Trang chủ

Cách đơn giản để phòng ngừa tai biến mạch máu não

Xuất bản: 21/04/2018

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não bệnh khá phổ biến nhất hiện nay và gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế mọi người cần biết cách phòng ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân.

1. Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi dưỡng lên não gây ra. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và sẽ chết đi trong vài phút.

Hậu quả là các giác quan, các vùng cơ thể do vùng não bị thiếu máu, chảy máu não chi phối cũng bị tổn thương, thậm chí bị hủy hoại nghiêm trọng.

2. Tai biến mạch máu não gây ra hậu quả gì?

Nghiên cứu cho thấy, khoảng 20% bệnh nhân tai biến mạch máu não tử vong trong vòng 1 tháng, gần 10% còn lại tử vong trong vòng 1 năm; khoảng 10% phục hồi không di chứng; 30% có thể tự đi lại phục vụ bản thân; 25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt và gần 25% phải nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người khác.

Trong số những người may mắn thoát khỏi “lưới hái tử thần” thì phải đối mặt với nhiều di chứng của bệnh tai biến mạch máu não là các rối loạn chức năng kèm theo như:

+ Rối loạn về ngôn ngữ: nói ngọng, nói khó, miệng méo.

+ Rối loạn thị giác: mắt mờ, thị giác sụt giảm.

+ Rối loạn cảm giác: tê bì hoặc mất cảm giác nửa người hoặc toàn thân.

+ Rối loạn nhận thức: suy giảm trí nhớ, không nhận biết được không gian, thời gian, người thân hay chính bản thân mình.

+ Rối loạn cơ tròn: tiểu tiện không tự chủ.

Sau đó là các biến chứng lâu dài do liệt nửa người gây ra như (loét do tì đè, viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, teo cơ, co rút cơ…) ảnh hưởng đến chất lượng  sống của người bệnh, có thể khiến cho bệnh nhân tàn tật suốt đời nếu không được phòng ngừa, chăm sóc và phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não đúng cách. Chưa kể chi phí điều trị và nguy cơ tái phát bệnh là rất cao. Điều đó làm gia tăng gánh nặng lên người bệnh, gia đình và toàn xã hội.

3. Phòng chống tai biến mạch máu não ra sao

Tai biến mạch máu não có thể để lại những di chứng vô cùng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, việc phòng chống tai biến mạch máu não cần được thực hiện ngay từ ban đầu.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số loại thực phẩm giúp phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não là:

- Các loại gia vị như: ớt, tỏi, hành tây, gừng, hạt tiêu là những loại gia vị được khuyến khích sử dụng giúp phòng đột quỵ, tai biến.

- Các loại trái cây giàu kali, vitamin C: chuối, cam, bưởi,… giúp cải thiện chức năng nội mô, ngăn ngừa sự hình thành các huyết khối trong tĩnh mạch có tác dụng phòng ngừa đột quỵ.

- Các loại rau, củ, quả chứa nhiều chất xơ, axit folic:được khuyến khích sử dụng nhằm ngăn ngừa tai biến mạch máu não như: súp lơ, các loại rau có màu xanh đậm… có tác dụng giảm cholesterol, tăng tuần hoàn máu lên não.

- Các chất béo bão hòa: dầu vừng, dầu đậu nành, dầu cá thu, cá ngừ, cá mòi… đều có tác dụng phòng ngừa máu đông.

Một số loại thực phẩm không nên dùng, vì khi ăn nhiều những thực phẩm này sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh tai biến mạch máu não rất cao:

- Muối và thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao:giảm tối đa lượng muối cho vào thực phẩm, hạn chế các đồ ăn được chế biến sẵn vì các đồ ăn này thường chứa hàm lượng muối cao.

- Hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất đạm, chất béonhư các loại thịt có màu đỏ, nội tạng động vật,…

Chế độ sinh hoạt:

Thay đổi lối sống là biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tai biến mạch máu não.

- Điều trị sớm các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, béo phì…

- Không uống rượu bia, không hút thuốc lá.

- Cần khám tại các trung tâm y tế nếu đột ngột thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh tai biến mạch máu não như đau đầu, chóng mặt, khó thở, mệt mỏi, sau đó mất đi mà không rõ nguyên nhân để được kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời.

- Không nên suy nghĩ căng thẳng, làm việc nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

- Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể một cách đột ngột.

- Tăng cường các hoạt động thể lực sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch và làm cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp.