Trang chủ

Các đề liên hệ bài Sóng - Xuân Quỳnh

Xuất bản: 24/06/2019

Tổng hợp các đề liên hệ bài Sóng của Xuân Quỳnh thường gặp trong bài thi, bài kiểm tra. Các đề văn liên hệ tác phẩm Sóng - Xuân Quỳnh, tài liệu học tập hữu ích cho học sinh lớp 12.

Tham khảo những đề liên hệ bài Sóng của Xuân Quỳnh thường gặp trong đề thi và bài kiếm tra. Các đề văn được Đọc tài liệu tổng hợp từ các nội dung kiến thức cơ bản nhất để các em dễ ôn tập chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi.

>> Tuyển tập các đề nghị luận văn học về bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh)

Liên hệ Sóng và Đây thôn Vỹ Dạ

Đề bài:

Cảm nhận khổ 5 - 6 Sóng : “Con sóng dưới lòng sâu…Hướng về anh một phương” (Sóng - Xuân Quỳnh). Liên hệ khổ cuối Đây thôn Vỹ Dạ: “Mơ khách đường xa…đậm đà” (Đây thôn Vỹ Dạ - Hàn Mặc Tử)

Hướng dẫn làm bài

1. Khái quát

- Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và tác phẩm “Sóng”:

+ Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. “Sóng” là bài thơ tình yêu đặc sắc của Xuân Quỳnh, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Đoạn thơ trên là khổ 5-6 của bài thơ Sóng - tình yêu gắn liền với nỗi nhớ và lời thề thuỷ chung. Thầy Phan Danh Hiếu

- Giới thiệu nhà thơ Hàn Mặc Tử và tác phẩm “Đây thôn Vỹ Dạ”:

+ Hàn Mặc Tử được xem là hiện tượng lạ nhất của phong trào Thơ mới với sức sáng tạo mãnh liệt và đa dạng. “Đây thôn Vĩ Dạ” in trong tập “Đau thương”, là thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại. Khổ thơ trên nằm ở đoạn kết của bài thơ: tình yêu và nỗi mong chờ khắc khoải.

2. Nội dung

2.1. Cảm nhận đoạn thơ trong bài Sóng - Xuân Quỳnh:

a. Khổ thơ thứ năm là khổ thơ đặc biệt nhất trong bài thơ Sóng - bởi nó có sáu câu. Dường như nỗi nhớ không thể đong đầy trong bốn dòng thơ ngắn ngủi nên Xuân Quỳnh đã chắp bút thêm hai câu thơ nữa để cân bằng nỗi nhớ cháy bỏng mãnh liệt của trái tim người phụ nữ khi yêu. Bằng thủ pháp nhân hóa và ẩn dụ, nhà thơ mang đến cho nguời đọc nỗi nhớ của sóng về bờ đồng thời cũng là nỗi nhớ của em về anh.

Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ bởi nỗi nhớ chính là giai điệu là hợp âm chủ đạo của tình yêu. Thơ xưa nói “nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không gặp mà ngỡ như đã ba năm); trong tình yêu, nỗi nhớ là thước đo khoảng cách “nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời” (Chinh phụ ngâm); tình yêu có khi muốn quên lại càng nhớ: “Nói rằng quên, có dễ quên/ Mỗi chiều em đứng bên hiên nhớ chàng” (Thanh Tâm). Với Xuân Quỳnh, nỗi nhớ người mình yêu ngập tràn khắp nẻo.

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Hai câu thơ với hình thức lặp cấu trúc “con sóng - con sóng” quyện hòa cùng nghệ thuật đối “dưới lòng sâu - trên mặt nước” tạo nên sự điệp trùng của những con sóng với nhiều dạng thức khác nhau:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Sóng không chỉ “dữ dội - dịu êm”; “ồn ào - lặng lẽ” mà sóng còn hiện diện “dưới lòng sâu” (sóng ngầm - chiều sâu), “trên mặt nước” (sóng nổi - chiều rộng).  Có con sóng dữ dội tung bọt trắng xóa trên mặt biển ngày đêm gào thét cùng đại dương nhưng cũng có con sóng âm thầm đi ngầm dưới lòng sâu, không ai thấy nó, khó ai cảm nhận được về nó, chỉ riêng nó mới hiểu mình đang cồn cào. Cả hai kết hợp với nhau làm nên sự đa dạng của sóng biển. Đó cũng là nỗi nhớ của sóng, của em vừa có chiều sâu vừa có chiều rộng. Sóng là em, em là sóng. Cũng như sóng kia, tâm hồn em cũng vô vàn những phức tạp khó hiểu. Xuân Quỳnh vô cùng tinh tế khi mượn một hình tượng rất động để ẩn dụ cho nỗi niềm của người phụ nữ khi yêu.

Hai câu sau diễn tả nỗi nhớ của sóng, dù sóng trên mặt nước hay sóng dưới lòng sâu thì cả hai đều nhớ bờ, đều hướng vào bờ:

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Thì ra là “con sóng nhớ bờ”. Bờ là đích đến cuối cùng của sóng. Vì nhớ bờ mà nó bất chấp cả không gian rộng lớn vô biên, bất chấp cả thời gian “ngày đêm” để vươn tới bờ. Sóng cồn cào nhớ nhung và khao khát gặp bờ đến độ “không ngủ được”. Nỗi nhớ từ đó cũng trùm lên mọi không gian “dưới lòng sâu - trên mặt nước”; trùm lên mọi thời gian “ngày đêm”.

Dường như bốn câu thơ không thể chuyên chở hết được nỗi nhớ đang dâng trào nên Xuân Quỳnh đã thêm hai câu thơ nữa vào khổ thứ năm để hoàn thiện giai điệu ấy của nỗi nhớ. Ấy là lúc mà hình tượng “em” hiện ra với nỗi lòng nồng nàn, băn khoăn, bồn chồn, thao thức:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Xuân Quỳnh xao xuyến nhận ra sự tương đồng kỳ diệu giữa một hiện tượng thiên nhiên vĩnh hằng của trời đất với những trạng thái cảm xúc của tình yêu luôn dào dạt trong lòng mình. Nếu sóng nhớ bờ thì em nhớ anh - đó là quy luật của tình yêu muôn thuở. Nỗi nhớ không chỉ có mặt trong thời gian được ý thức (khi chưa ngủ ) mà còn gắn với tiềm thức - thời gian trong mơ (ngủ vẫn nhớ nhung). Như vậy có thể nói đây là một nỗi nhớ thường trực trong trái tim của người phụ nữ khi yêu. Hình tượng thơ cho thấy những khát khao mãnh liệt của người phụ nữ: sóng khao khát được có bờ - em khao khát được có anh.

Xuân Quỳnh hay mượn ngôn ngữ của cơ thể để diễn tả nỗi nhớ: nỗi nhớ dâng lên mắt, nỗi nhớ ngập cả tâm hồn, thậm chí là nỗi nhớ đầy ắp cả đôi tay:

Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ

Lấy thời gian đan thành áo mong chờ.

Lấy thời gian em viết những dòng thơ

Để thấy được chúng mình không cách trở.

(Bàn tay em)

Ở khổ thơ thứ năm này, Xuân Quỳnh dùng chữ “Lòng” thật chính xác để diễn tả tình cảm của người phụ nữ với tình yêu. “Lòng” là chốn sâu kín nhất của tâm hồn con người, nhất lại là tâm hồn người phụ nữ. Lòng là kết tinh của tình cảm được chưng cất trong một thời gian dài qua biết bao thử thách. Vì vậy mà tấm lòng ấy không chút hời hợt mà đã là gan, là ruột của người phụ nữ rồi. Cho nên khi nói “Lòng em nhớ đến anh” dường như Xuân Quỳnh đã dốc hết cả nỗi lòng mình để nghiêng hết về phương anh. Cô gái trong Xuân Quỳnh là thế, cô gái trong ca dao cũng thế, đó là tâm trạng chung cho người phụ nữ khi yêu.

Đêm nằm lưng chẳng tới dường

Cứ mong trời sáng ra đường gặp anh

(Ca dao)

b. Nếu nỗi nhớ là chất men say đánh thức tình yêu thì sự thuỷ chung lại là thước đo của tình yêu, của lòng người:

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

Khi yêu, người ta thấy sự xa cách và thời gian chẳng là gì cả. Bởi vì chỉ cần nghĩ về nhau, thì bóng dáng người yêu đã đầy ắp trong tâm hồn.

Đầu mỗi câu thơ, Xuân Quỳnh đã đóng vào đó những từ chỉ sự đối lập: “dẫu xuôi - dẫu ngược”. Cách nói “xuôi Bắc, ngược Nam” lại trái với quy luật thông thường. Phải nói là  “xuôi Nam” “ngược Bắc” mới đúng. Động từ xuôi - ngược vốn lại là những động từ chỉ sự vất vả, truân chuyên: “xuôi Nam ngược Bắc”, đi Nam về Bắc, xuôi ngược bôn ba… Lại thêm “dẫu xuôi, dẫu ngược” nữa thì lại càng nhân lên gấp bội phần những gian nan vất vả. Phải chăng đó là sự vất vả của con người trong cuộc hành trình nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc. Ý thơ còn gợi một quyết tâm lớn của người phụ nữ: cuộc đời dẫu có thế nào đi chăng nữa thì em vẫn mãi mãi yêu anh. Tình yêu có thể làm đảo lộn phương hướng Bắc, Nam nhưng phương hướng thế nào không quan trọng, quan trọng nhất vẫn là “phương anh” mà em luôn hướng về.

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

Xuân Quỳnh buộc chặt bao “sợi nhớ, sợi thương” nghiêng hết tình, dốc hết yêu thương về “phương anh”. Hướng về anh thì có thể thay đổi nhưng với lời khẳng định chắc nịch “một phương” thì nơi em hướng về là bất di bất dịch. Anh đã thành “hệ qui chiếu” của đời em. Từ đó nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật, khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn. Chỉ cần nghĩ về anh, nhớ về anh thì anh đã ở trong trái tim em rồi.

c. Nghệ thuật: thành công của đoạn thơ là nhờ vào một số thủ pháp nghệ thuật: Ẩn dụ, nhân hóa, đối lập, lặp cấu trúc… kết hợp với thể thơ năm chữ đã làm nên những con sóng nhiều trạng thái tình cảm. Cách xây dựng hai hình tượng song hành: sóng và em độc đáo. Sóng vừa là sóng biển vừa là sóng lòng của người phụ nữ đang yêu. Hình tượng sóng rất đa dạng: lúc dữ dội, ồn ào, lúc dịu êm lặng lẽ cũng như tâm hồn em vậy dịu dàng lắm và cũng nồng cháy, mãnh liệt lắm.

2.2. Liên hệ so sánh

a. Điểm giống:

văn học là lĩnh vực của sự sáng tạo, vì vậy nó không cho phép sự trùng lặp, tương đồng, liên văn bản tuyệt đối. Nhưng điều kỳ diệu là ở chỗ, tác phẩm văn học lại là nơi gặp gỡ, đồng điệu của những tâm hồn nên nó vẫn có những điểm tương đồng, giao thoa. Bởi vậy sẽ không ngạc nhiên khi “Sóng” của Xuân Quỳnh và “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử lại có những điểm giống nhau đến không ngờ. Cả hai đoạn thơ đều thể hiện nỗi nhớ nhung, niềm khát khao gặp gỡ đến cháy bỏng. Đó là khao khát có được hạnh phúc và tình yêu; khao khát được chạm đến yêu thương để khoả lấp nỗi mong chờ và để được đến với bến bờ hạnh phúc. Nếu “Sóng” cồn cào nhớ thương đến “ngày đêm không ngủ được” và “cả trong mơ còn thức”; yêu đến nỗi bất chấp cả mọi không gian phương Bắc, phương Nam để được yêu; thì “Đây thôn Vỹ Dạ” lại là tình yêu gắn liền với khắc khoải, chờ mong đến mỏi mòn.

b. Điểm khác nhau:

Tuy nhiên nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình:

Về mặt nội dung: Nếu Sóng là trái tim người con gái khi yêu bất chấp mọi vạn vật không gian, thời gian để đến được với người mình yêu; lấy thuỷ chung làm thước đo của tình yêu, lấy nỗi nhớ để tình yêu thêm nồng nàn; thì khổ thơ cuối trong bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ lại là một nỗi lòng tâm sự nặng trĩu vì một mối tình đơn phương vô vọng chưa một lần được đáp lại yêu thương.

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?

- Nhịp thơ 4/3 và điệp ngữ “Khách đường xa” được lặp lại hai lần thể hiện tâm trạng khắc khoải chờ đợi và niềm khát khao đến mãnh liệt. Từ “mơ” nằm đầu câu đã thể hiện rõ tâm trạng mong chờ ấy của thi nhân. “Mơ” chứ không phải là “mong”, vì không mong được nên mơ, vì sống trong mơ có lẽ sẽ bớt đi nỗi cô đơn thì phải. “Khách đường xa” có lẽ chính là cô gái Huế, và khách đường xa xuất hiện trong màu áo trắng. Màu trắng tượng trưng cho vẻ đẹp trong trắng tinh khôi của cô gái Huế - nhất là Hoàng Cúc từng là nữ sinh của trường Đồng Khánh; Ths Phan Danh Hiếu; trong sự đa nghĩa của câu thơ, màu trắng còn là sắc màu chỉ sự trong trắng của mối tình đơn phương; màu trắng ở đây vượt lên trên mức bình thường nên đã hóa thành sắc màu của ảo ảnh và chính vì nhìn vào ảo ảnh nên hình bóng của giai nhân cứ mờ nhoè, hư ảo.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”

“Ở đây” - nơi nhà thơ dưỡng bệnh - nơi mà Hàn Mặc Tử luôn xem là lãnh cung giam lỏng mình. “Ở đây” và “ngoài kia” có xa xôi mấy đâu vậy mà một lần về thăm thôi  cũng là điều không tưởng. Bởi thế câu thơ như vừa thực vừa mơ, còn kỷ niệm cứ chìm dần vào Huế - nơi đó giai nhân trong mộng đang lẫn trong màu khói sương của kỷ niệm. Hình bóng giai nhân ấy đã bao năm làm điên đảo mộng thi ca:

“Trời hỡi làm sao cho khỏi đói

Gió trăng có sẵn làm sao ăn

Làm sao giết được người trong mộng

Để trả thù duyên kiếp lỡ làng”

Câu hỏi cuối khổ thơ vang lên đầy hoài nghi, đầy khắc khoải về một mối tình vô vọng: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Đây là sự hoài nghi của người yêu đời tha thiết. Nhà thơ trong trạng thái bị dày vò vì khát khao tình yêu, vì trái tim đang rơi vào trống trải. Ths Phan Danh Hiếu. Câu hỏi như một tiếng kêu đau đớn, mang theo nỗi buồn vô vọng và những uẩn khúc của Hàn Mặc Tử - một tâm hồn đau thương chới với, bất lực trong mặc cảm chia lìa nhưng cũng hết lòng thiết tha với cuộc đời.

Về mặt nghệ thuật: Sóng hoà mình trong thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu, nhịp sóng và nhịp lòng với bao thổn thức yêu thương. Những ẩn dụ, nhân hoá, tương phản, điệp cấu trúc…hoà kết thành một đại dương tình yêu nhiều cung bậc. “Đây thôn Vỹ Dạ” lại sử dụng thể thơ thất ngôn; phép điệp ngữ, cách ngắt nhịp tinh tế; ngôn ngữ, hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị; sử dụng câu hỏi tu từ để bật lên cái tôi với bao khắc khoải trong một mối tình vô vọng, đơn phương.

3. Đánh giá chung:

Xuân Quỳnh và Hàn Mặc Tử là những ngôi sao sáng trên bầu trời thơ ca Việt Nam. Và hai thi phẩm “Sóng”, “Đây thôn Vỹ Dạ” chính là hai thi phẩm đã dệt nên hồn thơ lãng mạn ấy. Về cuộc đời, cả Xuân Quỳnh và Hàn Mặc Tử đều có số phận không được ấm yên trong tình yêu và hạnh phúc, kể cả trong cuộc đời cũng nhiều sóng gió. Nhưng sau tất cả, họ vẫn vượt lên bằng nghị lực, họ đã vịn tay vào thơ ca để cất lên tiếng hát yêu đời.

>> Tham khảoCảm nhận về hai đoạn thơ cuối bài Sóng và Vội Vàng

Liên hệ Sóng và Đất nước

Đề bài:

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

(Sóng - Xuân Quỳnh)

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời

(Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)

Hướng dẫn làm bài:

1. Giới thiệu về hai tác giả:

- Xuân Quỳnh là một trong các nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng người phụ nữ khi yêu, nhiều trắc ẩn - vừa hồn nhiên, tươi tắn lại vừa đằm thắm, chân thành. “Sóng” là thi phẩm xuất sắc của Xuân Quỳnh rất tiêu biểu cho phong cách thơ của chị. Bài thơ được trích trong tập “Hoa dọc chiến hào”.

- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm hấp dẫn bạn đọc bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Đoạn trích Đất Nước trích từ phần đầu trường ca “Mặt đường khát vọng”.

2. Cảm nhận.

2.1 . Bài thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh thể hiện cái tôi đầy khao khát. 

- Khát vọng được hòa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lí trong tình yêu là "Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt " (Christopher Hoare).

- Khát vọng muốn hòa nhập tình yêu của mình để ngàn năm còn vỗ . Đây là khát vọng muốn được vĩnh cửu hóa, bất tử hóa tình yêu.

- Trong quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh ta thấy được một tư tưởng nhân văn : " yêu và sự hiến dâng" (chữ " hiến dâng" không hiểu theo nghĩa thông tục). Tình yêu của cá nhân không tách rời cộng đồng.

- Đặt bài thơ trong hoàn cảnh năm 1968 khi đất nước đang có chiến tranh ta càng hiểu một cách thấm thía và sâu sắc về tình yêu và những khát vọng của những con người trong thời đại ấy.

* Nghệ thuật: bài thơ sử dụng thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu , âm hưởng của những con sóng biển; sử dụng phép nhân hóa, so sánh.

2.2. Đoạn thơ trong bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là lời nhắn của bài thơ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với non sông đất nước.

- Câu thơ mở đầu được so sánh ngầm. Đất nước được ví như máu xương. Cách ví von ấy thể hiện sự thiêng liêng và niềm tự hào mãnh liệt về đất nước. Đất nước là 1 phần không thể thiếu trong mỗi con người. Nó là 1 hồng cầu trong dòng máu lưu chuyển dưỡng nuôi sự sống của mọi người.

- Điệp ngữ "phải biết" được nhắc lại hai lần như một mệnh lệnh, nhưng mệnh lệnh này không khô khan cứng nhắc mà lại làm lay động trái tim con người.

+ "Gắn bó" là đoàn kết, đồng lòng; "san sẻ" là chia bùi sẻ ngọt.

+ Hóa thân là sự cống hiến, dâng hiến tuổi trẻ mình cho non sông, đất nước.

- Có "gắn bó" , "san sẻ", "hóa thân" thì mới làm nên được đất nước muôn đời. Nói một cách khác, để đất nước và non sông mãi mãi trường tồn thì mỗi con người phải biết đoàn kết, san sẻ, hóa thân.

* Nghệ thuật: giọng thơ chính luận;điệp ngữ "phải biết" được nhắc lại 2 lần đầy thiêng liêng ;ngôn ngữ thơ giản dị như lời nói từ trái tim truyền thông điệp đến trái tim.

3. So sánh:

- Giống nhau: tư tưởng của 2 đoạn thơ đều là tư tưởng tình yêu và sự hiến dâng. Khát vọng của 2 bài thơ đều lớn lao và cao thượng.

- Khác nhau: Sóng là vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi. Đất nước là vẻ đẹp tình cảm cá nhân của con người đối với tổ quốc. Sóng được diễn tả bằng thể thơ ngũ ngôn. Đất nước được diễn tả bằng thể thơ tự do.

>> Xem thêm: Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, luôn khát vọng về một hạnh phúc

Liên hệ Sóng và Vội vàng

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

(Sóng - Xuân Quỳnh)

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng - Xuân Diệu)

Bài văn mẫu:

“Sống và khát vọng” là lí tưởng cao đẹp của thanh niên thời hiện đại. Tuổi trẻ nên biết tận hưởng và cống hiến sức mình cho đời. Đó có lẽ là biểu hiện niềm ham sống mãnh liệt, hay là nỗi khao khát hòa mình vào tình yêu chung của nhân loại. Xuân Diệu và Xuân Quỳnh - những nhà thơ của tuổi trẻ - đã thể hiện quan niệm sống mới mẻ này qua hai tác phẩm tiêu biểu là “Sóng” và “Vội vàng” mà tiêu biểu là hai đoạn thơ sau:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

(Sóng - Xuân Quỳnh)

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng - Xuân Diệu)

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng người phụ nữ khi yêu, nhiều trắc ẩn - vừa hồn nhiên, tươi tắn lại vừa đằm thắm, chân thành. Nhân vật trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh đều là những người phụ nữ mạnh mẽ, luôn da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ “Sóng” ra đời trong chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền (Thái Bình). Đây là thi phẩm đặc sắc, đậm chất phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”.

Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đã đem đến cho thi ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới cùng những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Cũng như Xuân Quỳnh, Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ với giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. Từ sau cách mạng, thơ Xuân Diệu gắn liền với đất nước và rất giàu tính thời sự. Bài thơ “Vội vàng” là một trong số những thi phẩm về lòng yêu cuộc sống của người trẻ, được in trong tập “Thơ Thơ”.

“Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” (Xuân Diệu). Vì thế, sống và để yêu thương và khát vọng luôn song hành cùng tuổi trẻ. Đó là tính quy luật muôn đời.

Trước hết, ta sẽ tìm hiểu khát vọng mà nữ sĩ Xuân Quỳnh đã đề cập đến trong “Sóng”. Tuổi trẻ sinh ra là để được yêu và tình yêu đóng vai trò đặc biệt đối với tuổi thanh xuân của mỗi người. Bởi lẽ:

Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào.

(Xuân Diệu)

Tình yêu trong “Sóng” của Xuân Quỳnh không chỉ có những cung bậc cảm xúc đời thường của người phụ nữ khi yêu mà nó còn ẩn chứa lí tưởng cao đẹp của tình yêu hiện đại:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Người trẻ yêu rất say đắm, rất mãnh liệt, họ luôn khát vọng tình yêu, luôn “bồi hồi trong ngực trẻ”. Chính vì vậy, mà họ sẵn sàng hi sinh, hiến dâng cho hạnh phúc của mình. Chỉ với bốn câu thơ, nữ tác giả đã bộc lộ cái tôi bản thân cũng như suy nghĩ của thế hệ trẻ. Hai chữ “làm sao” thật giàu cảm xúc. Là nỗi băn khoăn, trăn trở của Xuân Quỳnh. Đó chính là nỗi khát khao được “tan thành trăm con sóng nhỏ”. Vì sao vậy, vì nhà thơ bằng trực cảm của mình đã nhận ra tình yêu không thuộc về vĩnh viễn. Nó giống như:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Cuộc đời tuy dài nhưng không ngăn nổi tháng năm của tuổi trẻ sẽ đi qua. Biển dẫu đến vô cùng vẫn không thể nào giữ nổi một đám mây bay về cuối chân trời. Vì vậy mới sinh ra khát vọng của thi nhân. Khát vọng được hóa thân thành sóng là khát vọng được cho đi, được dâng hiến. Bởi vì, có một nghịch lí trong tình yêu là “hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn biết mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt” (Christopher Hoare). Con sóng lớn là tổng hòa của “Trăm con sóng nhỏ” để hòa vào đại dương mênh mông sâu thẳm. Trong bao la vô tận ấy, sóng sẽ mãi mãi vỗ muôn điệu yêu thương mà không bao giờ lo âu vì tình yêu trong biển rộng trời cao ấy chẳng bao giờ vơi cạn. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, Xuân Quỳnh đang ngầm so sánh cuộc đời tựa hồ như biển lớn tình yêu được tạo nên từ những con sóng nhỏ. Sóng chẳng thể tồn tại nếu nó không còn là một phần của biển khơi. Cũng như tình yêu của muôn người, nếu tách khỏi cộng đồng thì chỉ mãi là một tình yêu lẻ loi, vị kỉ. Từ đó, người đọc cảm nhận được khao khát bất tử hóa tình yêu của nhà thơ:

Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Những con sóng đó quyện mình vào đại dương bao la, cùng vỗ nhịp yêu thương đến ngàn đời sau tượng trưng cho tình yêu vĩnh hằng. Tình yêu cá nhân cần phải hòa mình vào tình yêu chung của nhân loại thì mới trường tồn, vĩnh cửu. Bởi một lẽ “giọt nước chỉ không thể cạn khi nó hòa vào biển cả”. Hơn nữa, bài thơ được ra đời vào năm 1968, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Thanh niên nam nữ đều xông pha mặt trận, chiến trường khói lửa bom đạn. Biết bao nhiêu cuộc chia li màu đỏ giữa các cặp gái trai diễn ra vào thời điểm đó. Nghĩ đến điều này, ta lại càng thấm thía hơn về lý tưởng tình yêu của con người thời đại ấy. Nói tóm lại, thông qua khổ cuối của bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh đã gửi đến độc giả thông điệp nhân văn về tình yêu: yêu là hiến dâng và tình yêu cá nhân không thể và cũng không thể tách rời bể lớn tình yêu nhân loại.

Xuân Quỳnh đã rất khéo léo khi chọn viết “Sóng” bằng thể thơ ngũ ngôn, giàu nhịp điệu. Nhịp điệu của sóng, nhịp điệu của tâm hồn giúp cho nhà thơ phần nào truyền tải ý nghĩa nhân văn của mình đến người đọc một cách sâu sắc và xúc động nhất. Cách so sánh “em” với “sóng” độc đáo, cùng những hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ những con sóng tựa như tâm hồn trắc ẩn của người phụ nữ đang yêu đã tạo nên thành công cho bài thơ.

Chẳng những yêu hết mình, yêu chân thành mà tuổi trẻ còn có một niềm ham sống mãnh liệt. Không ai khác ngoài Xuân Diệu có thể bộc lộ cái tôi sổi nổi, giàu khát vọng ấy của đời thanh niên:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Bốn câu thơ trên là lời mở đầu cho thi phẩm “Vội vàng”. Đặc biệt thay, chỉ những câu thơ này được viết bằng thể ngũ ngôn. Với nhịp ngắn, nhanh, giàu nhạc điệu, thì đây là thể thơ thích hợp nhất để bộc lộ cái tôi đầy khát vọng mãnh liệt và táo bạo của nhà thơ. Nhân vật trữ tình trong “Vội vàng” có một khao khát được “tắt nắng” cho màu hoa đừng phai, được “buộc gió” cho “hương đừng bay đi”. Nắng và gió, hương và hoa ở đây là mùa xuân của đất trời. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm với bạt ngàn hoa thơm, cỏ lạ, với không khí ấm áp, muôn chim hội tụ. Đó là “đồng nội xa rì”, là “lá cành tơ phơ phất” và còn là “của yến anh này đây khúc tình si”. Mùa xuân qua “cặp mắt xanh non biếc rờn” của nhà thơ càng trở nên thanh tân, quyến rũ đến lạ lùng: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

Nhưng ẩn sâu trong vẻ đẹp diệu kì ấy của mùa xuân là vòng quay không ngừng của thời gian. Thời gian có sức mạnh ghê gớm, nó bào mòn mọi thứ, kể cả tuổi thanh xuân của con người. Vì vậy mà Xuân Diệu luôn lo sợ về tình yêu, về tuổi già trước mắt: Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.
Nỗi sợ vô hình ấy cứ ảm ảnh nhà thơ mãi không thôi. Chính vì lẽ đó mà Xuân Diệu đã khát vọng chiếm đoạt quyền năng của tạo hóa, buộc vũ trụ ngừng quay, thời gian dừng lại. Từ đó, thi nhân được hưởng trọn vẹn những phút giây đẹp nhất của đời người. Khát khao ấy nghe có vẻ ngông cuồng, điên rồ những lại rất hợp lí. Có người từng bảo rằng: “Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa”. Tuổi thanh xuân, là quãng thời gian mà con người cảm thấy mình đẹp nhất, sung sức nhất. Nhà thơ muốn được níu giữ, được tận hưởng thời trẻ, điều đó cũng không quá khó hiểu. Đây chính là khát vọng đầy chất nhân văn của tác giả. Xuân Diệu, qua đó, cũng nhắc nhở người đọc: “Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm”. Nghĩa là ta phải nhanh lên để tình non chẳng chóng già, để một mai ngẫm lại ta không hối tiếc vì đã “chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

Tác giả sử dụng thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, lột tả chân thực khát vọng mãnh liệt của bản thân cũng như làm tăng sức truyền cảm đối với độc giả. Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ mở đầu, mà các động từ mạnh “tắt”, “buộc”,… cùng với điệp ngữ “Tôi muốn” đồng loạt xuất hiện, góp phần nhấn mạnh nội dung của thi phẩm, đồng thời tạo nên cái hay cho đoạn thơ, mang đậm phong cách thơ Xuân Diệu.

Dễ dàng nhận thấy, cả Xuân Quỳnh lẫn Xuân Diệu đều sử dụng thể thơ ngũ ngôn, giàu nhịp điệu nhằm tăng tính biểu cảm khi truyền tải ý nghĩa nhân văn đến người đọc. Ngoài ra, hai khổ thơ trên đều bộc lộ cái tôi khát vọng với đời vô cùng cháy bỏng của thế hệ trẻ thời hiện đại. Tuy nhiên, khát vọng trong “Sóng” là khát vọng tình yêu lứa đôi, là khao khát được tận hiến, được hi sinh cho một tình yêu đẹp, giữa “biển lớn ngàn năm sóng vỗ”. Còn trong “Vội vàng”, ấy lại là một quan niệm nhân sinh về lẽ sống: sống vội vàng , giục giã để tận hưởng những giá trị của cuộc sống.

Người ta nói: “Tuổi trẻ là tuổi không ngại ngùng gì và không nghi ngờ gì”. Tuổi thanh xuân của đời người trôi qua nhanh lắm. Vậy nên, đừng ngại ngùng, hãy yêu hết mình, sống vội vàng với cả nhiệt huyết của người trẻ như Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Chỉ có thế, ta mới vươn tới được hạnh phúc vĩnh hằng và hưởng thụ lấy những tinh hoa, những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời này.

Tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác về bài thơ Sóng:

*************

Trên đây là những đề liên hệ bài Sóng - Xuân Quỳnh theo hướng mới 2019 hay nhất mà các em có thể tham khảo để phục vụ việc học tập, ôn thi của mình. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM