Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 157 sách giáo khoa Ngữ văn 10 phần đọc hiểu soạn bài Thơ Hai-cư của Ba-sô với các cách trình bày khác nhau để các em tham khảo.
Đề bài: Tình cảm đối với mẹ và em bé bỏ rơi thể hiện như thế nào trong ba bài 3, 4? Hình ảnh trong các bài thơ đó mơ hồ, mờ ảo ra sao?
Trả lời bài 2 trang 157 SGK văn 10 tập 1
Cách trả lời 1
- Bài 3:
Lệ trào nóng hổi
tan trên tay tóc mẹ
làn sương thu
Năm 40 tuổi, Ba-sô làm một cuộc du hành đến Kan-sai gần quê nhà. Về đến nhà thì hay tin mẹ mất. Người ta đưa lại di vật cho ông là một mớ tóc bạc. Ông đau đớn mà viết nên bài thơ này.
Bài thơ thấm đượm nỗi xót xa tình mẫu tử, nhất là đó lại là nỗi lòng của đứa con xa xứ, đã không chăm sóc được mẹ già lại không được nhìn thấy mẹ lần cuối trước lúc mẹ mãi mãi ra đi. Nỗi xót xa đau đớn của nhà thơ thể hiện ở giọt lệ nóng hổi rơi xuống bàn tay đang cầm mớ tóc của người mẹ đã khuất. Quý ngữ (từ chỉ mùa) của bài thơ là sương thu. Sương thu ở trong câu thơ có nhiều ý nghĩa. Làn sương thu ở đây là giọt lệ như sương của đứa con trai về muộn, hay nó gợi về hình ảnh mái tóc của mẹ bạc như sương, hay nó chỉ cuộc đời như giọt sương, ngắn ngủi vô thường,… Sương – tóc – lệ tan hòa, tạo lên hình tượng thơ mờ ảo và đa nghĩa.
- Bài 4:
Bài thơ này ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Trong du kí Phơi thân đồng nội viết năm 1685, Ba-sô có kể chuyện một lần đi qua một cánh rừng, ông có nghe thấy tiếng vượn hú. Tiếng hú ấy gợi ông nhớ đến tiếng khóc của một em bé bị bỏ rơi trong rừng:
Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc
gió mùa thu tái tê
Bài thơ gợi lại một sự thực nhói đau ở Nhật ngày xưa. Đó là vào những năm mất mùa, đói kém, có nhà không nuôi nổi con phải bỏ con vào rừng. Thậm chí còn đang tâm giết đứa trẻ nữa. Những câu chuyện như thế không biết từ bao giờ đã trở thành một ấn tượng sâu đậm hằn in vào tâm khảm nhà thơ. Vì thế, nghe tiếng vượn hú não nề trong rừng vắng mà Ba-sô lại liên tưởng đến tiếng người.
Dẫu vẫn biết đó là một tưởng tượng của nhà thơ, thế nhưng trong gió mùa thu, ta như đang nghe thấy tiếng trẻ con khóc thật. Tiếng khóc của trẻ con khiến cho gió mùa thu thêm tê tái hay tiếng gió mùa thu kia đang than khóc cho nỗi đau của con người? Sự đa nghĩa tiềm tàng trong thơ hai-cư là thế. Nội dung ý nghĩa của mỗi bài thơ luôn còn là một khoảng mở dành cho kinh nghiệm sống và sự rung động riêng của mỗi người phát huy.
Tham khảo: Phân tích bài Thơ hai-cư của Ba-sô
Cách trả lời 2
- Bài 3: Tình cảm của tác giả đối với mẹ khi mẹ qua đời: sự xót thương, đau đớn. Hình ảnh “làn sương thu” mơ hồ là để chỉ cho giọt lệ như sương hay mái tóc mẹ như sương, cuộc đời như hạt sương ngắn ngủi vô thường. Sương - tóc - lệ tan hòa, tạo nên hình tượng thơ mờ ảo, đa nghĩa.
- Bài 4: Bài thơ gợi lên sự thực nhói đau ở Nhật Bản ngày xưa: sự mất mùa, đói kém, nhà không có đủ ăn nên phải bỏ con vào rừng hoặc giết bỏ. Bởi vậy mà khi nghe tiếng vượn hú, Ba-sô đã liên tưởng đến tiếng khóc của trẻ con.
Cách trả lời 3
- Bài thơ 3: Một mớ tóc bạc di vật còn lại của mẹ, cầm trên tay Ba-sô rưng rưng dòng lệ chảy:
+ Lòng thương cảm, xót xa, trống trải khi mẹ không còn
+ Hình ảnh “làn sương thu” mơ hồ gợi nỗi buồn trống trải bởi công sinh thành, dưỡng dục
→ Tình mẫu tử khiến người đọc cảm động.
- Bài thơ 4:
+ Bài thơ trong hoàn cảnh đặc biệt: Ba sô kể chuyện từng đi ngang qua cánh rừng ông bỗng nghe thấy tiếng vượn hú, tiếng kêu ấy gợi lên tiếng khóc của em bé bỏ rơi trong rừng.
+ Bài thơ gợi nhắc lại những năm tháng đau thương của nước Nhật: những năm mất mùa, đói kém, có những nhà không nuôi nổi con phải bỏ con vào rừng.
+ Âm thanh tiếng vượn gợi nhớ tới những tiếng khóc, nỗi buồn đau của con người.
+ Gió mùa thu cũng gợi lên nhiều nỗi đau thương, sự mơ hồ, mờ ảo của bài thơ, điều đó gợi ra sự đồng cảm của người đọc.
Xem thêm
Bài 3 trang 157 SGK Ngữ văn 10 tập 1: Qua bài 5, anh (chị) cảm nhận được vẻ đẹp gì trong tâm hồn nhà thơ?
Bài 4 trang 157 SGK Ngữ văn 10 tập 1: Mối tương giao giữa các sự vật hiện tượng trong vũ trụ được thể hiện như thế nào ở bài 6,7 ?
Bài 2 trang 157 SGK Ngữ văn 10 tập 1 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất khi soạn bài Thơ Hai-cư của Ba-sô.
Chúc các em học tốt !