Trang chủ

Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín

Xuất bản: 04/07/2023 - Tác giả:

Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín với dàn ý và một số bài văn mẫu tuyển chọn giúp học sinh tham khảo để nêu cảm nhận về bài thơ Mùa xuân chín.

"Mùa xuân chín" là bài thơ hay viết về mùa xuân của nhà thơ Hàn Mặc Tử, bài thơ để lại nhiều cảm xúc trong long người đọc. Với dàn ý và những bài văn hay tuyển chọn dưới đây, các em hãy viết bài văn nêu cảm nhận về bài thơ "Mùa xuân chín"

Dàn ý Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín

I. Mở bài

Khái quát những hiểu biết của em về tác giả Hàn Mặc Tử, tác phẩm Mùa xuân chín.

II. Thân bài 

1. Phân tích

- Dấu hiệu báo xuân sang:

+ Xuân tới mang theo “làn nắng” nhẹ nhàng, mềm mại, trong "khói mơ tan", làn nắng ấy "ửng" lên ⇒ gợi cảnh sắc thiên nhiên thật êm ái.

+ “Đôi mái nhà tranh” đón nhận lấy cái ánh nắng tinh khiết, trong trẻo ⇒ gợi nên một cảm xúc ấm áp, hài hòa.

+ Từ "trêu" ⇒ gợi liên tưởng đến những câu ca dao, hát ghẹo, tình tứ của tình yêu đôi lứa.

⇒ Bức tranh mùa xuân chốn quê hiện ra thật thanh bình, duyên dáng

- Cảnh vật thôn quê đẫm hơi xuân:

+ “Sóng cỏ” là một hình ảnh ẩn dụ, gợi tả làn cỏ xanh dập dờn như đang đùa vui cùng làn gió xuân nhè nhẹ.

+ Cỏ cây cũng tràn đầy sức sống “gợn tới trời”

+ Niềm vui xuân hoà quyện cùng niềm hạnh phúc lứa đôi.

⇒ Mùa xuân chính là mùa của yêu thương của niềm hạnh phúc tràn đầy.

- Niềm hạnh phúc của lứa đôi:

+ “Vắt vẻo” cùng hòa nhịp với âm trầm “hổn hển” qua đây gợi sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, khéo léo

⇒ Niềm yêu đời hòa quyện trong lời hát thơ ngây, trong sáng

- Xuân đến độ chín, khung cảnh, hương sắc xuân đã chẳng còn thơ mộng như ngày nào.

2. Tổng kết lại giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của toàn bài 

3. Có thể trích dẫn một số nhận định.

III. Kết bài

Nêu cảm nhận của em sau khi học xong bài thơ.

Tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Mùa xuân chín

Top 3 bài văn mẫu Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín

Với phần dàn ý, các em sẽ dễ dàng hơn trong việc viết bài văn cảm nhận với đầy đủ những nội dung chính. Để giúp các em có thêm nhiều gợi ý hơn trong việc triển khai bài viết cũng như bổ sung thêm vốn từ và cách diễn đạt để bài văn hay và hấp dẫn hơn, Đọc tài liệu đã tổng hợp một số bài văn mẫucảm nhận bài thơ Mùa xuân chín dưới đây để các em tham khảo

Bài mẫu 1 - Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín

Không biết mùa xuân có tự bao giờ và thơ xuân có tự bao giờ, chỉ biết người ta sinh ra đã có mùa xuân đẹp đầy sức sống và thổi vào các hồn thơ, sống trong cuộc đời, nếu thiếu đi mùa xuân, thiếu đi những câu thơ xuân thì thật buồn. Hôm qua, hôm nay và ngày mai kia lại có những vần thơ xuân cho con người, cho cuộc sống. Và hôm qua đã có Hàn Mặc Tử với “Mùa xuân chín” khi cảm xúc trong con người lữ khách đó đã đến độ tràn đầy.

Nói đến mùa xuân, có ai không hiểu đó là những phút rạo rực nhất của cuộc đời, của cuộc sống. Mùa xuân mỗi khoảnh khắc một vẻ, lúc là “mùa xuân nho nhỏ”, lúc là “mùa xuân xanh”… và đây “Mùa xuân chín” nghe vừa mới, vừa sôi nổi, vừa có một sức sống dồn nén đang thầm nảy nở giống như cái mới, cái lãng mạn và khao khát trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.

Mỗi dòng thơ đều phảng phất hơi xuân, đều thấm đượm cái đẹp của tâm hồn thi sĩ. Mùa xuân bắt đầu từ cái nắng mới lạ thường:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lí bóng xuân sang”.

Đúng là nắng xuân, chẳng phải tia nắng, hạt nắng, chẳng phải giọt nắng mà là “làn nắng”. Chữ “làn” như gợi một hơi thở nhẹ nhàng, nắng như mỏng tang, mềm mại trải đều trong thơ và trong không gian. Làn nắng lại “ửng” lên trong “khói mơ tan”. Cảnh sắc nhẹ nhàng, đẹp dân dã mà huyền diệu. Sương khói quyện với nắng; cái “ửng” của nắng được tôn lên trong làn khói mơ màng đang “tan” ấy. Ngòi bút thi sĩ vẫn hướng đến một nét thơ truyền thống, cổ điển, cảnh như có hồn, như có tình chan chứa. Trân trọng đón lấy cái nắng mới tinh khiết ấy là “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng’!. Sự hô ứng trong vần thơ tạo ra một cảm xúc ấm áp, cảnh vật cân xứng hài hòa, đầy thơ mộng. Vài nét chấm phá đơn sơ mà tinh tế gợi cảm, dung dị mà đáng yêu. Chỉ có “đôi mái nhà tranh” hiện lên trong “làn nắng ửng” nhưng vẫn gợi lên một sức sống đang lay động, dân dã bình yên rất thân thuộc với mọi người. Nắng như đang rắc lên “đôi mái nhà tranh” chút sắc xuân và hương xuân: “Sột soạt gió trêu tà áo biếc”. Cái âm thanh của gió “trêu” tà áo và cái gam màu “biếc” của, lá cây là cái tình xuân. Một chữ “trêu” đáng yêu quá, thân thương quá, có gì như mang hương sắc đồng quê từ những câu ca dao, hát ghẹo tình tứ thuở nào cứ ngân nga mãi trong lòng ta… Gió cũng chọn áo mà “trêu”, phải chọn áo biếc mới thật thơ, thật đẹp. Mùa xuân là như thế, “chín” là như thế

Từ cụ thể, từ làn nắng, từ mái nhà tranh, từ gió rồi mới khái quát: “Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”. Câu thơ có một sự ngưng đọng, ngập ngừng cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, vấn vương đón “bóng xuân sang”, cảm xúc ngưng tụ như nín thở ấy ẩn mình vào dấu chấm giữa dòng thơ. Mạch thơ ngập ngừng như mạch cảm xúc. Bên giàn thiên lí, mùa xuân đã sang. Mùa xuân nhẹ nhàng bước… như có thể cầm được, có thể ngắm được ngay trước mắt mỗi chúng ta.

Sau dấu chấm (.), sau cái ngưng tụ và run rẩy như dây đàn căng lên trong tâm hồn nhà thơ thì mùa xuân ào đến:

“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi”.

Cỏ như xanh mãi, tươi mãi trong không gian mênh mông, bao la. Hình ảnh ẩn dụ “sóng cỏ” và ba chữ “gợn tới trời” gợi tả làn cỏ xanh dập dờn trong làn gió xuân nhè nhẹ thổi. Chẳng biết ngoài kia là sóng cỏ thật , hay lòng thi sĩ cỏ xanh tươi mới gợn thành “sóng” như thế? Mùa xuân bao giờ chẳng có màu xanh của cỏ. “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi” (Độ đầu xuân thảo lục như yên – Nguyễn Trãi). “Cỏ non xanh tận chân trời” (Nguyễn Du)… Gam màu “xanh tươi” đầy sức sống yên bình ấy trong thơ Hàn Mặc Tử cứ gợn tới trời”, trải dài mãi như không dứt, trải mãi, ngâm vào hồn thơ. Trong sắc xuân ấy, tình cảm con người cũng đến độ chín. Tiếng hát giữa mùa xuân thân quen quá, yêu thương quá. Một nét đẹp truyền thống của dân tộc, đẹp như ca dao, dân ca, như lễ hội mùa xuân muôn thuở của cái xứ sở này được nói đến qua tiếng hát “vắt vẻo” và “thơ ngây” của những nàng xuân, của bao cô thôn nữ. Câu thơ gợi lên cái “chín” trong hồn bao cô thôn nữ qua âm thanh “vắt vẻo”, trong trẻo, tươi mát của câu hát giao duyên, của trai gái nơi đồng quê, mộc mạc mà tình tứ. Tâm hồn nhạy cảm, yêu cuộc sống thiết tha của thi sĩ Hàn Mặc Tử đã bắt vào lời hát ấy nhiều xao xuyến. Mùa xuân mới thực sự “chín” khi có con người và có dư âm tiếng hát:

“Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây”.

Âm thanh đọng lại trong từng tiếng thơ, độ ngân rung, “vắt vẻo” hòa nhịp với âm trầm “hổn hển” thể hiện một sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, tài tình. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập hẳn vào cái thế giới âm thanh mùa xuân ấy.

Tiếng ca như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa “lưng chừng núi”. Dư âm tiếng hát dường như giăng mắc, rung lên “vắt vẻo” gợi lên nhiều xao xuyến bâng khuâng trong lòng nhà thơ. Tiếng hát “hổn hển” được so sánh “với lời của nước mây”, lời của thiên nhiên. Hai tiếng “hổn hển” như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, cảm xúc vừa thực vừa mơ đến lạ kì. Lời hát của các cô thôn nữ sao mà đáng yêu thế, như hút hồn người, như tràn ngập cả không gian, góp phần làm nên một “mùa xuân chín”. Và còn có tiếng thầm thì “thầm thì với ai…” dưới bóng trúc, hẳn là tâm sự, là thân thương rồi. “Vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì” là ba cung bậc của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu. Sự phong phú về giai điệu và phức điệu của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người, để rồi cùng nhà thơ bâng khuâng cảm nhận: “Nghe ra ý vị và thơ ngây…”.

Tiếng hát mùa xuân dân dã, tình tứ và đáng yêu quá, sắc xuân, hương xuân, tình xuân “đang chín” dần trong lòng thôn nữ, bỗng ngập ngừng như có sự hẫng hụt, băn khoăn:

“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi”.

“Đám xuân xanh ấy” là các cô thôn nữ đang hát, đang “thầm thì với ai ngồi dưới trúc” kia sẽ chín cùng mùa xuân và sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi… Thiên nhiên và lòng người như quyến luyến mùa xuân dần trôi qua, tuổi xuân hồn nhiên dần trôi qua. Hàn Mặc Tử như chợt thấy buồn, thấy hẫng hụt, bâng khuâng, như mất mát đi một cái gì trong lòng khi mùa xuân đang chín… “Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua – Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” (Xuân Diệu).

Hàn Mặc Tử chính là người lữ khách đi qua mùa xuân gặp cái ý vị của mùa xuân: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín…”. Một nét bút truyền thống cổ điển “xuân hướng lão” xen lẫn cái hiện đại, mới mẻ làm cho ý thơ thêm đậm đà hơn.

Gặp lúc mùa xuân chín ấy mà thổn thức:

“Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.

Hình ảnh của kí ức hiện lên một thoáng buồn đẹp và trải rộng mênh mông xa vắng. Nhà thơ nhớ đến con người như khao khát một tình người, một tình quê. Mỗi một nổi nhớ đều rất bâng khuâng. Nhớ một công việc cụ thể: “gánh thóc” trong một không gian cụ thể: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Chỉ có “chị ấy” là người đọc không thể biết mà chỉ có tác giả mới biết để mà “sực nhớ”, mà thầm hỏi. Mà man mác sợ “mùa xuân chín” ấy sẽ trôi qua. Hình như đó là néi thơ Hàn Mặc Tử, là tâm hồn Hàn Mặc Tử khao khát giao cảm với đời mà luôn có một nỗi niềm cô đơn, trống vắng, hẫng hụt như thế.

“Mùa xuân chín” là một bài thơ xuân rất hay, là một bức tranh xuân mới nhất, trong sáng, rạo rực, say mê, thơ mộng mà thoáng buồn nhất. Hàn Mặc Tử vơi cảm hứng thiên nhiên trữ tình, màu sắc cổ điển hài hòa với chất dân dã, trẻ trung bình dị đã làm hiện lên một bức tranh xuân tươi tắn thơ mộng. Mùa xuân đẹp. Con người trẻ trung, hồn nhiên, xinh đẹp, đáng yêu. Yêu mùa xuân chín cũng là yêu đồng quê, yêu làn nắng ửng, yêu mái nhà tranh, yêu giàn thiên lí, yêu tiếng hát vắt vẻo của những nàng xuân trên “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.

“Mùa xuân chín” lúc thì dạt dào, lúc thì lắng dịu trong tâm hồn thi sĩ. Có lúc vồn vã, có lúc mênh mang, như đang lắng hồn mình vào bước đi của mùa xuân rồi bồi hồi, “sực nhớ… ” và “bâng khuâng”. Cái nhớ bâng khuâng của người lữ khách mãi mãi là tình thương mến, nỗi khát khao giao cảm với hương sắc và khúc nhạc mùa xuân, với làng quê thân thuộc nơi miền Trung “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”…

Bài mẫu 2 - Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín

Hàn Mặc Tử, với cuộc sống ngắn ngủi, tâm hồn đa cảm, mong manh đã để lại cho đời những bài thơ đặc sắc. “Mùa xuân chín” là một trong số đó. Trong không gian của buổi giao mùa, một góc tâm tình của tác giả: Nhớ làng, nhớ quê… và một cái gì đó rất mơ hồ, gợi trong lòng người đọc biết bao suy nghĩ. “Mùa xuân chín” – một khoảng trời riêng của cảm xúc đang “chín” trong lòng nhà thơ, trong lòng người đọc.

Đọc tựa bài, ta hầu như đã cảm nhận được cái “ngon lành”, cái đỉnh cao tận cùng của “Mùa xuân chín”. Nếu có “xuân chín” thì hẳn cũng có “xuân xanh”; “xuân già”. Nằm giữa ranh giới của cái “non trẻ”, cái “già nua”, “Mùa xuân chín” trở nên giá trị nhưng cũng ngắn ngủi, mong manh vô cùng. Để lòng say đắm trong giây phút hoàn hảo nhất của vũ trụ ấy thì còn gì bằng!

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Từ “ửng” trong “nắng ửng” mang một ý nghĩa đặc biệt. Ta có thể liên tưởng đến ngay cái “chín ửng” của quả đào, quả hồng, cái “ửng” hây hây của đôi má các cô gái trong tiết lạnh đầu xuân. Cũng như vậy, xuân đang “chín” lên trong cái “ửng” của nắng. Những làn khói sương tan trong nắng lượn lờ, bồng bềnh nâng tâm hồn thi sĩ lên khỏi mặt đất, khỏi thực tại, bước vào cõi “mơ”. Những “lấm tấm vàng” là hạt nắng hay chính là những ảo ảnh trong đôi mắt của người đang say. Không phải say “quên trời, quên đất” mà cái say của nhà thơ là những phút giây đắm chìm, mê mải, chăm chú; cả âm thanh, hình ảnh và màu sắc cùng hòa làm một: khói tan, mái nhà lấm tấm vàng, gió sột soạt tà áo, giàn thiên lý. Đó là “bóng xuân”. Chỉ là “bóng”, rất mơ hồ, huyền ảo mùa xuân cô gái đẹp, đẹp như trong mơ, đẹp như quả chín, đẹp hoàn hảo lướt qua trong tâm hồn nhà thơ. “Bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Tiếng hát của những cô gái đánh thức Hàn Mặc Tử, đưa nhà thơ trở lại với thực tại. Toàn khổ thơ là tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi: “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy; Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…”

Nhà thơ nghĩ đến ngày mai đây, cảnh vật, con người sẽ đổi khác, những cô gái sẽ không còn những giây phút hồn nhiên, vô tư ca hát với mùa xuân, cũng như xuân rồi sẽ qua, “xuân chín” rồi thì xuân sẽ tàn. Tâm hồn đa cảm ấy, không thể không rung lên xúc động. “Đám xuân xanh ấy” - Mùa xuân tươi đẹp của đời người cũng là mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên mà thi sĩ vẽ ra trước mắt người đọc.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây…

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Trí tưởng tượng của tác giả đã lên đến tột độ, tiếng hát thánh thót như đang “vắt vẻo lưng chừng núi”, đang “hổn hển như lời của nước mây”. Những âm thanh không bay cao, bay xa mà vẫn “thầm thì với ai ngồi dưới trúc”. Từ “ai” cho ta thấy những cảm xúc vô cùng tinh tế trong tâm hồn thi sĩ. Tiếng hát bay khắp không gian, thi sĩ “thu” lại chỉ riêng cho “ai”. Chính là mình rồi tự thốt lên: Nghe ra ý vị và thơ ngây. Có mấy ai đảm nhận hết cả đất trời như vậy! Nghĩ đến đất trời, về những cuộc đổi thay, về mùa xuân, tác giả lại nghĩ về mình “Khác xa gặp lúc mùa xuân chín”. Tác giả nhận ra mình chỉ là một người tha phương, lẻ loi, cô độc, gặp “mùa xuân chín” mới có được giây phút ấm lòng. Hàn Mặc Tử nhớ về làng xưa: “trí bâng khuâng sực nhớ làng”

Nhớ về quê xưa, hình ảnh đầu tiên đến với cái “sực nhớ” của tác giả là hình ảnh người con gái. Đây là cái “sực nhớ”, điều mà ý thức không kiểm soát được mà là của con tim đang dồn dập, nóng bỏng vì nỗi nhớ điều khiển. Những từ, tiếng vần liền “trắng, nắng”, “chang chang” tạo cho người đọc cảm giác rõ rệt về một bờ sông cát trắng, nắng chói rất thật và rõ ràng tạo thành hình ảnh con người thật đẹp: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Mùa xuân luôn là cảm hứng của bao nhiêu thi sĩ. “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử rất đặc sắc và sâu đậm, không những chỉ có “mùa xuân chín” mà còn “chín” cả lòng người thi sĩ, “chín” cả nỗi nhớ làng, nhớ người xưa trong thơ Hàn Mặc Tử.

Bài thơ dạt dào cảm xúc khiến lòng người đọc bâng khuâng. Với tâm hồn lãng mạn cùng những lời thơ tình đặc sắc, Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời một bức tranh xuân, một hình ảnh xuân, một nét xuân đằm thắm dịu dàng. Người thi sĩ đã đi xa nhưng tình người còn vương vấn mãi. Bài thơ ấy cùng với cái tôi Hàn Mặc Tử vẫn tồn tại muôn đời.

Tham khảo thêm: Bình giảng bài thơ Mùa xuân chín

Bài mẫu 3 - Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín

Nhắc đến mùa xuân, là con người ta lại liên tưởng ngay đến những khoảnh khắc rạo rực nhất của cuộc đời, là khi mà vạn vật tràn đầy sức sống tươi mới, cây cối thi nhau đâm trồi nảy lộc. Mùa xuân tới mang theo từng làn gió dịu êm thổi vào các hồn thơ, để người thi sĩ lại được khơi nguồn cảm hứng mà viết nên những câu thơ xuân lắng đọng trong lòng mỗi bạn đọc. Và tác phẩm "Mùa xuân chín" là một trong những bài thơ xuân tiêu biểu, đã làm nên tên tuổi nhà thơ Hàn Mạc Tử. (Trích thơ)

Mỗi vần thơ vang lên đều thoang thoảng hương vị của xuân không chỉ vậy còn thấm đượm vẻ đẹp của tâm hồn người thi sĩ. Mùa xuân bắt đầu từ làn nắng mới lạ thường:

"Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lí bóng xuân sang".

Bức tranh mùa xuân chốn quê hiện ra thật thanh bình, duyên dáng làm sao. Xuân tới mang theo “làn nắng” nhẹ nhàng, mềm mại. Trong "khói mơ tan", làn nắng ấy "ửng" lên, gợi cảnh sắc thiên nhiên thật nhẹ nhàng, êm ái. Bằng tài năng của mình, chỉ với đôi nét chấm phá, người thi sĩ đã khiến cho trái tim các bạn đọc không khỏi xao xuyến, rung động trước cảnh đẹp của mùa xuân. “Đôi mái nhà tranh” trân trọng mà đón nhận lấy cái ánh nắng tinh khiết, trong trẻo. Sự hô ứng được tác giả thể hiện qua từng vần thơ đã gợi nên một cảm xúc ấm áp, hài hòa, quen thuộc mà vô cùng thơ mộng. "Sột soạt gió trêu tà áo biếc", những con gió nhẹ không chỉ ngang qua mà còn nhân cơ hội "trêu" tà áo cùng gam màu "biếc" cây lá, đây chính là cái tình xuân. Một chữ "trêu" thôi sao mà đáng yêu, thân thương quá, gợi cho ta liên tưởng đến những câu ca dao, hát ghẹo, tình tứ của tình yêu đôi lứa. Gió mà cũng chọn áo để "trêu", không chỉ vậy còn phải chọn áo biếc mới thật đẹp, thật thơ. Mùa xuân “chín” chính là như thế đó!

Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín ngắn gọn

"Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi".

Trong không khi xuân tươi vui ấy, đến cỏ cây cũng tràn đầy sức sống “gợn tới trời”. “Sóng cỏ” là một hình ảnh ẩn dụ, gợi tả làn cỏ xanh dập dờn như đang đùa vui cùng  làn gió xuân nhè nhẹ. Trong sắc xuân đẹp đẽ ấy, tình cảm của đôi lứa cũng đã đến độ chín. Tiếng hát trong trẻo, ngây thơ của bao cô gái thông quê vang tuy mộc mạc, giản dị mà đầy tình tứ

“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi."

Niềm vui xuân hoà quyện cùng niềm hạnh phúc lứa đôi, có lẽ ngày mai cô thôn nữ nào ấy sẽ đi lấy chồng và gác lại sau lưng những cuộc vui chơi, câu thơ gợi chút tiếc nuối xen lẫn niềm vui sướng kết nên trái ngọt trong tình yêu. Mùa xuân chính là mùa của yêu thương của niềm hạnh phúc tràn đầy.

"Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây".

Niềm yêu đời hòa quyện trong lời hát thơ ngây, trong sáng Âm thanh dường như ngưng đọng lại, rồi dung hòa vào cùng tiếng thơ, “vắt vẻo” cùng hòa nhịp với âm trầm “hổn hển” qua đây gợi sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, khéo léo. Tâm hồn người thi sĩ dường như đã cùng nhập vào thế giới mùa xuân tươi xinh. Tiếng thơ sao khiến người ta xao xuyến, bâng khuâng đến lạ thường.

"Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"

Nếu ở khổ thơ đầu khung cảnh mùa xuân vừa sang mang bao hương sắc, tràn đầy sức sống của cỏ cây tươi xanh thì khi tới khổ thơ này, tác giả đã thể hiện hình ảnh đối lập khi xuân đến độ chín, khung cảnh, hương sắc xuân đã chẳng còn thơ mộng như ngày nào. Nó mang màu của nỗi niềm tiếc nuối, của nắng gió nơi thôn quê: "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang". Hai câu thơ cuối bài là tâm trạng trĩu nặng, ngậm ngùi, mang sự băn khoăn, mênh mang khó tả, xót xa khi nhớ về hình ảnh một người con gái:

"Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"

Một dòng kí ức buồn đẹp thoáng lướt qua trong dòng suy nghĩ của tác giả. Nhà thơ bỗng nhớ đến hình ảnh một người con gái, tuy chỉ là nỗi nhớ bâng khuân nhưng hiện ra một cách rất cụ thể trong không gian và thời gian. “Chị ấy” hiện ra với một công việc cụ thể “gánh thóc” ở “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Qua độ tuổi xuân thì, nhân vật "chị ấy" cũng giống bao cô gái khác, có lẽ giờ đây đã trở thành một người vợ, người mẹ với bao nỗi lo toan, dù vất vả, khóc nhọc song vẫn ánh lên nét đẹp rạng ngời của người phụ nữ Việt Nam.

“Mùa xuân chín” là một bài thơ nhẹ nhàng, kết hợp cùng những ngôn ngữ giản dị nhà thơ đã gửi gắm trong đó biết bao nỗi thớ thương da diết dành cho quên hương của mình.

-/-

Hy vọng với những bài văn mẫu "Cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân chín" mà Đọc tài liệu tổng hợp giúp các em có thêm tài liệu tham khảo. Cùng với trọn bộ văn mẫu lớp 10 là những tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 10!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM