Bình giảng khổ thơ thứ 7 bài Việt Bắc - Bài viết tuyển chọn những mẫu văn hay chủ đề bình giảng khổ thơ thứ 7 (khổ cuối) bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu hi vọng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em trong khi làm bài.
Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài "Việt Bắc" của Tố Hữu:
"Ta về mình có nhớ ta,
(…) Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung".
» Tham khảo thêm: Bình giảng 3 khổ đầu bài Việt Bắc
Bài văn bình giảng khổ thứ 7 Việt Bắc ngắn gọn nhất
Bài thơ "Việt Bắc" ra đời vào tháng 10 – 1954, rút trong tập "Việt Bắc" – tập thơ kháng chiến của Tố Hữu. Sau hơn ba ngàn ngày khói lửa, Hồ Chí Minh cùng đoàn quân chiến thắng tiến về thủ đô. Trong bối cảnh lịch sử hào hùng ấy. Tố Hữu đã sáng tác bài thơ này. Đây là một trong những đoạn thơ tiêu biểu nhất trong "Việt Bắc" thể hiện một cách tập trung vẻ đẹp giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ Tố Hữu.
Bao trùm lên toàn bộ đoạn thơ là nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến đối với cảnh và người Việt Bắc. Nỗi nhớ tha thiết, bồi hồi thể hiện tình cảm thủy chung, nặng tình nặng nghĩa giữa "ta" với "mình", giữa kẻ ở với người về, giữa người cán bộ kháng chiến với người dân Việt Bắc:
"Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người,
… Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
… Nhớ cô em gái hái măng một mình
… Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung".
Chữ "nhớ" như một luyến láy trong khúc ca tâm tình làm cho vần thơ lục bát trở nên ngọt ngào sâu lắng.
Trong 5 câu thơ của đoạn trích thì câu 2 mang ý nghĩa khái quát: "Ta về, mình có nhớ ta – Ta về, ta nhớ những hoa cùng người". Câu nào cũng có hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc, câu nào cũng có hình ảnh con người Việt Bắc.
Hình ảnh thiên nhiên trong đoạn thơ của Tố Hữu đẹp đẽ, tươi sáng, thơ mộng, đầy sức sống đến lạ thường. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét: "Những câu thơ của Tố Hữu viết về thiên nhiên trong Việt Bắc có thể sánh với bất kì đoạn thơ miêu tả thiên nhiên nào trong văn học cổ điển". Thiên nhiên trong thơ Tố Hữu đa dạng độc đáo. Bốn câu thơ là bức tranh bốn mùa trong một năm, mỗi mùa lại mang một sắc thái riêng biệt. Đoạn thơ làm ta liên tưởng đến bức tranh tứ bình trong "Truyện Kiều" qua ngòi bút thiên tài của thi hào Nguyễn Du:
"Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân".
Với Tố Hữu, cảnh rừng Việt Bắc khi mùa đông đến là một màu xanh bạt ngàn, điểm tô, thắp sáng bởi "hoa chuối đỏ tươi". Thơ nên họa đã làm hiện lên vẻ đẹp hoang sơ và tráng lệ của những cánh rừng Việt Bắc. Khi mùa xuân đến "mơ nở trắng rừng" một vẻ đẹp trong trắng, thanh khiết, tinh khôi gợi cảm giác thơ mộng và bâng khuâng – một sức sống bừng dậy "trắng rừng" làm đổi thay quang cảnh thiên nhiên chiến khu. Và mùa hè "ve kêu rừng phách đổ vàng". Chỉ có Việt Bắc mới có rừng phách vàng rực trong mùa hè. Sự chuyển đổi của thời gian, sự chuyển vần từ xuân qua hè được thể hiện qua âm thanh tiếng ve, được diễn tả qua từ "đổ". Câu thơ hay vì thời gian cũng mang màu sắc. Trước mắt người cán bộ kháng chiến là những rừng phách đang ngả dần sang màu vàng rực khi mùa hè đến trong âm thanh rộn rã tiếng ve ngân suốt đêm ngày. Chữ "đổ" là một nhãn tự làm ta nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu trong bài "Thơ duyên": "Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá. Thu đến nơi nơi động tiếng huyền". Mùa thu chiến khu quên sao được "Rừng thu trăng rọi hòa bình". Rừng cây, núi đá, khe suối, "bản khói cùng sương" càng đáng yêu hơn dưới vầng trăng xanh hòa bình dịu mát. Ta bồi hồi nhớ lại câu thơ trăng của Bác viết những năm đầu kháng chiến: "Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa" (Cảnh khuya).
Bức tranh thiên nhiên trong thơ Tố Hữu tươi sáng, gợi cảm, thơ mộng và đầy màu sắc thẩm mĩ. Mỗi câu thơ là một phiên cảnh với mảng màu và nét tài hoa. Màu xanh của rừng già, màu đỏ tươi của hoa chuối, màu trắng của hoa mơ mùa xuân, màu vàng rực của rừng phách mùa hạ, màu xanh hòa bình dịu mát của ánh trăng thu. Nghệ thuật phối sắc tài tình của Tố Hữu trong miêu tả đã làm hiện lên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, đầy sức sống như Bác Hồ đã viết:
"Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay"…
(Cảnh rừng Việt Bắc)
Thiên nhiên Việt Bắc còn đẹp trong sự hòa hợp gắn bó với con người đang sống và hoạt động. Vì vậy, thiên nhiên Việt Bắc không hoang vu buồn tẻ mà trái lại, nó tràn đầy sức sống – sức sống mãnh liệt của một đất nước đang kháng chiến. Con người được nói tới trong đoạn thơ này rất đẹp và hữu tình. Trước hết là con người xuất hiện trong khung cảnh lao động, trong sự hòa hợp và chan hòa với thiên nhiên.
"Đèo cao nắng ánh đao gài thắt lưng" – là một trong những câu thơ đặc sắc của đoạn thơ. Câu thơ được coi là sự phát hiện độc đáo của Tố Hữu mang màu sắc "rất Việt Bắc" như cách nói của Xuân Diệu. Đồng bào Việt Bắc lúc đi rừng thăm rẫy, làm nương đều gài dao ở thắt lưng. Trên tầm cao của đèo, ánh sáng mặt trời chiếu vào những con dao ấy, tạo nên sự phản quang rực rỡ, lấp lánh. Chỉ một câu thơ thôi mà người đọc có thể cảm nhận được hình ảnh mạnh mẽ, hào hùng của con người Việt Bắc trong tư thế lao động, làm chủ thiên nhiên, trong tư thế vận động đi lên phía trước. Phải có một tâm hồn thi sĩ tinh tế, sự quan sát sắc sảo mới viết được những câu thơ hay như vậy. Con người kháng chiến mang tầm vóc thời đại là người sản xuất hay người chiến sĩ đều mang tư thế hào hùng:
"Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo".
(Lên Tây Bắc)
Nhớ "mơ nở trắng rừng" trong những ngày xuân cũng là sự bồi hồi "nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang". Tác giả viết về con người Việt Bắc trong một khung cảnh cụ thể, một công việc cụ thể. Từ "chuốt" trong câu thơ là trau chuốt, làm bóng lên, làm đẹp thêm lên. Chữ "từng" (từng sợi giang) gợi tả đức tính cần mẫn, cách làm tỉ mỉ và chịu khó. Có khéo tay mới "chuốt từng sợi giang" mỏng và bóng để đan thành những chiếc nón xinh xắn, một trong những vật phẩm mĩ nghệ thủ công đặc trưng của Việt Bắc. Con người cần cù và tài hao ấy thật đáng "nhớ" vì như Nguyễn Đình Thi đã từng ca ngợi: "Tay người như có phép tiên – Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ". Thế là cùng với chiếc nón bài thơ của xứ Huế được nói đến trong dân ca, ta biết thêm chiếc nón đan bằng sợi giang của Việt Bắc qua bài thơ Tố Hữu.
Câu thơ "Nhớ cô em gái hái măng một mình" là câu thơ hay ở vần điệu. Sự hiệp vần: "gái – hái" (vần lưng) và cách sử dụng phụ âm "m" liên tiếp của các từ "măng – một – mình" tạo cho câu thơ đa thanh, mang tính nhạc hấp dẫn. Cô gái Việt Bắc trẻ trung, xinh tươi, lạc quan yêu đời, đi hái măng giữa rừng vầu rừng nứa một mình trong khúc nhạc rừng, tuy chỉ có "một mình" mà chẳng cảm thấy lẻ loi cô đơn. Con người ấy đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Giữa một không gian nghệ thuật đầy màu sắc và âm thanh của suối rừng, cô gái Việt Bắc xuất hiện thật hồn nhiên và đáng yêu lạ! Câu kết của đoạn thơ: "Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung" nói lên vẻ đẹp tâm hồn người Việt Bắc. "Ai" là đại từ phiếm chỉ gợi lên bao hoài niệm, bâng khuâng nghĩa tình thủy chung. Tiếng hát ân tình thủy chung giữa "ta" với "ai" được thử thách trong cay đắng ngọt bùi, trong máu lửa, "mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng" nên không bao giờ có thể quên được.
Đoạn thơ của Tố Hữu viết về thiên nhiên và con người Việt Bắc là đoạn thơ tràn đầy tình cảm nhớ nhung và thương mến với bao niềm tự hào đối với Việt Bắc "Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa", và chiến khu bất khả xâm phạm "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Có thể nói, Tố Hữu không chỉ ca ngợi Việt Bắc mà còn viết nên những vần thơ đẹp nhất ca ngợi đất nước và con người Việt Nam trong lửa đạn.
Đoạn thơ thấm đẫm tình người. Nỗi nhớ thiết tha đã thấm sâu vào cảnh vật, vào lòng người – kẻ ở người về. Vần thơ lục bát với âm điệu ngọt ngào, bồi hồi như câu hát giao duyên "mình – ta" thuở nào. Chữ "nhớ" được điệp lại nhiều lần diễn tả tình thương nỗi nhớ vơi đầy dào dạt...
"Việt Bắc" là một trong những bài thơ lục bát hay nhất của Tố Hữu. Đoạn thơ trên tiêu biểu cho cái hay, cái đẹp của "Việt Bắc". Ngòi bút nghệ thuật mang tính kế thừa và sáng tạo độc đáo, từ âm điệu trữ tình ca dao đến tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Cảnh và người đều đẹp và đáng yêu mang sức sống và khí thế của thời đại mới. Cấu trúc đoạn thơ mang vẻ đẹp tứ bình cổ điển, chặt chẽ, cân xứng, hài hòa cho ta nhiều ấn tượng và cảm xúc thẩm mĩ. Thơ là tấm lòng, tiếng lòng. Đoạn thơ trên đây là tấm lòng, tiếng lòng của người cán bộ kháng chiến đối với Việt Bắc "thủ đô gió ngàn".
Bài bình giảng khổ thơ thứ 7 Việt Bắc được đánh giá cao
Việt Bắc tràn đầy nỗi nhớ của người kháng chiến về xuôi với quê hương cách mạng trong mười lăm năm "thiết tha mặn nồng" tình nghĩa. Biết bao nhiêu chữ "nhớ" vang lên trong bài thơ cùng với bao nhiêu nỗi nhớ của người ra đi với người ở lại. Nhớ chiến khu, nhớ "mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào", nhớ những đêm "quân đi điệp điệp trùng trùng", nhớ "ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang", và cả "nhớ gì như nhớ người yêu”... Giữa rất nhiều nỗi nhớ ấy, hiện lên một nỗi nhớ vừa đằm thắm thiết tha lại vừa bâng khuâng man mác:
Ta về, mình có nhớ ta
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
Cảnh vật, con người Việt Bắc, cái gì cũng đáng yêu, đáng nhớ. Mười câu thơ trên là đoạn thơ thứ năm của bài thơ "Việt Bắc", tự nó đã có tính hoàn chỉnh. Đó là bức tranh toàn cảnh và tiêu biểu của Việt Bắc qua bốn mùa trong năm. Bức tranh ấy hiện lên thật sinh động trong âm điệu nhịp nhàng, tha thiết yêu thương. Bức tranh ấy rực rỡ, tươi tắn nhưng cũng bâng khuâng, man mác vì nó được lọc qua nỗi nhớ của người về xuôi. Nỗi nhớ được bộc lộ tha thiết trong buổi chia tay:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Hai lần "ta về” láy lại ở đầu câu - cùng một thời điểm chia tay, nhưng câu trên là hỏi người, câu dưới là giãi bày lòng mình. Cái giọng thơ tâm tình của Tố Hữu ở đây thật ngọt ngào dễ thương. Cuộc chia tay giữa người kháng chiến và người Việt Bắc, giữa miền ngược với miền xuôi đã trở thành một cuộc "giã bạn" đôi lứa (ta - mình). Nỗi nhớ về những ngày gian nan gắn bó với cảnh và người Việt Bắc cứ hiện dần trong tâm trí người đi. Cảnh vật, con người Việt Bắc, cái gì cũng đáng yêu, đáng nhớ. Nhớ trước nhất là hoa cùng người. Hoa và người hòa quyện trong nỗi nhớ. Nhớ hoa là nhớ tới cái đẹp của thiên nhiên Việt Bắc, mà cái đẹp của Việt Bắc không thể tách rời với cái đẹp của những con người Việt Bắc đã từng cưu mang, gắn bó với người đi, với cách mạng, vẻ đẹp của bức tranh Việt Bắc, trước tiên, là vẻ đẹp của sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người.
Bức tranh đó được diễn tả bằng những câu thơ êm ả, nhẹ nhàng. Có màu sắc tươi tắn rực rỡ, có ánh sáng lung linh chan hòa, có âm thanh vui tươi đầm ấm. Cảnh và người hòa quyện vào nhau: bốn cặp lục bát tả bốn mùa, thì câu trên nhớ cảnh, câu dưới nhớ người. Mà cảnh nào, người nào được nhắc tới cũng đều có cái riêng để nhớ. Tất cả đã hiện lên trước mắt ta một bức tranh Việt Bắc tuyệt diệu, nên thơ qua nét bút châm phá tài tình của tác giả.
Mỗi mùa được nhà thơ nhớ lại bằng một nét tiêu biểu nhất, với cách diễn tả tinh tế gợi cảm. Nhớ mùa đông Việt Bắc là nhớ tới "rừng xanh hoa chuối đỏ tươi". Giữa cái bạt ngàn của màu xanh, hiển hiện một màu sắc ấm nóng (tươi đỏ), bức tranh mùa đông của Việt Bắc đâu còn cái lạnh lẽo, hoang vu nữa. Xuân sang sắc màu lại đổi khác, tràn ngập sinh sôi một màu trắng tinh khiết, thơ mộng: "Ngày xuân mơ nở trắng rừng". Cảnh này có gì đó giống như cảnh Bác về nước năm 1941:
Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...
(Tố Hữu - Theo chân Bác)
Bốn cặp lục bát sau Tố Hữu dùng để tả cảnh hè đến và cảnh mùa thu. Nếu như sắc màu chủ đạo của cảnh đông là màu xanh điểm vào đó có sắc hoa tươi đỏ, của cảnh xuân là màu trắng hoa mơ, thì của mùa hè là màu vàng tươi đẹp của rừng phách: Ve kêu rừng phách đổ vàng. Đây là một câu thơ vào loại hay nhất của bài thơ "Việt Bắc". Câu thơ sáu chữ mà thấy được sự chuyển đổi của thời gian, sự biến đổi của cảnh sắc thiên nhiên. Câu thơ ấy ran lên một tiếng ve kêu không dứt trong màu vàng chói chang của rừng phách dưới nắng hạ. Cuối cùng, cảnh thu hiện ra với màu sắc dịu hiền của ánh trăng, màu của mơ ước về cuộc sống hòa bình giữa những ngày gian khổ. Cảnh nào cũng đẹp, mùa nào cũng đáng yêu, và mỗi mùa là một bức tranh nên thơ, kì thú.
Bức tranh bốn mùa ấy còn ánh lên vẻ đẹp đằm thắm của con người Việt Bắc. Cảnh làm nền cho người và người gắn với cảnh, chúng quyện hòa vào nhau và tô điểm cho nhau. Dường như những cảnh ấy phải có những con người này, và nhà thơ đã đưa vào bức tranh Việt Bắc những con người thật bình dị đáng yêu: hình ảnh người lên núi với lưỡi dao lấp lánh ánh nắng cạnh sườn, bàn tay "chuốt từng sợi giang" của người đan nón, và "cô em gái hái măng một mình" giữa khúc nhạc ve ran và sắc vàng rừng phách. Cả "tiếng hát ân tình" nữa cùng làm cho rừng thu êm dịu và ánh trăng hòa bình tỏa sáng lung linh.
Không hiểu Việt Bắc sâu sắc, không yêu Việt Bắc nồng nàn và nhớ Việt Bắc tha thiết, thì không thể dựng lên bức tranh quê hương cách mạng đẹp tuyệt diệu và ấm tình người đến thế. Nhưng để có bức tranh này, còn có quan điểm đúng đắn và cách nhìn tiến bộ của nhà thơ cách mạng. Khác với những cách nhìn sai lệch trong văn học trước đây về miền núi và con người miền núi (là nơi "ma thiêng nước độc" với những con người dữ tợn, kém văn minh...), Tố Hữu đã có một cách nhìn đầy thông cảm, thương yêu và ưu ái với quê hương cách mạng. Bức tranh thơ này chính là bắt nguồn từ sự gắn bó thủy chung, từ lòng nhớ thương sâu nặng của nhà thơ đối với cảnh và người Việt Bắc.
Tình cảm nhớ thương tha thiết ấy là âm hưởng bao trùm cả đoạn thơ - và nhạc điệu dịu dàng trầm bổng của thể thơ lục bát làm cho âm hưởng đó bâng khuâng, tha thiết. Kết cấu của bài thơ Việt Bắc là kết cấu đối đáp, có ta và mình, có người đi, kẻ ở, nhưng thực ra đó chỉ là sự phân thân của một chủ thể trữ tình. Đoạn thơ trên là lời đáp, lời giãi bày của người đi; nhưng không hẳn là thế. Nhớ cảnh, nhớ người, nhớ đến từng chi tiết sống động như vậy là nỗi nhớ chung của những người đã cùng gắn bó với nhau, đồng cam cộng khổ trong "mười lăm năm thiết tha ân tình". Không phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu khép lại đoạn thơ bằng "... tiếng hát ân tình thủy chung”. Tiếng hát ân tình ấy vấn vương trong người đi kẻ ở, vấn vương trong tâm hồn người đọc...
-/-
Trên đây là một số bài văn mẫu hay nhất bình giảng khổ thơ thứ 7 (khổ cuối) bài Việt Bắc. Mời các bạn tham khảo thêm bộ tài liệu những bài làm Văn mẫu 12 hay nhất tuyển chọn dành cho chương trình học Ngữ Văn lớp 12 tại doctailieu.com.
Chúc các bạn học tốt môn Văn !