Trang chủ

Bài 1 luyện tập trang 44 SGK Ngữ văn 11 tập 2

Xuất bản: 05/02/2020 - Tác giả:

Trả lời câu hỏi bài 1 luyện tập trang 44 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2 phần hướng dẫn soạn bài Từ ấy ngữ văn 11.

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 1 luyện tập trang 44 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập Hai phần đọc hiểu soạn bài Từ ấy của Tố Hữu chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bàiViết một đoạn văn nói lên cảm nghĩ của anh (chị) về khổ thơ mà mình cho là hay nhất trong bài Từ ấy.

Trả lời bài 1 luyện tập trang 44 SGK văn 11 tập 2

Cách trả lời 1:

Khổ thơ đặc sắc nhất là khổ thơ cuối bài Từ ấy: diễn tả sự chuyển biến sâu sắc.

- Trước khi được giác ngộ Tố Hữu vẫn là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản giúp nhà thơ có được lẽ sống mới, vượt ra ngoài sự ích kỉ, hẹp hòi của bản thân để có được tình hữu ái giai cấp. Tác giả tự nguyện gắn bó và biết liên hệ mình với mọi người bằng mối quan hệ của tình thân, ruột thịt. Đó chính là mối quan hệ tình cảm ruột thịt giữa những người cùng trong một đất nước, những người lao động thống khổ cùng đoàn kết đứng lên đấu tranh.

- Tấm lòng đồng cảm của nhà thơ còn thể hiện xúc động, chân thành khi nói tới những kiếp phôi pha, những em nhỏ “cù bất cù bơ”. Qua lời thơ ấy thấy được niềm hăng say hoạt động cách mạng của tác giả.

Tham khảo thêm văn mẫuNêu cảm nhận khổ thơ thứ 2 bài Từ ấy

Cách trả lời 2:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Bốn câu thơ thực ra chỉ là một câu được diễn đạt theo hình thức những câu thơ bắc cầu để nói lên điều tâm niệm, cũng là nhận thức mới về lẽ sống của nhà thơ: Nguyện gắn bó với những người lao khổ để đồng cảm, chia sẻ với nhau, hiểu nhau, gần gũi nhau làm cho “khối đời” ngày càng thêm mạnh. Gắn bó với những người lao động khổ là một lẽ sống đẹp nhưng không phải là ai cũng có được và nhất là dám sống như thế. Phải có ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi rõ thì Tố Hữu mới nhận thức được  lẽ sống đó và tự nguyện gắn bó với cuộc sống đó. Tiếp nối khổ đầu (bừng sáng lí tưởng cách mạng), khổ thơ này tuôn chảy ào ạt thành một dòng (một câu) đã nói lên sự tự nguyện của nhà thơ. Chữ “buộc” ở đây không mang nghĩa “bắt buộc”, mà là “buộc chặt”, gắn bó với mọi người. Nhà thơ “buộc lòng với mọi người”.

Sự gắn bó là ở những mặt quan trọng nhất của con người: tình người, hồn người. Các từ “để”, “với” được láy lại tạo ra nhịp thơ dồn dập nói lên sự gắn bó đó. Lòng buộc chặt với mọi người, tình trang trải với trăm nơi, hồn chia sẻ với bao hồn khổ, sự gắn bó ở đây thật sâu sắc, toàn diện, nhà thơ đã thực sự đến với những người lao khổ, để cùng với họ làm nên sức mạnh quần chúng cách mạng (“mạnh khối đời”).

Cách trả lời 3:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ 

Mặt trời chân lí chói qua tim 

Hồn tôi là một vườn hoa lá

 Rất đậm hương và rộn tiếng chim...”

Từ ấy là cái mốc thời gian có ý nghĩa và đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu khi mới 18 tuổi và hoạt động rất tích cực trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế. Nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Những hình ảnh ẩn dụ nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim được khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Đó là ánh sáng rực rỡ của một ngày “nắng hạ”. Ánh sáng ấy còn là mặt trời, và là “mặt trời chân lí” - một sự liên kết sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa: mặt trời tỏa ánh sáng, hơi ấm và sức sống.

Một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và lí tưởng cách mạng nồng nàn, sâu đậm nhất đã được khơi nguồn. Một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi sáng của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim hót. Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời, làm cho cuộc sống của con người ấy có ý nghĩa hơn, đó cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ Tố Hữu. Cách mạng đã khơi dậy một sức sống mới, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ Tố Hữu. Cả bốn câu thơ đẹp đẽ ấy đã thay lời Tố Hữu nói lên tất cả niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng.

-/-

Bài 1 luyện tập trang 44 SGK ngữ văn 11 tập 2 trên đây được biên soạn và trả lời theo nhiều cách khác nhau giúp em có thêm nhiều thông tin hữu ích để chuẩn bị bài và soạn bài Từ ấy (Tố Hữu) trong chương trình soạn văn 11 tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM