Trang chủ

Báo cáo trình bày trong buổi tọa đàm Khoa học và cuộc sống

Xuất bản: 10/09/2024 - Tác giả:

Chuẩn bị nội dung báo cáo trình bày trong buổi tọa đàm Khoa học và cuộc sống. Bài báo cáo của bạn được chọn để trình bày trong buổi tọa đàm Khoa học và cuộc sống.

Buổi tọa đàm đang đến gần và nhiệm vụ của em là chuẩn bị bài báo cáo trình bày trong buổi tọa đàm Khoa học và cuộc sống sắp tới. Muốn viết một bài báo cáo khoa học chất lượng không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn đòi hỏi khả năng trình bày rõ ràng, mạch lạc. Bài hướng dẫn này sẽ giúp các em tạo ra một bài báo cáo khoa học ấn tượng và chuyên nghiệp, sẵn sàng trình bày tại buổi tọa đàm "Khoa học và cuộc sống".

Gợi ý nội dung báo cáo trình bày trong buổi tọa đàm Khoa học và cuộc sống

1. Lựa chọn chủ đề

- Chọn một chủ đề bạn thực sự đam mê và có kiến thức sâu rộng.

- Lựa chọn những chủ đề đang được xã hội quan tâm, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống.

- Cân nhắc đối tượng khán giả để điều chỉnh độ sâu của nội dung.

- Cố gắng tìm ra những góc nhìn mới, những vấn đề chưa được khai thác đầy đủ.

Ví dụ:

- Ảnh hưởng của mạng xã hội đến hành vi của thanh thiếu niên

- Tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường sống

- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế

- Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống...

2. Xây dựng cấu trúc bài báo cáo

a) Mở đầu

- Giới thiệu vấn đề nghiên cứu: Đặt câu hỏi nghiên cứu, nêu tầm quan trọng của vấn đề.

- Mục tiêu nghiên cứu: Điều em muốn đạt được qua nghiên cứu.

b) Nội dung báo cáo

- Trình bày lý thuyết cơ bản liên quan đến vấn đề nghiên cứu.

- Mô tả chi tiết các phương pháp đã sử dụng để thu thập và phân tích dữ liệu:

+ Các bước tiến hành nghiên cứu.

+ Giải thích lý do chọn phương pháp này.

- Trình bày kết quả nghiên cứu:

+ Trình bày chi tiết các kết quả thu được.

+ Sử dụng bảng biểu, đồ thị, hình ảnh để minh họa.

- Phân tích và thảo luận kết quả: Giải thích ý nghĩa của các kết quả, so sánh với các nghiên cứu trước đó.

+ Phân tích, giải thích ý nghĩa của các kết quả.

+ So sánh với các nghiên cứu trước đó.

+ Đưa ra những hạn chế của nghiên cứu.

c) Kết luận

- Tóm tắt những điểm chính của bài báo cáo.

- Đưa ra những kết luận quan trọng.

- Đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.

3. Thu thập và xử lý dữ liệu

- Thu thập dữ liệu: Tùy thuộc vào đề tài nghiên cứu, bạn có thể sử dụng các phương pháp như khảo sát, phỏng vấn, thí nghiệm, tìm kiếm thông tin từ tài liệu...

- Xử lý dữ liệu: Sắp xếp, phân tích dữ liệu bằng các phần mềm thống kê hoặc các công cụ phù hợp.

4. Viết bài báo cáo

- Ngôn ngữ: Sử dụng ngôn ngữ khoa học, chính xác, tránh dùng những từ ngữ quá chuyên sâu hoặc khó hiểu.

- Cấu trúc rõ ràng: Chia bài báo cáo thành các đoạn văn ngắn gọn, mỗi đoạn trình bày một ý chính.

- Sử dụng hình ảnh, bảng biểu: Hình ảnh, bảng biểu giúp bài báo cáo trực quan và dễ hiểu hơn.

- Trích dẫn nguồn: Nếu sử dụng thông tin từ các nguồn khác, cần trích dẫn đầy đủ để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

Một số mẫu báo cáo trình bày trong buổi tọa đàm Khoa học và cuộc sống

Mẫu số 1

Chào cô và cả lớp, tôi là Nguyễn Văn A, hôm nay tôi sẽ đại diện cho nhóm số 1 trình bày bài Báo cáo tác động của việc sử dụng mạng xã hội đến tình hình học tập của học sinh.

Tóm tắt:

Hiện nay, mạng xã hội trở thành một phương tiện phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Sư phát triển của mạng xã hội ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của toàn xã hội, trong đó bao gồm cả học sinh. Qua mạng xã hội, các em tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, xong chưa có tính chọn lọc. Điều này dẫn đến một bộ phận học sinh hiểu sai, không đúng về một vấn đề nào đó. Việc nghiên cứu đề tài này, giúp chúng em có cái nhìn khách quan, toàn diện về nhiều khía cạnh để từ đó tìm kiếm những giải pháp phù hợp giúp học sinh tránh xa được các tác động xấu của mạng xã hội....

1. Đặt vấn đề

1.1. Mục đích

- Tìm hiểu về lượng thời gian sử dụng mạng xã hội Facebook của học sinh.

- Tìm hiểu về mục đích sử dụng mạng xã hội Facebook của học sinh.

- Tìm hiểu về những tác động tích cực của mạng xã hội Facebook đối với học sinh.

- Tìm hiểu về những tác động tiêu cực của mạng xã hội Facebook đối với học sinh.

1.2. Nhiệm vụ

- Mô tả thực trạng sử dụng Facebook của học sinh (mục đích sử dụng, thời gian sử dụng, thời điểm sử dụng, tần suất sử dụng, phương tiện truy cập,…)

- Phân tích ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội Facebook đến học tập của học sinh.

- Phân tích ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội Facebook đến đời sống của học sinh (các quan hệ xã hội).

1.3. Đối tượng, khách thể, phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Tác động của mạng xã hội Facebook đối với học sinh.

- Phạm vi nghiên cứu: 560 học sinh.

- Thời gian: Tháng 11 - Tháng 12 năm 2012.

1.4 Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp khảo sát, thống kê, phân loại.

- Phương pháp đối chiếu so sánh.

- Phương pháp tổng hợp, hệ thống.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Vai trò, vị trí của mạng Facebook trong đời sống con người

- Có thể chia sẻ, cập nhật thông tin, hình ảnh, tán gẫu cùng bạn bè và tham gia vào các ứng dụng giải trí.

2.2 Thực trạng sử dụng mạng xã hội Facebook của học sinh

Kết quả khảo sát cũng đã phản ánh tỉ lệ cao học sinh tham gia sử dụng mạng xã hội Facebook và hầu như bất kì một bạn nào cũng có riêng ít nhất 1 tài khoản Facebook để tham gia chia sẻ, cập nhật thông tin, hình ảnh và giao lưu kết bạn. Về mức độ thời gian tham gia sử dụng Facebook thì đa số các bạn đã sử dụng Facebook trên 1 năm (481/541 bạn, chiếm 88,9%).

2.3 Mục đích sử dụng mạng xã hội Facebook của học sinh

2.3.1. Chia sẻ, cập nhật thông tin và hình ảnh

Đây có thể coi là mục đích chính học sinh khi sử dụng Facebook vì chiếm đến 74,6% kết quả khảo sát. Phần lớn học sinh sử dụng Facebook thay thế cho nhật ký truyền thống, với tính năng lưu trữ trực tuyến.

2.2 Giao lưu, kết nối bạn bè

Facebook là một không gian giao tiếp công cộng trực tuyến tạo liên kết dễ dàng, thuận tiện, nhanh nhất giữa con người với nhau thông qua nhiều hình thức liên kết rộng rãi chứ không bị giới hạn không gian.

2.3. Giải trí

Với hơn 500 nghìn ứng dụng giải trí hay, đa dạng và được đánh giá cao dành cho người sử dụng như: Games, Poke, Calendar, Youtube, Free Messenger... Facebook được các bạn học sinh lựa chọn như một nơi để giải tỏa căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi. Họ có thể chơi game, trò chuyện với gia đình, người thân, bạn bè.

2.4 Những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội Facebook đối với học sinh

2.4.1 Những tác động tích cực

Thông qua Facebook, các bạn đã có nơi để thể hiện mình và chia sẻ những điều khó nói cùng bạn bè.

2.4.2 Những tác động tiêu cực

Sử dụng Facebook một cách thường xuyên (bất kì thời gian nào trong ngày, chiếm 34,9%). Tác động tiêu cực lớn nhất mà nhóm đối tượng khảo sát cho thấy đó là việc tốn thời gian (chiếm 52,4%). Khoảng thời gian sử dụng Facebook mỗi ngày từ 1 - 3 giờ đồng hồ và trên 3 tiếng đồng hồ chiếm đa số câu trả lời trong cuộc khảo sát (41,3% và 30,2%). Bên cạnh đó, sinh viên khoa PR nhận thức được những tác động tiêu cực đến tâm lý, sinh lý của bản thân do việc lạm dụng Facebook như: nghiện Facebook dễ gây béo phì, ảnh hưởng đến thời gian, sức khỏe, công việc học tập và dễ bị ảnh hưởng bởi những thói hư, tật xấu... Ngoài ra, cũng có một bộ phận nhỏ các sinh viên không biết mục đích sử dụng Facebook là gì?. Tuy nhiên, vì sự rủ rê của bạn bè nên họ cũng tạo tài khoản để bắt kịp xu hướng. Ngoài ra, 15,9% cho là Facebook không có bất kì ảnh hưởng tiêu cực nào đến bản thân đối tượng được khảo sát

2.5 Các biện pháp nâng cao ảnh hưởng tích cực của mạng Facebook đối với học sinh

2.5.1 Biện pháp từ cá nhân

Tự hoạch định cho bản thân khung thời gian hợp lí, cân bằng được giữa công việc, học tập và giải trí. Chỉ dành thời gian cho Facebook khi bạn thật sự rãnh rỗi hay muốn giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.

2.5.2 Biện pháp từ cộng đồng

- Nhà trường, gia đình cần có sự hướng dẫn, tư vấn, định hướng cho học sinh về việc sử dụng mạng xã hội Facebook một cách có ích, mang lại hiệu quả tốt và ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn của việc chia sẻ thông tin cá nhân lên Facebook.

- Các nhà quản lý các cấp, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên tạo sân chơi giải trí lành mạnh; giáo dục, tuyên truyền về những tác hại từ việc sự dụng mạng xã hội Facebook không đúng cách.

3. Kết luận

Mạng xã hội Facebook căn bản là một phần của xã hội ngày nay. Nó đã, đang và sẽ mang đến cho cuộc sống của con người ngày càng nhiều những tiện ích thú vị, tương tác cao cũng như sự tối đa hóa các chức năng. Tuy nhiên, mạng xã hội Facebook cũng là nơi dấy lên những tiêu cực khiến nhiều người lo lắng. Và chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho mạng xã hội Facebook. Bởi lẽ, nó đơn giản chỉ là một công cụ, một phương tiện được tạo ra để gắn kết mọi người trên toàn Thế giới. Nhưng chính những người tham gia, sử dụng lại không hiểu đúng mục đích đó nên đã sà đà và lạm dụng quá mức dẫn đến gây ra những sự việc không mong muốn. Tất cả là do hành vi và sự nhận thức ở cá nhân người tham gia sử dụng mạng xã hội Facebook.

Mẫu số 2

Ô nhiễm nước và kiểm soát ô nhiễm nước là lĩnh vực hết sức phức tạp. Bất kỳ nội dung nào trong lĩnh vực này cũng liên quan mật thiết tới kinh tế, xã hội và luật pháp. Nội dung kiểm soát ô nhiễm nước bao trùm các khía cạnh sinh thái, bảo tồn, tính chất lý hóa của nước, các vấn đề công nghệ, tiêu chuẩn, các vấn đề về quản lý lưu vực, quản lý nguồn nước. Chính vì độ phức tạp như vậy mà ô nhiễm nước vẫn tồn tại dai dẳng, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Hệ sinh thái nước mặt cũng bị tổn hại nghiêm trọng.

Từ thực tiễn ô nhiễm nước trong thời gian qua, báo cáo đã phân tích những bất cập thách thức trong kiểm soát ô nhiễm theo hệ thống luật pháp hiện nay. Một trong những thách thức lớn nhất là kiểm soát ô nhiễm nước chưa được chú ý đúng tầm quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế mà chỉ được đưa vào như một phần nhỏ tích hợp trong công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy công tác kiểm soát các hành vi xả thải, các nguồn ô nhiễm còn mang tính gián tiếp, hình thức. Các công cụ thực thi kiểm soát ô nhiễm nước bị tản mạn nằm trong nhiều luật và có quan hệ chéo phức tạp trong hệ thống quản lý hành chính, dẫn đến tính thực thi chưa có hiệu quả cao.

Việc thực thi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước trong hệ thống luật hiện nay cũng đối mặt với các thách thức như nền tảng công nghệ xử lý nước thải còn yếu và thiếu, các nguồn nước thải bị quản lý bởi nhiều bên khác nhau. Do hệ thống pháp luật và các công cụ liên quan đến kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nước được xây dựng chủ yếu từ góc nhìn của bên quản lý, chưa cân nhắc tới góc độ của bên bị điều chỉnh là các doanh nghiệp và chưa cân nhắc từ góc độ của đối tượng được bảo vệ là nguồn nước mặt và cá và các loại thủy sinh sống trong môi trường nước, nên cách tiếp cận quản lý lưu vực, tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận quản lý theo kết quả còn chưa được đưa vào áp dụng.

Điều này đã dẫn đến những bất cập và phân tán trong quản lý, không phù hợp với tính thống nhất và kết nối của hệ thống nước mặt, nên hiệu quả kiểm soát bị hạn chế. Báo cáo cũng phân tích kinh nghiệm quốc tế, cụ thể kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm nước của các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan để tham khảo. Các nước này đều trải qua thời kỳ công nghiệp hóa đô thị hóa mạnh mẽ, đã gặp phải nhiều sự cố về ô nhiễm nước hết sức nặng nề. Họ cũng phải trải qua một chặng đường dài trong công tác kiểm soát ô nhiễm nước và khôi phục chất lượng nước mặt và đạt được các kết quả tương đối tốt.

Các nước này đều có Luật hoặc hệ thống luật chuyên biệt kiểm soát ô nhiễm nước và đều đưa khoa học công nghệ xử lý nước thải làm điểm tựa cho các công cụ kiểm soát, coi việc bảo tồn hệ sinh thái cho cá và các thủy sinh trong nước, đảm bảo an toàn cho sinh kế con người là mục tiêu cao nhất. Trung Quốc đã đầu tư vào chương trình khoa học công nghệ xử lý ô nhiễm nước như một chương trình trọng yếu và cải thiện Luật Kiểm soát ô nhiễm nước để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước. Chính phủ Hàn Quốc đầu tư mua các vùng đất ven sông để trồng rừng và bảo vệ sông. Họ cũng xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn về sinh thái cho việc kiểm soát ô nhiễm nước. Malaysia áp dụng luôn một số điều luật trong Luật Kiểm soát ô nhiễm nước của Hoa Kỳ áp dụng ở Malaysia. Thái lan đưa ưu tiên xử lý nước thải đô thị và công nghiệp tập trung, có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xử lý nước thải.

Với nhận thức ô nhiễm nước ở nước ta đã trở nên rất cấp bách và đòi hỏi có chiến lược tổng thể để cải thiện tình hình, Báo cáo đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đưa công tác xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng luật của quốc hội khóa 14, nghiên cứu và xây dựng Luật ngay từ năm 2018 và nghiên cứu xây dựng các chính sách cũng như cải thiện các công cụ về kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.

Mẫu số 3

Xin chào thầy cô và các bạn. Xin được giới thiệu, tôi tên là Lê Mai, học sinh lớp 11E1 trường THPT Nghĩa Dân. Đến với buổi tọa đàm Khoa học và cuộc sống ngày hôm nay, tôi xin đại diện cho nhóm trình bày kết quả nghiên cứu của chúng tôi về đề tài:

CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG CỦA HỌC SINH HIỆN NAY

Các bạn thân mến!

Tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành tình trạng tức gây nhức nhối của ngành giáo dục và toàn xã hội. Những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi bạo lực học đường cũng vô cùng phức tạp từ cá nhân, gia đình, bạn bè, trường học cho đến môi trường bên ngoài xã hội. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra những ảnh hưởng dẫn đến hành vi bạo lực học đường của học sinh hiện nay. Và với một số khảo sát đối với các học sinh khối THCS và THPT về vấn đề này, sau khi phân tích thu được kết quả như sau: hành vi bạo lực từ những học sinh nam chiếm ưu thế nhiều hơn học sinh nữ và xuất hiện đa phần ở khối THPT và THCS thì chiếm ít hơn.

Bạo hành học đường được hiểu như là một hành động đối xử thô bạo của giới học sinh. Dưới góc độ pháp luật quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường thì “bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”. Như vậy có thể hiểu một cách chung nhất về bạo hành học đường đó là một hành vi gây thương tích một cách có chủ đích đối với người khác, gây tổn hại về mặt sức khỏe cũng như tinh thần của người bị hại, từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách và tương lai của người đó.

Đây là thực trạng phổ biến trên toàn cầu với mức độ, số lượng ngày càng tăng, theo thống kê về số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, cứ khoảng trên 5 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Không chỉ vậy, bạo lực có thể từ chính thầy cô, nhà trường với học sinh, từ học sinh cùng trường với nhau hoặc học sinh khác trường, có thể từ các mâu thuẫn rất nhỏ. Bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.

BLHĐ (bạo lực học đường) có thể xảy ra giữa GV và HS hoặc giữa các em HS với nhau, có từ 22,4% đến 66,3% HS cho biết, đã bị bạn học dùng điện thoại internet đưa tin nói xấu xúc phạm hoặc chửi mắng, đe dọa; 2,2% bị bạn dùng hung khí tấn công. Từ 22,2% đến 62,5% HS cho biết, có thực hiện bạo lực với bạn học, trong khi đó, nhiều nhất (6,0%) HS nói xấu xúc phạm thầy cô. HS cho biết có tình trạng GV xúc phạm HS (27,1%). 7,1% HS bị thầy cô nói xấu xúc phạm và 18,3% bị thầy cô đánh. Như vậy, chủ thể và đối tượng của BLHĐ chủ yếu là HS.

BLHĐ có hình thức rất đa dạng, có thể là chửi mắng sỉ nhục hoặc dùng điện thoại internet đưa tin nói xấu nhau. Mức độ nghiêm trọng là HS đánh nhau và dùng hung khí tấn công bạn học/ thầy cô, phổ biến nhất là nói xấu, xúc phạm bạn (62,5%), đánh nhau cũng khá cao (29,8%). Cá biệt, có 2,2% dùng hung khí tấn công bạn, từ 0,6% đến 6,0% HS đã thực hiện một số hình thức bạo lực với GV, 18,3% bị thầy cô đánh, 8,5% bị thầy cô chửi mắng sỉ nhục và 7,1% bị thầy cô xúc phạm.

BLHD gồm hai cấp độ chính: (1) Bạo lực bằng ngôn ngữ gây tổn hại về mặt tinh thần, bao gồm các hình thức cụ thể như: Nói xấu xúc phạm; chửi mắng sỉ nhục; Sử dụng điện thoại internet đưa tin nói xấu, xúc phạm đe dọa bạn/ thầy cô và (2) bạo lực bằng hành động gây tổn hại thể xác, bao gồm: Có hành động đe dọa; Đánh; Sử dụng hung khí tấn công bạn/ thầy cô. Kết quả điều tra cho thấy, HS bị bạo lực cả bằng ngôn ngữ.

Một số nhân tố ảnh hưởng đến bạo lực học đường bao gồm: Những yếu tố thuộc về chính bản thân học sinh, những yếu tố ảnh hưởng thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội.

Những yếu tố thuộc về chính bản thân học sinh bao gồm yếu tố sinh lý và tâm lý:

Thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12 đến 18 đang ở trong giai đoạn dậy thì với những dấu hiệu rất rõ nét và diễn ra hết sức nhanh chóng ở hệ thống thần kinh, hệ thống các cơ quan  trong cơ thể, sự phát triển nhanh chóng của các cơ quan tế bào màng não, bộ phận sinh dục bắt đầu hoàn thiện, và bắt đầu có những cảm giác tò mò muốn tìm hiểu về giới tính. Những điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến tâm lí, cảm xúc, tinh thần, hành vi của thanh thiếu niên.

Thanh thiếu niên trong giai đoạn tuổi dậy thì, hệ thống thần kinh ở vào trạng thái chưa ổn định, về nhận thức, tình cảm, ý chí có sự thay đổi, điều này dễ khiến cho các em dễ hưng phấn, dễ hành động và làm việc theo cảm tính, dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài.

Do thời kì thanh thiếu niên có sự phát triển không đồng bộ và không cân bằng về tâm sinh lí, cùng với những hạn chế về kiến thức xã hội, do đó ở giai đoạn này thanh niên dễ nảy sinh những hành vi bạo lực.

Một số yếu tố khác từ bản thân học sinh: Học sinh có tiền án, tiền sự vi phạm pháp luật; học sinh có sử dụng các chất kích thích; học sinh có những vấn đề về tâm lý như hiếu động, giảm tập trung chú ý, lo âu, trầm cảm,…; học sinh tham gia vào các hiệp hội, băng nhóm bạo lực hoặc có liên quan đến các đường dây bạo lực;…

Những yếu tố ảnh hưởng thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội:

Ảnh hưởng từ gia đình: Sự buông lỏng trong quản lý và giáo dục con cái của gia đình; Môi trường gia đình phức tạp; Nhân cách, đạo đức của cha mẹ chưa tốt; Những ảnh hưởng của điều kiện kinh tế gia đình.

Ảnh hưởng từ trường học: Sự phân bổ trình độ học sinh chưa hợp lý; Quan niệm giáo dục thiên lệch; Mối quan hệ giữa thầy và trò chưa tốt; Vai trò quản lý của nhà trường chưa chặt chẽ; Giáo dục luật pháp chưa triệt để và thiếu sót hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng mềm.

Ảnh hưởng từ xã hội: Những nhân tố tiêu cực và các yếu tố văn hóa không lành mạnh trong xã hội; Những ảnh hưởng của môi trường xung quanh trường học.

Một số phương pháp nghiên cứu được chúng tôi sử dụng như: khảo sát định lượng, phương pháp chọn mẫu đảm bảo tính đại diện, phương pháp thu thập thông tin, phương pháp phân tích dữ liệu.

Kết luận:

Bao lực học đường là một hiện tượng phổ biến ở học sinh. Hai phần ba học sinh được khảo sát đã trải nghiệm qua hành vi bạo lực này ở vị trí là người đi bắt nạt hoặc bị bắt nạt. Hành vi bạo lực học đường xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Hành vi bạo lực học đường và bắt nạt học đường có mối tương quan với nhau. Hành vi bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong khuôn viên trường học, theo phản ánh của học sinh hành vi này xảy ra cả trong và ngoài trường học, nhất là những nơi kín đáo không có giáo viên và người lớn qua lại. Hành vi bao lực học đường liên quan đến nhiều hiện tượng tâm lý cá nhân và xã hội của học sinh. Mức độ căng thẳng tâm lý ở trường học, khó khăn trong giao tiếp, mức độ thay đổi cảm xúc, mức độ mâu thuẫn với bạn, có xu hướng gia tăng ở nhóm học sinh có hành vi bạo lực. Đây là những yếu tố khơi nguồn hoặc duy trì hành vi bạo lực của họcsinh.

Một số kiến nghị nhằm hạn chế hành vi bạo lực học đường:

- Thứ nhất là đối với HS: HS cần nhận thức đúng đắn về BLHD để có thể tự kiểm soát và định hướng hành vi.

- Thứ hai là đối với GĐ: Các bậc phụ huynh cần quan tâm sâu sát đến quá trình học tập và rèn luyện của con em mình.

- Thứ ba là đối với nhà trường: GV chủ nhiệm cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý HS, cần quan tâm nhiều hơn đến những HS cá biệt. Ngoài ra, GV cần thông qua các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp thông tin cho HS về vấn đề BLHD để các em có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vấn đề này, từ đó, có những hành vi tích cực hơn.

- Thứ tư là đối với xã hội: Các cấp, các ngành liên quan cần xem xét nghiêm túc vấn để BLHĐ để có những biện pháp hiệu quả nhất.

Trên đây là phần trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm chúng tôi về đề tài CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HANH VI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG CỦA HỌC SINH HIỆN NAY. Rất mong nhận được sự góp ý của tất cả mọi người để bài báo cáo được hoàn thiện hơn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

(Nguồn: Quoc Tran Anh Le)

-/-

Trên đây là những gợi ý cơ bản cho cách làm Báo cáo trình bày trong buổi tọa đàm Khoa học và cuộc sống do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài làm văn của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM