Trang chủ

Bài 2 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Xuất bản: 06/09/2020 - Cập nhật: 10/03/2021 - Tác giả: Giangdh

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 117 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự

Hướng dẫn chi tiết trả lời bài 2 trang 117 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1 phần trả lời câu hỏi luyện tập, soạn bài Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự ngắn gọn nhất giúp các em ôn tập tốt kiến thức trước khi tới lớp.

Đề bài

Hãy đóng vai nàng Kiều viết đoạn văn kể lại việc báo ân, báo oán, trong đó bộc lộ trực tiếp tâm trạng của Kiều lúc gặp lại Hoạn Thư.

Trả lời bài 2 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Gợi ý làm bài

- Lựa chọn ngôi kể: để nhận được vai một cách sâu sắc, tự do và trực tiếp hơn trong diễn tả nội tâm, là “tôi” - Kiều, chứ không phải là kể từ ngôi thứ ba “Kiều” - “nàng”.

- Kết hợp kể chuyện phiên toà báo ân báo oán với việc miêu tả chân dụng nhân vật qua đặc điểm ngoại hình, hành động, cử chỉ, ngôn ngữ, đặc biệt chú ý diễn tả những phản ứng trong tâm trạng của Kiều trước từng nhân vật, từng sự việc.

- Tập trung làm nổi bật cuộc đối thoại giữa Kiều với Hoạn Thư, nhấn mạnh những suy nghĩ, diễn biến tình cảm của Kiều trước kẻ đã từng vùi dập mình và những suy nghĩ dẫn tới hành động tha bổng.

Bài mẫu 1

Người đầu tiên mà tôi cho mời đến để báo ân lại chính là chàng Thúc Sinh. Tôi nói với chàng Thúc rằng: "Khi tôi gặp hoạn nạn ở lầu xanh, chàng là người có tấm lòng hào hiệp đã ra tay cứu giúp, nghĩa ấy làm sao tôi quên được. Dù chúng ta đã chẳng nên vợ nên chồng như chàng đã từng mong ước, nhưng mà suốt đời tôi vẫn nhớ ơn chàng, nay có món quà nhỏ gửi chàng để tỏ chút lòng thành. Còn vợ chàng thì tai quái quá phen này phải trả giá thôi".

Khi lính áp giải Hoạn Thư tới, tôi cố lấy giọng ngọt ngào hỏi: "Ơ kìa, sao tiểu thư lại ra nông nỗi này? Phải công nhận rằng từ xưa đến nay đàn bà ở đời mà sâu sắc như tiểu thư là hiếm lắm! Gieo gió ắt phải gặt bão, thưa tiểu thư". Thoạt đầu, thấy tôi không đập bàn thét lác gì mà tỏ ra mềm mỏng, ngọt nhạt Hoạn Thư cũng giật mình sợ hãi bởi Hoạn Thư thừa biết những người đàn bà "tình cảm" như thế mới thật "đáng sợ" ! Nhưng Hoạn Thư nhanh chóng trấn tĩnh và thưa gửi rành rọt, có lý, có tình. Trước thái độ của Hoạn Thư, tôi thấy bối rối và bỗng thấy băn khoăn khó xử. Lúc đầu, tôi có ý định trừng phạt Hoạn Thư thật nặng, vì thế tôi mới dựng nên cảnh gươm giáo sáng lòa, để làm Hoạn Thư khiếp sợ. Nhưng bây giờ biết xử ra sao đây? Nếu ta cứ cố tình giết Hoạn Thư thì hoá ra ta chỉ là một mụ đàn bà nhỏ nhen! Còn nếu ta tha Hoạn Thư thì sao nhỉ? Có lẽ sẽ chẳng bao giờ ta còn cơ hội trả thù nữa? Nhưng người đời đã dạy: "Lấy oán trả oán thì đời đời thù oán, lấy ân trả oán thì cởi bỏ oán thù đó sao?" Ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi quyết định hành xử theo lời dạy trên và bèn nói với Hoạn Thư: "Người tự biết mình có lỗi, có nghĩa là người không có lỗi! Vì vậy ta quyết định tha bổng cho tiểu thư". Dứt lời tôi ra lệnh : "Lính đâu! Hãy đưa tiễn tiểu thư về tận nhà cho ta!". Hoạn Thư cúi đầu chào từ biệt, nghẹn ngào xúc động nói nhỏ với tôi : " Mong nàng hãy bảo trọng ...". Tôi khẽ gật đầu và cũng nói nhỏ với Hoạn Thư " Chúc tiểu thư bình an ..."

Bài mẫu 2

Đóng vai Kiều kể lại việc báo ân báo oán :

May mắn được Từ Hải cứu, tôi có cơ hội báo ân báo oán. Đầu tiên tôi mời Thúc Sinh đến để báo ân chàng từng cứu mình thoát chốn lầu xanh, tôi sai người lấy gấm bạc làm chút lễ báo đáp. Nhưng còn vợ chàng – Hoạn Thư, tôi không thể tha thứ được người đàn bà ác độc ấy. Hoạn Thư được dẫn ra, những đau đớn tủi nhục xưa kia hiện về. Nhớ cảnh làm hoa nô, tôi mở giọng đe dọa “Tiểu thư cũng có bâu giờ đến đây”. Lúc này có quyền quyết định xử tội Hoạn Thư ra sao, vì vậy cô ta “hồn lạc phách xiêu”. Nhưng vốn bản tính mưu mô và miệng lưỡi lanh lợi, Hoạn Thư nhanh chóng chống đỡ, ngụy biện đầy thuyết phục khiến tôi rơi vào cảnh khó xử : Xử tội thành ra ta là người nhỏ nhen, xét một tội ghen tuông thường tình, cô ta lại từng tha khi ta chạy khỏi Quan Âm Các. Lời lẽ quá khôn ngoan, tôi cũng mở lòng mà tha tội cho con người ác độc ấy.

Bài mẫu 3

Được sự giúp sức của Từ Hải, tôi cho mời Thúc Sinh tới để báo ân. Khi xưa lúc tôi ở trong lầu xanh, chính Thúc Sinh đã chuộc tôi ra, nghĩa ấy tôi không quên. Dù tôi và chàng không nên nghĩa vợ nghĩa chồng nhưng tôi vẫn nhớ ơn chàng, nên tôi gửi chàng chút quà để bày tỏ sự biết ơn lòng thành của mình. Ngược lại, vợ chàng tai quái, ác độc, phen này phải bị trị tội đích đáng. Khi lính áp giải Hoạn Thư tới, tôi tôn trọng chào thưa “tiểu thư”. Tôi nhắc Hoạn Thư nhớ lại thói “cay nghiệt” của nàng, khi xưa đối xử với tôi. Lúc này Hoạn Thư sợ hãi, khấu đầu, xin khoan hồng. Hoạn Thư nói với tôi, thói ghen tuông là thói thường tình, nàng nhắc lại ngày xưa nàng khoan nhượng để tôi ở gác viết kinh, khi tôi bỏ trốn nàng không cho người đuổi theo. Tôi khen cho sự khôn ngoan, nói năng phải lời của nàng nên đã tha bổng cho nàng thay vì trừng phạt nàng thật nặng như ý định ban đầu.

Bài mẫu 4

Cuối cùng thì ngày ta mong chờ cũng đã đến, ngày ta được báo ân trả oán với những người đã đi qua những ngày tháng dâu bể của cuộc đời ta. Người đầu tiên mà ta mời tới là chàng Thúc Sinh. Ta nhắc lại với chàng những chuyện đã qua ở Lâm Tri và gửi chàng lụa là, gấm vóc đền ơn cho chàng đã đưa ta ra khỏi chốn lầu xanh ô nhục. Và khi Hoạn Thư xuất hiện, bao cảm xúc đã trào dâng trong lòng ta. Đó là sự hả hê khi được nhìn thấy kẻ chà đạp mình giờ đây phải khom lưng quỳ gối, sợ hãi khẩn cầu. Nhưng rồi Hoạn Thư cũng đã nhanh chóng lấy được bình tĩnh và tự bào chữa cho mình bằng những lí lẽ sắc sảo. Quả đúng là một người đàn bà hiếm có trong cuộc đời. Trước sự nhũn nhặn, ân hận chân thành của Hoạn Thư, ta cũng thấy mủi lòng và quyết định tha bổng cho bà ta.

-------------

Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 2 trang 117 SGK ngữ văn 9 tập 1 được Đọc tài liệu biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự trong chương trình soạn văn 9 tốt hơn trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM