Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 119 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 2 phần soạn bài Tóm tắt văn bản nghị luận chi tiết nhất cho các em tham khảo.
Đề bài:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.
XIN ĐỪNG LÃNG PHÍ NƯỚC
Trong đời sống chúng ta, thứ tài sản thường bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất là nước. Trong ý thức nhiều người, nước là thứ trời sinh, có thể sử dụng “vô tư”, “xả láng”, không cần giữ gìn gì hết! Nhưng đó là nhầm lẫn lớn của một tầm mắt hạn hẹp.
Các nhà khoa học đã cho biết nước ngọt trên trái đất này là có hạn. Tổng số nước ngọt trên trai đất ước tính chỉ có chưa đến một tỉ ki-lô-mét khối. Số nước đó được coi là đủ cho năm 1990 khi nhân loại có ba tỉ người. Dự kiến đến năm 2025 nhân loại sẽ có thêm ba tỉ người nữa, thành sau tỉ người thì nguồn nước lấy đâu cho đủ?
Trên thế giới không phải nước nào cũng may mắn được trời cho đủ nước ngọt để dùng. Nước Xinh-ga-po hoàn toàn không có nước ngọt, phải mua nước của Ma-lai-xi-a về chế biến. Một số nước ở Cận Đông cũng xảy ra tranh chấp về nguồn nước. Trong khi đó, công nghiệp càng phát triển thì lượng nước công nghiệp càng nhiều, nước thải công nghiệp càng làm cho sông ngòi, ao hồ bị ô nhiễm, làm giảm lượng thức ăn, chăn nuôi và trồng trọt.
Liên hợp quốc đã ra lời kêu gọi bảo vệ nguồn nước ngọt, chống ô nhiễm,… Chúng ta hãy tiết kiệm nước, giữ gìn nước cho chúng ta và cho mai sau.
(Theo Thanh Ba, Báo Nhân dân Chủ nhật)
Yêu cầu:
a) Xác định vấn đề và mục đích nghị luận.
b) Tìm các luận điểm trong văn bản.
c) Tóm tắt văn bản bằng ba câu.
Trả lời bài 2 trang 119 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Để soạn bài Tóm tắt văn bản nghị luận tối ưu nhất, Đọc Tài Liệu tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 2 trang 119 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2 như sau:
Cách trả lời 1
a) Vấn đề và mục đích nghị luận
– Vấn đề lãng phí nước – tài sản quý giá của đời sống.
– Kêu gọi bảo vệ nước, tiết kiệm nước.
b) Các luận điểm trong bài văn
– Nhận thức sai lầm của con người về nước (nước là thứ trời sinh có thể dùng vô tư, xả láng).
– Thực tế, nguồn nước ngọt trên trái đất là có hạn, không phải nước nào cũng đủ nước ngọt để dùng.
– Hãy tiết kiệm nước, giữ gìn nguồn nước.
c) Tóm tắt
Hiện nay, nhiều quốc gia không có nguồn nước, nhiều nơi cũng đang xảy ra tranh chấp nguồn nước. Dân số tăng nhanh, công nghiệp phát triển làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và nhân loại sẽ thiếu nước nghiêm trọng. Hãy bảo vệ nguồn nước, giữ gìn nước cho chúng ta và cho mai sau.
Cách trả lời 2
a, Vấn đề và mục đích nghị luận trong đoạn trích
– Vấn đề nghị luận: sự lãng phí nước sạch.
– Mục đích: Xin đừng lãng phí nước, hãy tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước quý giá.
b, Các luận điểm của văn bản:
– Nước là tài sản thường bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất.
– Dân số tăng, nguồn nước cung cấp không đủ yêu cầu.
– Một số nước hiện đang thiếu nước, có sự tranh chấp về nguồn nước, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.
c, Tóm tắt văn bản
Trong đời sống chúng ta, nước là tài sản thường bị hủy hoại và lãng phí nhiều nhất. Dân số tăng nhanh, công nghiệp hóa phát triển làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và trong tương lai nhân loại sẽ bị thiếu nước nghiêm trọng nhất là nguồn nước ngọt. Bởi vậy, chúng ta cần bảo vệ nguồn nước và giữ gìn nguồn nước sạch.
-/-
Bài 2 trang 119 SGK Ngữ văn 11 tập 2 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Tóm tắt văn bản nghị luận trong khi làm bài soạn văn 11 trước khi lên lớp.