Các đề văn về Chuyện người con gái Nam Xương và trọn bộ các câu hỏi ôn tập Chuyện người con gái Nam Xương được Đọc tài liệu tổng hợp dưới đây, nhằm giúp các em học sinh hiểu thêm về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của tác giả Nguyễn Dữ. Thêm vào đó là việc giúp các em học sinh như tiếp cận được nhiều dạng câu hỏi, đề bài liên quan đến tác phẩm này hơn để không bỡ ngỡ trước các câu hỏi của đề kiểm tra, đề thi Văn lớp 9 và đề thi tuyển sinh vào lớp 10.
I. Bộ câu hỏi ôn tập Chuyện người con gái Nam Xương
Ngoài những câu hỏi đọc hiểu Chuyện người con gái Nam Xương qua phần soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương trong SGK Ngữ văn lớp 9, các em học sinh còn có thể mở rộng thêm kiến thức với những câu hỏi được Đọc tài liệu tổng hợp dưới đây nhằm phục vụ cho các em làm những đề văn về Chuyện người con gái Nam Xương được đầy đủ và đạt điểm cao trong các bài thi, kiểm tra.
Câu 1: Nêu những nguyên nhân dẫn tới cái chết oan khuất của Vũ Nương?
- Nguyên nhân trực tiếp
Do lời nói ngây thơ của bé Đản. Đêm đêm, ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, Vũ Nương thường “trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản”. Vậy nên Đản mới ngộ nhận đó là cha mình, khi người cha thật chở về thì không chịu nhận và còn vô tình đưa ra những thông tin khiến mẹ bị oan.
- Nguyên nhân gián tiếp
+ Do người chồng đa nghi, hay ghen. Ngay từ đầu, Trương Sinh đã được giới thiệu là người “đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”, lại thêm “không có học”. Đó chính là mầm mống của bi kịch sau này khi có biến cố xảy ra. Biến cố đó là việc Trương Sinh phải đi lính xa nhà, khi về mẹ đã mất. Mang tâm trạng buồn khổ, chàng bế đứa con lên ba đi thăm mộ mẹ, đứa trẻ lại quấy khóc không chịu nhận cha. Lời nói ngây thơ của đứa trẻ làm đau lòng chàng:“Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia, chỉ nín thin thít” Trương Sinh gạn hỏi đứa bé lại đưa thêm những thông tin gay cấn, đáng nghi: “Có một người đàn ông đêm nào cũng đến” (hành động lén lút che mắt thiên hạ), “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đảng ngồi cũng ngồi” (hai người rất quấn quýt nhau), “chẳng bao giờ bế Đản cả” (người này không muốn sự có mặt của đứa bé). Những lời nói thật thà của con đã làm thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông trong lòng Trương Sinh.
+ Do cách cư xử hồ đồ, thái độ phũ phàng, thô bạo của Trương Sinh. Là kẻ không có học, lại bị ghen tuông làm cho mờ mắt, Trương Sinh không đủ bình tĩnh, sáng suốt để phân tích những điều phi lý trong lời nói con trẻ. Con người độc đoán ấy đã vội vàng kết luận, “đinh ninh là vợ hư”. Chàng bỏ ngoài tai tất cả những lời biện bạch, thanh minh, thậm chí là van xin của vợ. Khi Vũ Nương hỏi ai nói thì lại giấu không kể lời con. Ngay cả những lời bênh vực của họ hàng, làng xóm cũng không thể cời bỏ oan khuất cho Vũ Nương. Trương Sinh đã bỏ qua tất cả những cơ hội để cứu vãn tấn thảm kịch, chỉ biết la lên cho hả giận. Trương Sinh lúc ấy không còn nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, cũng chẳng quan tâm đến công lao to lớn của Vũ Nương đối với gia đình, nhất là gia đình nhà chồng. Từ đây có thể thấy Trương Sinh là con đẻ của chế độ nam quyền bất công, thiếu lòng tin và thiếu tình thương, ngay cả với người thân yêu nhất.
+ Do cuộc hôn nhân không bình đẳng, Vũ Nương chỉ là “con nhà kẻ khó”, còn Trương Sinh là “con nhà hào phú”. Thái độ tàn tệ, rẻ rúng của Trương Sinh đối với Vũ Nương đã phần nào thể hiện quyền thế của người giàu đối với người nghèo trong một xã hội mà đồng tiền đã bắt đầu làm đen bạc thói đời.
+ Do lễ giáo hà khắc, phụ nữ không có quyền được nói, không có quyền được tự bảo vệ mình. Trong lễ giáo ấy, chữ trinh là chữ quan trọng hàng đầu; người phụ nữ khi đã bị mang tiếng thất tiết với chồng thì sẽ bị cả xã hội hắt hủi, chỉ còn một con đường chết để tự giải thoát.
+ Do chiến tranh phong kiến gây nên cảnh sinh ly và cũng góp phần dẫn đến cảnh tử biệt. Nếu không có chiến tranh, Trương Sinh không phải đi lính thì Vũ Nương đã không phải chịu nỗi oan tày trời dẫn đến cái chết thương tâm như vậy.
>> Xem thêm bài văn Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
Câu 2: Có mấy cái bóng xuất hiện trong tác phẩm? Nêu ý nghĩa của chi tiết cái bóng.
Có hai cái bóng xuất hiện trong tác phẩm:
- Cái bóng “trên tường” hay còn được gọi là “Cha Đản”
Đây vừa là chi tiết thắt nút, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của Vũ Nương. Đồng thời cũng là chi tiết mở nút khi Trương Sinh nhận ra cái bóng trên tường chính là người mà bé Đản gọi là Cha, từ đó nhận ra mình đã nghi oan cho Vũ Nương. Chi tiết cái bóng còn góp phần hoàn thiện thêm vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương, đồng thời cũng thể hiện rõ nét hơn số phận bi kịch của Vũ Nương nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung. Cái bóng “trên tường” còn góp phần tố cáo những oan trái, bất công trong xã hội phong kiến xưa.
- Cái bóng “trên sông” khi Vũ Nương trở về
Đây là cái bóng mang ý nghĩa của chi tiết kỳ ảo. Bóng “trên sông” có ý nghĩa:
+ “Chiếc bóng” xuất hiện ở cuối truyện: “Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất” : khắc họa giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
+ “Chiếc bóng” mang ý nghĩa thức tỉnh người đọc về bài học hạnh phúc muôn đời: một khi đánh mất niềm tin, hạnh phúc chỉ còn là chiếc bóng mờ ảo, hư vô. Oan đã được giải nhưng Vũ Nương không thể trở về trần gian được nữa. Câu chuyện trước sau vẫn là bi kịch về cuộc đời của một người con gái thủy chung, đức hạnh.
Câu 3: Nêu ý nghĩa của chi tiết kỳ ảo trong tác phẩm
- Các chi tiết kỳ ảo trong câu chuyện:
- Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.
- Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa, gặp Linh Phi, được cứu giúp; gặp lại Vũ Nương, được sứ giả của Linh Phi rẽ đường nước đưa về dương thế.
- Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.
- Cách đưa các chi tiết kỳ ảo:
- Các yếu tố này được đưa vào xen kẽ với những yếu tố thực về địa danh, về thời điểm lịch sử, những chi tiết thực về trang phục của các mỹ nhân, về tình cảnh nhà Vũ Nương không người chăm sóc sau khi nàng mất… Cách thức này làm cho thế giới kỳ ảo lung linh, mơ hồ trở nên gần với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy, khiến người đọc không cảm thấy ngỡ ngàng.
- Ý nghĩa của các chi tiết kỳ ảo:
- Cách kết thúc này làm nên đặc trưng của thể loại truyện truyền kỳ.
- Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: nặng tình, nặng nghĩa, quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.
- Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho câu chuyện.
- Thể hiện về ước mơ, về lẽ công bằng ở cõi đời của nhân dân ta.
- Chi tiết kỳ ảo đồng thời cũng không làm mất đi tính bi kịch của câu chuyện. Vũ Nương trở về mà vẫn xa cách ở giữa dòng bởi nàng và chồng con vẫn âm dương chia lìa đôi ngả, hạnh phúc đã vĩnh viễn rời xa. Tác giả đưa người đọc vào giấc chiêm bao rồi lại kéo chúng ta sực tỉnh giấc mơ - giấc mơ về những người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn. Sương khói giải oan tan đi, chỉ còn một sự thực cay đắng: nỗi oan của người phụ nữ không một đàn tràng nào giải nổi. Sự ân hận muộn màng của người chồng, đàn cầu siêu của tôn giáo đều không cứu vãn được người phụ nữ. Đây là giấc mơ mà cũng là lời cảnh tỉnh của tác giả. Nó để lại dư vị ngậm ngùi trong lòng người đọc và là bài học thấm thía về giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Câu 4: Phân tích ba lời thoại của Vũ Nương kể từ khi Trương Sinh hiểu lầm nàng cho tới khi nàng tự vẫn.
- Lần 1: “ Thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn mọt tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói..Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”
-> Nàng phân trần để chồng hiểu rõ lòng mình. Nàng đã nói đến thân phận, tình nghĩa vợ chồng, khẳng định tấm lòng thuỷ chung trong trắng, xin chồng đừng nghi oan, có nghĩa là nàng hết lòng hàn gắn hạnh phúc gia đình.
- Lần 2: “ Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồn xa, đầu còn có thể lại lên núi .Vọng Phu kia nữa”
-> Nàng đã nói lên nỗi đau đớn thất vọng khi không hiểu sao mình bị nghi oan, bị đối xử bất công. Đồng thời đó còn là sự tuyệt vọng đến cùng cực khi khao khát của cả đời nàng vun đắp đã tan vỡ. Tình yêu không còn. Cả nỗi đau khỏ chờ chồng đến hoá đá như trước đây cũng không còn có thể làm được nữa.
- Lần 3: “ Kể bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhố”
-> Đây là lời độc thoại. Lời thoại là một lời than, một lời nguyền xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết hạnh trong sạch của nàng. Lời thoại đã thể hiện nỗi thất vọng đến tột cùng, nỗi đau cùng cực của người phụ nữ phẩm giá nhưng bị nghi oan nên tự đẩy đến chỗ tận cùng là cái chết
Câu 5: Tại sao Vũ Nương không muốn trở về với chồng con rồi lại quyết định trở về. Trở về rồi lại không trở về . Tác giả muốn nhắn gửi điều gì ?
Vũ Nương dù khi sống hay lúc đã thác làm ma đều khát khao hạnh phúc gia đình. Nàng vì phải chịu nỗi oan cay nghiệt mà chết . Nhưng vì lòng thanh sạch mà được sống dưới thủy cung. Trong những ngày sống cuộc sống nơi cung nước, Vũ Nương vẫn không quên mong nhớ dương gian và thầm mong chồng sẽ giải oan cho nàng. Vũ Nương nhờ Phan Lang nhắn Trương Sinh lập đàn giải oan là để chính chồng nàng chiêu tiết cho nàng, và hiểu tấm lòng chung thủy của nàng. Âm dương cách trở, nàng chỉ hiện về trong thoáng chốc rồi biến mất. Qua chi tiết này tác giả không chỉ khắc họa sâu sắc bi kịch của Vũ Nương mà còn khẳng định một lần nữa vẻ đẹp tâm hồn của nàng. Lời thoại của Vũ Nương không trở về vì đã thề sống chết với đức Linh Phi còn chứng tỏ nàng là người sống tình nghĩa, đã mắc ân với Linh Phi thì nàng sẽ ở lại trả ân đức đó.
Câu 6: Phân tích ý nghĩa của lời thoại sau: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trờ về nhân gian được nữa.”
- Đây là lời nó cuối cùng của Vũ Nương với Trương Sinh vọng vào từ giữa dòng sông khi chàng lập đàn giải oan cho Vũ Nương.
- Xây dựng lời thoại cuối cùng của tác phẩm, Nguyễn Dữ đã hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật Vũ Nương. Cho dù Vũ Nương không thể trở về nhân gian nhưng khát vọng về cuộc sống nơi trần thế cũng như khát vọng trong nàng từ trước kia vẫn tha thiết khôn nguôi.
- Câu nói còn cho thấy dù ở trong hoàn cảnh nào (cả khi bị đẩy đến chỗ phải tìm đến cái chết) thì Vũ Nương vẫn là con người giàu ân nghĩa, thủy chung.
- Sự trân trọng ân nghĩa, thủy chung của Vũ Nương chính là sự trân trọng danh dự phẩm giá của chính mình. Đối với nàng, điều đó quan trọng hơn cả sinh mệnh của bản thân, nó còn thiêng liêng hơn cả khát vọng trở về nhân gian dù khát vọng ấy vô cùng tha thiết. Đó cũng chính là lí do mà Vũ Nương không thể “Trở về nhân gian”.
- Câu nói còn là lời tố cáo nhẹ nhàng mà sâu sắc xã hội phong kiến – một xã hội đầy bất công ngang trái, xã hội không có đất để cho những người phụ nữ như Vũ Thị Thiết được sống.
II. Một số dạng câu hỏi đọc - hiểu thường gặp trong đề thi
Câu hỏi trắc nghiệm
1. Dòng nào nói đúng về xuất xứ của Chuyện người con gái Nam Xương ?
A. Viết vào thế kỷ XVI, là một trong 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.
B. Viết vào thế kỷ XVII, là một trong 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.
C. Viết vào thế kỷ XVI, là một trong 20 truyện của Vũ trung tuỳ bút của Nguyễn Du.
D. Viết vào thế kỷ XVI, là một trong 20 truyện của Truyện cũ trong phủ chúa Trịnh của Nguyễn Dữ.
2. Dòng nào không phù hợp với Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ?
A. Ghi chép tản mạn những điều kỳ lạ vẫn được lưu truyền.
B. Viết bằng chữ Hán, khai thác truyện cổ dân gian và các truyền thuyết lịch sử, dã sử của Việt Nam.
C. Nhân vật chính thường là người phụ nữ đức hạnh bị xô vào cảnh ngộ éo le, oan khuất hoặc những người trí thức bất mãn với thời cuộc.
D. Tác phẩm là những ghi chép tản mạn vào ngày mưa.
3. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ có nguồn gốc từ :
A. Cốt truyện của Trung Quốc.
B. Từ truyện dã sử của Trung Quốc.
C. Từ truyện cổ tích Việt Nam.
D. Từ truyện đồng dao Việt Nam.
4.Sáng tạo của Nguyễn Dữ trong Chuyện người con gái Nam Xương ?
A. Sáng tạo tình huống.
B. Sắp xếp các tình tiết để tạo nên kịch tính.
C. Xây dựng tính cách nhân vật.
D. Tất cả các ý trên.
5. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ viết về
A. Số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ thực dân phong kiến vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị sỉ nhục, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch.
B. Số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ phong kiến vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị sỉ nhục, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch.
C. Số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ Pháp thuộc vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị sỉ nhục, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch.
D. Số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới chế độ cũ vì lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị sỉ nhục, phải tự kết liễu cuộc đời mình để giãi tỏ tấm lòng trong sạch.
6. Vẻ đẹp toàn diện của nhân vật Vũ Nương được thể hiện ở câu văn nào ?
A. Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình đã thuỳ mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.
B. Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần Phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn.
C. Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.
D. Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu.
7. Tác giả đặt Nhân vật Vũ Nương vào hoàn cảnh nào để nàng bộc lộ phẩm chất cao đẹp ?
A. Hoàn cảnh : Chồng có tính hay ghen, tiễn chồng đi lính, sống xa chồng đằng đẵng.
B. Hoàn cảnh : Chồng rât xấu, tiễn chồng đi lính, sống xa chồng đằng đẵng.
C. Hoàn cảnh : Chồng có tính hay ghen, có nhiều người mê, sống xa chồng đằng đẵng.
D. Hoàn cảnh : Chồng hay đánh đập, tiễn chồng đi lính, sống xa chồng đằng đẵng.
8. Nguyên nhân dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương là :
A. Con nhỏ nói những lời dại dột.
B. Chồng ghen mù quáng, vũ phu, thô bạo.
C. Xã hội phong kiến không bênh vực người phụ nữ.
D. Cả ý B và C.
9. Dòng nào nói đúng đặc điểm của nhân vật Vũ Nương ?
A. Người phụ nữ xinh đẹp, nết na, luôn khao khát sự bình yên; người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình; người phụ nữ chịu nỗi oan khuất nghiệt ngã.
B. Người phụ nữ xinh đẹp, nết na; người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình; người phụ nữ chịu nỗi oan khuất nghiệt ngã.
C. Người phụ nữ có tài ăn nói, nết na; người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình; người phụ nữ chịu nỗi oan khuất nghiệt ngã.
D. Người phụ nữ có tài đánh đàn, nết na; người phụ nữ khát khao hạnh phúc gia đình; người phụ nữ chịu nỗi oan khuất nghiệt ngã.
10. Dòng nào nói đúng nhất tính cách của nhân vật Trương Sinh ?
A. Một người con hiếu thảo, một người cha thương con.
B. Một người chồng thuỷ chung nhưng thô bạo.
C. Một người chồng hay ghen mù quáng, thô bạo.
D. Một người chồng đáng thương vì phải nuôi con một mình.
11. Việc sắp xếp lại một số tình tiết, tô đậm những tình tiết có ý nghĩa của Nguyễn Dữ trong tác phẩm đã đạt được hiệu quả gì ?
A. Làm cho quá trình diễn biến của truyện diễn ra hợp lý.
B. Tăng cường tính bi kịch,làm cho chuyện hấp dẫn, sinh động.
C. Truyện gay cấn hơn, nỗi đau của Vũ Nương nặng nề hơn.
D. Cả ý A và B.
12. Dòng nào nói đúng những yếu tố kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương ?
A. Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa, lạc vào động Linh Phi được đãi yến tiệc và gặp Vũ Nương, được rẽ nước đưa về dương thế.
B. Vũ Nương hiện ra ở bến Hoàng Giang với kiệu hoa rồi biến mất.
C. Cảnh nhà Vũ Nương sau khi nàng mất không người chăm sóc cỏ mọc um tùm.
D. Cả A và B.
13. Dòng nào nói đúng những yếu tố thực trong Chuyện người con gái Nam Xương ?
A. Địa danh ( bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng ); thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử ( đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh xâm lược ); những chi tiết về trang phục; cảnh yến tiệc long trọng.
B. Địa danh ( bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng ); thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử ( đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh xâm lược ); những chi tiết về trang phục; cảnh nhà Vũ Nương sau khi nàng mất không người chăm sóc cỏ mọc um tùm.
C. Địa danh ( bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng ); thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử ( đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh xâm lược ); những chi tiết về trang phục; cảnh Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương.
D. Địa danh ( bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng ); thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử ( đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh xâm lược ); những chi tiết về trang phục của các mỹ nữ trên thuyền.
14. Việc đan cài các yếu tố thực với các yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm mang lại hiệu quả nghệ thuật gì ?
A. Làm cho thế giới kỳ ảo lung linh gần với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy cho câu chuyện.
B. Làm cho thế giới kỳ ảo lung linh gần với cuộc đời thực.
C. Làm tăng độ tin cậy, hấp dẫn cho câu chuyện.
D. Làm tăng thêm nỗi thương xót Vũ Nương trong lòng người đọc.
15. Yếu tố kỳ ảo cuối tác phẩm không nhằm thể hiện điều gì ?
A. Hoàn chỉnh thêm vẻ đẹp cho nhân vật Vũ Nương: nàng luôn quan tâm đến gia đình và khao khát phục hồi danh dự.
B. Tạo nên một kết thúc có hậu, thể hiện ước mơ của nhân dân ta về sự công bằng trong cuộc đời.
C. Để cho bé Đản vẫn nhìn thấy mẹ.
D. Để Trương Sinh tiếc nuối và ân hận về sự mù quáng của mình.
16. Việc Vũ Nương trở về dương thế có ý nghĩa gì ?
A. An ủi cho người bạc phận : đã được trả lại danh dự, phẩm tiết.
B. Tăng thêm chất bi kịch cho số phận nhân vật : hạnh phúc đâu có thể làm lại được.
C. Khẳng định Vũ Nương thuỷ chung không thể chết.
D. Cả A và B.
17. Cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương là chi tiết nghệ thuật đặc sắc nhất của tác phẩm bởi :
A. Là đầu mối dẫn tới sự nghi ngờ của Trương Sinh, buộc Vũ Nương phải tìm đến cái chết.
B. Cũng là đầu mối giải toả sự nghi ngờ của Trương Sinh về Vũ Nương.
C. Cái bóng đã khái quát được tấm lòng của người vợ xa chồng : cô đơn và thuỷ chung, khao khát xum họp.
D. Tất cả các ý trên.
18. Tình cảm của tác giả đối với người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương là :
A. Nhà văn cảm thông trước số phận oan trái của nười phụ nữ trong xã hội cũ.
B. Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của họ : hiếu thảo, yêu chồng thương con và thuỷ chung.
C. Phê phán sự bất công của xã hội phong kiến đối với người phụ nữ.
D. Tất cả các ý trên.
Đáp án
1. A 2. D 3. C 4. D 5. B 6. A 7. A 8. D 9. B 10. C | 11. D 12. D 13. B 14. A 15. C 16. D 17. D 18. D |
Câu hỏi tự luận
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 tới câu 5:
Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, tính tình đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương Sinh, mến vì dung hạnh, xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Song Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức. Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải bất hòa. Cuộc sum vầy chưa được bao lâu thì xảy ra việc triều đình bắt lính đi đánh giặc Chiêm. Trương tuy con hào phú nhưng không có học, nên phải ghi trong sổ lính vào loại đầu.
Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?
Câu 2: Nội dung tổng quát của đoạn trích trên là gì?
Câu 3: Giải thích cụm từ “tư dung tốt đẹp” và từ “dung hạnh” được sử dụng trong hai câu đầu đoạn trích.
Câu 4: Em hãy nêu ra phương thức liên kết trong đoạn văn trên?
Câu 5: Tìm thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn trích trên?
Gợi ý trả lời
Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo phương thức tự sự.
Câu 2: Nội dung chính: giới thiệu về nhân vật Vũ Nương - người con gái đẹp người đẹp nết được Trương Sinh, con nhà hào phú, cưới về làm vợ.
Câu 3: Tư dung tốt đẹp: nhan sắc và dáng vẻ tốt đẹp.
- Dung hạnh: chỉ nhan sắc và đức hạnh.
Ý nói Vũ Nương là người con gái không chỉ đẹp về ngoại hình, dung nhan mà còn đức hạnh.
Câu 4: Phương thức liên kết trong đoạn văn trên: phép nối, phép lặp, phép thế.
- Phép nối: từ ngữ để nối “song”.
- Phép thế: từ “nàng”, “vợ” thế cho từ “Vũ Nương”.
- Phép lặp: từ “Trương Sinh”.
Câu 5: Thành phần biệt lập: thành phần phụ chú (người con gái quê ở Nam Xương), nhằm bổ sung thông tin về quê quán cho nhân vật được kể.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 6 đến câu 10:
Nàng bất đắc dĩ nói:
- Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lên núi Vọng Phu kia nữa.
Câu 6: Vũ Nương nói câu nói trên trong hoàn cảnh nào?
Câu 7: Cụm từ “thú vui nghi gia nghi thất” có nghĩa là gì?
Câu 8: Nêu hàm ý của câu “Nay đã bình rơi trâm gãy… Vọng Phu kia nữa.”
Câu 9: Chỉ ra phép tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên, nêu tác dụng?
Câu 10: Viết đoạn văn quy nạp (khoảng 10 câu - 12 câu) có sử dụng phép lặp và một câu có thành phần biệt lập, cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong cả 2 đoạn trích trên.
Gợi ý trả lời
Câu 6: Vũ Nương nói câu trên khi bị chồng nghi oan nàng hai lòng, không chung thủy.
Câu 7: Thú vui nghi gia nghi thất: ý nói nên cửa nên nhà, thành vợ thành chồng, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình.
Câu 8: Vũ Nương đau khổ tới tột cùng vì hạnh phúc lứa đôi tan vỡ, ngay cả việc chờ đợi chồng, trông ngóng chồng như trước kia cũng không thể. Vũ Nương thất vọng khi bị Trương Sinh ruồng bỏ, tình vợ chồng gắn bó bấy lâu tan vỡ.
Câu 9: Trong câu nói của Vũ Nương có nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ:
- Bình gãy trâm tan.
- Sen rũ trong ao.
- Liễu tàn trước gió.
- Kêu xuân cái én lìa đàn.
- Nước thẳm buồm xa.
- Chọn phân tích hình ảnh ẩn dụ “trâm gãy bình tan” hình ảnh của sự chia lìa, tan vỡ, mượn hình ảnh trâm gãy, bình tan để nói về hiện trạng tình vợ chồng của Vũ Nương nay đã tan vỡ.
Câu 10:
Vũ Nương, người con gái đức hạnh, luôn giữ gìn khuôn phép dù Trương Sinh có đa nghi và phòng ngừa quá sức thì gia đình vẫn chưa bao giờ xảy ra tranh chấp, bất hòa. Khi chiến tranh nổ ra, chồng nàng phải ra trận, Vũ Nương tiễn chồng ra trận vẫn ân cần dặn dò chồng những lời ân tình, mong ngày về chồng mang theo hai chữ bình an. Ở nhà, nàng một mực giữ tiết, chăm sóc chu toàn gia đình, những mong sớm có ngày đoàn tụ với chồng. Nào đâu, sóng gió ập tới, lời nói ngây thơ của đứa con bé bỏng đã khiến tính đa nghi của chồng nàng nổi dậy. Bị chồng ruồng rẫy, hắt hủi, nàng nói tới thân phận của mình và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trắng nhưng mối nghi ngờ ở Trương Sinh vẫn khôn nguôi. Không còn lại gì, lòng nàng dâng trào nỗi thất vọng tột cùng, nỗi đau đớn ê chề bởi hạnh phúc gia đình không có cách nào hàn gắn nổi. Nỗi oan khuất trời không thấu, khiến mọi sự chịu đựng, hy sinh trước đó đều vô nghĩa. Nàng giải thích trong sự bất lực và tuyệt vọng đắng cay trước sự đối xử nhẫn tâm của chồng.
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 11, câu 12:
- Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngày chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.
Câu 11: Lời nói của Vũ Nương chứng tỏ điều gì về nhân vật này?
Câu 12: Nguyên nhân nào dẫn tới cái chết của Vũ Nương?
Gợi ý trả lời
Câu 11: Lời nói của Vũ Nương chứng tỏ nàng là người ngay thẳng, trong sạch.
Lời than của nàng trước trời cao, sông thẳm là sự minh chứng cho tấm lòng trinh bạch, nàng muốn được thần sông chứng giám cho nỗi oan khuất cũng như ghi nhận đức hạnh của nàng.
Câu 12: Nguyên nhân dẫn tới cái chết của Vũ Nương
- Nguyên nhân trực tiếp: lời nói ngây thơ của đứa con (bé Đản), bé Đản không chịu nhận Trương Sinh là cha.
- Nguyên nhân gián tiếp:
- Do người chồng tính tình đa nghi, hay ghen, gia trưởng.
- Cách cư xử nóng nảy, hồ đồ, phũ phàng của Trương Sinh.
- Chiến tranh phi nghĩa nổ ra, gây ra sinh li từ biệt.
- Do xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, lời nói của người phụ nữ không được coi trọng.
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi 13 tới câu 18:
Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau đó đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.
Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:
- Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.
Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt rồi dần biến mất.
Câu 13: Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể số mấy, nêu tác dụng của ngôi kể đó?
Câu 14: Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích trên?
Câu 15: Chỉ ra chi tiết kì ảo trong đoạn trích trên và nêu tác dụng?
Câu 16: Từ phần kết phía trên, em thấy truyện này kết thúc có hậu hay không có hậu, vì sao?
Câu 17: Hãy nêu tên một số tác phẩm đã học trong chương trình THCS có nói về thân phận người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh, khổ cực trong xã hội phong kiến xưa.
Câu 18: So với truyện cổ tích Chuyện chàng Trương, Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm đoạn kết kì ảo (cuộc đời gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương chốn thủy cung; lần gặp mặt ngắn ngủi của hai vợ chồng, sau đó là chia ly vĩnh viễn). Những chi tiết có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Câu 19: Chỉ ra các yếu tố về nghệ thuật làm nên sức hấp dẫn của Chuyện người con gái Nam Xương?
Gợi ý trả lời
Câu 13: Đoạn trích trên sử dụng ngôi kể thứ ba. Ngôi kể này người kể giấu mình, ngôi kể này giúp người kể linh hoạt và kể chuyện khách quan hơn.
Câu 14: Nội dung đoạn trích: Nói về việc Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương bên bến sông Hoàng Giang. Vũ Nương hiện về giữa dòng rồi biến mất.
Câu 15: Chi tiết kì ảo trong truyện:
Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa đứng giữa dòng rồi sau đó biến mất.
- Chi tiết này nhấn mạnh nỗi oan khiên mà Vũ Nương cũng như tư tưởng của nhà văn Nguyễn Dữ.
- Vũ Nương hiện về chỉ là ảo ảnh, là một chút an ủi cho người phận bạc, bởi hạnh phúc lứa đôi đã tan vỡ.
- Chi tiết này thể hiện khát vọng về công bằng, hạnh phúc của dân gian, người trong sạch cuối cùng được minh oan.
- Nhưng chi tiết này vẫn gợi lên nỗi đau xót, nỗi ám ảnh với người đọc khi Vũ Nương vẫn nặng tình dương thế.
Câu 16: Cái kết của truyện không là cái kết có hậu bởi lẽ Vũ Nương không được sống cuộc đời hạnh phúc dù nàng là người tiết hạnh, đoan chính. Chi tiết Vũ Nương trở về khi Trương Sinh lập đàn giải oan là sự an ủi phần nào đối với người mệnh bạc như nàng.
Câu 17: Những tác phẩm nói lên thân phận bất hạnh, khổ cực của người phụ nữ trong xã hội xưa.
- Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương.
- Thương vợ - Trần Tế Xương.
- Vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính (truyện dân gian).
Câu 18: Phần cuối là sự sáng tạo của tác giả
Vũ Nương trở thành tiên nữ dưới thủy cung, đây là sự sáng tạo riêng của Nguyễn Dữ.
- Yếu tố kì ảo tạo ra màu sắc lung linh, nhưng cái ảo không tách rời hiện thực.
- Cái kết có hậu chính là sự sáng tạo kết thúc có hậu, hoàn trả những điều xứng với giá trị, phẩm chất của Vũ Nương, qua đó thể hiện sự công bẳng, nỗi oan của nhân vật có cơ hội được hóa giải.
- Cái kết có hậu cho nhân vật tiết hạnh được xây dựng bằng các chi tiết kì ảo để an ủi linh hồn của Vũ Nương, điều này phần nào khỏa lấp sự mất mát.
- Nguyễn Dữ đồng thời cũng khiến cho bi kịch được đề cập tới trở nên sâu sắc và ám ảnh hơn: con người bị chia cắt vĩnh viễn với cuộc sống trần thế.
Câu 19: Chỉ ra các yếu tố về nghệ thuật làm nên sức hấp dẫn của Chuyện người con gái Nam Xương
- Cốt truyện hấp dẫn, kịch tính, nhiều lớp lang, tình huống truyện bất ngờ, độc đáo, cách dẫn truyện tự nhiên.
- Thành công trong việc xây dựng nhân vật: nhân vật chính được nhìn đa chiều, tái hiện nhiều sự thay đổi trong tâm lí của nhân vật cũng được quan tâm thể hiện.
- Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực, bút pháp kì ảo, sử dụng hình thức truyền kì với sự có mặt của yếu tố kì ảo, Nguyễn Dữ muốn thử nghiệm những giải pháp khác nhau cho cuộc đời của nhân vật.
III. Các đề văn về Chuyện người con gái Nam Xương
Các đề văn về Chuyện người con gái Nam Xương được Đọc tài liệu tổng hợp và hướng dẫn các em học sinh cách lập dàn ý, cách viết bài với nhiều bài văn mẫu tham khảo cho mỗi đề bài. Các em có thể tìm hiểu chi tiết cho từng đề bài dưới đây.
Đề 1: Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Đề 2: Phân tích nhân vật Vũ Nương
Đề 3: Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương
Đề 4: Suy nghĩ của em về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Đề 5: Nỗi oan khuất của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Đề 6: Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Đề 7: Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương)
Với Các đề văn về Chuyện người con gái Nam Xương và các câu hỏi ôn tập Chuyện người con gái Nam Xương ở trên, Đọc tài liệu đã tổng hợp đầy đủ những nội dung chính xoay quanh tác phẩm, các em học sinh có thể từ đó liên hệ vào với đề bài cụ thể của mình để triển khai thành những bài văn chi tiết.