Trang chủ

Bài 19: Trải nghiệm để sáng tạo trang 98 lớp 5 Kết nối tri thức

Xuất bản: 16/09/2024 - Tác giả:

Bài 19: Trải nghiệm để sáng tạo trang 98 lớp 5 Kết nối tri thức đầy đủ câu hỏi giúp học sinh dễ dàng giải bài tập SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 trước khi tới lớp

Nội dung chính Trải nghiệm để sáng tạo: Nghệ thuật là một phần của cuộc sống, phản ánh cuộc sống. Cần có những trải nghiệm chân thật và tình cảm, lí trí tỉnh táo thì mới sáng tạo được nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật đẹp đẽ, cao cả.

* Khởi động

Câu hỏi trang 98: Chia sẻ với bạn: Kể về một hoạt động trải nghiệm em đã được tham gia ở trường. Sau trải nghiệm đó, em học thêm được điều gì?

Trả lời:

Một hoạt động trải nghiệm em đã được tham gia ở trường: Hội chợ quê Tết nguyên đán do trường em tổ chức cho học sinh toàn trường tham gia trước dịp Tết Âm lịch hàng năm.

Sau trải nghiệm đó, em học thêm được rất nhiều điều: những trò chơi dân gian thường được tổ chức vào ngày Tết (nhảy dây, múa sạp, ô ăn quan), các món ăn thường được dùng và cách làm các món ăn trong ngày Tết (gói bánh chưng, bánh dày).

Văn bản: Trải nghiệm để sáng tạo

An-đéc-xen sinh ra trong một gia đình thợ giày ở Đan Mạch. Khi An-đéc-xen còn nhỏ, cha thường đưa cậu tới đồng cỏ chơi. Cha làm cho cậu chiếc kính có thể nhìn ra xa. Thế là cậu thấy được chim chóc trên trời, thiên nga trong hồ nước, dãy núi cuối làng,... Quan sát mỗi sự vật, cậu lại liên tưởng đến một câu chuyện kì diệu, rồi kể cho cha nghe.

Lên năm tuổi, An-đéc-xen được cha làm cho mấy con rối gỗ. An-đéc-xen vui sướng cho chúng di chuyển, lắc lư cái đầu và trò chuyện cùng nhau. Cha An-đéc-xen thấy vậy liền dựng một cái sân khấu ngoài sân. Cậu bé may quần áo cho rối gỗ, đưa rối lên biểu diễn. Tối nọ, An-đéc-xen đứng trên sân khấu, ca hát và đọc thơ. Đột nhiên, có ngôi sao chổi vụt qua bầu trời. Xúc động bởi hiện tượng độc đáo ấy, cậu viết câu chuyện Sao chổi.

Những ngày lên Cô-pen-ha-ghen kiếm việc làm, An-đéc-xen luôn say mê sáng tác. Cuốn sách đầu tiên của ông đã được xuất bản. Đọc cuốn sách, Quốc vương Đan Mạch rất thích thú, cho gọi An-đéc-xen đến và hỏi ông có tâm nguyện gì. Ông nói rằng mình muốn đến nhiều nơi để trải nghiệm cuộc sống. Quốc vương bèn tặng ông một số tiền để giúp ông thoả nguyện.

Trong những ngày chu du khắp các nước, An-đéc-xen quen biết nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau. Ông bất bình trước những kẻ coi thường dân nghèo. Ông thương cảm với bao thân phận bé nhỏ, thiếu may mắn. Ông trân trọng những tâm hồn trong sáng, cao thượng. Bằng những trải nghiệm phong phú và một trái tim nhân hậu, ông đã cho ra đời một loạt tác phẩm: Vịt con xấu xí, Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm,... Đây là những câu chuyện đã làm xúc động hàng triệu trẻ em trên thế giới.

(Phan Thế Quân tổng hợp)

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 99: Những trải nghiệm nào ngày thơ ấu đã hun đúc nên tài năng của An-đéc-xen?

Trả lời:

Những trải nghiệm ngày thơ ấu đã hun đúc nên tài năng của An-đéc-xen là: cha thường đưa cậu tới đồng cỏ chơi; Cha làm cho cậu chiếc kính có thể nhìn ra xa; An-đéc-xen được cha làm cho mấy con rối gỗ; cậu được cha dựng một cái sân khấu ngoài sân biểu diễn; cậu may quần áo cho rối gỗ, đưa rối lên biểu diễn; An-đéc-xen đứng trên sân khấu, ca hát và đọc thơ; cậu nhìn thấy ngôi sao chổi vụt qua bầu trời.

Câu 2 trang 99: Tìm những chi tiết cho thấy An-đéc-xen bộc lộ năng khiếu sáng tác nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ.

Trả lời:

Những chi tiết cho thấy An-đéc-xen bộc lộ năng khiếu sáng tác nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ là: Quan sát mỗi sự vật, cậu lại liên tưởng đến một câu chuyện kì diệu, rồi kể cho cha nghe; Cậu cho những con rối gỗ di chuyển, lắc lư cái đầu và trò chuyện cùng nhau; Khi nhìn thấy ngôi sao chổi vụt qua bầu trời, cậu xúc động bởi hiện tượng độc đáo ấy và viết câu chuyện Sao chổi.

Câu 3 trang 99: An-đéc-xen đã bày tỏ tâm nguyện gì với Quốc vương Đan Mạch? Theo em, vì sao Quốc vương Đan Mạch ủng hộ tâm nguyện của An-đéc-xen?

Trả lời:

An-đéc-xen đã bày tỏ tâm nguyện với Quốc vương Đan Mạch: Muốn đến nhiều nơi để trải nghiệm cuộc sống.

Theo em, Quốc vương Đan Mạch ủng hộ tâm nguyện của An-đéc-xen vì ông phát hiện được tài năng của An-đéc-xen. Quốc vương tin rằng với con người như vậy được quan tâm và chăm chút sẽ thành người có công lao lớn cho nước Đan Mạch.

Câu 4 trang 99: Nhờ đâu An-đéc-xen viết được nhiều tác phẩm hay?

Trả lời:

An-đéc-xen viết được nhiều tác phẩm hay vì ông được chu du khắp các nước, quen biết nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau. Ông ngẫm ra và bất bình trước những kẻ coi thường dân nghèo. Ông thương cảm với bao thân phận bé nhỏ, thiếu may mắn… Có cho mình những trải nghiệm phong phú và trái tim nhân hậu.

Câu 5 trang 99: Câu chuyện Trải nghiệm để sáng tạo muốn nói với chúng ta điều gì? Chọn câu trả lời dưới đây hoặc nêu ý kiến của em.

A. Muốn sáng tạo nghệ thuật, phải có nhiều trải nghiệm thực tế.

B. Thành công sẽ đến khi chúng ta biết nỗ lực vượt qua khó khăn.

C. Càng trải nghiệm thực tế, chúng ta càng mở rộng hiểu biết.

Trả lời:

Em chọn đáp án đúng: A. Muốn sáng tạo nghệ thuật, phải có nhiều trải nghiệm thực tế.

Luyện từ và câu: Luyện tập sử dụng từ điển trang 100

Câu 1 trang 100: Sử dụng từ điển tiếng Việt để tra cứu nghĩa của các từ chăm chỉ và kiên trì.

Trả lời:

– chăm chỉ: (dt) có sự chú ý thường xuyên để làm công việc gì có ích một cách đều đặn. Học sinh chăm chỉ.

– kiên trì: (đt) giữ vững, không thay đổi ý định, ý chí để làm việc gì đó đến cùng, mặc dù gặp khó khăn, trở lực. Kiên trì đường lối hoà bình.

Câu 2 trang 100: Đọc tên các cuốn từ điển dưới đây và trả lời câu hỏi.

a. Từ điển nào giúp em tìm được những từ đồng nghĩa với từ chăm chỉ, kiên trì?

b. Em sử dụng từ điển nào để tìm hiểu nghĩa của thành ngữ học một biết mười hoặc thành ngữ mắt thấy tai nghe?

Trả lời:

a. Từ điển giúp em tìm được những từ đồng nghĩa với từ chăm chỉ, kiên trì là: Từ điển chính tả tiếng Việt.

b. Em sử dụng từ điển để tìm hiểu nghĩa của thành ngữ học một biết mười hoặc thành ngữ mắt thấy tai nghe là: Từ điển Thành ngữ và tục ngữ.

Câu 3 trang 100: Tìm nghĩa của thành ngữ mắt thấy tai nghe dựa vào mẫu dưới đây:

M: Tìm nghĩa của thành ngữ học một biết mười.

Bước 1: Chọn từ điển thành ngữ.

Bước 2: Tìm mục từ bắt đầu bằng chữ H.

Bước 3: Tìm thành ngữ học một biết mười.

– Tìm tiếng học.

– Tìm thành ngữ học một biết mười.

Bước 4: Đọc nghĩa của thành ngữ học một biết mười.

Lưu ý: Đọc bảng chữ viết tắt để biết quy ước chữ viết tắt trong từ điển (Vd: ví dụ, Gngh: gần nghĩa,...).

Học một biết mười: thông minh (sáng dạ), từ điều học được, suy rộng ra biết nhiều hơn. Vd: Ngay từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã lanh lợi, học một biết mười. Gngh: học đâu

hiểu đó.

Trả lời:

Bước 1: Chọn từ điển thành ngữ.

Bước 2: Tìm mục từ bắt đầu bằng chữ M.

Bước 3: Tìm thành ngữ mắt thấy tai nghe.

– Tìm tiếng mắt.

– Tìm thành ngữ mắt thấy tai nghe.

Bước 4: Đọc nghĩa của thành ngữ mắt thấy tai nghe.

Mắt thấy tai nghe: sự việc rõ ràng, trực tiếp nghe thấy, nhìn thấy. Vd: Chuyện mắt thấy tai nghe hẳn hoi. Gngh: tai nghe mắt thấy.

Câu 4 trang 100: Nêu tên một số từ điển mà em biết.

G:

– Từ điển Anh – Việt

– Từ điển bằng tranh – Thế giới động vật

Trả lời:

– Từ điển Tiếng Việt thông dụng

– Từ điển Việt – Việt

– Từ điển Anh – Anh – Việt

– Từ điển Pháp luật Việt Nam

– Từ điển Luật học

– Từ điển Hán – Việt

Viết: Viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách trang 101

Đề bài: Viết đoạn văn giới thiệu một nhân vật trong cuốn sách em đã đọc.

Câu 1 trang 101: Dựa vào kết quả tìm ý trong hoạt động Viết ở Bài 18, viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong cuốn sách mà em đã đọc.

Lưu ý:

– Tập trung giới thiệu những đặc điểm nổi bật của nhân vật.

Ví dụ:

Ma-ri-a rất ưa quan sát. Hồi 6 tuổi, mỗi khi gia nhân bưng trà lên, cô lại để ý sự chuyển động của tách đựng trà trên đĩa. Là người luôn say mê khám phá, Ma-ri-a làm đi làm lại thí nghiệm để giải thích cho điều kì lạ cô đã thấy. Cuối cùng, cô đã phát hiện ra: Khi giữa tách trà và đĩa có một chút nước thì tách trà sẽ đứng yên.

(Hoàng Hà Thu)

– Thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với nhân vật, qua đó khích lệ mọi người cùng tìm đọc cuốn sách.

Ví dụ:

Đọc cuốn Những tấm lòng cao cả của A-mi-xi, tôi vô cùng cảm phục thầy Cơ-rô-xét-ti. Sau rất nhiều năm, thầy vẫn nhớ tên, nhớ tính nết, nhớ chỗ ngồi của học trò và còn giữ được cả bài viết của học trò ngày ấy.

(Vũ Anh Tú)

Trả lời:

Đọc cuốn truyện Cây khế, là truyện dân gian Việt Nam, em không khỏi thán phục trước nhân vật người em. Bản tính hiền lành, chất phác, luôn biết nhường nhịn mà không tranh giành, cãi vã với người anh về tài sản thừa kế cha mẹ để lại. Người em chỉ có một túp lều lụp xụp, trước nhà có một cây khế ngọt. Không vì thế mà nản chí, người em thật thà cố gắng chăm sóc cây khế để mưu sinh. Quả người tốt không bị phụ lòng, người em đã được chim thần thử lòng, dẫn tới nơi có vàng bạc châu báu, vinh hoa phú quý. Em tin chắc rằng sống tốt thì sẽ gặp được điều thiện.

Câu 2 trang 101: Đọc soát và chỉnh sửa.

Trả lời:

Em đọc soát và chỉnh sửa.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 101: Chia sẻ với người thân nội dung em đã viết ở đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách.

Trả lời:

Em chia sẻ với người thân nội dung em đã viết ở đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách ở phần 1 – Viết.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM