Trang chủ

Bài 1 luyện tập trang 136 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Xuất bản: 12/08/2020

Trả lời câu hỏi bài 1 luyện tập trang 136 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 1 luyện tập trang 136 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 phần soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện chi tiết nhất cho các em tham khảo.

Đề bài:

Nghệ thuật tả cảnh, tả tình và sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến có gì đáng chú ý?

Trả lời bài 1 luyện tập trang 136 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Để soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện tối ưu nhất, Đọc Tài Liệu tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 1 luyện tập trang 136 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 1 như sau:

Cách trình bày 1

Nghệ thuật tả cảnh, tả tình và sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến:

– Bài thơ gợi tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cảnh thu đẹp, được miêu tả qua màu sắc: nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt; qua đường nét: sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng. Cảnh thu đẹp nhưng vẫn có một chút nét buồn phảng phất. Cảnh buồn một phần bởi thi đề mùa thu trong văn học vốn đã gắn với những nét buồn sầu man mác nhưng có lẽ cái nét buồn vương vấn trong bài thơ chủ yếu là cái nét buồn lan ra từ tâm trạng nhân vật của nhân vật trữ tình. Tuy vậy, xuyên suốt bài thơ, người đọc mới thấy nhân vật trữ tình xuất hiện nhưng là xuất hiện trong tư thế của người đi câu (Tựa gối ôm cần lâu chẳng được) mà thực không phải thế. Đó là tư thế của con người u uẩn trong nỗi lo triền miên, chìm đắm.

– Câu cá mùa thu là một minh chứng sinh động về sức biểu đạt của ngôn từ tiếng Việt. Ngôn ngữ trong sáng, giản dị, đặc biệt vần “eo” được Nguyễn Khuyến sử dụng rất tài tình. Vần “eo” hợp với tất cả các câu bắt buộc (câu 1,2,4 và câu 8). Nó góp phần diễn tả cảm giác về một không gian thu nhỏ hẹp dần và khép kín lại, tạo nên sự hài hòa với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhân vật trữ tình.

Ngoài ra bài thơ còn thành công trong việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật: lấy động tả tĩnh, sử dụng các tính từ: trong veo, xanh biếc, xanh ngắt,…

Cách trình bày 2

Nghệ thuật tả cảnh, tả tình và sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ Câu cá mùa thu

– Bài thơ gợi tình yêu và sự gắn bó sâu sắc và thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ

+ Cảnh thu đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn từ tâm trạng nhân vật trữ tình

+ Tư thế của người đi câu cá chứa đựng những u uẩn truyền miên

+ Cái tình của Nguyễn Khuyến đối với đất nước, đối với non sông sâu sắc

+ Tâm sự, nỗi lòng của Nguyễn Khuyến dành cho đất nước thầm ặng, da diết, đậm chất suy tư

– Ngôn từ: giản dị, trong sáng đến mức kì lạ, có khả năng biểu đạt xuất sắc tinh tế cảnh vật, những uẩn khúc thầm kín khó giãi bày tâm sự

– Bài thơ cũng thành công với cách gieo vần: vần “eo” khó luyến láy, khó sử dụng nhưng được Nguyễn Khuyến sử dụng một cách tài tình: diễn tả không gian nhọn, cảm giác về một không gian thu hẹp dần và khép kín lại, hài hòa

– Nghệ thuật lấy động tả tĩnh, lấy cái động để gây ấn tượng sâu đậm về cái yên ắng, tĩnh lặng của tâm trạng

⇒ Bức tranh mùa thu nhẹ nhàng, tươi đẹp nhưng chan chứa tâm trạng, tình cảm.

Cách trình bày 3

a. Nghệ thuật tả cảnh, tả tình.

- Về nghệ thuật tả cảnh, trước hết là việc chọn điểm nhìn: từ "ao  thu" tới "tầng mây" rồi trở lại "ao thu" - như vậy trung tâm của sự miêu tả là ao thu. Tác giả đặc tả cận cảnh những gì quan sát được trên mặt ao mà gợi được cái thần thái của mùa thu nơi làng quê: se lạnh, trong trẻo và đặc biệt yên tĩnh. Lại có sự mở rộng của không gian với chiều cao đến vô tận của trời thu và dùng cái "động" để gợi cái tĩnh mịch, yên ả của làng quê.

- Về nghệ thuật tả tình, đáng chú ý là bút pháp tả cảnh ngụ tình: qua cảnh thu, người ta thấy sự quan sát tinh tế, tình yêu kín đáo mà thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, với quê hương đất nước, tâm trạng ưu thời mẫn thế.

b. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ

Câu cá mùa thu là một minh chứng sinh động về sức biếu đạt của ngôn từ tiếng Việt. Ngôn ngữ thơ trong Câu cá mùa thu giản dị, trong sáng đến mức kì lạ, có khả năng biểu đạt một cách xuất sắc những biểu hiện rất tinh tế của cảnh vật cũng như những uẩn khúc thầm kín rất khó giãi bày của tâm trạng.

Câu cá mùa thu thành công nhiều mặt về nghệ thuật trong đó độc đáo nhất là cách gieo vần. Vần "eo" là một vần khó luyến láy, khó vận, thế nhưng nó lại được Nguyền Khuyến sử dụng một cách rất thần tình. Vần "eo" hợp ớ tất cả các câu bắt buộc (câu 1, 2, 4, 6 và câu 8). Nó góp phần diễn tả rất rõ cái cảm giác sắc, nhọn, cảm giác về một không gian thu nhỏ hẹp dần và khép kín lại, tạo nên sự hài hoà rất mực với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhân vật trữ tình.

Cùng với cách gieo vần độc đáo, bài thơ còn rất thành công trong nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. Để gợi ấn tượng sâu đậm về cái yên ắng, cái tĩnh lặng của tâm trạng, tác giả xen vào một điệu "vèo" của lá và bâng khuâng đưa vào một âm thanh như có như không của tiếng cá "đớp động dưới chân bèo".

Cái hay của việc sử dụng ngôn ngữ trong bài thơ còn được thể hiện ớ việc sử dụng các tính từ: trong veo, biếc, xanh ngắt, lơ lửng và các cụm động từ: gợn tí, khẽ dưa để làm nổi bật cảnh thu thanh sơ, dịu nhẹ mà thấm đậm hồn thu xứ Việt.

Cách trình bày 4

Mùa thu vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Thu thường mang đến cho thi sĩ một nỗi buồn man mác, gợi nhớ hay nuối tiếc về một cái gì đó xa xôi, đầy bí ẩn. Dường như không ai vô tình mà không nói đến cảnh thu, tình thu khi đã là thi sĩ! Đến với Nguyễn Khuyến, chúng ta sẽ thấy được điều đó. Cảnh mùa thu trong thơ ông không phải là mùa thu ở bất cứ miền nào, thời nào, mà là mùa thu ở quê ông, vùng đồng chiêm Bắc Bộ lúc bấy giờ.

Bài thơ gợi tình yêu và sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nếu không phải xuất phát từ sự gắn bó và tình yêu quê hương tha thiết thì không thể vẽ nên một bức tranh thu đẹp, rất đặc trưng và có hồn như thế. Cảnh thu đẹp nhưng có nét buồn phảng phất, đó là nét buồn lan ra từ tâm trạng của nhà thơ. Bài thơ không bộc lộ trực tiếp bất cứ cảm xúc nào của tác giả. Suốt từ đầu đến cuối bài thơ, người đọc mới thấy nhân vật trữ tình xuất hiện trong cái tư thế của người đi câu. Đó là tư thế của con người u uẩn trong nỗi lo âu triền miên, chìm đắm. Cái tình của Nguyễn Khuyến với đất nước, đối với non sông không thể nói là không sâu sắc, chỉ có điều nó trầm lặng, da diết, đậm chất suy tư.

Những từ ngữ tác giả sử dụng trong bài thơ như: Nước trong veo, bé tẻo teo,  khẽ đưa vèo, xanh ngắt, ngõ trúc quanh co, vắng teo trước hết đã thể hiện chính xác, sâu sắc cảnh vật mà Nguyễn Khuyến quan sát, miêu tả trong bức tranh mùa thu. Nó có khả năng giúp người đọc cảm nhận dược phong vị riêng của mùa thu, của nhừng miền quê Việt Nam mà ta đã từng đặt chân đến. Bức tranh mùa thu lại được tỏ điểm thêm những chi tiết thật sống động "Ngõ trúc quanh co khách vắng teo/Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

Thứ hai đó là sử dụng linh hoạt ngôn ngữ, giữa miêu tả không gian động và tĩnh, sự điểm xuyết về thời gian….

Thứ ba, sử dụng hình ảnh ước lệ tượng trưng. Nói đến mùa thu là nói đến lá vàng, đó là hình ảnh mang tính ước lệ của thi ca cổ. Nguyễn Khuyến cũng không ra ngoài những thông lệ đó. Những hình ảnh lá vàng trong bài thơ gắn với ao chuôm lại mang dáng dấp riêng của Nguyễn Khuyến khi miêu tả về mùa thu. Một chiếc lá vàng rơi cành bởi làn gió rất nhẹ của mùa thu, xoay xoay rồi liệng nhẹ xuống mặt nước. Đó là một chi tiết rất thực, rất sống của cảnh mùa thu ở làng quê Việt Nam qua tài năng quan sát, qua tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ làm tăng thêm chất sống cho cảnh vật mùa thu nơi đây

Thứ tư, đó là việc khai thác tối đa vỏ ngữ âm của ngôn ngữ: những từ trùng phụ âm đầu đi liền nhau như: bé tẻo teo, lơ lửng, đâu đớp động hay cặp điệp vận teo - teo (cặp 2- 6) vừa tạo ra nhịp điệu bằng bằng vi biến trong những mơ hồ của đời, vừa tạo ra vòng lặp quẩn quanh u sầu trong tâm trạng của chính tác giả.

Tham khảo thêm:

-/-

Bài 1 luyện tập trang 136 SGK Ngữ văn 11 tập 1 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện trong khi làm bài soạn văn 11 trước khi lên lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM