Trang chủ

Bài 13: Mầm non trang 64 lớp 5 Tập 1 Kết nối tri thức

Xuất bản: 12/09/2024 - Tác giả:

Bài 13: Mầm non trang 64 lớp 5 Tập 1 Kết nối tri thức đầy đủ câu hỏi giúp học sinh dễ dàng giải bài tập SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 trước khi tới lớp tốt hơn.

Nội dung chính Mầm non: Mầm non và cảnh vật trong mùa đông, mùa xuân đều có những cách sống, cách sinh hoạt thú vị và riêng có. Thời tiết và mùa trong năm giúp vạn vật chuyển mình, khởi sắc.

* Khởi động

Câu hỏi trang 64  : Em hãy nêu sự thay đổi của thời tiết, cỏ cây,... khi mùa đông chuyển sang mùa xuân hoặc mùa khô chuyển sang mùa mưa.

Trả lời:

Khi mùa đông chuyển sang mùa xuân, thời tiết chuyển từ lạnh buốt sang se se lạnh và đôi khi nóng bức; cỏ cây chuyển từ rụng lá, không có lá, cây bị đóng băng thành cây cỏ phát triển, đâm chồi nảy lộc, lá non mọc nhiều hơn.

Văn bản: Mầm non

Dưới vỏ một cành bàng

Còn một vài lá đỏ

Một mầm non nho nhỏ

Còn nằm nép lặng im...


Mầm non mắt lim dim

Cố nhìn qua kẽ lá

Thấy mây bay hối hả

Thấy lất phất mưa phùn.

Rào rào trận lá tuôn

Rải vàng đầy mặt đất

Rừng cây trông thưa thớt

Thấy chỉ cội với cành.

Một chú thỏ phóng nhanh

Chạy nấp vào bụi vắng.

Và tất cả im ắng

Từ ngọn cỏ làn rêu...

Chợt một tiếng chim kêu:

– Chíp chiu chiu! Xuân đến.

Tức thì trăm ngọn suối

Nổi róc rách reo mừng,

Tức thì ngàn chim muông

Nổi hát ca vang dậy.


Mầm non vừa nghe thấy

Vội bật chiếc vỏ rơi

Nó đứng dậy giữa trời

Khoác áo màu xanh biếc.

(Võ Quảng)

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 65 : Trong 2 khổ thơ đầu, mầm non được miêu tả như thế nào? Cách miêu tả đó có gì thú vị?

Trả lời:

Trong 2 khổ thơ đầu, mầm non được miêu tả: màu đỏ, nho nhỏ, nằm lặng im, mắt lim dim, nhìn qua kẽ lá.

Cách miêu tả mầm non rất thú vị, vì đọc cách miêu tả mầm non em thấy giống miêu tả một đứa trẻ nhỏ, các hoạt động của em bé nhỏ.

Câu 2 trang 65 : Cảnh vật mùa đông hiện ra như thế nào qua cảm nhận của mầm non?

Trả lời:

Qua cảm nhận của mầm non, cảnh vật mùa đông hiện ra:

+ Mây: bay hối hả.

+ Mưa: Phùn bay lất phất.

+ Lá cây: Lá tuôn rào rào, rải vàng đầy mặt đất.

+ Rừng cây: thưa thớt, chỉ cội và cành.

+ Chú thỏ: phòng nhanh, nấp vào bụi vắng.

+ Các cảnh vật khác: tất cả im ắng.

Câu 3 trang 65 : Nhờ đâu mầm non nhận ra mùa xuân đến?

Trả lời:

Mầm non nhận ra mùa xuân đến nhờ tiếng chim kêu “Chíp chiu chiu”.

Câu 4 trang 65 : Nêu nhận xét của em về hình ảnh mầm non trong khổ thơ cuối.

Trả lời:

Hình ảnh mầm non trong khổ thơ cuối thật đáng yêu, nhí nhảnh và vui tươi. Mầm non vui vẻ và thích thú với mùa xuân đến nên vội vã, đổi màu áo – đâm chồi nảy lộc trong mùa xuân.

Câu 5 trang 65  : Nội dung chính của bài thơ là gì?

Trả lời:

Nội dung chính của bài thơ là miêu tả cảnh vật chuyển từ mùa đông sang mùa xuân qua cách nhìn của lá non.

* Học thuộc lòng bài thơ.

Luyện từ và câu: Từ đa nghĩa trang 65, 66

Câu 1 trang 65 : Đọc đoạn thơ và các nghĩa của từ mắt rồi trả lời câu hỏi.

Xe có (1) mắt đèn

Chân người: mắt cá!

(2) Mắt chim, hình tròn

(3) Mắt người, hình lá.

(Phạm Hổ)

Mắt:

Nghĩa 1: cơ quan để nhìn của người hay động vật.

Nghĩa 2: chỗ lồi ra, giống hình con mắt ở một số vật.

a. Tìm nghĩa thích hợp cho từ mắt được in đậm.

b. Trong các nghĩa của từ mắt nêu trên, nghĩa nào là nghĩa gốc, nghĩa nào là nghĩa được phát triển từ nghĩa gốc (nghĩa chuyển)?

c. Các nghĩa trên của từ mắt có liên hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:

a. Từ mắt (1) mang nghĩa 2; từ mắt (2) mang nghĩa 1; từ mắt (3) mang nghĩa 1.

b. Trong các nghĩa của từ mắt nêu trên, nghĩa 1 là nghĩa gốc, nghĩa 2 là nghĩa được phát triển từ nghĩa gốc (nghĩa chuyển).

c. Các nghĩa trên của từ mắt có liên hệ với nhau chặt chẽ, mang chức năng của đối tượng mắt như nhau, đều thực hiện một chức năng tương đương nhau (soi chiếu cho rõ, nhìn và quan sát).

Câu 2 trang 66 : Xác định nghĩa của từ biển trong những câu thơ, câu ca dao dưới đây và cho biết nghĩa nào là nghĩa gốc, nghĩa nào là nghĩa chuyển.

a. Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.

(Nguyễn Đình Thi)

b. Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

(Huy Cận)

c. Công cha như núi ngất trời.

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông.

(Ca dao)

Trả lời:

– Xác định nghĩa của từ biển trong các câu thơ:

+ Trong câu thơ a. từ biển có nghĩa chỉ số lượng nhiều, muốn nói lúa nhiều như nước biển.

+ Trong câu thơ b. từ biển có nghĩa là vùng nước mặn rộng lớn trên bề mặt Trái đất.

+ Trong câu thơ c. từ biển có nghĩa là vùng nước mặn rộng lớn trên bề mặt Trái đất.

– Như vậy, nghĩa của từ biển trong câu a là nghĩa chuyển; nghĩa của từ biển trong câu b là nghĩa gốc.

Ghi nhớ

Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa gốc và một hoặc một số nghĩa chuyển.

Các nghĩa của một từ đa nghĩa luôn có mối liên hệ với nhau.

Câu 3 trang 66 : Từ lưng trong mỗi đoạn thơ dưới đây được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Nêu các nghĩa của từ đó.

a. Trăng tròn như quả bóng

Lơ lửng treo lưng trời.

(Nguyễn Ngọc Hưng)

b. Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ

Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

(Nguyễn Khoa Điềm)

Trả lời:

a. Trong đoạn thơ a, từ lưng (lưng trời) được dùng với nghĩa chuyển. Nghĩa của từ lưng là vị trí giữa bầu trời và đường chân trời (mặt đất) theo cách nhìn bằng mắt thường.

b. Trong đoạn thơ a:

+ Từ lưng (lưng núi) được dùng với nghĩa chuyển. Nghĩa của từ lưng là vị trí giữa của ngọn núi so sánh giữa đỉnh và chân núi.

+ Từ lưng (lưng mẹ) được dùng với nghĩa gốc. Nghĩa của từ lưng là bộ phận của con người, nằm ở thân người phía sau, tính từ gáy (sau cổ) tới mông.

+ Từ lưng (trên lưng) được dùng với nghĩa gốc. Nghĩa của từ lưng là bộ phận của con người, nằm ở thân người phía sau, tính từ gáy (sau cổ) tới mông.

Câu 4 trang 66  : Chọn 1 trong 2 từ dưới đây và đặt câu để phân biệt các nghĩa của từ đó.

Trả lời:

a. Từ ấm

– Câu theo nghĩa 1: Trời hôm nay ấm hơn hôm qua.

– Câu theo nghĩa 2: Gia đình luôn ở bên, mang lại cho em cảm giác rất ấm áp.

b. Từ lạnh

– Câu theo nghĩa 1: Bản tin dự báo thời tiết nói trời ngày mai lạnh cóng.

– Câu theo nghĩa 2: Hai người từ lâu đã trở nên lạnh nhạt với nhau.

Viết: Lập dàn ý cho bài văn tả phong cảnh trang 67

Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:

Đề 1: Tả một cảnh ao hồ, sông suối ở quê hương em hoặc ở nơi gia đình em sinh sống.

Đề 2: Tả một cảnh biển đảo em đã được thấy tận mắt hoặc xem trên phim ảnh.

Câu 1 trang 67 : Lập dàn ý.

Dựa vào kết quả quan sát trong hoạt động Viết ở Bài 12, lập dàn ý cho đề bài đã chọn.

Trả lời:

Mở bài: Trường Sa là một quần đảo của Việt Nam. Em đã được nhìn thấy quần đảo Trường Sa trên tivi.

Thân bài:

+ Theo không gian: Quần đảo Trường Sa là tập hợp rất nhiều đảo, các đảo nằm chi chít lại với nhau trên bản đồ nhưng thực tế phải mất nhiều thời gian di chuyển giữa các đảo…

+ Theo thời gian: Quần đảo Trường Sa sáng sớm và hoàng hôn đều chói lọi bởi ánh Mặt Trời chiếu vào mặt biển. Các đợt gió cả ngày liên tục thổi vào đảo; ngày mưa bão gió thường rất to và mưa nhiều; cỏ cây thường phải mọc rất chắc chắn để chịu được gió thổi; trên đảo thường thấy rõ nhất là mùa mưa và mùa khô.

+ Theo không gian kết hợp với thời gian: Những lúc lặng gió, cây cối sừng sững như những người lính, lúc gió nổi, tán cây nghiêng mình như những cô gái múa ba lê; Những lá cờ Tổ quốc lúc gió to phất phới, quật phần phật.

Kết bài: Em yêu và tự hào về quần đảo Trường Sa của Tổ quốc; Em muốn kể cho các bạn nghe về vẻ đẹp của Trường Sa; Em sẽ tìm đọc thêm nhiều hình ảnh, bài viết giới thiệu cảnh đẹp ngoài quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.

Câu 2 trang 67 : Góp ý và chỉnh sửa dàn ý.

– Những cảnh vật được lựa chọn để miêu tả.

– Cách sắp xếp trình tự miêu tả các cảnh vật.

Trả lời:

Em đọc dàn ý của mình và nghe các bạn trong nhóm, lớp nhận xét, góp ý.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 67 : Tìm đọc sách báo viết về núi, hang động, đại dương, các hành tinh trong hệ Mặt Trời,... hoặc hiện tượng trong thế giới tự nhiên (núi lửa phun trào, lốc xoáy, mưa đá,...).

Trả lời:

– Trang báo Tuổi trẻ có bài báo nhan đề: Tất cả hành tinh của Hệ Mặt Trời cùng “diễu hành”:

Tất cả hành tinh của Hệ Mặt trời đang "diễu hành" cùng nhau trên bầu trời đêm, tạo nên màn trình diễn ngoạn mục như "món quà" tặng những người yêu thích thiên văn dịp cuối năm.

Hiện tại các sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ có thể nhìn đồng thời bằng mắt thường, trong khi sao Thiên Vương và sao Hải Vương có thể được quan sát bằng ống nhòm hoặc kính thiên văn.

Cuộc "diễu hành" của các vì sao này có thể nhìn thấy từ bất kỳ vị trí nào trên Trái đất, trong điều kiện bầu trời quang đãng.

Sau ngày 24-12, Mặt trăng cũng tham gia chương trình "diễu hành" này.

"Vào những đêm này, chúng ta có thể nhìn thoáng qua tất cả các hành tinh trong Hệ Mặt trời, ngay sau khi Mặt trời lặn", nhà thiên văn học Gianluca Masi thuộc dự án Kính viễn vọng ảo nói với báo Newsweek.

Bắt đầu từ đường chân trời phía Tây Nam, các hành tinh bằng mắt thường sẽ sắp xếp theo thứ tự sau: Sao Kim, Thủy, Thổ, Mộc và Hỏa.

Sao Thủy là hành tinh khó quan sát nhất vì nằm ở phần sáng của bầu trời. Mặc dù hành tinh này có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng ống nhòm có thể giúp xác định vị trí của nó, cũng như sao Kim.

Bạn cũng sẽ cần ống nhòm để tìm sao Thiên Vương - nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc, và sao Hải Vương - nằm giữa sao Thổ và sao Mộc.

"Bằng cách này, chúng ta có thể thấy toàn bộ gia đình hành tinh", ông Masi nói.

"Cuộc diễu hành của các hành tinh" trung bình diễn ra cứ sau một đến hai năm hoặc lâu hơn.

Vào tháng 6-2022, tất cả các hành tinh này cũng có thể được nhìn thấy đồng thời trên bầu trời. Trong dịp này, 5 hành tinh được nhìn thấy bằng mắt thường theo thứ tự: Sao Thủy, Kim, Hỏa, Mộc và Thổ. Sự liên kết như vậy đã không xảy ra trong 18 năm qua.

– Tạp chí Tuyên giáo có bài báo nhan đề: Hiện tượng lốc xoáy và biện pháp phòng tránh khi xảy ra.

Lốc xoáy hay vòi rồng là hiện tượng một luồng không khí xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây dông xuống tới mặt đất.

Cơn lốc kéo dài 20 phút, quét qua xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh lúc 6h ngày 18/9. Gió lốc thổi mạnh khiến 60 nhà dân ở thôn Bắc Sơn bị tốc mái, hàng nghìn viên ngói, tấm lợp xi măng văng xuống đất vỡ vụn, một số bờ rào đổ sập. Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả trên địa bàn xã hư hỏng. Trong đêm, hàng chục gia đình ở xã Cương Gián phải xin sang trú tạm ở nhà khác.

NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH LỐC XOÁY

Lốc xoáy phát triển từ một cơn dông, thường từ ổ dông rất mạnh hay siêu mạnh, nên ở đâu có dông dữ dội là ở đó có thể có lốc xoáy, song cũng may là nó rất hiếm. Cũng có khi nó sinh ra từ một dải gió giật mạnh (được gọi những đường tố) hay từ một cơn bão.

Tuy vậy, phần lớn lốc xoáy được hình thành từ một dạng mây dông đặc biệt là mây dông tích điện. Một đám mây có thể kéo dài trong vài giờ, xoáy tròn trong vùng có đường kính từ 10 đến 16 km, di chuyển hàng trăm dặm và sinh ra vô số ống hút khổng lồ. Nguồn gốc của chúng là vùng khí hậu có luồng khí nóng đi lên và luồng khí lạnh đi xuống.

Đầu tiên là quá trình tương tác giữa cơn dông có chiều lên trên và gió. Sự tương tác này sẽ làm cho tầng khí nóng ở dưới di chuyển lên trên và xoay tròn trong không trung.

Tiếp đó là sự phát triển của dòng khí lạnh di chuyển theo hướng đi xuống mặt đất ở phía bên kia của cơn bão. Vận tốc của dòng khí đi xuống có thể lớn hơn 160 km/h.

ĐẶC ĐIỂM NHẬN DẠNG

Đường kính của lốc xoáy có thể thay đổi từ vài chục mét cho tới vài kilômét. Nhưng đa số các lốc xoáy có đường kính vào khoảng 50 m.

Trên đường di chuyển nó có thể cuốn theo (rồi ném xuống ở một khoảng cách sau đó) hoặc phá huỷ mọi thứ, kể cả những nhà gạch xây kiên cố, nên vòi rồng cũng là hiện tượng khí tượng đặc biệt nguy hiểm.

Nhìn từ xa, vòi rồng có thể có màu đen hoặc trắng, tuỳ thuộc những thứ mà nó cuốn theo. Vòi rồng xuất hiện ở trên đại dương thường hút nước biển lên cao tạo thành các cây nước.

Hậu quả do lốc xoáy gây ra là rất nghiêm trọng cho địa phương nơi nó đi qua. Càng xảy ra nhiều lốc xoáy và nhất là lốc xoáy cấp mạnh thì thiệt hại về người cũng như về cơ sở hạ tầng là càng lớn.

Do di chuyển với tốc độ rất nhanh, cùng với gió xoáy, lốc xoáy dường như phá hủy hết mọi thứ trên đường đi của nó. Với những lốc xoáy nhỏ thì sẽ phá hủy các biển hiệu giao thông, những nhà có kiến trúc không vững. Những trận mạnh thì có thể cuốn bay cả những chiếc ô tô, những căn nhà kiên cố, phá hủy những cây cầu... và cuốn theo cả con người, con vật trên đường đi.

CÁCH PHÒNG TRÁNH

Nói chung đối với lốc xoáy, nhất là loại có tốc độ lớn việc phòng tránh là rất khó khăn.

Trong thời gian diễn ra lốc xoáy, mọi người phải ngay lập tức tìm nơi trú ẩn trong một tầng hầm hay nơi kín đáo của toà nhà như phòng họp, phòng tắm… Tuyệt đối tránh trú ẩn trong xe hơi và nhà di động bởi chúng có thể bị thổi bay bất cứ lúc nào. Không nên ở trong những nhà lớn có mái rộng như thính phòng, hay siêu thị là những nơi dễ bị sụp đổ. Nếu đang ở ngoài đường, bạn nên chui xuống một cái rãnh hay mương sâu và che đầu cẩn thận để khỏi bị thương do đất đá rơi xuống.

Trong các ngày 31/7 và 1/8 tại TP Hồ Chí Minh; Bình Dương, Bến tre xảy ra lốc xoáy, cơn mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm tốc mái 40-50 nhà bị sập hoàn toàn, nhà tốc mái, Có 4 người chết còn có 1 người bị thương, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình xây dựng.

Đây là những thiệt hại đáng kể, đối với những vùng khác chưa bị ảnh hưởng, việc chủ động phòng tránh khi có biểu hiện có lốc xoáy mạnh là điều rất cần thiết. Đối với tỉnh ta từ đây tới cuối năm là thời điểm rất dễ xảy ra dông, tố lốc mạnh, do vậy bà con nhân dân hết sức cảnh giác, chủ động phòng tránh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM