Bài viết dưới đây làm rõ những vấn đề về liên quan đến dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Là một trong những dạng đề khó nằm trong danh mục văn nghị luận xã hội, đòi hỏi các em cần phải nắm rõ được khái niệm cơ bản, kỹ năng phân tích đề từ đó hiểu rõ mục đích mà đề bài đưa ra, sau cùng mới đặt bút làm bài.
Vậy mục đích của bài viết dưới đây chính là giúp các em có được các thao tác cần thiết để viết được bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí hoàn chỉnh.
Cùng bắt đầu nào…
I. Khái niệm cơ bản của nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Những khái niệm quan trọng cần ghi nhớ để viết được một bài văn đạt điểm cao
1. Nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí là gì?
Là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống,…của con người.
Là quá trình kết hợp những thao tác lập luận để làm rõ những vấn đề tư tưởng, đạo lí trong cuộc sống.
Tham khảo thêm: Soạn bài về một vấn đề tư tưởng đạo lí
2. Đặc điểm cơ bản
- Đề cập đến những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, có giá trị trong đời sống xã hội. Đó là những chuẩn mực được thừa nhận trong truyền thống dân tộc như lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo. lòng biết ơn… Để từ đó hướng đến những hành động cụ thể làm tốt tư tưởng đạo lý đó.
- Bài nghị luận cần làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng đạo lý bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… để chỉ ra chỗ đúng hay chỗ sai của những tư tưởng đạo lý đó.
- Có 2 kiểu nghị luận về một tư tưởng đạo lí.
- Kiểu 1: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí trong một nhận định ( ý kiến, câu nói, châm ngôn, tục ngữ,…)
- Kiểu 2: Nghị luận về một phẩm chất, tính cách, trạng thái tâm lí…
3. Cách dạng đề thường gặp
Đề bài của dạng bài văn nghị luận này sẽ có những dạng cụ thể sau:
- Nêu rõ yêu cầu nghị luận trong đề
- Chỉ đưa ra vấn đề nghị luận mà không đưa ra yêu cầu cụ thể nào
- Nêu trực tiếp vấn đề nghị luận
- Gián tiếp đưa ra vấn đề nghị luận qua một câu danh ngôn, một câu ngạn ngữ, một câu chuyện.
II. Cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí
1. Kỹ năng phân tích đề
- Phân tích đề là chỉ ra những yêu cầu về nội dung, thao tác lập luận và phạm vi dẫn chứng của đề. Đây là bước đặc biệt quan trọng trong làm văn nghị luận xã hội.
- Các bước phân tích đề : Đọc kĩ đề bài ,gạch chân các từ then chốt (những từ chứa đựng ý nghĩa của đề), chú ý các yêu cầu của đề (nếu có), xác định yêu cầu của đề (Tìm hiểu nội dung của đề, tìm hiểu hình thức và phạm vi tư liệu cần sử dụng).
- Cần trả lời các câu hỏi sau:
- Đây là dạng đề nào?
- Đề đặt ra vấn đề gì cần giải quyết?
- Có thể viết lại rõ ràng luận đề ra giấy.
- Có 2 dạng đề:
- Đề nổi, học sinh dễ dàng nhận ra và gạch dưới luận đề trong đề bài.
- Đề chìm, học sinh cần đọc kĩ đề bài, dựa vày ý nghĩa câu nói, câu chuyện , văn bản được trích dẫn mà xác định luận đề.
– Kỹ năng xác định luận điểm, triển khai luận cứ
+ Thông thường, bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí sẽ có những luận điểm chính sau:
- Luận điểm 1: Giải thích tư tưởng đạo lí
- Luận điểm 2 : Bình luận, chứng minh tư tưởng đạo lí, phê phán những biểu hiện sai lệch liên quan đến vấn đề
- Luận điểm 3 :Bài học rút ra
+ Để thuyết minh cho luận điểm lớn, người ta thường đề xuất các luận điểm nhỏ. Một bài văn có thể có nhiều luận điểm lớn, mỗi luận điểm lớn lại được cụ thể hoá bằng nhiều luận điểm nhở hơn.Tuỳ vào từng đề bài , học sinh có thể triển khai những luận điểm nhỏ hơn.
Gợi ý: Soạn bài cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí
2. Các bước triển khai bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí…
- Vạch ra các bước cấn thiết cho một bài văn hoàn chỉnh
- Bố cục phải rõ ràng, mạch lạc.
- Các thao tác lập luận sẽ sử dụng trong bài viết.
- Liên kết giữa các câu, các đoạn trong bài viết.
- Dẫn chứng phải cụ thể, chính xác, toàn diện, vừa đủ.
- Lập luận chặt chẽ, lời văn cô đọng, giàu sức thuyết phục.
Trong 5 bước trên thì bước thao tác lập luận là quan trọng nhất, thường thì chúng ta sử dụng 3 cách là giải thích, chứng minh và bình luận.
- Các bước cụ thể cần thực hiện trong thao tác giải thích gồm:
- Bước 1: Giải thích
Đây là phần trả lời cho câu hỏi là gì, như thế nào, biểu hiện củ thể….Trước hết, người viết cần tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa; nếu đặt nó vào hoàn cảnh cụ thể trong cả câu nói thì nó biểu hiện ý nghĩa gì. Sau đó rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý, quan điểm của tác giả về vấn đề được nêu ra.
- Bước 2: Phân tích
Phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).
- Bước 3: Mở rộng (nếu không như vậy thì thế nào)
Bác bỏ bằng cách lật ngược vấn đề vừa bàn luận, nếu vấn đề là đúng thì đưa ra mặt trái của vấn đề. Ngược lại, nếu vấn đề sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.
- Bước 4: Đánh giá, bình luận
Đánh giá vấn đề đó đúng hay sai, còn phù hợp với thời đại ngày nay hay không, có tác động thế nào đến cá nhân người viết, ảnh hưởng thế nào đến xã hội nói chung.
Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.
- Bước 5: Ý nghĩa và bài học được rút ra
Đầu tiên là bài học rút ra cho bản thân người viết (rút ra bài học gì, bản thân đã làm được chưa, nếu chưa thì cần làm gì để đạt được…).
Tiếp theo, đối với gia đình, những người xung quanh và xã hội thì bài học nhận thức là gì, thuyết phục mọi người cùng áp dụng và hành động.
– Lập dàn ý – tìm ý, sắp xếp ý
Mở bài:
-Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
Thân bài:
a. Giải thích:
- Khi giải thích cần lưu ý:
- Bám sát tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu, tránh suy diễn chủ quan, tùy tiện.
- Chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.
- Phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh trước, rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu.
b. Bàn luận tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu:
- Bàn luận về mức độ đúng đắn, chính xác, sâu sắc của tư tưởng, đạo lí:
Khi bàn luận nội dung này, cần lưu ý:
- Phân tích, chia tách tư tưởng đạo lí thành các khía cạnh để xem xét, đánh giá.
- Dùng lí lẽ, lập luận và dẫn chứng để chứng minh tính đúng đắn, đồng thời bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề tư tưởng, đạo lí.
- Khi bàn luận, đánh giá cần thận trọng, khách quan, có căn cứ vững chắc.
- Bàn luận về mức độ đầy đủ, toàn diện của tư tưởng, đạo lí:
Khi bàn luận nội dung này, cần lưu ý:
- Người viết nên tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Tư tưởng đạo lí ấy đã đầy đủ, toàn diện chưa? Có thể bổ sung thêm điều gì?
- Người viết cần lật đi lật lại vấn đề, xem xét từ nhiều góc độ, nhiều quan hệ để đánh giá và bổ sung cho hợp lí, chính xác.
- Người viết cần có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, cần có suy nghĩ riêng, dám đưa ra chính kiến riêng, miễn là có lí, có tinh thần xây dựng và phù hợp đạo lí.
c. Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống:
- Bài học phải được rút ra từ chính tư tưởng, đạo lí mà đề yêu cầu, phải hướng tới tuổi trẻ, phù hợp và thiết thực với tuổi trẻ, tránh chung chung, trừu tượng.
- Nên rút ra 2 bài học, một về nhận thức, một về hành động.
- Bài học cần được nêu chân thành, giản dị, tránh hô khẩu hiệu, tránh hứa suông.
Kết bài:
- Đánh giá ngắn gọn, khái quát về tư tưởng, đạo lí.
- Phát triển, liên tưởng, mở rộng, nâng cao vấn đề.
Ví dụ:
-------------
Trên đây là những kiến thức cơ bản nhất mà các em cần nắm được để có thể viết một bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí đạt điểm cao. Hy vọng rằng đây là tài liệu hữu ích cho các em. Chúc các em học tốt!