Trang chủ

Bài luyện tập trang 21 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Xuất bản: 03/03/2022 - Cập nhật: 15/06/2022 - Tác giả:

Trả lời câu hỏi bài luyện tập trang 21 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của nhà văn G.G Mác-két.

Đọc tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài luyện tập trang 21 SGK Ngữ văn 9 tập 1 phần soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình từ ngắn gọn tới chi tiết nhất. Mời các em tham khảo.

Câu hỏi

Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của nhà văn G.G Mác-két.

Trả lời bài luyện tập trang 21 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Để soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình tối ưu nhất, Đọc-Tài-Liệu tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài luyện tập trang 21 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1 như sau:

Trả lời ngắn gọn

Sau khi đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc (1945), trục phát xít Đức, Ý, Nhật đã tan rã trước sức mạnh của phe Đồng minh Anh Nga, Mĩ… Lịch sử bước sang một giai đoạn mới với nhiều vấn đề trọng đại liên quan đến sự sống còn của toàn nhân loại.Gác-xi-a Mác-két, nhà văn nổi tiếng của Cô-lôm-bi-a (được trao giải Nô-ben văn chương) đã viết một bài nghị luận lấy tên là Đấu tranh cho một thế giới hoà bình để bày tỏ mối lo ngại sâu sắc của mình trước hiểm họa hạt nhân. Bằng lập luận sắc bén và hệ thống dẫn chứng cụ thể, chính xác, đầy sức thuyết phục, ông đã làm một công việc có ý nghĩa nhân đạo lớn lao là thức tỉnh loài người trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang lơ lửng trên đầu, chẳng khác gì thanh gươm Đa-mô-clét trong thần thoại Hi Lạp, có thể trong nháy mắt hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất.

Trả lời đầy đủ

1.

Bài viết Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của nhà văn Mác-két đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với chính chúng ta về chiến tranh hạt nhân - điều đang đe dọa trầm trọng đến mạng sống và sự phát triển của toàn nhân loại. Chiến tranh hạt nhân không những ghê gớm như một loại bệnh dịch, có thể quét sạch sự sống trên hành tinh này mà nó còn có thể khiến cho cuộc sống của chúng ta trở về thời kì đồ đá, tiêu diệt hết toàn bộ nền văn minh trong hàng bao nhiêu triệu năm. Bởi vì sự tốn kém của việc chạy đua vũ trang hạt nhân mà chính chúng ta bị tước đi cơ hội phát triển những điều kiện sống tốt đẹp của mình. Bài viết này đã nêu ra những lập luận sắc bén, khiến chúng ta không thể làm ngơ trước mối đe dọa lớn đang đè nặng lên tương lai của loài người, chúng ta phải hành động để bảo vệ một thế giới hòa bình, tốt đẹp không có chiến tranh hạt nhân.

2.

Từ văn bản " Đấu tranh cho một thế giới hòa bình" đã khơi gợi nơi người đọc về suy nghĩ chiến tranh và hòa bình. Trước hết, chúng ta cần biết chiến tranh là khủng bố cướp bóc, một hỗn chiến có đổ máu, còn hòa bình thì ngược lại, là sự bình an vui vẻ, không có đổ máu. Dễ dàng thấy được chúng ta đã trải qua biết bao đau thương từ cuộc chiến tranh lịch sử đó là Pháp, Mỹ. Cũng như trong bài ta thấy được chi phí chi cho chiến tranh vũ khí hạt nhân vô cùng tốn kém. Vậy vì sao lại xảy ra những cuộc chiến tranh như vậy? Vì lòng tham từ các nước, họ luôn muốn mình mạnh nhất, xâm chiếm thuộc địa để nước khác phục tùng mình. Hay chỉ vì để chống trả lại hoặc những chính sách hiếu chiến của giai cấp thống trị. Không những thế chiến tranh còn để lại cho xã hội những hậu quả nặng nề. Những căn bệnh do chiến tranh tạo ra thật khủng khiếp gây nên nỗi ám ảnh cho mỗi người dân. Tất cả chúng ta hãy cố gắng để phản đối chiến tranh góp vào bản nhạc hòa bình. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng chống lại âm mưu phá hủy hòa bình. Từ bào học trên, chiến tranh thật khủng khiếp và hãy chung tay bảo vệ hòa bình. Là một học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường chúng ta hãy cố gắng học tập thật tốt để đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Trả lời chi tiết

1.

"Đấu tranh cho một thế giới hòa bình" mang ý nghĩa như một bức thông điệp của Mác-két. người Cô-lôm-bi-a, nhà hoạt động xã hội lỗi lạc, nhà văn được giải thưởng Nô-ben văn học năm 1982, gửi cho các dân tộc trên hành tinh chúng ta. Và tác phẩm đã để lại cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm.

Để làm sáng tỏ luận đề "Đấu tranh cho một thế giới hòa bình", Mác-két đã đưa ra 3 luận điểm đầy sức thuyết phục: một là nhân loại đang đứng trước hiểm họa hạt nhân; hai là, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là cực kì tốn kém; ba là, lời kêu gọi chống nguy cơ hạt nhân, đấu tranh cho hòa bình.

Nhân loại đang đứng trước hiểm họa hạt nhân; cái nguy cơ ghê gớm đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-nô-clét". Với hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân bố trí khắp hành tinh, mỗi con người đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ. Với số vũ khí hạt nhân ấy có thế hủy diệt 12 lần mọi dấu vết sự sống trên trái đất; có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt trời, cộng thêm 4 hành tinh nữa.. "Mác-két ghê tởm lên án nguy cơ hạt nhân là dịch hạch hạt nhân" vì cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết"... Những con số mà Mác-két đưa ra đã nâng cao nhận thức cho mọi người vẻ nguy cơ chiến tranh hạt nhân, và sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.

Tiếp theo, Mác-két đã chỉ ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là vô cùng tốn kém. Đây là những số liệu cụ thể mà tác giả đã đưa ra: Chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B1B của Mĩ và cho dưới 7.000 tên lửa vượt đại châu là 100 tỉ đô-la. Số tiền ấy có thể cứu trợ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh và tiếp tế thực phẩm, nước uống cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới. Giá 10 chiếc tàu sân bay Ni-mít mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong 14 năm cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em ở châu Phi. Số lượng ca-lo trung bình cho 575 triệu người thiếu dinh dưỡng tốn kém không bằng 149 tên lửa MX. Chỉ cần 27 tên lửa MX là đủ trả tiền mua nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong 4 năm tới.

Nghệ thuật lập luận của Mác-két rất sắc bén. Những con số về tiền bạc mà ông nêu lên đã cho thấy ngân sách quân sự, chi phí chạy đua vũ trang hạt nhân là cực kì tốn kém! Tác giả sử dụng lối biện luận tương phản về thời gian: quá trình hình thành sự sống và văn minh nhân loại phải trải qua hàng triệu triệu năm, còn sự hủy diệt Trái Đất chỉ diễn ra trong nháy mắt, "chỉ cần bấm nút một cái" thì tất cả sẽ trở thành tro bụi - ông đã chi cho mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thấy rõ hiếm họa vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang hạt nhân khủng khiếp như thế nào!

Luận điểm thứ 3 là lời kêu gọi của Mác-két. Ông kêu gọi mọi người "chống lại việc đó" - cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân; hãy "tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hòi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng". Ông đề nghị "mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ, có thể tồn tại được sau tai họa hạt nhân" để cho nhân loại tương lai biết rằng "sự sống đã từng tồn tại"..., để nhân loại tương lai "biết đến" những thủ phạm đã "gây ra những lo sợ, đau khổ" cho hàng tỉ con người, để "biết đến" tên những kẻ "giả điếc làm ngơ trước những lời khẩn cầu hòa bình, những lời kêu gọi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn"...

Mác-két đã có một cách nói đặc sắc, độc đáo lên án những kẻ hiếu chiến đã và đang gây ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, đe dọa cuộc sống hòa bình yên vui của các dân tộc và nhân loại.

Có thể nói, văn bản "Đấu tranh cho một thế giới hòa bình" đã thể hiện trí tuệ và tâm hồn của Mác-két. Ông đã sáng suốt và tỉnh táo chỉ cho nhân loại thấy rõ nguy cơ hạt nhân là một hiểm họa đáng sợ - "dịch hạch hạt nhân". Tâm hồn của ông cháy bỏng một niềm khao khát hòa bình cho nhân loại. Và qua đó, ta càng thêm kinh sợ chiến tranh hạt nhân tàn bạo đã phá hủy bao điều tốt đẹp của cuộc đời, cũng từ đó ta càng thêm yêu hòa bình, và nâng cao cho mình ý thức bảo vệ một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

2.

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của nhà văn G.G. Mác-két là văn bản được trích từ bản tham luận của ông đọc trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai của 6 nguyên thủ quốc gia Ấn Độ, Mê-hi-cô, Thụy Điển, Ác-hen-ti-na, Hi Lạp và Tan-da-ni-a tại Mê-hi-cô. Đọc văn bản, có lẽ không chỉ em mà người đọc cũng đều cảm nhận được rõ nguy cơ mà chiến tranh hạt nhân đang đe dọa tới toàn thể loài người và sự sống trên trái đất. Tác giả đã đưa ra những con số cụ thể gần như trên tất cả mọi lĩnh vực mà chỉ cần trích một phần nhỏ trong số tiền mà các nước đã dùng để chi trả cho cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là vũ trang hạt nhân trong thời gian qua cũng đủ để làm thay đổi tương lai của nhân loại. Đau đớn làm sao khi chứng kiến thảm cảnh những người chết vì đói, vì suy dinh dưỡng, sống trong cảnh thiếu thốn về y tế, dịch vụ, mù chữ mà các nước vẫn điềm nhiên bỏ một số tiền khổng lồ để trang bị những đầu đạn hạt nhân. Có lẽ, chính sự ích kỉ trong suy nghĩ của những siêu cường ấy đã cướp đi nhiều cơ hội, điều kiện để phát triển: loại trừ nạn đói, nạn thất học và khắc phục nhiều bệnh tật cho hàng trăm triệu con người. Đấu tranh cho hòa bình, ngăn chặn và xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân là nhiệm vụ thiết thân và cấp bách của toàn thể loài người. Chúng ta không thể đánh đổi hàng triệu năm tiến hóa chỉ để lấy một chiếc nút bấm vô tri. Bởi chỉ cần bấm nút một cái, mọi sự tiến hóa, mọi công trình và phát minh của loài người sẽ quay trở về vạch xuất phát của nó. Sự sống sẽ biến mất như nó chưa từng tồn tại. Điều ấy có đáng để chúng ta đánh đổi và trả giá hay không?

Xem thêm: Những bài văn hay nêu Cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

-/-

Bài luyện tập trang 21 SGK Ngữ văn 9 tập 1 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình trong khi làm bài soạn văn 9 trước khi lên lớp.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM