Trang chủ

Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Xuất bản: 30/08/2018 - Cập nhật: 22/11/2018 - Tác giả:

Tham khảo và tuyển chọn những bài văn mẫu hay nhất bình giảng, phân tích bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh - Để học tốt Ngữ văn lớp 12

Đề bài: Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

***

» Dàn ý bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Văn mẫu bình giảng bài Sóng hay nhất

Nếu như Xuân Diệu đã từng thổn thức vì tình yêu, dâng hiến trọn đời cho tình yêu, chạy vội với thời gian để được yêu thì Xuân Quỳnh cũng thế, cũng từng thấp thỏm, lo âu, đau khổ vì yêu. Nhưng dù sao đi nữa, là phận nữ nhi nên người rất ít tỏ ra táo bạo, quá mạnh dạn như Xuân Diệu. Đọc thơ Xuân Quỳnh, ta thường bắt gặp hình ảnh con sóng, chiếc thuyền nói hộ tình yêu… Cũng vì lẽ ấy, suy cho cùng đây chỉ là những chất liệu dung dị, bình thường nhất trong cuộc sống song lại chứa đựng biết bao là ẩn ý, biết bao là ẩn tình mà Xuân Quỳnh muốn bày tỏ.

Chúng ta đã đến với “Sóng” của Xuân Quỳnh để thưởng thức từng vị thương, vị nhớ của một người phụ nữ đang yêu.

Người ta thường ví rằng tình yêu là một bông hoa kì diệu! Vâng! Quả đúng như thế, tình yêu chưa bao giờ đi theo một hướng xác định. Cũng có lúc, người ta nhìn nhận tình yêu là cây đàn muôn điệu gảy lên muôn bản nhạc tình, có khi trầm bổng thiết tha, có khi nghẹn ngào đau đớn, cũng có khi e ấp, nũng nịu, dễ thương. Thì đây, trong bài thơ này, tình cảm của nhân vật “Em” cũng biến thiên như thế!

“Sóng” là thơ ngụ ngôn, một thể thơ rất phù hợp để kể về một huyền thoại tình yêu đầy ăm ắp những tâm trạng khắc khoải, những cung bậc tình cảm và vì thế bài thơ dễ dàng được phổ nhạc.

Sóng! – là một hình tượng ẩn dụ, là phương tiện bộc lộ tình cảm của nhân vật “Em”:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

… Bồi hồi trong ngực trẻ”

Một câu chuyện cổ tích về tình yêu được nhà thơ Xuân Quỳnh kể lại. Câu chuyện bắt đầu từ một con sóng nhỏ chẳng biết xuất phát từ đâu, sóng hiện ra như một con người có nội tâm nhiều biến động. Hai trạng thái tâm hồn đối lập nhau, giằng xé nhau, buồn vui lẫn lộn. Sóng chẳng hiểu tại sao mình lại cứ “dữ dội” rồi “dịu êm”, “ồn ào” rồi “lặng lẽ”. Phải chăng sóng đang yêu, yêu âm thầm, lặng lẽ? Vâng! Một tình cảm đang rạo rực trong trái tim người con gái, làm sao ai có thể “định nghĩa được tình yêu”. Một buổi chiều mộng? Một lần gặp gỡ? Một phút xao động trong tâm hồn ? Người con gái hay chính nhân vật “Em” trong bài đang cố tìm câu giải đáp cho tình yêu, cho sự bâng khuâng, đối lập của lòng mình. Và rồi chỉ còn một lối thoát: con sóng phải tìm ra tận bể cũng như “Em” đi tìm nguồn gốc của tình yêu.

Tâm hồn con người là một cõi mênh mông vô tận. Làm sao ta có thể đi xuyên suốt hết cái cõi vô tận ấy. Và ngay chính trong lúc cõi lòng đang bùng lên ngọn lửa yêu thương thì cô gái trẻ lại càng trăn trở, bâng khuâng, khắc khoải, dằn vặt với chính lòng mình. Phải vượt khỏi cái giới hạn chật hẹp này, phải lao mình vào chân trời bao la, những miền vô tận để hiểu rõ lòng mình. Con sóng đã rời bờ ra đi, đi thật xa, cố tìm hiểu và soi mình với những con sóng khác để biết được sự huyền diệu của tình yêu, mà hiện tại đối với sóng vẫn còn là một bí mật. Tình yêu là gì ư? Một nhà thơ Pháp đã từng khẳng định: “Tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Và thế rồi con sóng vẫn đi tìm mãi, tìm mãi:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Tình yêu cũng như con sóng, vẫn vĩnh hằng với thời gian và tuổi trẻ. Xuân Diệu đã từng “Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”.

Tình yêu gắn liền với tuổi trẻ. Tuổi trẻ là trái tim dào dạt, đa cảm và rạo rực niềm yêu thương chất sống. Chính vì thế, mà cái khát vọng tình yêu cứ bồi hồi trong ngực trẻ, nó cứ thúc đẩy tuổi trẻ đi tìm chân lý yêu đương, cũng như con sóng “ngày xưa và ngày sau vẫn thế”. Tuy nhiên, câu thơ “bồi hồi trong ngực trẻ” là một câu thơ chưa chín. Thật ra ngực trẻ hay ngực già… đều nồng nàn và bồi hồi trước tình yêu. Song, sóng và em cứ tìm mãi mà chẳng hiểu mình, chẳng thể hiểu được tình yêu. Sóng chính là điển hình của sự nhận thức về cái “quy luật” không thể cắt nghĩa được tình yêu:

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”.

Sóng bắt đầu từ gió – Vâng! Gió bắt đầu từ đâu? Tình yêu bắt đầu từ đâu? –“Em”cũng không biết nữa. Đọc những câu thơ này, ta chợt hình dung cái lắc đầu nhè nhẹ như một sự bất lực của cô gái. Trong khi người con gái cố đi tìm cội nguồn tình yêu thì tình yêu trở thành trò chơi ú tim, không tài nào nắm bắt được. Và thế là, muôn đời tình yêu vẫn là sự bí hiểm. Tình yêu của “Em” giờ đây trở thành nỗi nhớ da diết, giày vò. Nó choáng đầy cả không gian, nó chiếm cả tầng sâu và bề rộng, nó trải dài trong mọi thời gian. Phạm Đình An đã nhận xét: “Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh không dừng lại ở mức độ yêu buổi đầu giản đơn hò hẹn, non nớt, ngọt ngào, mà là tình yêu hạnh phúc, tình yêu gắn bó với cuộc sống chung với nhiều đòi hỏi ở chiều sâu tình cảm, với nhiều chứng minh của thử thách, mang đậm dấu ấn trách nhiệm”. Chính vì thế mà tình yêu của người “Em”. Ở đây có thể nói không còn bồng bột mà khá chín chắn, có sự can thiệp của lý trí, có ý thức về mặt tình cảm. Ấy thế mà trong lòng người con gái vẫn trỗi dậy mãnh liệt một nỗi nhớ muôn hình, muôn sắc:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

Nỗi nhớ của “Em”, của tình yêu dữ dội được khởi đầu từ những cái cao cả lớn lao, không tủn ngủn và tầm thường chút nào! Nỗi nhớ ấy da diết, cuốn lấy tâm hồn người con gái! Với Xuân Quỳnh là thế: mọi con sóng đều có bờ, mục đích là vỗ vào bờ, nên khi sóng xa bờ thì phải nhớ bờ, ngày đêm không ngủ được. Cũng như sóng, nỗi nhớ về “Anh” vẫn dào lên mãnh liệt:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Tình yêu đến, tình yêu mang theo một nỗi nhớ vô bờ đến với “Em”, choáng ngợp tâm hồn “Em”. Tình yêu đã trở nên đậm đà đến thế, và nỗi nhớ lại càng da diết miên man. “Có không gian nào dài hơn chiều dài nỗi nhớ, có một khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu…”. Vâng! Làm sao đo được nỗi nhớ, làm sao đo được tình yêu! “Em” vẫn nhớ đến “Anh”, chỉ nhớ về phương anh mà thôi:

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương”.

Tình yêu thật huyền diệu! Điều đáng nói là “Em” biết chủ động, biết gửi trao nỗi nhớ về hướng xác định: Phương anh – phương của tình yêu: “rợp trời thương ấy mấy màu xanh suốt, mà em nghiêng hết ấy mấy về phương anh, mà em nghiêng hết ấy mấy về phương anh…”. Tình yêu của người phụ nữ thật mãnh liệt nhưng cũng thật trong sáng, dung dị, một tình yêu thuỷ chung và trọn vẹn. Song, để toàn vẹn mối tình ấy, con sóng phải vượt qua muôn ngàn cách trở:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

Con sóng muốn tới bờ, phải vượt qua bao giông tố, bão bùng. Em muốn hướng về anh, phải vượt qua bao cạm bẫy cuộc đời. Suy cho cùng, tình yêu phải cần thử thách tôi luyện mới thấy rõ giá trị thực sự của nó. Tình yêu muốn tồn tại cũng phải có sự ra đi và trở lại, phải có sự dồi lên, lắng xuống để cuối cùng trở về với tình yêu hồn nhiên thuở đầu. Chính tình yêu của anh đã giúp cho em vượt qua tất cả, đón nhận một tình yêu vĩnh cửu – tình yêu lớn lao và cao thượng, không mang màu sắc vị kỉ, riêng rẽ mà là hoà trong cái chung và ở trong cái chung mênh mông ấy, cái riêng sẽ tồn tại mãi mãi:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

Tình yêu sẽ trưởng thành đằm thắm hơn và sẽ vĩnh hằng trong cái đẹp của tạo hoá. Bài thơ kết thúc rồi mà nhịp điệu êm ái, nhẹ nhàng của tình yêu vẫn còn vướng đọng đâu đây. Bài thơ thành công không chỉ trong việc miêu tả hình tượng “Sóng” mà còn bộc lộ một tình yêu thật sôi nổi, nỗi khao khát tình yêu của một nhà thơ nữ. Đây chính là nét mới mẻ trong thơ ca hiện đại Việt nam. Trong rất nhiều loài hoa thì bông hoa Xuân Quỳnh tỏa ra một hương thơm riêng, một cách cảm nhận riêng về sóng – biển trong tình yêu. Tình yêu như con sóng mênh mang, vô tận, song cái đích cuối cùng cũng là một tình yêu thứ nhất, vĩnh hằng mãi mãi.

***

Top 2 bài văn hay đạt điểm cao tuyển chọn qua các kì thi THPT

Bài số 1:

Xuân Quỳnh là nữ nhà thơ có phong cách sáng tác hồn hậu, đằm thắm nhưng tha thiết và mãnh liệt. Đọc thơ chị chúng ta như lạc vào một thế giới với đầy cung bậc cảm xúc khác nhau. Bài thơ “Sóng” rút trong tập Hoa dọc chiến hào là một tác phẩm như vậy. Xuân Quỳnh muốn gửi gắm những tâm sự thầm kín nhưng rất mực sâu sắc và da diết qua những vần thơ 5 chữ này.

Có lẽ thể thơ 5 chữ rất phù hợp cho phong cách sáng tác cũng như mục đích sáng tác bài thơ này của Xuân Quỳnh. Với tâm hồn sôi nổi, trẻ trung, tình yêu phơi phới, sống và cống hiến hết mình Xuân Quỳnh đã trải lòng mình trên những vần thơ thật đẹp.

Sóng là hình tượng trung tâm, xuyên suốt bài thơ, biểu tượng cho khát vọng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Những biểu hiện của sóng chính là những cung bậc tình cảm của người con gái, khi dịu dàng, khi dữ dội, khi mãnh liệt không thể kiềm chế được. Cũng có thể nó Xuân Quỳnh đã hóa thân vào sóng để biến tình yêu của mình thành bất diệt trong trái tim.

Tác giả mở đầu bài thơ bằng sự đối lập của sóng:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Đọc những câu thơ này lên, người đọc nhận ra sự đối lập một cách rõ nét của sóng. Sóng có lúc yên lặng, không nổi sóng nhưng khi có giông bão thì lại cuồn cuộn lên dữ dội, ồn ào. Sóng với muôn vàn biểu hiện, không bao giờ đứng yên. Tâm hồn người con gái khi yêu có chăng cũng như vậy, luôn chồng chất nhiều trạng thái và trăn trở khác nhau. Nếu như hiện tượng của sóng khó có thể giải thích nổi thì những trạng thái khi yêu của người con gái cũng thế. Khi thế giới này chật hẹp quá nhưng tình yêu lại quá rộng lớn, con “sóng” ấy muốn đi đến một nơi thật xa, có thể vẫy vùng, có thể bắt nhịp yêu thương.

Có thể nói phong cách thể hiện cũng như quan niệm của Xuân Quỳnh trong tình yêu thật mới mẻ, đầy sức hút. Tuy tâm trạng luôn biến động nhưng con sóng cũng như tấm lòng người con gái khi yêu vẫn luôn như thế, không biến đổi, nó càng mãnh liệt hơn:

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Khát vọng trong tình yêu luôn mãnh liệt và tha thiết. Tuổi trẻ là tuổi của tình yêu và hi vọng. Tình yêu càng lớn, khát vọng càng mãnh liệt. Đó dường như là chân lý trong tình yêu. Tình yêu của tuổi trẻ là tình yêu tràn đầy hi vọng.

Sang những khổ thơ tiếp theo, hình ảnh nhân vật trữ tình đã xuất hiện giãi bày những tâm sự cũng như những hoài nghi chưa giải thích được:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Đến quy luật của tự nhiên “sóng” từ đâu, “gió” từ đâu con người cũng không thể giải thích được thì tình yêu đến từ bao giờ có phải chăng cũng khó lí giải hay không? Sự vô hạn của thiên nhiên khiến cho sự hữu hạn của tình yêu bất lực, không thể giải thích. Lại thêm một quan niệm mới về tình yêu của Xuân Quỳnh. Tình yêu vốn là thứ khó đoán, nó đến từ bao giờ lại càng mơ hồ hơn hết.

Câu thơ “Em cũng không biết nữa” thể hiện sự hồn nhiên nhưng đáng yêu của người con gái. Như một kiểu hờn dỗi vô cớ với chính bản thân mình.

Xuân Quỳnh đã tìm đến với những cung bậc của sóng để thể hiện cung bậc tha thiết và mãnh liệt nhất trong tình yêu

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Lại là một cấu trúc đối lập tương phản có giá trị cao trong việc thể hiện trạng thái khi yêu. Nỗi nhớ trong tình yêu luôn là điều cồn cào và tha thiết nhất. Dù là “Sóng trên mặt nước” hay “sóng dưới lòng sâu” thì “bờ” vẫn luôn là điều mà sóng nhớ nhung nhất. Cũng như “anh” vẫn luôn là nỗi nhớ thường trực trong “em”. Đặc biệt nỗi nhớ này càng da diết và cồn cào hơn ở cả ngay trong mơ. Nỗi nhớ cứ thường trực, chực trào ra ngay bất cứ lúc nào.

Người ta vẫn nói trong tình yêu con gái luôn ở thế bị động, nhút nhát, e dè nhưng trong thơ của Xuân Quỳnh con gái ở thế chủ động, không che dấu tình cảm của mình, cứ để nó tràn ra. Một cách thể hiện, một quan niệm mới mẻ đầy ấn tượng đối với người đọc.

Tình yêu của “em” luôn thủy chung dù cho hai người ở cách xa:

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

Dù không gian mênh mông và thời gian dài đằng đẵng thì trái tim của “em” vẫn chỉ hướng về mỗi anh. Đó như một lời thề sâu sắc và bất diệt trong tình yêu của người con gái.

Nhưng dẫu tình yêu có dài, có sâu nặng thì tấm lòng của người con gái vẫn luôn thấp thỏm, lo ngại:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Những câu thơ thoáng một nỗi buồn mênh mang và xa xăm, chuyện gì rồi cũng qua đi, năm tháng và tình yêu cũng vậy. Liệu rằng tình yêu có thể vĩnh cửu hay không, chỉ có thể hòa mình vào thiên nhiên, vào đất trời thì mới có thể làm cho tình yêu bay cao, bay xa hơn.

Những băn khoăn, trăn trở trong tình yêu của người con gái đã trở nên mãnh liệt, thôi thúc thành ước vọng:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

Nhân vật trữ tình đang loay hoay tìm cách làm tan chảy những con sóng hòa vào đại dương mênh mông để tình yêu luôn tồn tại, luôn còn mãi, vĩnh cửu. Vốn dĩ tình yêu không bao giờ đơn độc một mình, nó luôn hòa với thế giới bao la ở bên ngoài. Xuân Quỳnh thực sự rất khéo léo và tài hoa, kết tinh được những khát vọng lớn lao của người con gái.

“Sóng” là một bài thơ hay, ý nghĩa, vừa sôi nổi vừa hồn nhiên vừa mãnh liệt vừa mang ý tượng trưng cho một tình yêu bất diệt và tha thiết. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ tiêu biểu, với một phong cách hiện đại, nữ tính nhưng mãnh liệt, cháy bỏng.

Bài số 2:

Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca, nhưng không vì thế mà nó trở nên nhàm chán. Ta đã bắt gặp trong làng thơ ca Việt Nam ông hoàng của tình yêu Xuân Diệu, kẻ vẫn tự coi mình là "kẻ uống tình yêu dập cả môi" hay tình yêu tha thiết của "người nhà quê" Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh cùng góp mặt với thơ ca bằng "sóng" của chị. Đến "Sóng" của Xuân Quỳnh có lẽ người ta mới thấy được tâm hồn khao khát được yêu đến cháy bỏng, tha thiết của một người phụ nữ. Đúng là Xuân Quỳnh đã nói những điều mà người phụ nữ truyền thống chưa dám nói. Khổ thơ sau đây của bài thơ "Sóng” đã nói lên điều đó.

"Con sóng dưới lòng sâu 

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Nơi nào em cũng nghĩ 

Hướng về anh — một phương"

(Sóng — Xuân Quỳnh)

Mượn hình ảnh của những con sóng vô hạn, vô hồi ngày ngày vẫn hát ca nơi biển cả, Xuân Quỳnh đã diễn tả tâm hồn của người con gái đang yêu. "Em" và "sóng" có lúc như song hành; có lúc hòa vào làm một, có sự chuyển đổi cho nhau. Tình yêu dài, rộng biết đâu là bến bờ vậy mà nhà thơ vẫn cố "khám phá, tìm hiểu, vượt qua” nơi giới hạn chật hẹp để đi tới cái rộng lớn bao la. Còn gì sâu sắc hơn là nhập thân vào sóng để nói được lòng mình.

Con sóng dưới lòng sâu 

Con sóng trên mặt nước 

Ôi con sóng nhớ bờ 

Ngày đêm không ngủ được

Dù là "dưới lòng sâu" hay "trên mặt nước" nghĩa là ở bất cứ nơi đâu trên cái mênh mông của biển cả thì sóng vẫn mang trong mình nỗi nhớ. Nhà thơ Xuân Quỳnh nói rất chân thật về tình yêu và không quên về nỗi nhớ, bởi lẽ có ai yêu mà không có được tâm trạng đó. Ca dao xưa đã từng có "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi. Như đứng đống lửa như ngồi đống than" hay Tố Hữu cũng đã xác định "Nhớ gì như nhớ người yêu". Người con gái trong thơ Xuân Quỳnh cũng "ngày đêm không ngủ được". Tình yêu phải thật nồng nàn, tha thiết thì tình cảm của con người mới sinh ra những "trạng thái" như thế. Cái hay của Xuân Quỳnh là chị không diễn tả nó một cách đơn thuần:

Lòng em nhớ đến anh 

Cả trong mơ còn thức.

Có điều gì tinh tế và sâu sắc hơn hai câu thơ trên? Vâng, tình yêu không cần biết đến "giới hạn và bờ cõi". Nỗi nhớ cũng thế "Cả trong mơ còn thức”, nghĩa là nó choáng ngợp cả cái vô thức trong cõi tâm linh tâm hồn con người. Độ sâu xa của nỗi nhớ phải bắt nguồn từ tình yêu rộng lớn, cao cả. Xuân Quỳnh không giấu giếm lòng mình, chị muốn bày tỏ với người đọc những diễn biến rất tinh vi trong tâm hồn chị. Giọng thơ như lắng lại, không ồn ào, sôi nổi mà chất đầy trong nỗi nhớ mênh mông. Điều này làm cho ta hiểu thêm về Xuân Quỳnh: đã yêu ai thì yêu hết lòng và tình yêu ấy cũng thật da diết, cháy bỏng.

Dẫu xuôi về phương Bắc 

Dẫu ngược về phương Nam 

Nơi nào em cũng nghĩ 

Hướng về anh một phương.

Tình yêu cần chân thật, có nỗi nhớ và đặt biệt là lòng chung thủy: "Dẫu xuôi – dẫu ngược" đó là sự xa cách. Nhưng có xa cách bao nhiêu Bắc – Nam cách trở thì rõ ràng là tình yêu vẫn bền vừng. Ngây ngất trong men say của tình yêu, nhà thơ vẫn không quên đi những trắc trở của nó. Lấy bốn phương tám hướng – cái vời vợi của không gian và thời gian để đo lòng người:

Hướng về anh một phương

Nữ sĩ đã rất dụng ý khi gắn liền "anh – một phương" và điều đó đã có hiệu quả nghệ thuật nhất định. Người đọc thấy cái dài cái rộng, song hơn hết vẫn thấy sự quy tụ rõ ràng – một phương trời duy nhất. Bởi vì phương trời đó có hình ảnh của anh. Ngày xưa các cụ lấy áo gấm xông hương đối lại với cái áo rách để nói đến lòng chung thủy. Còn lòng thủy chung trước sau như một của người con gái trong thơ Xuân Quỳnh thì không cần đến điều đó. Nhưng người đọc vẫn cảm nhận thấy tính bền vững của nó. Phải chăng đây là lời tự bạch, thổ lộ chân thành của chính nữ sĩ với người mình yêu. Ở phần đầu bài thơ người đọc thấy âm hưởng của con "sóng" vô hạn vô hồi đang vỗ nhịp, đến những câu thơ trên, con "sóng" ấy đang lắng xuống để khẳng định và tự nhủ lòng mình. Tình yêu đã đạt độ bền sâu tuyệt vời. Đoạn thơ như lời thì thầm của "sóng", của "em" và của tất cả những người đang yêu trên trái đất này.

Bài thơ "Sóng" và đặc biệt là đoạn thơ trên đã diễn tả thật đúng tâm hồn, tình cảm của Xuân Quỳnh. Sau này khi gặp phải nhiều cay đắng trong tình yêu, lời thơ của chị không còn được bốc men say phơi phới như trước nữa. Nhưng tác phẩm "Sóng" mà thi sĩ đã tạo ra thì còn có giá trị mãi với thời gian. Sóng là tâm hồn của người con gái đang yêu, nhưng hơn hết là của một người phụ nữ, một người lúc nào cũng khao khát về hạnh phúc đời thường. Phải chăng tất cả những điều bình dị ấy, tất cả những vẻ đẹp đơn sơ mà lộng lẫy ấy đã làm nên một hồn thơ, hồn thơ của Xuân Quỳnh. Chỉ tiếc rằng Xuân Quỳnh ra đi khi tài năng đang độ chín. Nhưng những gì chị đã làm cho tình yêu thì còn nguyên giá trị.

--------------------------------------------------------------------

Trên đây là một số bài văn mẫu hay nhất bình giảng về bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh), ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm các bài Văn mẫu 12 khác trong chương trình học và ôn thi môn Ngữ Văn lớp 12 tại doctailieu.com.

Chúc các bạn học tập tốt !

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM