Tuyển tập các đề văn về truyện ngắn Hai đứa trẻ cùng chuyên đề đọc hiểu Hai đứa trẻ được Đọc tài liệu tổng hợp dưới đây, nhằm giúp các em học sinh hiểu thêm về tác phẩm cũng như tiếp cận được nhiều dạng câu hỏi, đề bài liên quan đến tác phẩm này hơn để không bỡ ngỡ trước các câu hỏi của đề kiểm tra, đề thi Văn lớp 11 và đề thi THPT quốc gia.
I. Chuyên đề đọc - hiểu Hai đứa trẻ
Ngoài các câu hỏi cho chuyên đề đọc hiểu Hai đứa trẻ qua phần soạn bài Hai đứa trẻ trong SGK Ngữ văn lớp 11, các em học sinh còn có thể mở rộng thêm kiến thức với những câu hỏi được Đọc tài liệu tổng hợp dưới đây nhằm phục vụ cho các em làm các đề văn về Hai đứa trẻ được đầy đủ và đạt điểm cao hơn.
Câu 1: Trình bày những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn Thạch Lam.
Trả lời
Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), sinh tại Hà Nội, trong một gia đình công chức gốc quan lại. Ông là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn.
Thuở nhỏ Thạch Lam sống ở quê ngoại: phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, sau đó theo cha chuyển sang tỉnh Thái Bình. Sau khi đỗ tú tài lần thứ nhất, ông ra làm báo, viết văn.
Những tác phẩm tiêu biểu: các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942); tập tiểu luận Theo dòng (1941); tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943)…
Thạch Lam có biệt tài về truyện ngắn, thường viết những truyện không có cốt chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật. Mỗi truyện của ông như một bài thơ trữ tình đượm buồn, giọng điệu điềm đạm. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc.
Câu 2: Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam muốn phát biểu tư tưởng gì?
Trả lời
Bằng một truyện ngắn trữ tình có cốt truyện đơn giản, Thạch Lam muốn phát biểu tư tưởng:
- Thông qua bức tranh phố huyện nghèo buổi chiều tàn với những kiếp sống nhỏ nhoi trong thời trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn Thạch Lam muốn thể hiện tư tưởng phản kháng đối với xã hội tù túng, ngột ngạt đã khiến cho cuộc sống con người mất hết ý nghĩa.
- Tuy nhiên, tác giả cũng phát hiện những con người nơi phố huyện ấy vẫn có khát vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hằng đêm, họ trông chờ một đoàn tàu đi qua cùng “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng” như chờ đợi “một chút thế giới khác đi qua”. Qua đây, nhà văn muốn thể hiện và khẳng định khát vọng muốn được thay đổi cuộc sống, làm cho cuộc sống xã hội trở nên ý nghĩa hơn.
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Hai đứa trẻ
Câu 3: Hãy nêu những nét chính về tình cảm nhân đạo và bút pháp nghệ thuật của Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ.
Trả lời
- Những nét chính về tình cảm nhân đạo:
+ Tấm lòng thương cảm sâu xa đối với những kiếp người nhỏ bé, sống cơ cực, quẩn quanh, mòn mỏi nơi phố huyện nghèo nàn, tăm tối.
+ Sự trân trọng, nâng niu những nét đẹp bình dị và khao khát đổi đời âm thầm của họ.
- Những nét chính về bút pháp nghệ thuật:
+ Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lãng mạn với hiện thực, giữa tự sự với trữ tình trong loại truyện không có cốt truyện.
+ Phối hợp nhuần nhị giữa tả cảnh với tả tình; sử dụng điêu luyện ngôn ngữ văn xuôi giàu chất thơ.
Câu 4: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”.
(“Hai đứa trẻ” – Thạch Lam, SGK Ngữ văn 11, tập 1,
NXB Giáo dục, 2013)
a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào là chính?
b. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì?
c. Biện pháp tu từ chủ yếu của đoạn văn trên là gì? Nêu tác dụng của nó?
Trả lời
a. Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn là: tự sự, miêu tả.
b. Nội dung chính của đoạn văn là: tả khung cảnh thiên nhiên phố huyện lúc chiều tàn.
c.
– Thủ pháp nghệ thuật: so sánh “phương tây đỏ rực như lửa cháy”; “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”
– Tác dụng: so sánh nhằm làm nổi bật nét đặc trưng riêng biệt của khung cảnh thiên nhiên rực rỡ, sinh động,…
Câu 5: Miêu tả khung cảnh chiều tối muộn nơi phố huyện?
Trả lời
- Trời bắt đầu tối: "một tiếng trống thu không, phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn" => Sự quan sát bao quát của tác giả.
- Cảm nhận của Liên: "Chiều, chiều tối, một chiều êm ả như ru, tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve…" => Cảnh bình dị yên tĩnh nhưng vô cùng buồn.
- Cảnh chợ chiều: "Chợ chiều đã vãn từ lâu, người về hết, chỉ còn thanh tre, rác rưởi. Một mùi ẩm bốc lên, cuộc sống như buồn tẻ, cảnh vật xơ xác tiêu điều ở một phố huyện nghèo".
=> Một phố huyện tối tăm nghèo khổ không sự sống mọi thứ như được bao trùm bởi sự đau khổ buồn bã
- Thứ ánh sáng trong nhà bác phổ Mĩ nhưng là ánh sáng leo lét. Một thứ ánh sáng "yếu ớt, lay lắt tàn lụi gợi đến cuộc sống buồn tẻ, nhỏ nhoi."
- Mọi thứ đều đượm buồn khiến tâm trạng Liên cũng như vậy.
Câu 6: Nêu nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Liên của tác giả trong tác phẩm.
Trả lời
Nghệ thuật miêu tả tâm trạng:
– Cốt truyện đơn giản, nổi bật là những dòng tâm trạng chảy trôi, những cảm xúc, cảm giác mong manh mơ hồ trong tâm hồn nhân vật.
– Miêu tả sinh động những biến đổi tinh tế của cảnh vật và tâm trạng con người.
– Ngôn ngữ, hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng.
– Giọng điệu thủ thỉ thấm đượm chất thơ, chất trữ tình sâu lắng.
II. Các đề văn về truyện ngắn Hai đứa trẻ
Các đề văn về Hai đứa trẻ được Đọc tài liệu tổng hợp và hướng dẫn các em học sinh cách lập dàn ý, cách viết bài với nhiều bài văn mẫu tham khảo cho mỗi đề bài. Các em có thể tìm hiểu chi tiết cho từng đề bài dưới đây.
Đề 1: Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Đề 2: Phân tích tâm trạng của hai đứa trẻ khi đợi tàu
Đề 3: Phân tích nhân vật Liên và An trong Hai đứa trẻ
Đề 4: Phân tích hình ảnh phố huyện lúc đêm khuya trong Hai đứa trẻ
Đề 5: Cảm nhận về Liên trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Đề 6: Phân tích khung cảnh phố huyện trong Hai đứa trẻ
Đề 7: Chứng minh rằng Hai đứa trẻ là một truyện ngắn trữ tình đượm buồn
Đề 8: Chứng minh truyện ngắn Hai đứa trẻ là bài thơ trữ tình đầy xót thương
Đề 9: Cảm nhận bức tranh phố huyện trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Đề 10: Cảm nhận về chất thơ trong Hai đứa trẻ - Ngữ văn 11
Đề 11: Cảm nhận về đoàn tàu trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Đề 12: Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ
Đề 13: Cảm nhận về những kiếp người trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Đề 14: Phân tích giá trị hiện thực trong truyện ngắn Hai đứa trẻ
Đề 15: Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong Hai đứa trẻ
Đề 16: Cảm nhận khát vọng sống của Liên trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Đề 17: Phân tích bút pháp lãng mạn trong Hai đứa trẻ
Đề 18: Phân tích nghệ thuật tương phản trong truyện ngắn Hai đứa trẻ
Đề 19: Phân tích nhân vật An trong hai đứa trẻ (Thạch Lam)
Với các đề văn về truyện ngắn Hai đứa trẻ và các câu hỏi chuyên đề đọc hiểu Hai đứa trẻ ở trên, Đọc tài liệu đã tổng hợp đầy đủ những nội dung chính xoay quanh tác phẩm, các em học sinh có thể từ đó liên hệ với đề bài cụ thể của mình để triển khai thành những bài văn chi tiết.