Trang chủ

Bài 4 trang 61 SGK Ngữ văn 8 tập 2

Xuất bản: 18/01/2020 - Tác giả:

Trả lời câu hỏi bài 4 trang 61 SGK Ngữ văn lớp 8 tập 2 phần hướng dẫn soạn bài Hịch tướng sĩ ngữ văn 8.

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 4 trang 61 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập Hai phần soạn bài Hịch tướng sĩ chi tiết nhất.

Đề bàiSau khi nêu mối ân tình giữa chủ soái và tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn phê phán những hành động sai của tướng sĩ, đồng thời khẳng định những hành động đúng nên làm là có dụng ý gì? Khi phê phán hay khẳng định, tác giả tập trung vào vấn đề gì? Tại sao phải như vậy?

Trả lời bài 4 trang 61 SGK văn 8 tập 2

Cách trả lời 1:

- Nêu mối ân tình giữa mình và tướng sĩ. Trần Quốc Tuấn đã khích động ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người đối với lẽ vua tôi cũng như đối với mình cốt nhục. Không chỉ vậy, tác giả Trần Quốc Tuấn còn chân tình chỉ bảo và phê phán nghiêm khắc hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh của đất nước của tướng sĩ, "làm cho họ tức khí, muốn mau chóng chứng minh tài năng, phẩm chất của mình bằng việc làm thiết thực" (Trần Đình Sử).

- Cùng với việc phê phán thái độ, hành động sai, Trần Quốc Tuấn còn chỉ ra những việc đúng nên làm. Đó là nêu cao tinh thần cảnh giác, chăm lo "tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ". Những hành động này đều xuất phát từ mục đích quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

- Khi phê phán hay khẳng định, tác giả đều tập trung khích lệ từ ý chí lập công danh, lòng tự trọng cá nhân, tự tôn dân tộc đến lòng căm thù giặc, tinh thần trung quân ái quốc, nghĩa tình cốt nhục… để cuối cùng khích lệ lòng yêu nước bất khuất, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược. Điều này rất cần thiết trong hoàn cảnh nước nhà lâm vào thế nước sôi lửa bỏng, nó thanh toán những thái độ và hành động trù trừ trong hàng ngũ tướng sĩ, động viên những ai còn thờ ơ, do dự hãy đứng hẳn sang phía lực lượng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù.

Tham khảo thêmPhân tích Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn

Cách trả lời 2:

Trần Quốc Tuấn phê phán hành động sai trái của tướng sĩ, đồng thời khẳng định những hành động đúng nên làm là có dụng ý:

+ Trần Quốc Tuấn nghiêm khắc phê phán thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của tướng sĩ khi đất nước bị làm nhục.

+ Tập trung phê phán những thú vui tầm thường, hành động sai trái: thích rượu ngon, mê gái đẹp, ưa săn bắn.

+ Thức tỉnh sự tự ý thức, trách nhiệm, tự nhìn nhận

+ Chấn chỉnh suy nghĩ, hành động của tướng sĩ cho đúng đắn:

  • Khi phê phán hoặc khẳng định tác giả đều tập trung vào vấn đề nêu cao tinh thần cảnh giác, chăm lo rèn luyện để chiến thắng kẻ thù xâm lược.
  • Lời nói đanh thép như trách mắng tướng sĩ "không biết lo", "không biết thẹn", "không biết căm tức".

=> Khi chỉ ra những điều sai trái nghĩa quân, tướng sĩ phạm để thức tỉnh ý thức tự tôn dân tộc, qua đó vạch ra hướng đi đúng đắn, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù là mục đích cốt yếu.

Cách trả lời 3:

* Sau khi nêu mối ân tình giữa chủ soái và tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn phê phán những hành động sai trái đồng thời khẳng định những hành động đúng của tướng sĩ:

- Những hành động sai trái

+ Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn

+ Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không thấy tức, nghe nhạc thái thường để đãi yến mà không thấy căm

+ Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con,

+ Hoặc lo làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh

+ Hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát

- Những hành động đúng nên làm

+ Nên nhớ câu "đặt mồi lửa vào dưới đống củi" là nguy cơ, nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" là răn sợ.

+ Huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên; khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Cao Vương ở Cao Nhai

=> Tác giả liệt kê những hành động sai trái của tướng sĩ là có dụng ý: phê phán và thức tỉnh sự tự ý thức, trách nhiệm, tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh suy nghĩ cũng như hành động của tướng sĩ.

* Khi phê phán hay khẳng định, tác giả tập trung vào vấn đề: đề cao tinh thần cảnh giác, chăm lo rèn luyện để chiến thắng kẻ thù xâm lược, để khi giặc tấn công bất ngờ ta cũng không ở thế bị động mà luôn chủ động, sẵn sàng chiến đấu trong bất kì hoàn cảnh nào.

Tác giả tập trung vào việc đề cao tinh thần cảnh giác bởi vì: bài hịch này dù trực tiếp là nhằm khích lệ tiến sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược do chính Trần Quốc Tuấn biên soạn, nhưng mục đích cao nhất chính là kêu gọi tinh thần yêu nước quyết chiến quyết thắng với ngoại xâm.

>>> Đọc thêm văn mẫuVai trò của những người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ

Trên đây là gợi ý 3 cách trả lời câu hỏi bài 4 trang 61 SGK ngữ văn 8 tập 2 được chúng tôi biên soạn dành cho các em tham khảo. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Hịch tướng sĩ nhé.

Chúc các em học tốt !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM