Trang chủ

Bài 22: Từ những câu chuyện ấu thơ trang 110 lớp 5 Kết nối tri thức

Xuất bản: 16/09/2024 - Tác giả:

Bài 22: Từ những câu chuyện ấu thơ trang 110 lớp 5 Kết nối tri thức đầy đủ câu hỏi giúp học sinh dễ dàng giải bài tập SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 trước khi tới lớp

Nội dung chính Từ những câu chuyện ấu thơ: Những trang sách gắn liền với tuổi thơ: những câu chuyện được nghe, những bài học được đọc – đã nuôi lớn tâm hồn những bạn nhỏ. Khát khao được đọc sách, được khám phá nhiều câu chuyện qua trải nghiệm đọc là điều quý giá.

* Khởi động

Câu hỏi trang 110: Em từng được nghe người thân kể những câu chuyện nào? Hãy chia sẻ với bạn câu chuyện mà em nhớ nhất.

Trả lời:

Em từng được nghe người thân kể những câu chuyện: Sự tích cậu bé Tích chu; Sự tích Tấm Cám; Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ. Trong đó, em nhớ nhất câu chuyện về cậu bé Tích chu: cậu bé ham chơi không chăm sóc khi bà bị ốm, bà đã không còn ở bên cậu – bà biến thành con chim bay đi – để lại cậu bé Tích chu một mình trong sự cắn rứt, xót xa vì thói ham chơi của mình.

Văn bản: Từ những câu chuyện ấu thơ

Tôi nghĩ trẻ em trên khắp thế giới đều thích nghe chuyện giống tôi. Ba tôi đi làm xa nên những câu chuyện đầu tiên tôi nghe được là từ bà tôi và chú tôi. Bà kể tôi nghe chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Đôi hài bảy dặm,... Chú tôi lại thích kể chuyện Tôn Ngộ Không và một số truyện trong Nghìn lẻ một đêm.

Bà và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện. Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số những câu chuyện tương tự được viết trong các cuốn sách, tôi cố gắng học chữ để tự mình khám phá thế giới kì diệu kia.

Bảy tuổi, tôi mê mẩn với những cuốn sách ba tôi mua về. Tám, chín tuổi, tôi đã mày mò đọc hết rương truyện Trung Hoa của ông thợ hớt tóc trong làng. Rồi tôi tìm đến Không gia đình, Những người khốn khổ,…

Tôi khóc cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế, tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời. Sách đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng.

Rồi tới lượt mấy đứa em nhỏ của tôi lại tranh nhau nằm gần tôi vào mỗi buổi tối, nhao nhao: Anh Hai kể chuyện đi, anh Hai!.

Tôi vẫn luôn biết ơn cả nhà đã tạo cho tôi thói quen đọc sách một cách tự nhiên như vậy. Nhờ thói quen ấy, nhu cầu đọc sách đã nảy mầm và trở thành một khát khao trong tôi, như cỏ cây khát ánh sáng và khí trời.

(Nguyễn Nhật Ánh)

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 111: Những câu chuyện đầu tiên, bạn nhỏ được nghe ai kể? Đó là những câu chuyện gì?

Trả lời:

Những câu chuyện đầu tiên, bạn nhỏ được nghe bà và chú kể. Đó là những câu chuyện gì: Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Đôi hài bảy dặm…

Câu 2 trang 111: Bạn nhỏ đã làm gì để có thể tự mình khám phá thế giới kì diệu trong những câu chuyện?

Trả lời:

Để có thể tự mình khám phá thế giới kì diệu trong những câu chuyện. bạn nhỏ đã cố gắng học chữ.

Câu 3 trang 111: Sắp xếp các thông tin dưới đây theo lời kể về hành trình đọc sách của bạn nhỏ.

Trả lời:

Hành trình đọc sách của bạn nhỏ là:

7 tuổi8 - 9 tuổiLớn hơn một chút
Đọc hết sách do ba mua.Đọc hết rương truyện của ông thợ hớt tóc trong làng.Đọc các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới.

Câu 4 trang 111: Những trang sách có ý nghĩa như thế nào đối với bạn nhỏ?

Trả lời:

Với bạn nhỏ, những trang sách có ý nghĩa: giúp bạn nhỏ khóc cười được, cho bạn nhỏ những trải nghiệm, những cảm xúc mà thực tế chưa đủ lớn để trải nghiệm; bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm đến vô biên bờ cõi trí tưởng tượng.

Câu 5 trang 111: Theo em, việc các em của bạn nhỏ rất háo hức được nghe anh kể chuyện thể hiện điều gì?

Trả lời:

Theo em, việc các em của bạn nhỏ rất háo hức được nghe anh kể chuyện thể hiện những người em này cũng rất háo hức, rất muốn được biết và trải nghiệm cảm xúc, câu chuyện, bài học quý như người anh – một tương lai tốt đẹp và tiềm năng của những mầm non đất nước, bắt đầu từ tình yêu đọc sách, nghe kể chuyện.

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 112: Tìm nghĩa cho các từ dưới đây:

vô biên

vô số

vô giá

vô hình

vô lí

a. không hợp lẽ phải

b. nhiều tới mức không đếm được

c. không có hình dáng cụ thể

d. không thể đánh giá được, rất quý

e. không có giới hạn

Trả lời:

Nghĩa của các từ là:

vô biên e. không có giới hạn

vô số b. nhiều tới mức không đếm được

vô giá d. không thể đánh giá được, rất quý

vô hình c. không có hình dáng cụ thể

vô lí a. không hợp lẽ phải

Câu 2 trang 112: Đặt 2 câu với 2 từ ở bài tập 1.

Trả lời:

– Trên trời có vô số những vì sao, vì sao nào cũng thật đẹp và lấp lánh.

– Những cây xanh tạo ra khí oxi – quả là một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Viết: Tìm ý cho đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện trang 112, 113

Đề bài: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện em đã đọc, đã nghe.

Câu 1 trang 112: Chuẩn bị.

– Đọc kĩ câu chuyện em đã chọn để nhận rõ tình cảm, cảm xúc của em đối với câu chuyện.

– Tóm tắt câu chuyện để nhớ nội dung chính.

– Lựa chọn chi tiết gây ấn tượng để bày tỏ tình cảm, cảm xúc.

Trả lời:

– Em đọc kĩ câu chuyện Tấm Cám để nhận rõ tình cảm, cảm xúc của em với câu chuyện: thương xót cô Tấm hết lần này đến lần khác bị dì ghẻ và Cám hãm hại, chê trách và lên án con người, nhân cách của Cám khi đối xử tệ bạc với chị em trong gia đình, tham lam mong muốn những điều hơn người.

– Tóm tắt câu chuyện: Câu chuyện kể về nhân vật Tấm và Cám cùng chung sống. Tấm và Cám người hiền lành, người ganh đua ghen tị. Cho đến khi vua có tin tuyển nàng hậu, Tấm cũng bị gạt ra rìa. Cho tới khi Tấm tìm cách đi tới chỗ vua, được sủng ái làm hoàng hậu, mẹ con Cám chính thức ra tay tàn ác: khi giết chim, khi đốt khung cửi, khi chặt cây. Tấm liền biến thành một quả thị rơi vào bị của một bà lão hàng nước. Vua có lần tới thăm, phát hiện và đón Tấm trở về. Hai mẹ con Cám sau này bị trừng trị.

– Chi tiết gây ấn tượng: Tấm hết lần này tới lần khác đều biến thành những đồ vật, con vật quanh cuộc sống mẹ con Cám, quanh vua, không cam chịu và buông bỏ.

Câu 2 trang 112: Tìm ý.

Tìm ý cho đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện trang 112, 113 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Mở đầu:

– Câu chuyện Tấm Cám, là một câu truyện dân gian Việt Nam truyền lại tới tận bây giờ.

– Truyện kể về nàng Tấm và Cám cùng chung sống, người chị luôn tìm cách hãm hại người em. Nhưng với lòng tốt và nhân hậu, Tấm đã có được cuộc sống riêng sung sướng.

Triển khai:

– Tóm tắt nội dung câu chuyện: Câu chuyện kể về nhân vật Tấm và Cám cùng chung sống. Tấm và Cám người hiền lành, người ganh đua ghen tị. Cho đến khi vua có tin tuyển nàng hậu, Tấm cũng bị gạt ra rìa. Cho tới khi Tấm tìm cách đi tới chỗ vua, được sủng ái làm hoàng hậu, mẹ con Cám chính thức ra tay tàn ác: khi giết chim, khi đốt khung cửi, khi chặt cây. Tấm liền biến thành một quả thị rơi vào bị của một bà lão hàng nước. Vua có lần tới thăm, phát hiện và đón Tấm trở về. Hai mẹ con Cám sau này bị trừng trị.

– Những điều em thích ở câu chuyện:

+ Nhân vật trong câu chuyện đáng thương, đáng khâm phục vì tài năng và sự quyết tâm vươn tới chân lí: mẹ con Cám ác độc sẽ không thể huỷ hoại và diệt trừ được tâm hồn đẹp đẽ, cao cả và chân chất của Tấm – Tấm sẽ tìm được hạnh phúc không thể tuột mất.

+ Câu chuyện truyền cảm hứng tích cực: cuộc sống lương thiện sẽ được đền đáp xứng đáng, luôn có người nhìn ra mặt tốt ở bản thân mình. Tránh cách sống lợi dụng, tham lam, sân si và hơn thua.

– Tình cảm, cảm xúc của em với câu chuyện:

+ Em yêu mến và ngưỡng mộ nhân vật Tấm.

+ Em xúc động và thấm thía trước bài học về cuộc sống, cách sống lương thiện, tốt bụng là cần thiết, quan trọng với nhân cách mỗi người. Em cần phấn đấu một cuộc sống tử tế từ những hành động nhỏ: yêu thương gia đình, quan tâm bạn bè, kính trọng thầy cô, người lớn…

Kết thúc:

– Khẳng định giá trị của câu chuyện nói về tình yêu gia đình, anh chị em. Dù là câu truyện dân gian nhưng để lại trong em nhiều ấn tượng, dân gian ta có những bài học thật thấm thía.

Câu 3 trang 113: Góp ý và chỉnh sửa.

Những điều yêu thích ở câu chuyện

Tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện

Cách thể hiện tình cảm, cảm xúc

Trả lời:

Em nghe bạn đọc để góp ý cho phần tìm ý và chỉnh sửa (nếu cần).

Đọc mở rộng trang 113

Câu 1 trang 113: Đọc câu chuyện kể về tấm gương học tập hoặc những đóng góp của một nhà khoa học.

Trả lời:

Câu chuyện: Nữ khoa học trẻ năng động Nguyễn Kim Anh

Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh (sinh ngày 2/5/1984), làm việc tại Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong những nhà nữ khoa học trẻ có nhiều nghiên cứu nổi bật trong quản lý môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng do thiên tai để tiến tới phát triển bền vững. Đặc biệt, cô tích cực hoạt động kết nối giữa các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm cùng nhau trao đổi kiến thức, hợp tác trên nhiều phương diện. Chị hiện là Chủ tịch của Hội Chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), hội phi lợi nhuận đầu tiên dành cho các chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan.

Các nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh hướng đến đánh giá độ tổn thương môi trường sinh thái, hiện tượng đô thị đảo nhiệt liên quan đến thay đổi sử dụng đất, chuyển đổi lớp phủ bị tổn thương do bão. Ngoài ra, chị còn nghiên cứu các đánh giá không gian xanh đô thị nhằm cung cấp thông tin chiến lược về nền sinh thái và môi trường để đề xuất các biện pháp chính sách phù hợp nhằm cải thiện và phục hồi môi trường; nâng cao hiểu biết về các thảm họa thiên nhiên để hỗ trợ giảm thiểu, thích ứng và quản lý để ứng phó với các rủi ro và tối ưu hóa việc quản lý không gian xanh đô thị để tạo ra môi trường sống tốt hơn và chất lượng cao hơn cho con người.

Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh cũng đã nhận 12 giải thưởng khoa học quốc tế và các suất tài trợ dành cho nhà khoa học trẻ từ các tổ chức quốc tế: Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Hội Địa vật lý Mỹ (AGU), Hội Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE GRSS), APEC, Hội Địa vật lý châu Âu (EGU), Hiệp hội Khoa học Địa chất châu Á, châu Đại Dương (AOGS)... Cô cũng được chọn là gương mặt làm Đại sứ truyền thông cho tổ chức Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE-GRSS).

Trong 5 năm gần đây, Tiến sỹ Nguyễn Kim Anh là tác giả của ba cuốn sách, 13 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI (danh sách khoảng 10.000 tạp chí khoa học có chất lượng cao trên thế giới), 10 bài báo về kỹ thuật điện và điện tử, hơn 50 bài thuyết trình hội nghị quốc tế... Tính riêng trong năm 2022, chị đã công bố 3 bài báo thuộc danh mục ISI, tham gia trình bày 5 báo cáo tại các hội nghị chuyên ngành quốc tế và nhận được Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vì đã lập thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.

Là nhà nữ khoa học trẻ, năng động, trong thời gian công tác tại Đài Loan vào năm 2021, Kim Anh đã cùng với các nhà khoa học Việt Nam thành lập Hội Chuyên gia Việt Nam tại Đài Loan. Với các thành viên là đội ngũ đông đảo tri thức, chuyên gia có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, Hội hướng đến tạo lập một môi trường năng động và độc đáo, cung cấp cho các thành viên sự kết nối, hợp tác và phát triển. Hội đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Đài Loan và Việt Nam trên nhiều phương diện như khoa học, công nghệ, giáo dục, kinh tế, xã hội, văn hóa và dịch vụ; xây dựng mạng lưới và cơ sở dữ liệu giữa các Chuyên gia Việt Nam đang làm việc và học tập tại Đài Loan và kết nối họ với các đối tác Đài Loan, kết nối giữa mạng lưới tri thức Việt Nam tại Đài Loan với giới trí thức trong nước và thế giới...

Câu 2 trang 113: Viết phiếu đọc sách theo mẫu.

Trả lời:

Dựa vào các câu chuyện gợi ý em đã đọc, em viết thông tin phù hợp vào phiếu đọc sách theo mẫu.

Câu 3 trang 113: Trao đổi với bạn về câu chuyện đã đọc.

Trả lời:

Em trao đổi với bạn về câu chuyện đã đọc.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 113: Kể với người thân về tấm gương học tập của một bạn trong lớp hoặc trong trường em.

Trả lời:

Em kể với người thân về tấm gương học tập của một bạn trong lớp hoặc trong trường em.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM