Trang chủ

Cảm nhận bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du

Xuất bản: 30/12/2019 - Cập nhật: 09/04/2020 - Tác giả:

[Văn mẫu 10] Em hãy nêu cảm nhận về bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của đại thi hào Nguyễn Du để thấy rõ số phận của nàng Tiểu Thanh xinh đẹp nhưng bạc mệnh.

Tài liệu hướng dẫn làm văn cảm nhận bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí gồm hướng dẫn làm bài, lập dàn ý chi tiết cùng tuyển tập top 2 bài văn hay phân tích, cảm nhận về nội dung của bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du).

Cùng tham khảo ngay...

Hướng dẫn cảm nhận bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du

Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.

1. Phân tích đề

- Yêu cầu của đề bài: nêu cảm nhận về nội dung bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí.

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.

- Phương pháp lập luận chính : phân tích, cảm nhận.

2. Hệ thống luận điểm

- Luận điểm 1: Tấm lòng thương cảm của Nguyễn Du với Tiểu Thanh

- Luận điểm 2: Số phận bi thương, uất hận của Tiểu Thanh

- Luận điểm 3: Niềm suy tư và đồng cảm của tác giả với Tiểu Thanh

- Luận điểm 4: Từ cảm thương cho người đến xót thương cho mình.

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

+ Nguyễn Du (1765 - 1820) là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, nhà thơ nhân đạo lỗi lạc với tấm lòng sâu sắc, bao dung, đồng thời cũng là ngòi bút phê phán hiện thực mạnh mẽ, sắc bén.

+ Đọc Tiểu Thanh kí là một trong những bài thơ chữ Hán nổi tiếng của Nguyễn Du nói về cuộc đời bất hạnh của Tiểu Thanh, tâm sự u uất của nhà thơ về cuộc đời, xã hội lúc bấy giờ.

b) Thân bài

* Khái quát cuộc đời Tiểu Thanh

- Tiểu Thanh là người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, là người rất thông minh và nhiều tài nghệ

- Năm 16 tuổi làm vợ lẽ một người Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Vợ cả ghen bắt ở riêng trên một ngọn núi thuộc địa phận Hàng Châu.

- Tiểu Thanh buồn khổ nên đã làm rất nhiều thơ, từ, sau đó lâm bệnh mất lúc 18 tuổi.

- Tập thơ từ nàng để lại người vợ cả đem đốt, may mắn có một số bài thơ còn sót lại được người ta khắc in và đặt tên là phần dư.

=> Tiểu Thanh là người con gái tài sắc nhưng bạc mệnh.

* Luận điểm 1: Tấm lòng thương cảm của Nguyễn Du với Tiểu Thanh (hai câu đề)

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

(Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)

- Hình ảnh vườn hoa đẹp bên Tây Hồ nay đã trở thành bãi hoang chẳng còn lại gì

- Trước đây khi Tiểu Thanh còn sống thì cảnh Tây Hồ là một vườn hoa tươi đẹp, mĩ lệ nhưng khi Tiểu Thanh chết đi thì vườn hoa ấy biến thành một bãi gò hoang

-> Người mất thì cảnh cũng không còn đẹp như trước nữa. Vạn vật dù xấu dù đẹp, dù lớn dù nhỏ đều chịu sự nghiệt ngã của thời gian vô tình.

=> Tình cảm xót xa giữa một bên là cái đẹp một bên là sự hủy diệt, sự thay đổi đến tàn khốc của hiện thực, của số phận, cái đẹp.

- "Thổn thức" ->  tiếng khóc của Nguyễn Du thương xót, đồng cảm với phận má hồng.

- "Mảnh giấy tàn" : bài viếng nàng Tiểu Thanh của Nguyễn Du

-> Trước cảnh tượng cùng hình ảnh con người hiện về trong đầu nhà thơ cùng giấy bút mà viết đôi dòng viếng linh hồn người con gái ấy.

=> Một cảnh ngộ cô đơn giữa hiện tại không có người sẻ chia để tìm về quá khứ, tìm kẻ tri âm. Người khóc và người được khóc, người quá khứ và người hiện tại đều đồng điệu một nỗi cô đơn.

=> Hai câu thơ thể hiện sự thương xót của nhà thơ dành cho Tiểu Thanh, người con gái tài sắc ấy lại có một cuộc đời thật bạc bẽo. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du đã vượt thời gian, không gian.

Luận điểm 2: Số phận bi thương, uất hận của Tiểu Thanh (hai câu thực)

"Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư"

(Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương)

- "Chi phấn" : ẩn dụ cho sắc đẹp của nàng Tiểu Thanh. -> bị chôn vùi.

- "Văn chương" : ẩn dụ cho tài hoa, trí tuệ của nàng. -> bị đốt bỏ.

-> Gợi lại cuộc đời và số phận bi thương của Tiểu Thanh.

=> Hai câu thơ đầy ý vị ngậm ngùi, xót thương, như một tiếng khóc thầm cho số phận người con gái tài hoa bạc mệnh.

=> Nguyễn Du ngợi ca vẻ đẹp của Tiểu Thanh như là một vẻ đẹp hoàn thiện hoàn mĩ. Đồng thời lên án xã hội bất nhân đương thời, người phụ nữ bị coi thường khinh miệt.

Luận điểm 3: Niềm suy tư và đồng cảm của tác giả với Tiểu Thanh (hai câu luận)

"Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư"

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.)

- "Cổ kim hận sự": Mối hận xưa nay

+ Cổ: mối hận của Tiểu Thanh hay chính là của những người phụ nữ khác như nàng.

+ Kim: mối hận của những người “hồng nhan bạc mệnh thời Nguyễn Du”

- "Phong vận kì oan": nỗi oan lạ của những khách văn chương -> Số phận cay đắng của những con người tài hoa trong xã hội xưa: có tài nên phải long đong.

- “ngã tự cư” -> ý thức cá nhân về nỗi đau, về người tài hoa bạc mệnh càng sâu sắc hơn.

=> Tác giả thay cho người phụ nữ thể hiện nỗi uất hận, hận cảnh hồng nhan bạc phận.

=> Quan niệm tài mệnh tương đối : những người tài hoa thì sẽ gặp tai họa. Người con gái ấy tài năng, xuất chúng cho nên sẽ gặp tai họa chứ không thể có một cuộc đời yên bình được.

* Luận điểm 4: Từ cảm thương cho người đến xót thương cho mình (hai câu kết)

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

- "Tam bách dư niên" - ba trăm năm có lẻ : Con số mang tính ước lệ, ý chỉ thời gian dài.

- "Tố Như" : Tên chữ của Nguyễn Du.

-> Câu hỏi tu từ có hướng tới một con số: ba trăm năm có lẻ - cái nhìn về tương lai dài, tuy cụ thể nhưng lại dằng dặc.

-> Ý thơ chuyển đột ngột từ “thương người” sang “thương mình” với khát vọng tìm được sự đồng cảm nơi hậu thế. Ông mong mình có một chút may mắn như Tiểu Thanh, mong 300 năm sau cũng có người khóc cho ông cùng với bao kẻ tài hoa khác, chia sẻ những tâm sự của cuộc đời với ông, đồng tình với những tiếng kêu trong xã hội.

=> Văn chương chân chính là sợi dây kết nối những tâm hồn, những trái tim biết yêu thương.

* Đặc sắc nghệ thuật

- Thể thơ thất ngôn bát cú

- Từ ngữ thơ sâu sắc, đầy triết lí

- Các biện pháp nghệ thuật: phép đối, câu hỏi tu từ...

- Hình ảnh thơ hàm súc, giàu giá trị biểu tượng

- Giọng điệu buồn thương, cảm thông, chia sẻ.

c) Kết bài

- Nêu cảm nhận của em về giá trị nội dung của bài thơ.

4. Sơ đồ tư duy cảm nhận bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

Một số bài văn mẫu hay cảm nhận về bài Đọc Tiểu Thanh kí

Cảm nhận bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí bài số 1

Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, ông là nhà thơ hiện thực và nhân đạo lớn nhất trong nền văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác văn học đồ sộ ghi dấu ấn trong lòng người đọc. trong đó bài “ Độc tiểu thanh kí” (trích Thanh Hiên Thi Tập) là bài thơ để lại nhiều cảm xúc cho người đọc nhất, bởi tâm trạng xót thương của tác giả về những số phận lênh đênh.

Hai câu mở đầu tác giả đã giới thiệu về cảnh đẹp của vườn hoa bên Tây Hồ, nơi mà nàng Tiểu Thanh đã từng sống:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”

Không gian Tây Hồ vẫn còn đây, khuôn viên của một vườn hoa với những bông hoa thắm đẹp giờ đã không còn nữa. Vườn hoa đã thành gò hoang, gò hoang vắng đã thay thế cho vườn hoa. Cái “hữu” đã thành cái không, cái “đẹp” đã bị thay bởi cái “tàn tạ” hủy diệt. Từ “tẫn” mang ý nghĩa phủ định tuyệt đối; đã thay đổi hết không còn một dấu vết gì nữa. Đứng ở hiện tại Nguyễn Du bâng khuâng nuối tiếc cái đẹp trong quá khứ. Câu thơ vừa là lời cảm khái trước vẻ đẹp của Tây Hồ bị hủy hoại nhưng cũng là những chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc đời.

Cảnh đẹp Tây Hồ cũng đã gợi nhắc đến nàng Tiểu Thanh một người tài hoa đã sống những năm cuối đời ở đây và gửi thân mãi mãi nơi này. Nhà thơ đã ngồi một mình bên cửa sổ, lặng lẽ cảm thương cho số phận của Tiểu Thanh. Câu thơ đã khắc vào lòng người một cảnh ngộ đơn độc không có người sẻ chia phải tìm về quá khứ. Chính nỗi đau và sự cô đơn đã trở thành sợi dây kết nối hai con người xa lạ, vượt thời gian không gian để tri âm với nhau. Hình ảnh “ mảnh giấy tàn” là hình ảnh khơi gợi cảm hứng của Nguyễn Du đến số phận cuộc đời Tiểu Thanh:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.

Son, phấn là những vật dụng trang điểm gắn liền với người phụ nữ, hình ảnh ẩn dụ cho nhan sắc, vẻ đẹp của Tiểu Thanh. Nhà thơ mượn hai hình ảnh “son phấn” và “văn chương” để diễn tả cho những đau đớn dày vò về thể xác và tinh thần của Tiểu Thanh gửi gắm vào những dòng thơ. Hai câu thơ đã cho thấy nàng Tiểu Thanh vừa tuyệt sắc, tuyệt tài, số phận ngang trái đồng thời tác giả cũng lên án xã hội bất nhân đã không tạo cho một môi trường thực sự nhân văn tiến bộ. Điều quan trọng là Tiểu Thanh giỏi làm thơ nhưng thơ bị đem đốt và bản thân nàng yểu mệnh chết sớm. Thương cảm với nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ là Nguyễn Du trân trọng người nghệ sĩ, thấy ý nghĩa xã hội trong sự cống hiến của người nghệ sĩ.

Từ câu chuyện nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ 200 năm trước sang hai câu luận nó đã tỏa sáng cuộc đời chung của những khách văn chương:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư”.

Từ nỗi oan của Tiểu Thanh đã thành nỗi oan nỗi hận của những người tài hoa. Hận là người có sắc, có tài đều không gặp may mắn, đều đoản mệnh hoặc bị dập vùi. Nỗi hận ấy là hóa giải thành ra câu hỏi muôn đời không có lời đáp “ thiên nan vấn”. Nguyễn Du cũng tự nhận thấy mình là người có tài mà cuộc đời long đong tự nhận là thể hiện ý thức cá nhân sâu sắc ý thức cả về tài năng và nỗi đau. Từ nỗi xót đau trong quá khứ đến hiện tại, trước nỗi đau của những người tài hoa trong đó có mình, tác giả đã không thể kìm nén những tâm sự của riêng mình, bật ra dưới hình thức câu hỏi tu từ, hướng về hậu thế.

Đến hai câu kết, là nỗi khát mong của người nghệ sĩ muôn đời mong được tri âm, đồng cảm:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Ba trăm năm là khoảng thời gian xác định nhưng rất dài. Nó là khoảng thời gian đủ để mọi việc lui vào quá khứ cái còn cái mất. Cả câu thơ là hơn ba trăm năm sau liệu trên thế gian này có người nào khóc Tố Như. Ông khắc khoải mong chờ một sự cảm thông của hậu thế. Vậy là từ số phận của nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du liên tưởng tới số phận mình. Chiếc gạch nối xuyên thời gian, không gian ấy có ý nghĩa như một yêu cầu phổ quát đặt ra cho mọi dân tộc, mọi thời đại về thái độ nhân hậu, trước hết là sự cảm thông đối với cái đẹp, sự hoàn thiện hoàn mĩ thể chất và tâm hồn con người. Nguyễn Du là con người bị bế tắc, mong được giải thoát mà vẫn không tìm thấy đường ra. “ Khấp” là đến tận cùng của sự đau thương. Khấp là khóc cho Nguyễn Du cũng như bao người tài hoa như ông.

Bài thơ là lời ký thác tâm sự của Nguyễn Du, con người đầy tài năng, hoài bão lớn mà luôn gặp hoạn nạn, trắc trở trên con đường đời gập ghềnh giữa đêm đen xã hội phong kiến. Con người ấy giàu lòng yêu thương nhân hậu, luôn khao khát sự cảm thông của người đời.

Xem thêmPhân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

Cảm nhận bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí bài số 2

Một tác phẩm chân chính là một tác phẩm vượt qua bờ cõi, và giới hạn, chứa đựng những điều vừa lớn lao, vừa đau khổ, ca ngợi tình thương, lòng bác ái, sự công bình nó làm cho người gần người hơn. “Đọc Tiểu Thanh kí” của thi hào Nguyễn Du là một áng thơ như vậy, nó đã vượt qua bờ cõi và giới hạn của Việt Nam và Trung Quốc để bằng tấm lòng bao la, đồng cảm của mình Nguyễn Du tri âm với nàng Tiểu Thanh bạc mệnh, bài thơ gửi gắm những triết lí sâu sắc và những giá trị nhân văn sâu sắc.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Du đã vẽ ra một cảnh tượng hoang vu đến tàn tạ:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”

Cảnh đẹp Tây Hồ xưa kia đẹp đẽ và thơ mộng bao nhiêu thì giờ đây lại chẳng còn lại gì, chỉ còn là một bãi hoang phế, đổ nát. Động từ “tẫn” diễn tả sự biến đổi một cách đột ngột đến mức triệt để không còn dấu vết gì, đứng giữa hiện tại nhà thơ bâng khuâng nuối tiếc cái đẹp trong quá khứ. Câu thơ mở đầu vừa là niềm cảm thương nuối tiếc cho cái đẹp trong quá khứ bị hủy hoại để cho thấy những dâu bể của cuộc đời thì ở đó số phận của cái đẹp chịu sự chi phối nghiệt ngã của thời gian vô tình “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường”. Cái đẹp ấy gợi nhắc đến nàng Tiểu Thanh - một người con gái xinh đẹp, tài hoa, đã sống những năm tháng cay đắng, cô đơn ở hiện tại này.

Với hai chữ “độc, điếu” câu thơ đã khắc họa vào lòng người đọc một cảnh ngộ cô đơn phải tìm về quá khứ để chia sẻ. Chính nỗi đau và sự cô đơn đã trở thành sợi dây kết nối vượt thời gian không gian để tri âm, tri kỷ với nhau, hiểu lòng nhau và đồng cảm sâu sắc cho nàng Tiểu Thanh của Nguyễn Du. Hai câu thơ đầu, với hình ảnh đối lập nhà thơ đặc biệt bộc lộ tấm lòng đồng cảm thương xót cho số phận bạc mệnh của nàng Tiểu Thanh. Hình ảnh mảnh giấy tàn ở câu thơ thứ hai tiếp tục khơi tiếp cho câu thơ thực:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.

Son phấn đó vừa thực, vừa là ẩn dụ cho nhan sắc, vẻ đẹp của Tiểu Thanh. Văn chương là tác phẩm nghệ thuật, sáng tạo tinh thần của người nghệ sĩ, tâm huyết và tài năng của Tiểu Thanh. Tiểu Thanh có linh thiêng chắc phải bận lòng, xót xa những việc sau khi chết. xót xa là vì đã chết trong đau đớn, cô độc uất hận sầu khổ nhưng người vợ cả vẫn không buông tha, vẫn cứ giày vò nàng thêm một lần nữa. Văn chương có số mệnh gì vậy mà cũng bị đem đốt, bị hủy diệt. hai câu thơ thực là bức phác họa chân dung của Tiểu Thanh vừa tài hoa, tuyệt sắc nhưng cái tài bị đốt, cái sắc bị chôn, đều bị hủy diệt. vẫn là nghệ thuật đối cân chỉnh để qua đó bộc lộ nỗi thương cảm xót xa Của nhà thơ trước số phận bạc mệnh của cái đẹp, cái tài chân chính. Đồng thời tố cáo xã hội phong kiến bất công là môi trường khiến cái đẹp, cái tài bị hủy hoại, không có chỗ dung thân. đó cũng là thuyết bạc mệnh mà Nguyễn Du đã nêu ra, rằng trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Hai câu luận:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư”.

Nỗi hận xưa nay về số mệnh bất công của con người là câu hỏi muôn thuở, nhưng câu hỏi ấy mãi mãi chỉ là sự vô vọng không có lời giải đáp cụ thể, trời cũng bất lực. Câu thơ viết bằng giọng oán trách, bất bình về nỗi bất công khi cái tài cái sắc luôn bị vùi dập, hủy diệt, Nguyễn Du gửi gắm vào đó nỗi xót xa khi nhận ra đó cũng là số phận chung của những khách phong vận. tự nhận mình là người mắc nỗi oan lạ, cũng là kẻ cùng trường bạc mệnh, đó là sự thể hiện ý thức cá nhân sâu sắc về tài năng và nỗi đau, nhưng còn có sự đồng cảm, thương xót với nỗi đau của người cùng khách phong vận. Tình thương ấy vừa mênh mông, vừa sâu sắc. Qua đó bày tỏ nỗi thấm thía bất công muôn đời của người tài hoa. Đến hai câu kết, là nỗi khát mong của người nghệ sĩ muôn đời mong được tri âm, đồng cảm:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Không biết hơn 300 năm lẻ sau, có ai khóc thương Tố Như không. Nhà thơ mong rằng mình có người biết đến bởi sự thấu hiểu và đồng cảm của những người cùng là khách phong vận, mê đắm văn chương. Kì thực, Nguyễn Du đã nêu lên khát vọng muôn đời của người nghệ sĩ, trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, họ luôn mong muốn nhận được sự tri âm, đồng cảm sâu sắc bởi thi sĩ muôn đời luôn luôn gặp nhau ở một điểm đó là sự cô đơn.

Đọc Tiểu Thanh kí” là tiếng khóc thương người đồng thời cũng là tiếng khóc thương mình, đó là trái tim nhân đạo bao la vừa mênh mông vừa sâu thẳm của Nguyễn Du. Bài thơ tuân thủ những quy tắc nghiêm túc và chặt chẽ của quy luật thơ Đường, từ ngữ cô đọng, hàm súc, hình ảnh giàu tính biểu tượng đã làm nên sức sống nghìn thu của “Đọc Tiểu Thanh kí” và trên hết là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của thi hào dân tộc Nguyễn Du.

-/-

Trên đây là những gợi ý chi tiết cách làm, lập dàn ý và 2 bài văn mẫu tham khảo cảm nhận về bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Mong rằng, bài viết này sẽ giúp các em hoàn thiện bài văn của mình thêm hay và đặc sắc hơn. Chúc các em học tốt môn Văn !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM