Trang chủ

Bài 2 trang 36 SGK Ngữ văn 7 tập 1 (đọc hiểu)

Xuất bản: 18/06/2020 - Cập nhật: 11/07/2022 - Tác giả: Giangdh

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 36 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình

Hướng dẫn chi tiết trả lời bài 2 trang 36 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 phần trả lời câu hỏi đọc - hiểu, soạn bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình ngắn gọn nhất giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi tới lớp.

Đề bài

Tình cảm mà bài 1 muốn diễn tả là tình cảm gì? Hãy chỉ ra cái hay của ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu của bài ca dao này. Tìm những câu ca dao cũng nói đến công cha nghĩa mẹ tương tự như bài 1.

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Trả lời bài 2 trang 36 SGK Ngữ văn 7 tập 1

Cách trình bày 1

Nội dung tình cảm mà bài ca dao muốn diễn đạt

- Có lẽ đây là bài ca dao đã gảy đúng sợi dây tình cảm thiêng liêng nhất, tha thiết nhất trong trái tim mỗi người, tình cảm đối với cha mẹ.

- Nội dung của bài ca dao là lời nhắc nhở con cái về công lao trời biển của cha mẹ. Là sự nhắn nhủ bổn phận và trách nhiệm làm con không bao giờ được quên công lao ấy.

Cái hay của bài thơ.

- Dùng biện pháp nghệ thuật so sánh ví von.

- Công cha được so sánh với núi "ngất trời". Nghĩa mẹ được so sánh với nước "biển Đông". Đây là lối ví von quen thuộc ta thường gặp trong ca dao.

  • Núi và biển là những cái to lớn, mênh mông cao rộng, vĩnh hằng của thiên nhiên được đưa ra làm đối tượng để so sánh. Điều đó muốn nói rằng công cha nghĩa mẹ là vô cùng to lớn không thể nào kể hết được.
  • Cha uy nghiêm, vững chãi được so sánh với núi. Mẹ dịu dàng, bao dung được so sánh với biển. Cách so sánh đầy thú vị phù hợp với tính cách của mỗi người.

- Biện pháp đối xứng: làm khắc sâu thêm ấn tượng công cha đối xứng với nghĩa mẹ, núi đối xứng với biển.

- Từ "công" là nghĩa trừu tượng, tác giả đã cụ thể hóa thành "cù lao chín chữ" để bất kì ai cũng có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng.

- Thể thơ lục bát mền mại và sự ngọt ngào của điệu hát ru đã làm cho bài ca dao giống như lời thủ thỉ tâm tình sâu lắng: Mẹ ru cái lẽ ở đời Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn.

- Câu ca dao nói đến công cha nghĩa mẹ:

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

"Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang"

Cách trình bày 2

- Trong bài 1, bằng lời hát ru, người mẹ muốn nói với con về công ơn trời biển của cha mẹ và nhắn nhủ con phải ghi lòng tạc dạ công ơn đó.

- Cái hay của bài ca dao trước hết là ở hình thức truyền đạt: Không phải bằng lời trực tiếp mà là lời hát ru. Người nghe hát còn chưa hiểu gì về nội dung câu hát nên sức tác động là ở giọng điệu, ở tình cảm yêu con rất mực của người mẹ.

- Bài ca sử dụng hình thức ví von quen thuộc trong ca dao. Ví công cha, nghĩa mẹ như núi ngất trời nước ở ngoài biển Đông là lấy cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên để so sánh, làm nổi bật ý nghĩa: Công ơn cha mẹ vô cùng to lớn, không thể nào cân đong đo đếm được. Ví công cha với núi ngất trời là khắng định sự lớn lao, ví nghĩa mẹ như nước biển Đông là khắng định chiều sâu, chiều rộng. Đây cũng là một nét tâm thức của người Việt. Hình ảnh mẹ không lớn lao, kì vĩ như hình ảnh cha nhưng sâu xa hơn, rộng mở và gần gũi hơn. Đối công cha với nghĩa mẹ, núi với biển là cách diễn đạt quen thuộc, đồng thời cũng làm cho các hình ảnh được tôn cao thêm, trở nên sâu sắc và lớn lao hơn.

- Thành ngữ cù lao chín chữ đi liền ngay sau hình ảnh núi cao biển rộng vừa cụ thể hoá công cha, nghĩa mẹ vừa thể hiện âm điệu tôn kính, nhắn nhủ của câu hát.

- Những câu ca dao khác cũng nói về công cha, nghĩa mẹ :

- Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...

- Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang...

Cách trình bày 3

Phân tích Bài 1 :

- Tình cảm muốn diễn tả : tình cảm cha mẹ với con cái, nhắn nhủ con phải ghi nhớ công lao trời biển của cha mẹ.

- Cái hay : phép so sánh (công cha - núi ngất trời; nghĩa mẹ - nước biển Đông), đối xứng (cha-mẹ; núi-biển), thể lục bát dân gian, âm điệu sâu lắng đi vào lòng người.

- Một số câu ca dao tương tự :

1. "Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu tử"

2. "Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

3. "Nuôi con mẹ héo vóc hình

Cạn bầu sữa ngọt mà tình không vơi"

------------

Các em vừa tham khảo cách trả lời bài 2 trang 36 SGK ngữ văn 7 tập 1 được Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp em chuẩn bị bài và soạn bài Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình tốt hơn trước khi đến lớp.

Còn rất nhiều những bài tập khác thuộc chương trình soạn văn 7 đã được chúng tôi biên soạn. Hãy thường xuyên truy cập vào trang để cập nhật nhé.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM