo tàng Hồ Chí Minh là một nơi có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với con người Việt Nam. Nơi đây in dấu chân của vị chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi hãy còn là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Nơi đây là nơi Người đã bước lên con tàu mang tên Amiral Latouche Tréville (Pháp) với sứ mạng cao cả tìm đường cứu nước.

Bến Nhà Rồng là di tích lịch sử gắn liền với sự kiện ngày 5/6/1911, cậu thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành, lấy tên là Văn Ba khởi hành từ Bến Nhà Rồng xuống con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp để xin làm phụ bếp, anh đã cùng với khoảng 72 thủy thủ bắt đầu cuộc hành trình đến các nơi khác nhau trên thế giới. Trong thâm tâm người con trai trẻ lúc ấy nung nấu những hoài bão to lớn hơn cả: Người ra đi tìm đường cứu nước. Những thông tin trong sổ lương và sổ thủy thủ của con tàu cho thấy, tháng 6/1911 lương làm việc của Bác chỉ là 50 phơ-răng Pháp, trong khi những người bồi Pháp với khối lượng công việc nhỏ hơn rất nhiều lại được lãnh cao hơn gấp 3 lần.

Vào những năm kháng chiến chống Pháp, Mĩ, Bến Nhà Rồng được nhân dân thành phố chọn làm địa điểm để tổ chức những cuộc biểu tình, mít tinh v.v. Để phản đối chính quyền thực dân và bọn tay sai. Đặc biệt, vào ngày 13/5/1975, con tàu Sông Hồng đã cập để nối con đường biển thông thương giữa 2 miền Nam - Bắc.

Bến Nhà Rồng là một minh chứng lịch sử, là nơi lưu truyền rất nhiều các tư liệu hiện vật, quý giá. Cụ thể, bảo tàng hiện đang lưu giữ, trưng bày khoảng 11.372 tư liệu, hiện vật cùng với khoảng 3.300 đầu sách với chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hiện vật được tổ chức trưng bày ở nhiều không gian khác nhau tạo sự hứng thú cho khách tham quan. Nơi đây giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ thiên tài của tổ quốc, người cha già kính yêu của dân tộc.

Bến Nhà Rồng nằm bên con sông Sài Gòn, gần khu vực cầu Khánh Hội, thuộc địa phận quận 4. Ban đầu là một thương cảng sầm uất được xây dựng từ năm 1892, thương cảng này nằm trên con sông ở Sài Gòn. Khoảng 2 năm sau, ngôi nhà Rồng được xây dựng. Đến năm 1975, ngôi nhà trở thành nơi lưu niệm Hồ Chí Minh.

Tòa nhà nổi bật với cột cờ Thủ Ngữ và kiến trúc nhà Rồng theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” – chỉ hình ảnh đôi rồng hướng về phía mặt trăng. Đây là kiến trúc tiêu biểu của nước ta thời xưa, biểu tượng cho sức mạnh tâm linh hòa quyện với những giá trị nhân văn, phản ảnh trí tuệ của những nền văn minh cổ xưa. Bến Nhà Rồng đến nay vẫn giữ nguyên mình kiến trúc cổ xưa, uy nghi hùng dũng từ xưa đến giờ mà không có một tòa cao ốc nào xung quanh có thể làm lu mờ được.

Bài số 3: Trịnh Công Sơn và âm nhạc sầu muộn

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất giàu thơ, tình như Huế, Trịnh Công Sơn được nuôi dưỡng tâm hồn trong những góc nghệ thuật cổ điển Việt Nam. Ông được học vẽ, chơi đàn, tìm hiểu văn hóa quê hương và đất nước thông qua sách báo. Tuy nhiên, âm nhạc là cơ duyên đến muộn của cố nhạc sĩ sau lần tai nạn năm 18 tuổi. Khi ấy, Trịnh Công Sơn bị thương nặng ở ngực vì tập judo, nằm giường bệnh nhiều tháng. Khoảng thời gian ông tìm hiểu dân ca, đọc sách về triết học, văn học…

"Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy", Trịnh Công Sơn từng chia sẻ khoảng thời gian bén duyên với âm nhạc.

Ca khúc đầu tiên trong kho tàng âm nhạc của Trịnh Công Sơn mang tựa đề Sương đêm và Sao chiều, được ông sáng tác năm 17 tuổi. Tuy nhiên, ca khúc Ướt mi là tác phẩm đầu tiên cố nhạc sĩ công bố với thính giả qua phần thể hiện của Thanh Thúy.

Các sáng tác của Trịnh Công Sơn được biết nhiều qua phần thể hiện của danh ca Khánh Ly và Hồng Nhung. Đây được xem là hai "người tình trong âm nhạc" của cố nghệ sĩ vang danh.

Những ca khúc Diễm xưa, Cát bụi, Còn tuổi nào cho em, Em còn nhớ hay em đã quên, Một cõi đi vè, Tuổi đá buồn… đi sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ khán giả Việt. Trịnh Công Sơn chinh phục người nghe với giai điệu Guitar mơ màng, miêu tả nỗi buồn, cuộc đời, tình yêu bằng ngôn từ đời thường, thật và thẳng.

Ông từng viết về cái chết trong Cát bụi đầy khắc khoải: "Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày". Cố nhạc sĩ luôn ám ảnh bởi cái chết, ông miêu tả sự mất mát và đau thương bi lụy của con người trong khoảng không gian âm nhạc riêng mình.

Truyền thông và khán giả từng vinh danh Trịnh Công Sơn là "biểu tượng văn hóa đại chúng Việt Nam" trong nhiều năm. Những giá trị ông mang lại không chỉ có âm nhạc, chất thơ, tình và những bức thi họa được công chúng yêu mến rộng rãi.

Tình yêu và thân phận cuộc đời là hai chủ đề lớn nhất trong kho tàng âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Từ Ướt mi (1958) đến Như một lời chia sẻ, Xin trả nợ người thời gian đầu thập niên 90 đều được ông sáng tác, mang chung một phong cách và nỗi buồn vương vấn. Điều này chứng minh tâm hồn nghệ thuật và nhiệt huyết âm nhạc của Trịnh Công Sơn chưa từng mai một theo năm tháng.

Ba bản tình ca Diễm xưa, Một cõi đi về, Cát bụi được nhiều thế hệ công chúng yêu mến với giai điệu nhẹ nhàng, in sâu bởi sự đời và cái tình chân thật. Ông Trịnh sử dụng chất nhạc Acoustic, điệu Slow, Blues hoặc pha chút Boston tạo cảm giác chậm rãi, du dương cho người nghe.

Mỗi sáng tác của Trịnh Công Sơn đều mang chất thơ, nhạc khác lạ với nhiều ca khúc thị trường hiện nay. Cố nhạc sĩ sử dụng văn học với phép ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ hoặc những từ đồng nghĩa, từ phức… miêu tả về cuộc đời. Đôi khi, cố nhạc sĩ pha hơi hướng siêu thực, trìu tượng và quan điểm Phật giáo trong âm nhạc.

Ngoài nhạc tình, Trịnh Công Sơn viết nhiều ca khúc về mảnh đất Huế và quê hương Việt Nam thơ mộng. Các tác phẩm như Chiều trên quê hương tôi, Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn – Hà Nội… được đông đảo công chúng yêu thích. Nhiều ca khúc nhạc thiếu nhi của Trịnh Công Sơn được khán giả yêu thích gồm: Tiếng ve gọi hè, Tuổi đời mênh mông, Tết suối hồng, Em là hoa hồng nhỏ

Âm nhạc như tiếng lòng bi thương của cố nhạc sĩ về cuộc đời, thơ và họa phác họa cuộc sống giàu tình người, chân chất của Trịnh Công Sơn. Ông ít sáng tác thơ và chủ yếu dùng chất văn học trong âm nhạc phổ biến với khán giả. Các tác phẩm hội họa của cố nhạc sĩ được trưng bày tại triển lãm Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc – Việt Nam, khoảng không gian trong gia đình…

Hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn có giá trị văn hóa to lớn, được dịch nhiều thứ tiếng và các nghệ sĩ trẻ luôn làm mới để hát được nhạc của ông. Nhân dịp 80 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ, nhiều khán giả nhớ về từng câu chữ ông viết về cuộc đời, nơi "cõi tạm tiều tụy" hay Sài Gòn trong chiều hoàng hôn buông nắng xuống đường.

Âm nhạc, lối sống và giá trị văn hóa của Trịnh Công Sơn ảnh hưởng tới phong cách nghệ thuật của nhiều ca sĩ sau này như Hồng Nhung, Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh… Những giai điệu Diễm xưa, Cát bụi hay Còn tuổi nào cho em vang vọng trong chiếc tai nghe thời hiện đại hay được tua chậm trong quán café nhạc Trịnh vùng ngoại ô Hà Nội.

/***/

Trên đây là một số bài viết cung cấp thông tin chi tiết về một số biểu tượng của Sài Gòn (TP. HCM). Các bạn có thể đọc và tham khảo những thông tin chính có thể sẽ hữu ích cho bài viết của mình. Chúc các bạn làm bài tốt !

Tuyển tập Văn mẫu 9 chọn lọc / Đọc Tài Liệu


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM