Trang chủ

Bài 5 trang 36 SGK Ngữ văn 7 tập 1

Xuất bản: 18/06/2020 - Cập nhật: 11/07/2022 - Tác giả: Giangdh

Trả lời câu hỏi bài 5 trang 36 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 5 trang 36 SGK Ngữ văn 7 tập một phần trả lời câu hỏi đọc - hiểu, soạn bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bài

Trong bài 4, tình cảm anh em thân thương được diễn tả như thế nào? Bài ca dao này nhắc nhở chúng ta điều gì?

Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.

Trả lời bài 5 trang 36 SGK Ngữ văn 7 tập 1

Tham khảo một số cách trình bày dưới đây

Cách trình bày 1

Trong bài 4, tình cảm anh em được diễn tả như sau:

- Khác với “người xa”, anh em có những cái “cùng”, “chung”, “một “.

Trong đó, “cùng chung bác mẹ” và “một nhà” là cùng huyết thống và cùng những kỉ niệm sướng khổ với nhau trong mái ấm gia đình. Như thế, anh em tuy hai là một.

- Lời khuyên yêu thương gắn bó được so sánh “như thể tay chân”. Tay, chân cùng là những bộ phận của một cơ thể. Sự so sánh ấy cho thấy sự gắn bó anh em thật là máu thịt, tình cảm anh em thật là thiêng liêng.

=> Bài ca dao nhắc nhở chúng ta: anh em là ruột thịt với nhau, phải biết thương yêu và giúp đỡ nhau để cho cha mẹ được vui lòng.

Cách trình bày 2

- Bài 4 là những câu hát về tình cảm anh em. Anh em là hai nhưng cũng là một, vì: "Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân" (cùng một cha mẹ sinh ra, cùng chung sống, cùng chung buồn vui, sướng khổ). Quan hệ anh em còn được so sánh bằng hình ảnh cụ thể: “như thể tay chân”, thế hiện sự bền chặt, keo sơn, thiêng liêng và ấm áp. Hình ảnh đó nói lên tình nghĩa và sự gắn bó thiêng liêng của anh em.

- Bài ca dao là lời nhắc nhở chúng ta: anh em phải hoà thuận, phải biết nương tựa lẫn nhau, là chỗ dựa cho nhau khi gặp khó khăn và chia sẻ với nhau niềm vui trong cuộc sống. Có vậy gia đình mới ấm êm, cha mẹ mới vui lòng.

Cách trình bày 3

Trong bài 4, tình cảm anh em được thể hiện qua những lời nhắn nhủ tâm tình. Hình thức thể hiện rất phong phú. Ban đầu là một lời phủ định: "Anh em nào phải người xa". Ngay từ đầu, hai chữ nào phải đã xoá đi những quan niệm không đúng ("anh em kiến giả nhất phận") vẫn thường chia rẽ tình cảm anh em trong gia đình. Tiếp theo là lời khẳng đinh, không phải một lần mà là hai lần (cùng chung bác mẹ - cùng thân).

Câu tiếp theo vẫn sử dụng giọng điệu khẳng định nhưng ở mức cao hơn:

Anh em như thể tay chân

Tay và chân là những bộ phận rất quan trọng, luôn gắn liền với cơ thể, có quan hệ mật thiết với nhau. Lấy tay, chân để so sánh, ví với tình anh em là cách so sánh rất giàu hình tượng và có sức thuyết phục cao: Đã là anh em thì phải gắn bó thân thiết như chân với tay, không được xa rời, phải biết nương tựa vào nhau ("Một giọt máu đào hơn ao nước lã").

Cách trình bày 4

Phân tích Bài 4 - tình cảm anh em thân thương :

- Điệp từ "cùng chung - cùng thân " : tình thiêng liêng, quan trọng.

- So sánh : ví anh-em với tay-chân, những bộ phận gắn bó khăng khít trên một thể thống nhất, nói lên sự gắn bó anh em.

→ Nhắc nhở : anh em phải hòa thuận, đoàn kết, thương yêu nhau để cha mẹ vui lòng cũng là lẽ sống đúng đắn.

Ghi nhớ
Tình cảm ga đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời dạy của cha, ông bà với con cháu hay ngược lại...và thường dùng các hình ảnh so sánh, ẩn dụ quen thuộc để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công sinh thành, về tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt.

---------------

Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 5 trang 36 SGK ngữ văn 7 tập 1 được Đọc tài liệu biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình trong chương trình soạn văn 7 tốt hơn trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM