Trang chủ

Bài 1 trang 155 SGK Ngữ văn 12 tập 2

Xuất bản: 14/05/2020

Giải câu hỏi bài 1 trang 155 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 2 phần hướng dẫn soạn bài Diễn đạt trong văn nghị luận (tiếp theo)

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 1 trang 155 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 phần soạn bài  Diễn đạt trong văn nghị luận (tiếp theo) chi tiết nhất cho các em tham khảo.

Đề bài:

Tìm hiểu các đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới.

(1) Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

(2) Trong tình cảnh ấy, những lời thơ, ý thơ của Hàn Mặc Tử, những bài thơ mà anh thích gọi là “thơ điên, thơ loạn” thực ra không điên loạn chút nào! Những bài thơ đọc nghe như là “kinh dị” thực ra không kinh dị chút nào. Trái lại đó là những bài thơ, văn thể hiện một sức sống phi thường, thể hiện một lòng ham sống vô biên, thể hiện một ước mơ rất chi là “con người”: ước mơ được sống khi ý thức được rằng mình sắp chết, đang chết. Hơn nữa vì ý thức được mình sắp chết cho nên phải “sống gấp” sống… bằng thơ:

[… ] "Tôi muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta."

(Nguyễn Minh Vỹ, Con người Hàn Mặc Tử qua thơ anh, trong Thơ văn Hàn Mặc Tử (Phê bình và tưởng niệm), NXB Giáo dục, 1993)

Yêu cầu:

a) Đối tượng nghị luận và nội dung cụ thể của hai đoạn trích trên khác nhau nhưng giọng điệu trong lời văn có điểm gì tương đồng? Ngoài điểm tương đồng đó, giọng điệu trong từng đoạn trích có những nét gì đặc trưng, riêng biệt?

b) Cơ sở chủ yếu tạo nên sự khác biệt về giọng điệu của lời văn trong những đoạn trích trên là gì?

c) Chỉ rõ cách sử dụng từ ngữ hoặc cách sử dụng kết hợp các kiểu câu, các phép tu từ từ vựng hoặc cú pháp có vai trò chủ yếu trong việc biểu hiện giọng điệu của từng đoạn trích.

Trả lời bài 1 trang 155 SGK Ngữ văn 12 tập 2

Để soạn bài Diễn đạt trong văn nghị luận (tiếp theo) tối ưu nhất, Đọc Tài Liệu tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 1 trang 155 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 2 như sau:

Cách trả lời 1

a. Giọng điệu trong lời văn trong hai đoạn trích có điểm tương đồng: dồn dập, nồng nhiệt, có sức biểu cảm lớn.

Nét đặc trưng, riêng biệt:

- Đoạn văn (1) có sự đanh thép, rắn rỏi, hùng hồn trong việc luận tội kẻ thù nhưng cũng có sự đau xót khi nhắc đến những tội ác mà dân ta phải gánh chịu.

- Đoạn văn (2) giọng điệu trầm lắng, thiết tha.

b. Cơ sở chủ yếu tạo nên sự khác biệt về giọng điệu của lời văn trong những đoạn trích trên là ở kiểu câu, cách diễn đạt, các biện pháp tu từ cú pháp...

- Đoạn văn (1): viết về tội ác của thực dân Pháp: “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân...”; “ Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.

- Đoạn văn (2): viết về thơ Hàn Mặc Tử “những lời thơ, ý thơ của Hàn Mặc Tử, những bài thơ mà anh thích gọi là “thơ điên, thơ loạn”, thực ra không điên loạn chút nào! Những bài thơ đọc nghe như là “kinh dị” thực ra không kinh dị chút nào”.

c.

- Đoạn văn (1): sử dụng phép lặp cú pháp với cấu trúc “Chúng...”, sử dụng hình ảnh tu từ “tắm các cuộc khởi nghĩa”.

- Đoạn văn (2): phép lặp cấu trúc câu “... thực ra...”, sử dụng các kiểu câu lập luận “...thực ra..”, sử dụng kết hợp các kiểu câu.

Cách trả lời 2

a.

- Đối tượng nghị luận và nội dung cụ thể của hai đoạn văn trên khác nhau nhưng giọng điệu trong lời văn có điểm tương đồng. Đó là sự trang trọng, nghiêm túc.

- Ngoài sự tương đồng ở một điểm chung đó, giọng điệu của từng đoạn văn có những nét đặc trưng riêng biệt:

+ Đoạn 1: giọng sôi hổi, mạnh mẽ hùng hồn

+ Đoạn 2: giọng trầm lắng, thiết tha

b. Cơ sở chủ yếu tạo nên sự khác biệt giọng điệu của lời văn trong những đoạn văn trên là đối tượng nghị luận, nội dung nghị luận.

- Đoạn 1 là đoạn văn viết về tội ác của thực dân Pháp nhằm lên án chung trước đồng bào và dư luận thế giới. Từ đó khẳng định việc giành độc lập của dân tộc Việt Nam là tất yếu.

- Đoạn 2 viết về thơ Hàn Mặc Tử, lí giải cái gọi là "Thơ điên, thơ loạn" thực chất là thể hiện "một sức sống phi thường", "một lòng ham muốn sống vô biên", "một ước mơ rất con người",

c. Cách sử dụng từ ngữ, cách sử dụng các kiểu câu, các biện pháp tu từ vựng hoặc cú pháp có vai trò chủ yếu trong việc biểu hiện giọng điệu của từng đoạn.

- Đoạn 1: sử dụng nhiều từ ngữ thuộc lớp từ ngữ chính trị, xã hội (tự do, bình đẳng, bác ái, chính trị, dân chủ, luật pháp, dư luận, chính sách..), sử dụng phép lặp cú pháp, phép song hành, phép liệt kê.

- Đoạn 2: sử dụng những từ ngữ thuộc lĩnh vực văn chương và cuộc đời (lời thơ, ý thơ, bài thơ, thơ điên, thơ loạn, những bài thơ văn, sức sống, ham sống ước mơ, ý thức, sống, chết...) sử dụng kết hợp các kiểu câu, các biện pháp tu từ: câu cảm thán, câu lặp cú pháp...

-/-

Các em vừa tham khảo một số cách trả lời bài 1 trang 155 SGK Ngữ văn 12 tập 2 được Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn giúp em chuẩn bị bài và soạn bài Diễn đạt trong văn nghị luận (tiếp theo) tốt hơn trong chương trình soạn văn 12.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM