Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 3 trang 106 sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 phần soạn bài Trao duyên - Truyện Kiều chi tiết nhất cho các em tham khảo.
Đề bài:
Kiều đối thoại với những ai? Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua lời đối thoại trong đoạn trích.
TRẢ LỜI BÀI 3 TRANG 106 SGK NGỮ VĂN 10 TẬP 2
Cách trả lời 1 - Ngắn gọn
- Với Vân : Kiều biết ơn chân thành, yên tâm, thanh thản vì mâu thuẫn được giải quyết tạm thời.
- Với chính mình : tâm trạng giằng xé đầy mâu thuẫn, đau đớn tột cùng.
- Với Kim Trọng : Khát vọng tình yêu mãnh liệt với hiện thực phũ phàng, Kiều ngất đi trong hình bóng Kim Trọng Ôi Kim Lang…, Kiều tự trách than và đau đớn.
Cách trả lời 2 - Đầy đủ
Trong đoạn trích, Kiều đối thoại ba người, là với Vân, với chính mình và với Kim Trọng:
- Với Vân : Kiều đã nhờ cậy Vân chấp nhận mối duyên tình và trả lễ cho chàng Kim hộ mình vì nàng đã phải chọn chữ hiếu thay cho chữ tình. Với Vân, Kiều mang sự biết ơn chân thành, yên tâm, thanh thản bớt nỗi day dứt trong lòng khi bội thề với Kim Trọng, vì nàng tin tưởng Vân sẽ giúp mình thực hiện lời thề, giữ mối lương duyên này với Kim Trọng.
=> Khi lựa chọn chữ hiếu thay chữ tình và quyết định bán mình chuộc cha và em, trong lòng Kiều giằng xé và day dứt đầy mâu thuẫn. Mãi cho đến khi Vân nhận lời thì mâu thuẫn được giải quyết tạm thời trong lòng của Kiều.
- Với chính mình : tâm trạng giằng xé đầy mâu thuẫn, đau đớn tột cùng khi không trọn tình yêu và lời thề với Kim Trọng. Trò chuyện với chính mình, Kiều đã trách thân phận, có duyên mà không có phận với chàng Kim "phận bạc như vôi" và xác định rằng cuộc đời mình sẽ là "nước chảy hoa trôi lỡ làng".
- Với Kim Trọng : Khát vọng tình yêu mãnh liệt với hiện thực phũ phàng, Kiều ngất đi trong hình bóng Kim Trọng Ôi Kim Lang…, Kiều tự trách than và đau đớn, coi mình như một kẻ phụ bạc, phản bội lời thề
Cách trả lời 3 - Chi tiết
a) Trao duyên cho Vân nhưng Kiều không chỉ đối thoại với Vân (22 câu đầu) mà nàng còn tự đối thoại với chính mình (10 câu tiếp) và đối thoại cùng Kim Trọng (2 câu cuối).
b) Diễn biến tâm trạng của Kiều:
– Đối thoại với Thúy Vân:
+ Mở đầu là sự khẩn khoản, tha thiết thậm chí là ép buộc Vân nhận mối duyên của mình: “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Tiếp đó, Kiều sống lại trong những ký ức tình yêu với Kim Trọng khi nàng kể cho Vân nghe về mối tình của mình. Kiều trao cho Vân những kỉ vật tình yêu của mình và Kim Trọng, cũng là vừa để mình được ngắm nhìn chúng lần nữa.
⇒ Nếu ban đầu là sự cương quyết, ép buộc em nhận mối lương duyên của mình thì càng về sau, Kiều càng tỏ ra nuối tiếc, càng không muốn dứt bỏ mối tình ấy. Nàng đau khổ khi phải tự đấu tranh với chính bản thân mình, đến mức dù trao cho Vân nhưng vẫn muốn giữ lại một chút cho mình trong mối nhân duyên đó: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Từ “của chung” không phải là “của Vân và Kim Trọng” mà là “của chung ba người” ⇒ Kiều không thể nào dứt bỏ hoàn toàn tình yêu với Kim Trọng.
– Đối thoại với chính mình:
+ Sau khi trao duyên cho Vân, Kiều cảm thấy trống rỗng, buông xuôi. Không còn tình yêu của Kim Trọng, nàng cảm thấy như mình đã chết đi rồi.
⇒ Cái chết bủa vây tâm trí Kiều. Đối với Kiều, tình yêu với chàng Kim là cả lẽ sống. Mất lẽ sống ấy, nàng chỉ còn là cái xác không hồn. Nàng tự coi mình là một người đã chết.
– Đối thoại với chàng Kim:
+ Lời thổ lộ ngắn ngủn hai câu nhưng là tiếng kêu xé lòng của Kiều: “Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
⇒ Đó là tiếng khóc thương Kiều dành cho người yêu, người mà đến lúc đó vẫn chưa biết mối tình đẹp đẽ mình vun đắp đang đổ vỡ dần dần
+ Kiều tự xem mình là một kẻ phản bội. Dù không muốn phản bội, nhưng nàng tự nhận đó là lỗi của mình, là mình đã phụ chàng, đã vứt bỏ chàng.
⇒ Tiếng kêu bất lực của Thúy Kiều vang lên đầy đau đớn như một dấu chấm hết cho một mối lương duyên tươi đẹp vừa mới chớm nở đã lụi tàn.
Xem thêm: Phân tích tâm trạng của Kiều trong đoạn trích Trao duyên
-/-
Trên đây là nội dung trả lời câu hỏi bài 3 trang 106 SGK Ngữ văn 10 tập 2 được trình bày theo nhiều cách khác nhau do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp các em tham khảo để soạn bài Trao duyên (Truyện Kiều - Nguyễn Du) tốt hơn trong quá trình học Soạn văn 10.
Chúc các em học tốt !