Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ độ, thăm các thiếu niên vượt khó..) thuộc bài viết tập làm văn số 3 lớp 6 là một đề văn hay, giúp các em tăng khả năng tư duy và cách dùng câu văn để kể chuyện. Cùng Đọc tài liệu tham khảo một số bài văn dưới đây để bổ sung thêm cho mình vốn từ ngữ viết bài được tốt hơn nhé
Đề bài: Em hãy viết một bài văn kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội...)
Dàn ý kể về một cuộc gặp gỡ - bài viết tập làm văn số 3 lớp 6
A. Mở bài.
- Nêu ra thời gian, địa điểm của cuộc gặp gỡ (khi nào, với ai)
B. Thân bài.
- Kể các chi tiết trong buổi gặp gỡ ấy.
- Mở đầu cuộc gặp gỡ như thế nào?
- Diễn biến cuộc gặp gỡ ra sao? (các sự việc, không khí, quang cảnh,…).
- Cuộc gặp gỡ kết thúc trong không khí như thế nào?
- Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ là gì?
C. Kết bài.
- Cuộc gặp gỡ để lại trong em những ấn tượng gì? Giúp em mở rộng hiểu biết và quan hệ ra sao?
--------
Viết bài tập làm văn số 3 lớp 6 đề 4 kể về một cuộc gặp gỡ
Bài văn mẫu 1
Kể lại một cuộc gặp gỡ làm em nhớ mãi
Nhân ngày hai mươi hai tháng mười hai – ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày quốc phòng toàn dân, trường em đã tổ chức đưa học sinh đến thăm các chú bộ đội hải quân ở quần đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa để hiểu rõ về công việc, nhiệm vụ mà các chú đang phải thực hiện.
Sau hai giờ đi tàu trên biển, cuối cùng chúng em cũng đến được quần đảo Trường Sa, nơi đóng quân của các chú bộ đội hải quân.
Ấn tượng đầu tiên về nơi đây đó là sự tĩnh lặng, trang nghiêm và khá vắng vẻ, không có nhiều người qua lại như nơi em sinh sống, cũng không có xe cộ qua lại tấp nập.
Trước cổng vào là hai chú bộ đội đang canh gác, các chú mặc quần áo của bộ đội, áo màu trắng, trên cổ có diềm màu xanh dương, đội mũ màu trắng, trên vai đeo một khẩu súng dài rất nghiêm trang, bệ vệ.
Khi nhìn thấy thầy giáo dẫn đoàn dẫn chúng em vào, các chú đã tiến lên trước một bước, để tay lên trán chào theo đúng kiểu quy định trong quân đội, đám học sinh chúng em cũng bị không khí nghiêm túc nơi đây ảnh hưởng, không còn tiếng cười đùa như còn ở trên tàu nữa, đồng loạt không ai bảo ai, chúng em cũng dơ tay lên chào lại với các chú ấy. Lúc ấy em cảm thấy mình và các bạn thật giống những chú lính nhỏ tuổi. Sau khi được sự đồng ý của các chú bộ đội gác cổng, chúng em được một chú bộ đội khác dẫn vào hội trường của đơn vị đóng quân nơi đây. Hội trường rất rộng, trên khán đài được bày một bục cao để trò chuyện, bên cạnh là ảnh bác Hồ, trên tường là mô hình của ngôi sao năm cánh và cờ đỏ búa liềm. Chúng em ai cũng ngơ ngác, liếc ngang ngó dọc khắp hội trường một cách thích thú, tò mò.
Lên trò chuyện với chúng em là một bác đại úy khá lớn tuổi - bác là một cựu chiến binh của binh đoàn hải quân ở quần đảo Trường Sa này.
Bác có vóc người cao lớn, giọng nói to, hào sảng và rất nghiêm trang. Bác đã kể cho chúng em nghe về quá trình đấu tranh gian khó trong những ngày đất nước có chiến tranh rồi ý nghĩa của ngày hai hai tháng mười hai hôm nay. Chúng em đã rất chăm chú nghe và ghi nhớ những lời bác đã nói. Cũng có rất nhiều bạn đã dơ tay đứng lên hỏi bác những câu hỏi như: Vì sao lại phải thành lập quân đội nhân dân Việt Nam? Hay Ai là người chủ trương thành lập?…..Bác đã cặn kẽ giải đáp những thắc mắc của từng bạn và còn giải thích thêm để chúng em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày này.
Khác với vẻ nghiêm trang, trịnh trọng mà chúng em cảm nhận được ban đầu, khi kể về những câu chuyện vui khi bác còn là một người lính, giọng bác trở lên rất sôi nổi, hóm hỉnh. Bác kể đời lính tuy có vất vả nhưng lại rất vui, mọi người sống cùng với nhau, sát cánh bên nhau trong những ngày gian khổ nhất. Những câu chuyện của bác kể rất thú vị và hấp dẫn, qua đó chúng em hiểu được nhiều hơn về cuộc sống của người lính trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sau khi trò chuyện, bác đại úy lại dẫn chúng em ra nơi các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ canh gác, đó là một cái chòi lớn ở trên cao. Các chú bộ đội hải quân đứng nghiêm trang làm nhiệm vụ. Vì đây là đường biên giới trên biển của nước ta nên mọi hoạt động quan sát, bảo vệ đều được thực hiện rất cẩn trọng, nghiêm túc.
Các chú hải quân phải đứng trực trên đây hai tư trên hai tư, các chú luân phiên nhau trực, không có một chút lơ là, mất cảnh giác. Công việc tưởng như nhàn, chỉ việc đứng nghiêm canh gác nhưng thực chất rất khó khăn và tốn nhiều sức lực, các chú phải đứng nghiêm một tư thế mà vẫn đảm bảo quan sát được mọi tình hình diễn ra bên dưới, dù mệt nhưng cũng không được tự ý nghỉ ngơi mà phải cần có sự cho phép của cấp trên. Thời tiết ở đây rất lạnh, gió biển thổi mạnh đưa hơi nước biển tạt vào mắt làm mắt em cay xè, đôi mắt không thể mở ra nổi, nhưng các chú vẫn đứng canh gác rất hiên ngang, không hề tỏ ra mệt mỏi, uể oải. Điều này làm em rất kính phục các chú.
Khi đi quan sát nơi ở của các chú bộ đội em mới biết các chú phải sinh hoạt trong một không gian rất nhỏ, một phòng có từ bảy đến tám người, ngủ trên những chiếc giường tầng nhỏ xíu. Mọi sinh hoạt đều không được đầy đủ, tiện nghi như ở thành phố. Ở đây các chú bộ đội hải quân vừa làm nhiệm vụ vừa tham gia sản xuất, nhìn khu vườn đầy rau xanh, những con lợn béo tốt nuôi trong vườn em lại càng cảm phục tinh thần và ý thức chiến đấu, bảo vệ tổ quốc của các chú.
Làm việc nơi thời tiết có phần khó khăn, khắc nghiệt nhưng các chú bộ đội hải quân vẫn ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự bình yên của dân tộc, cho đất nước. Chuyến đi ngày hôm đó làm em hiểu sâu sắc hơn về công việc của các chú bộ đội, càng làm em thêm yêu và kính trọng các chú hơn nữa.
Gợi ý thêm cho bạn: Bài văn kể về chuyến đi thăm gia đình thương binh liệt sĩ lớp 6
Bài văn mẫu số 2
Bài viết số 3 lớp 6 đề 4: Kể về một cuộc gặp gỡ
Trong cuộc đời này chúng ta sẽ gặp gỡ rất nhiều người khác nhau. Có người chỉ lướt qua như một cơn gió thoảng, có người lại để lại những dấu ấn sâu đậm, để lại cho ta những bài học mà ta nhớ mãi. Tôi cũng vậy, cứ mỗi lần nghĩ về buổi chiều hôm ấy là tôi lại không thể nào quên được hình ảnh của An.
Chiều hôm đó, như mọi khi mẹ sẽ đến đón tôi từ trường học về, nhưng vì hôm nay có việc đột xuất nên tôi tự đi bộ về nhà. Trên đường tôi nhởn nhơ đi, vừa đi vừa hát và ngắm nhìn mọi vật xung quanh. Bỗng tôi nhìn thấy An – hàng xóm nhà tôi, em nhỏ hơn tôi hai tuổi, bị khuyết tật mất một cánh tay, An đang bán hàng rong, mời gọi những người đi đường. Bố mẹ An đều là công nhân làm việc tại công trường, một lần do không may xảy ra tai nạn, bố của em qua đời, hiện tại chỉ có hai mẹ con dựa vào nhau để sống, ngoài giờ đến lớp An phụ mẹ bán hàng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chú bé đen nhẻm, người gầy gò, ánh mắt em như cầu xin những người đi đường mua hàng, nhưng không ai giúp đỡ em cả. Tôi tiến lại gần, như có một lực hút nào đó khiến tôi không rời mắt khỏi An. Sau những lời mời mọc, cuối cùng cũng có một anh thanh niên trắng trẻo, cao ráo mua giúp em. Anh không chọn món đồ nào cả, anh đưa cho An một tờ tiền 50.000 và nói:
- Em bé à, em hãy dùng số tiền này để mua gì đó ăn nhé. Anh có đủ mọi thứ rồi, nên anh sẽ không lấy đồ gì của em nữa đâu.
Rồi anh nở nụ cười thật tươi và đưa cho em ấy tờ tiền. An ngập ngừng, đưa hai tay đón lấy từ tay anh. Anh định quay gót đi thì An níu tay anh lại và đưa cho anh năm gói kẹo cao su, em nói:
- Anh ơi, anh hãy cầm lấy những gói kẹo này. Em đi bán hàng, chứ em không dám ăn xin anh đâu. Em vẫn còn khỏe mạnh nên em sẽ đi bán hàng để tự nuôi sống bản thân. Em cảm ơn anh vì lòng tốt, nhưng nếu anh không lấy số kẹo này em xin trả lại anh tiền.
Người anh kia thoáng trên mặt hiện lên sự ngạc nhiên, rồi anh quay người lại chỗ chú bé nhẹ nhàng xoa đầu, nở nụ cười trìu mến. Anh nhận từ cậu bé năm gói kẹo, cậu bé nở nụ cười rạng rỡ và cúi đầu lễ phép cảm ơn anh.
Đứng chứng kiến toàn bộ câu chuyện, tôi vô cùng cảm động trước sự thành thật của em. An đã cho tôi những bài học mà không có trường lớp hay sách vở nào dạy tôi. Cậu bé đã cho tôi thấy rằng dù bị khuyết tật về thân thể nhưng cũng không được què quặt về tinh thần, phải có ý chí vượt lên những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Tình yêu thương luôn bên cạnh ta, khi san sẻ tình yêu thương với những người xung quanh bản thân cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Tôi chợt thấy ân hận vì những lúc mải chơi, không chịu học hành. Đôi khi còn nói dối, không nghe lời bố mẹ. Tôi được sống trong gia đình hạnh phúc, luôn được bố mẹ quan tâm, yêu thương nhưng nhiều khi tôi lại không biết trân trọng những điều đó. Cậu bé đã thức tỉnh cho tôi phải biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc bố mẹ, giúp đỡ bố mẹ những việc vừa sức với mình.
Từ sau lần gặp hôm đó, tôi cảm thấy quý mến và khâm phục em hơn. Em không chỉ khiến tôi ngưỡng mộ, yêu quý mà còn hơn thế nữa em đã cho tôi sự thay đổi về nhận thức. Khiến tôi biết trân trọng, yêu thương gia đình và những gì mình đang có. Giúp tôi có động lực phấn đấu, vươn lên không ngừng.
Bài văn mẫu số 3
Viết bài tập làm văn số 3 lớp 6 đề 4 ngắn gọn nhất
Dân gian ta có câu: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” quả là không sai. Máu mủ tình thân luôn là điều thiêng liêng và tốt đẹp của cuộc sống. Em vẫn còn nhớ ngày bé, em có một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và cảm động với người bác đã thất lạc ông bà từ rất lâu về trước.
Hôm đó là một ngày đông lạnh giữa tháng mười hai giá rét. Ông ngoại sang nhà em và nói với bố em, bác Hồng đã liên lạc và sắp đến thành phố em chơi. Một năm về trước, bố em đã đưa ông ngoại về Nam Định với mong muốn liên lạc được với bác nhưng đành ra về mà chẳng có chút thông tin. Cách đây vài tháng, bố em lại đưa ông về Nam Định một lần nữa, và lần này thì ông đã tìm được bác. Ông kể rằng, bác đã khóc khi gặp lại được ông sau bao năm xa cách và hẹn ông sẽ ra thăm ông vào một dịp gần nhất.
Em chưa bao giờ nghe kể về bác trước đây. Em hỏi mẹ thì được biết, bác là con trai cả của ông ngoại em. Ngày còn thanh niên, bác phải đi làm xa, lại vào đúng thời kỳ xã hội loạn lạc, ông em vì điều kiện khó khăn phải chuyển nhà nên bác và ông thất lạc nhau từ ngày đấy. Sau mấy chục năm thất lạc, cuối cùng bác cũng tìm được người thân, chắc bác vui lắm.
Bác đến chơi nhà ông bà vào một ngày lạnh buốt nhưng bầu trời vô cùng quang đãng. Hôm đó nhà ông bà rất đông người, toàn là anh em họ hàng của mẹ em, sang để gặp bác. Khi bác bước vào nhà, điều đầu tiên mà em cảm nhận được về bác là sự ấm áp. Có lẽ vì bác có ngoại hình giống hệt ông ngoại, mà ông ngoại rất thương và yêu em nên em cảm thấy ở bác sự gần gũi, thân thuộc. Bác vừa gặp lại mẹ em đã vừa khóc vừa cười. Cuộc hội ngộ của hai anh em không có một lời nào tả hết được. Đó là sự vui mừng, hạnh phúc, cả những tủi hờn vì xa cách bao lâu. Bác vào nhà nắm tay từng người lớn trong gia đình, hỏi han sức khỏe của mọi người, hỏi han tình hình học tập của tụi nhỏ chúng em.
Bác ngồi lắng nghe câu chuyện của ông bà khi tuổi về già, về những ngày tháng vắng bác trong gia đình ngày ấy, trống vắng và buồn bã vô cùng. Bác cũng kể cho mọi người nghe về những năm tháng cơ hàn mưu sinh nơi đất khách quê người, về nỗi nhớ gia đình và quê hương khôn xiết, về nỗi tuyệt vọng khi bao lần tìm về chốn cũ nhưng không tìm được bố mẹ và các em. Bác kể rằng, đã phải làm rất nhiều công việc, ai thuê gì làm nấy, cuộc sống vô cùng vất vả. Em nghe những lời tâm sự của bác mà thương bác vô cùng. Chắc chắn bác đã có khoảng thời gian vô cùng khó khăn và vất vả, lại phải chịu cảnh xa người thân và quê hương quá sớm. Em vừa thương, vừa nể phục bác, nể phục ý chí vươn lên và nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của bác.
Mọi người nói chuyện xong thì cùng nhau ăn uống. Mẹ em và các chị lớn trong nhà đã chuẩn bị một bữa cơm với đầy đủ đặc trưng của quê hương, như một món quà lớn về tinh thần muốn giành tặng bác sau ngần ấy năm lưu lạc tha phương. Dù tay nghề của mẹ em không ngon xuất sắc nhưng bác ăn rất nhiều và tấm tắc khen ngợi.
Sau bữa cơm, cả nhà lại quây quần bên nhau cùng uống cốc trà nóng. Bác bảo bác rất nhớ cái lạnh của miền Bắc, nhớ những kỷ niệm ngày còn bé bên bố mẹ và các em. Em lúc đó ngồi ngay cạnh bác. Bác kể chuyện xong thì quay sang hỏi chuyện em. Bác xoa đầu em đầy hiền từ, đuôi mắt là nếp nhăn in hằn những năm tháng cơ cực nhưng lại ánh lên sự lương thiện, chất phác. Bác hỏi em học hành có chăm chỉ không, hỏi em có vâng lời bố mẹ không rồi khuyên em chuyên tâm học hành là mục tiêu đầu tiên, bác dặn em dù làm gì cũng phải đặt tấm lòng của mình vào đó, nếu có việc khó thì không nản lòng. Em lắng nghe và thầm ghi nhớ những lời bác dạy em. Bác thật gần gũi và ấm áp!
Bác cùng cả nhà lên kế hoạch sẽ đi du lịch vào dịp Tết âm lịch, bác sẽ đưa cả gia đình đi cùng. Bác ở nhà em chơi vài ngày rồi trở lại miền Nam để làm việc.
Buổi gặp gỡ đầy xúc cảm ngày hôm đó đã để lại trong em những ấn tượng không thể phai mờ. Em sẽ luôn yêu thương và trân trọng những người thân quanh mình.
--------
Trên đây là tổng hợp bài viết số 3 lớp 6 đề 4 với nội dung kể lại một cuộc gặp gỡ mà Đọc tài liệu chia sẻ đến các em. Hy vọng với những bài văn trên đây phần nào giúp các em có thêm nội dung bổ sung vào bài viết của mình thêm phong phú. Chúc các em học tốt môn văn mẫu 6