Trang chủ

Bài 2 luyện tập trang 48 SGK Ngữ văn 9 tập 2

Xuất bản: 17/01/2020 - Tác giả:

Trả lời câu hỏi bài 2 luyện tập trang 48 SGK Ngữ văn lớp 9 tập 2 phần hướng dẫn soạn bài Con cò ngữ văn 9.

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 luyện tập trang 48 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập Hai phần Luyện tập soạn bài Con cò của Chế Lan Viên chi tiết nhất.

Đề bàiViết một đoạn văn bình những câu thơ sau:

Dù ở gần con,

Dù ở xa con,

Lên rừng xuống bể,

Cò sẽ tìm con,

Cò mãi yêu con.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Trả lời bài 2 luyện tập trang 48 SGK văn 9 tập 2

Gợi ý nội dung chính:

- Ở đoạn thơ thứ ba, hình ảnh con cò là ý nghĩa biểu tượng của tình thương, của tấm lòng người mẹ

- Ý nghĩa biểu tượng về con cò, cánh cò đã được nhà thơ khái quát thành một quy luật của tình mẫu tử

- Nhà thơ khái quát về tình mẹ và sự bền vững thấm thía của lời ru một cách mềm mại chứ không khô khan vì đó là thứ triết lí đầy cảm xúc.

Một số đoạn văn mẫu tham khảo:

(1) Đoạn thơ trên kết tinh những suy ngẫm, triết lý sâu sắc của nhà thơ Chế Lan Viên về tình mẫu tử thiêng liêng. Tình mẹ được nhà thơ đặt trong tương quan so sánh với hình ảnh cò, cánh cò. "Cò sẽ tìm con", "cò mãi yêu con" cũng như tấm lòng bao la của mẹ dù con ở đâu, dù là lúc nào, dù con làm gì mẹ vẫn luôn ở cạnh bên và trao cho con tình cảm yêu thương không gì có thể thay thế được. Tình yêu của mẹ như cánh cò chở che cho con trước những khó khăn, giông bão của cuộc đời. Hai câu thơ cuối cùng là lời khái quát vừa sâu sắc, lại vừa chân thành của nhà thơ về triết lý của tình mẫu tử. Đối với mẹ, con lúc nào cũng bé nhỏ và cần được nâng đỡ, chở che. Cuộc sống dù có biến chuyển, đối thay như thế nào thì tình yêu thương của mẹ vẫn nồng ấm, đong đầy, chữa lành những vết thương lòng cho con, nâng bước con trên những chặng đường dài. Đoạn thơ với những phép lặp cấu trúc "dù ở", hình ảnh "cò" mang tính biểu tượng cao được lặp lại hai lần, cùng với những câu văn có dung lượng ngắn, nhịp thơ nhanh, đã góp phần thể hiện thành công, cảm động triết lý về tình mẫu tử của nhà thơ.

(2)

Dù ở gần con,

...

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Tình mẹ là thiêng liêng, cao quý. Bàn tay mẹ che chở, nâng đỡ con trên mỗi bước đường đời. Hình ảnh cò trắng đi từ lời ru ra đời thực, cò mẹ bên con suốt đời, mãi yêu cò con bé bỏng. Dù có lớn khôn, mẹ vẫn dõi theo con, mẹ là hiện thân của sức mạnh diệu kì, với tình thương bao la, một tình cảm không thể thay thế.

(3) Tình mẹ là tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất. Đọc “Con cò” của Chế Lan Viên, tôi thực sự xúc động về tình cảm đó. Tình mẹ ấm áp mà thật bao dung. Từ khi còn tấm bé, nằm nôi cho đến khi con trưởng thành, dang rộng đôi cánh bay khắp bốn phương, mẹ vẫn mãi ở bên cạnh con để che chở, để bảo vệ, để vỗ về con, giúp con có thêm động lực để vượt qua gian khó, có thêm nghị lực để bước đi, để đứng lên sau mỗi vấp ngã. Hình ảnh “con cò” là sự ẩn dụ cho tình mẹ bao la, nhắc nhở rằng: Dù con ở đâu đi chăng nữa, cánh cò – tình mẹ sẽ mãi mãi ở bên con, vĩnh hằng theo thời gian. Con cái cho dù lớn khôn, trưởng thành đi chăng nữa thì trong mắt của người mẹ vẫn mãi nhỏ bé như thuở trong nôi, vẫn luôn sống trong tình yêu thương của mẹ, vẫn cần vòng tay mẹ vỗ về, che chở. Tình yêu của người mẹ mãi còn đó, bất diệt ở bên con.

Tham khảo thêmSuy nghĩ về tình mẫu tử trong bài Con cò của Chế Lan Viên

Trên đây là những gợi ý chi tiết trả lời câu hỏi bài 2 luyện tập trang 48 SGK ngữ văn 9 tập 2 đã được chúng tôi tổng hợp và biên soạn. Hi vọng sẽ mang đến những thông tin hữu ích giúp các em tham khảo để soạn bài Con cò tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM