Trang chủ

Bài 2 trang 72 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Xuất bản: 26/05/2020 - Tác giả: Giangdh

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 72 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Hoàng Lê nhất thống chí

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 72 SGK Ngữ văn 9 tập một phần trả lời câu hỏi đọc - hiểu, soạn bài Hoàng Lê nhất thống chí chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bài

Qua đoạn trích tác phẩm, em cảm nhận hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ như thế nào ? Theo em, nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút tác giả khi tạo dựng hình ảnh người anh hùng dân tộc này ?

Trả lời bài 2 trag 72 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Câu trả lời tham khảo

Trả lời chi tiết

- Qua đoạn trích tác phẩm, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ được xây dựng chân thực, sinh động với hành động, trí tuệ, tài điều binh khiển tướng, mưu lược, có tầm nhìn xa trông rộng

  • Tài dụng binh chiêu quân: cuộc hành quân thần tốc do vua Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc. Ngày 25/12 bắt đầu xuất phát ở Phú Xuân (Huế) ngày 29 đã đến Nghệ An, vượt qua khoảng 340 km núi đèo. Tại đây vừa tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh lớn, chỉ trong một ngày. Hôm sau tiến ra Tam Điệp (150 km). Vậy mà đến 30 tháng Chạp đã lập tức lên đường tiến quân ra Thăng Long. Mà tất cả đều là đi bộ. Hành quân xa như vậy, nhưng cờ nào đội ấy vẫn chỉnh tề, cũng do tài tổ chức của người cầm quân.
  • Ông có tài năng quân sự, điều binh khiển tướng tài tình: Sáng suốt nhận định tình hình, quyết định tiến quân ra Bắc tiêu diệt giặc; lời lẽ sắc bén, kích thích được tinh thần tự tôn dân tộc của tướng sĩ, có tư tưởng nhân đạo,...; lên kế hoạch đánh giặc, sử dụng chiến lược, chiến thuật hợp lí, độc đáo (cách hành quân thần tốc, cách chống lại súng của giặc, chiến thuật nghi binh,...).
  • Hành động mạnh mẽ và quyết đoán: Nhận được tin báo quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, liền họp các tướng sĩ, đích thân cầm quân đi ngay; lên ngôi hoàng đế, đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc; gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu; tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, phủ dụ quân sĩ; biết dùng người, đối đãi công bằng.

- Tác giả Ngô gia văn phái vốn trung thành với nhà Lê mà vẫn viết về vua Quang Trung đầy tinh thần ngợi ca như vậy là vì họ đứng trên tinh thần dân tộc mà phản ánh. Tất cả qua đó đã hiện lên rõ nét hình ảnh người anh hùng vừa có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén có tài dùng binh như thần, là một người đóng góp công lao vô cùng to lớn cho đất nước. Tác phẩm cũng phản ánh đúng hiện thực lịch sử chú không né tránh hay bỏ qua những thất bại của những nghĩa quân.

Trả lời ngắn gọn

- Qua đoạn trích tác phẩm, Quang Trung Nguyễn Huệ hiện lên với những nét phẩm chất:

  • Con người hành động mạnh mẽ, quyết đoán.
  • Trí tuệ sáng suốt nhạy bén.
  • Có ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng.
  • Tài dùng binh như thân.
  • Trong trận chiến hiện lên thật lẫm liệt.
  • Là người tổ chức và là linh hồn của chiến công vĩ đại.

- Nguồn cảm hứng chi phối ngòi bút của tác giả khi tạo dựng hình ảnh người anh hùng này là tôn trọng sự thực lịch sử và ý thức dân tộc. Các tác giả Ngô gia văn phái là những cựu thần, chịu ơn sâu nghĩa nặng của nhà Lê, nhưng họ đã không thể bỏ qua sự thực là ông vua nhà Lê hèn yếu đã cõng rắn cắn gà nhà và chiến công lừng lẫy của Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc. Bởi thế họ vẫn có thể viết thực và hay như vậy về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

Tham khảo thêm cách trình bày khác

1. Hình tượng Quang Trung- Nguyễn Huệ được xây dựng chân thực, sinh động với hành động trí tuệ, tài điều binh khiển tướng, mưu lược của vị anh hùng dân tộc

- Hành động mạnh mẽ, dứt khoát:

  • Nhận được tin báo quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, liền họp tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay
  • Lên ngôi hoàng đế, đốc xuất đại binh ra Bắc dẹp giặc
  • Trưng cầu ý kiến của người hiền tài (hỏi Nguyễn Thiếp)
  • Tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, ra phủ dụ, chỉ ra kế hoạch đánh giặc

- Trí tuệ sáng suốt, mẫn cán, điều binh khiển tướng tài tình

  • Chỉ ra tình thế, quyết định tiến quân tiêu diệt giặc
  • Lời lẽ chặt chẽ, sắc bén, kích thích được tinh thần tự tôn dân tộc của tướng sĩ
  • Vạch kế hoạch đánh giặc, sử dụng chiến lược, chiến thuật hợp lí, độc đáo (cách hành quân thần tốc, cách chống lại súng giặc…)
  • Biết dùng người dùng sở trường, ở đoản, đối đãi công bằng

- Ý chí độc lập, tầm nhìn xa trông rộng: mạnh bạo, tự tin trong kế sách đánh giặc

- Hình tượng vua Quang Trung được miêu tả với đầy đủ phẩm chất của vị anh hùng, mang vẻ đẹp oai phong lẫm liệt

- Tác giả Ngô gia trung thành với nhà Lê, nhưng vẫn ca ngợi vua Quang Trung bởi tinh thần dân tộc, sự tài tình, tấm lòng yêu nước của Nguyễn Huệ.

2. Qua đoạn trích tác phẩm, hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ được phác họa là:

- Con người hành động mạnh mẽ, quyết đoán.

  • Trí tuệ sáng suốt, nhạy bén:
  • Ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng.
  • Tài dụng binh như thần.

- Nguồn cảm hứng: Với ý thức tôn trọng lịch sử, các tác giả Ngô gia văn phái – những trí thức, những cựu thần của nhà Lê đã không thể bỏ qua sự thực vua Lê hèn nhát cõng rắn cắn gà nhà và chiến công lừng lẫy của nghĩa quân Tây Sơn. Với ý thức và tinh thần dân tộc, là những trí thức yêu nước, họ không thể không ngợi ca chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà linh hồn chiến thắng đó là Quang Trung Nguyễn Huệ. Thể loại tiểu thuyết lịch sử chương hồi cũng góp phần tạo nên cảm hứng cho các tác giả viết nên những trang văn thực mà đẹp đến như vậy.

------------------

Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 2 trang 72 SGK ngữ văn 9 tập 1 được Đọc tài liệu biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Hoàng Lê nhất thống chí trong chương trình soạn văn 9 tốt hơn trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM