Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm 2023

Xuất bản: 02/06/2023 - Cập nhật: 03/06/2023 - Tác giả:

Đáp án đề vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm học 2023-2024 cập nhật nhanh cùng tuyển tập đề thi vào 10 môn văn Lào Cai các năm trước.

Cập nhật Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm học 2023-2024 nhanh nhất cùng đáp án chi tiết. Mời các bạn xem ngay dưới đây.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Lào Cai 2023

Đề thi sẽ được cập nhật chính thức khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh diễn ra, vì vậy đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai sẽ được cập nhật sau khi kết thúc thời gian thi. 

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Miêu tả

Câu 2.  Tác dụng: Gợi vẻ đẹp của bầu trời đêm. Tấm thảm nhung có đặc tính mềm, mịn; bầu trời đêm cũng mịn và không một gợn mây, mở ra không gian cao rộng.

Câu 3. Nội dung chính của đoạn trích: Nêu lên ước mơ của con người lúc tuổi thơ.

Câu 4.

Qua hình ảnh cánh diều tác giả muốn nói:

+ Cánh diều là những kỉ niệm tuổi thơ của tác giả với những người bạn nơi thôn quê. Đó là kí ức đẹp theo tác giả suốt đời.

+ Cánh diều tuổi thơ là nơi chở những khát vọng, những ước mơ của tác giả bay cao, bay xa.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1

1. Nêu vấn đề.

2. Giải thích vấn đề

– Khát vọng là những mong muốn lớn lao, tốt đẹp của mỗi con người, nó mang một sức thôi thúc mạnh mẽ mà khiến họ cần phải hành động để đạt được khát vọng của bản thân.

– Mỗi con người sẽ có những khát vọng riêng trong cuộc sống của mình. Khát vọng là động lực để con người phát triển và vươn tới thành công.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề:

– Ý nghĩa của khát vọng trong cuộc sống.:

Có khát vọng tức là con người có những ước mơ. Một người sống không thể thiếu ước mơ vì những ước mơ, khát vọng giúp con người nỗ lực và phấn đấu không ngừng.

Có khát vọng, con người sẽ có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc sống.

Con người có khát vọng là con người sống có lí tưởng riêng và những người như vậy nhất định sẽ thành công.

– Khát vọng khác với tham vọng. Cần phải tỉnh táo để không biến những khát vọng của mình thành những tham vọng.

– Phê phán những người sống không có khát vọng, sống như những cỗ máy.

– Liên hệ bản thân: Em đã phải là người sống có khát vọng chưa? Hãy chia sẻ về những khát vọng của mình?

Các em có thể tham khảo: dàn ý chi tiết đề văn nghị luận bàn về vai trò của khát vọng trong cuộc sống

Câu 2

I. Mở bài:

- Giới thiệu được bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh và nêu cảm nhận, ý kiến khái quát.

- 2 khổ thơ là những cảm xúc tinh tế của nhà thơ khi đất trời chuyển từ mùa hạ sang thu.

II. Thân bài:

1. Khổ 1

* Những cảm nhận tinh tế bất ngờ:

- Không có lá rụng của thơ xưa, không có màu vàng như trong "Thơ mới", Tác giả Hữu Thỉnh đã cảm nhận bằng các giác quan, lý trí  về mùa thu sang rất riêng, rất mới và bằng sự rung động tinh tế.

+ Các giác quan như Khứu giác (mùi hương ổi) →xúc giác (gió se) →cảm nhận thị giác (sương chùng chình qua ngõ) →cảm nhận của lý trí (hình như thu đã về).

+ Tâm trạng bất ngờ, ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng  “bỗng”, “hình như".

→Tác giả gắn bó với quê hương, yêu làng quê, thực sự yêu mùa thu nơi đây thì mới có cảm nhận tinh tế như vậy.

2. Khổ 2

- Bằng những cảm nhận từ các giác quan, lý trí và cảm xúc của tác giả về mùa thu như đã hòa chung vào cảnh vật xung quanh.

- Thiên nhiên và sự vật đang ở trong thời điểm giao mùa hạ - thu đã bắt đầu dần chuyển trạng thái : sông "dềnh dàng" - chim "bắt đầu vội vã", đám mây mùa hạ "vắt nửa mình sang thu".

- "chùng chình", "dềnh dàng", "vội vã", "vắt nửa mình" Hai khổ thơ vốn được tác giả sử dụng những từ ngữ dùng để chỉ trạng thái và tính chất của người để miêu tả về thiên nhiên, vì thế cảnh vật ở đây trở nên sống động và có hồn.

3. Giá trị nội dung và nghệ thuật

- Nghệ thuật: bài thơ hấp dẫn bởi những từ ngữ gợi cảm, gợi nhiều về cảnh về tình. Nhân hóa làm cho cảnh vật có hồn, gần gũi với cuộc sống.

- Nội dung: tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước.

III. Kết bài:

- Khẳng định giá trị nghệ thuật và nội dung bài thơ.

- Nêu cảm xúc khái quát.

ĐỀ THI

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.

Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả điều thi. Cánh điều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,... như gọi thấp xuống những vì sao sớm.

Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác điều đang trôi trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đấy là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi, điều ơi! Bay đi!”. Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi.

(Tạ Duy Anh, Cánh diều tuổi thơ, dẫn theo Tiếng Việt 4, tập 1, tr.160, Nxb Giáo dục, 2019)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2 (0,5 điểm). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn sau: Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ.

Câu 3 (1,0 điểm). Xác định nội dung chính của đoạn trích?

Câu 4 (1,0 điểm). Từ đoạn trích trên, tác giả đã gửi gắm thông điệp gì?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của khát vọng trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu...

(Hữu Thỉnh, Sang thu, SGK Ngữ văn 9,

tập 2, tr.48, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2019)

Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu.

-HẾT-

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm 2023

Xem thêm

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Lào Cai 2022

Đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm 2022

ĐÁP ÁN

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.

Câu 2. Theo tác giả, lợi ích khi “nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học” là bổ sung được nhiều kiến thức mới.

Câu 3 . “Phá vỡ các giới hạn của nhận thức” là vượt qua những rào cản, những hiểu biết hạn hẹp, tầm thường của mình và mọi người để hướng tới một suy nghĩ tích cực hơn, nhân văn hơn, hoàn thiện hơn.

Câu 4. Qua đoạn trích trên, em rút ra bài học là mỗi con người cần không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức cho bản thân để có thể biết được nhiều điều mới mẻ hơn. Bên cạnh đó, mỗi người cũng nên bước ra khỏi vùng an toàn của mình, tìm cho bản thân những kiến thức rộng lớn, bao la ngoài xã hội.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: cách để nâng cao kiến thức cho bản thân.

Bàn luận

- Giải thích: Rèn luyện bản thân: không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày.

- Cách để nâng cao kiến thức cho bản thân:

+ Không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau.

+ Biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục.

+ Có ý thức vươn lên trong cuộc sống, sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê đó.

- Ý nghĩa của việc tìm cách để nâng cao kiến thức cho bản thân.

+ Làm cho bản thân mình ngày càng tốt hơn, mở mang tầm hiểu biết.

+ Khắc phục được những khuyết điểm của bản thân mình từ đó được mọi người tín nhiệm, tin tưởng.

+ Người biết hoàn thiện bản thân sẽ tiến bộ từng ngày và nhận được tình yêu thương từ mọi người.

Phản đề: Trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống an phận, nghe theo sự sắp đặt của người khác hoặc quá lười biếng, không có ý thức vươn lên để hoàn thiện bản thân mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.

Khái quát lại vấn đề nghị luận: ý thức cách để nâng cao kiến thức cho bản thân hiệu quả; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Câu 2

I. Mở bài:

- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm

- Dẫn dắt, giới thiệu hai khổ cuối: Hai khổ thơ cuối thể hiện sâu sắc lòng thành kính và niềm xúc động của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.

II. Thân bài:

Phân tích hai khổ thơ đầu

Khổ 1: Cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác

- “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” -> lời tự giới thiệu như lời tâm tình nhẹ nhàng.

+ Cách xưng hô “con - Bác” thân thương, gần gũi, diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách.

+ “Con” ở đây cũng là cả miền Nam, là tất cả tấm lòng của đồng bào Nam Bộ đang hướng về Bác, hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc với một niềm xúc động lớn lao.

+ Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” một cách tinh tế -> Cách nói giảm, nói tránh nhằm làm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát.

=> Bác đã mãi mãi ra đi nhưng hình ảnh của Người vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc.

- Cảnh quang quanh lăng Bác:

"...Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng."

+ Hình ảnh hàng tre

  • Trong màn sương trắng, hình ảnh gây ấn tượng nhất đối với tác giả là hàng tre.
  • Từ “hàng tre” được điệp lại hai lần trong khổ thơ gợi lên vẻ đẹp đẽ vô cùng của nó.
  • Phép nhân hóa trong dòng thơ: “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” giúp hình ảnh hàng tre hiện lên càng thêm đẹp đẽ vô cùng.

=> Hình ảnh hàng tre là hình ảnh thực hết sức thân thuộc và gần gũi của làng quê, đất nước Việt Nam; bên cạnh đó còn là một biểu tượng con người, dân tộc Việt Nam kiên trung bất khuất.

+ Thành ngữ “bão táp mưa sa” nhằm chỉ những khó khăn thử thách của lịch sử dân tộc tộc.

+ Dáng “đứng thẳng hàng” là tinh thần đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ.

=> Niềm xúc động và tự hào về đất nước, dân tộc, con người Nam Bộ, những cảm xúc chân thành, thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân đối với Bác kính yêu.

Khổ 2: Cảm xúc của nhà thơ trước dòng người vào lăng

- Hình ảnh vĩ đại khi bước đến gần lăng Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy chín mùa xuân.

+ Cụm từ chỉ thời gian “ngày ngày” được lặp lại như muốn diễn tả hiện thực đang vận chuyển của thiên nhiên, vạn vật mà sự vận chuyển của mặt trời là một điển hình.

+ Hình ảnh "mặt trời"

  • mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh thực : mặt trời thiên tạo, là nguồn sáng của vũ trụ, gợi ra sự kì vĩ, sự bất tử, vĩnh hằng. Mặt trời là nguồn cội của sự sống và ánh sáng.
  • mặt trời trong lăng” là một ẩn dụ sáng tạo và độc đáo : hình ảnh của Bác Hồ vĩ đại. Giống như “mặt trời”, Bác Hồ cũng là nguồn ánh sáng, nguồn sức mạnh của dân tộc ta.

- Hình ảnh dòng người đang tuần tự tiến vào thăm lăng Bác:

+ Tác giả đã liên tưởng đó là “tràng hoa” được kết từ dòng người đang tuần tự, trang nghiêm bước vào viếng lăng, như đang dâng hương hoa lòng thơm ngát lên Bác kính yêu.

=> Sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc và nỗi tiếc thương vô hạn của muôn dân đối với Bác.

* Đặc sắc nghệ thuật trong khổ 1, 2

- Cảm xúc dâng trào, cách diễn đạt thật chân thật, tha thiết

- Hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ

- Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng.

- Hình ảnh ẩn dụ - biểu tượng vừa quen thuộc, vừa gần gũi với hình ảnh thực, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm, tạo nên niềm đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc.

c) Kết bài. Khẳng định lại giá trị mà 2 khổ thơ đem lại.

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên

Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, chúng ta sẽ có lợi ích gì khi nhận thức được rằng vẫn còn nhiều điều có thể học"?.

Câu 3 (1,0 điểm). Em hiểu thể nảo là “phá vỡ các giới hạn của nhận thức"?

Câu 4 (1,0 điểm). Em rút ra được bài học gì cho bản thân từ đoạn trích trên?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm).

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về cách để nâng cao kiến thức cho bản thân.

Câu 2 (5,0 điểm).

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

(Trích Viếng lăng Bác - Viên Phương, SGK Ngữ văn 9, tập 2, tr.58, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2019).

Từ đó, nhận xét về tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Lào Cai năm 2021

    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh sẽ diễn ra vào ngày 02/6/2021, vì vậy đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai 2021 chính thức sẽ được cập nhật ngay lập tức khi kết thúc thời gian thi. 

    SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÀO CAI

    ĐỀ THI CHÍNH THỨC

    KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

    NĂM HỌC 2021-2022

    Môn thi: NGỮ VĂN

    Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

    I. PHẦN ĐỌC HIỂU( 3.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    ...Cuộc sống vẫn bình yên trong mỗi căn nhà

    Con vẫn học qua online trực tuyến

    Bố, mẹ giao ban cơ quan qua máy tính

    Cả nước đồng lòng đẩy lui cuộc chiến

    Hiện hình trên màn ảnh ti-vi...

    Phía ngoài bệnh viện trầm tư

    Nhưng bên trong là nhịp chân hối hả

    Vì mạng sống của hàng trăm người bệnh

    Thầy thuốc đâu quản gian nguy

    Vẫn biết lưỡi hái tử thần không ngoại trừ ai hết!

    ...

    Ơi mỗi người con đất Việt

    Đã từng chiến thắng ngoại xâm

    Nay thấm thía trong tâm:

    Tự nguyện cách ly

    Vì trường tồn cuộc sống

    Lặng lẽ để hồi sinh

    Cho những ngày thắng dịch

    (Trích Lặng lẽ để hồi sinh- Nguyễn Hồng Vinh, Hà Nội, 4/4/2020)

    Câu 1 (0.5 điểm): Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2 (0.5 điểm): Chỉ ra những việc làm thể hiện sự đồng lòng của cả nước để đẩy lùi dịch bệnh trong đoạn trích?

    Câu 3 (1.0 điểm): Em hiểu như thế nào về dòng thơ “Lặng lẽ để hồi sinh”?

    Câu 4 (1.0 điểm): Thông điệp ý nghĩa nhất em rút ra được qua đoạn trích trên là gì? Vì sao em chọn thông điệp đó?

    II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

    Câu 1 (2.0 điểm)

    Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của tình đoàn kết trong cuộc sống.

    Câu 2 (5.0 điểm).

    Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Từ đó, nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho những người đang cống hiến, quên mình cho nhân dân, tổ quốc.

    Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm 2021

    I. PHẦN ĐỌC HIỂU( 3.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm): Tự Do

    Câu 2 (0.5 điểm):

    Những hành động thể hiện cả nước đồng lòng chống dịch: Tự nguyện khai báo, cách ly tập trung, tránh tụ tập đông người, hành động hy sinh thầm lặng của các vị bác sĩ, những chiến sĩ, công an nơi tuyến đầu chống dịch….

    Câu 3 (1.0 điểm): Gợi ý:

    “Lặng lẽ để hồi sinh”. Những việc làm âm thầm lặng lẽ, tự nguyện dù nhỏ bé nhưng lại góp phần làm nên chiến thắng đại dịch.

    Câu 4 (1.0 điểm): Em tự lựa chọn thông điệp ý nghĩa nhất em rút ra được qua đoạn trích trên, lý giải hợp lý.

    Gợi ý: Thông điệp: Chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng chiến đấu chống đại dịch. Giải thích: Đoàn kết tạo nên sức mạnh dân tộc, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngay lúc này, tỉnh thần đoàn kết vô cùng cần thiết để chiến thắng đại dịch.

    II. PHẦN LÀM VĂN

    Câu 1

    Giới thiệu vấn đề: Van trò của tình đoàn kết trong cuộc sống.

    Phân tích và bàn luận. 

    - Giải thích: Đoàn kết: nghĩa là những cá nhân riêng lẻ cùng nhau hợp sức lại, tạo nên một sức mạnh vững chắc giải quyết tốt vấn đề mà tập thể đang muốn làm.

    - Biểu hiện của tinh thần đoàn kết:

    • Thời chiến: đồng lòng đồng sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững biên cương bờ cõi.....
    • Thời bình : Chung tay xây dựng đất nước, kinh tế xã hội, văn hóa phát triển và hội nhập với quốc tế sâu rộng. .....

    - Vai trò và sức mạnh của tinh thần đoàn kết:

    • Yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công
    • Tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua khó khăn, thử thách

    - Làm thế nào để có được tinh thần đoàn kết? Sự cảm thông, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau là mấu chốt gây dựng tinh thần đoàn kết. Bên cạnh đó, chúng ta phải tích cực lên án, phê phán những thành phần sống ích kỷ, không có tinh thần đoàn kết, chỉ quan tâm đến lợi ích riêng mà bỏ qua lợi ích chung.

    Kết thúc vấn đề:

    • Tinh thần đoàn kết là đức tính tốt, rất cần thiết cho con người.
    • Bản thân luôn gắn kết, hòa hợp với mọi người xung quanh tạo nên tình đoàn kết theo đúng nghĩa của nó.

    Câu 2 

    a) Mở bài

    - Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

    - Khái quát về nhân vật anh thanh niên : đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của những con người lao động với công việc thầm lặng.

    b) Thân bài

    * Khái quát về công việc của anh thanh niên

    - Anh thanh niên làm kĩ sư khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600m.

    - Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.

    => Công việc đầy gian khổ, thách thức, đáng sợ hơn cả là phải đối diện với nỗi cô đơn "thèm người".

    * Luận điểm 1: Anh thanh niên say mê và có trách nhiệm cao trong công việc

    - Anh làm việc một mình trên đỉnh núi cao, chấp nhận cuộc sống cô đơn, xa cách với cộng đồng.

    - Mỗi ngày đều phải báo cáo số liệu cụ thể vào 4 mốc thời gian là 4 giờ sáng, 11 giờ trưa, 7 giờ tối và 1 giờ sáng.

    - Anh làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt:

    + có mưa tuyết, trời tối đen, "gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới"

    + “gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung... Những lúc im lặng lạnh cánh mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ được".

    -> Nghệ thuật so sánh, liệt kê, nhân hóa được dùng hiệu quả, giúp người đọc cảm nhận thật rõ về sự khắc nghiệt của thời tiết Sa Pa.

    - Thái độ của anh với công việc:

    + Vui vẻ, hồ hởi chia sẻ về công việc của mình rất chi tiết, tỉ mỉ, đầy hào hứng.

    + Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn chăm chỉ, cần mẫn, đều đặn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

    => Anh thanh niên là một người yêu công việc, say mê lao động; có tinh thần trách nhiệm cao, có lí tưởng sống đẹp và tinh thần vượt khó, sẵn sàng chấp nhận thử thách.

    * Luận điểm 2: Anh thanh niên có lẽ sống, lý tưởng sống cao cả đáng trân trọng

    - Sống giữa những năm tháng chống Mĩ, anh luôn khát khao được cầm súng ra mặt trận, anh đã cùng bố viết đơn xin ra lính...

    - Ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của công việc, anh sẵn sàng vượt bao thử thách, gian khổ, đặc biệt là nỗi cô đơn để hoàn thành nhiệm vụ.

    - Cũng vì ý thức trách nhiệm ấy mà anh không những không cảm thấy chán, không cảm thấy sợ mà còn đặc biệt yêu nghề, say mê với công việc của mình: "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi..."

    * Luận điểm 3: Anh thanh niên có tâm hồn trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống

    - Là thanh niên, lại sống nơi heo hút, vắng người, nhưng anh không sống buông thả mà đã biết tổ chức cho mình một cuộc sống khoa học, văn hóa:

    + Căn phòng, nhà cửa gọn gàng ngăn nắp;

    + Trồng hoa tô điểm cho cuộc sống của mình

    + Nuôi gà tăng gia sản xuất, phục vụ cho cuộc sống của chính mình

    + Thỉnh thoảng xuống núi tìm gặp lái xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà.

    -> Anh thanh niên có tinh thần lạc quan, yêu đời, sống khoa học.

    => Anh thanh niên đã chiến thắng nỗi cô đơn và tạo cho mình một cuộc sống đẹp đẽ đầy ý nghĩa với một niềm yêu đơi, yêu cuộc sống say mê.

    * Luận điểm 4: Anh thanh niên cởi mở, chân thành, hiếu khách, chu đáo.

    - Niềm vui được đón tiếp khách dào dạt trong anh, bộc lộ qua từng cử chỉ, nét mặt, lời nói:

    + Biếu bác lái xe củ tam thất

    + Tặng bó hoa cho cô gái

    + Tặng giỏ trứng gà cho ông họa sĩ

    - Anh thanh niên đã bộc bạch nỗi lòng, sẻ chia tâm sự với các vị khách một cách rất cởi mở, không hề giấu giếm

    => Sự cởi mở, những lời tâm sự chân thành của anh thanh niên đã giúp xóa bỏ khoảng cách giữa họ, tạo mối tâm giao đầy thân tình, cảm động.

    * Luận điểm 5: Anh thanh niên là người rất khiêm tốn, giản dị, lễ phép.

    - Khi ông họa sĩ bày tỏ ý muốn phác họa chân dung mình, anh từ chối vì tự thấy mình không xứng đáng với niềm cảm mến và sự tôn vinh ấy

    - Anh giới thiệu cho ông họa sĩ về ông kĩ sư ở vườn rau, nhà khoa học nghiên cứu sét...

    -> Anh chỉ dám nhận phần nhỏ bé, bình thường so với bao nhiêu người khác.

    * Đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật

    - Nhân vật được lí tưởng hóa từ nhiều điểm nhìn, nhiều góc nhìn

    - Nhân vật được đặt trong tình huống đặc sắc:

    + Là thanh niên trẻ trung, sôi nổi, yêu đời nhưng lại làm việc ở một nơi heo hút, hẻo lánh và cô đơn.

    + Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa anh với ông họa sĩ, cô kĩ sư trên đỉnh Yên Sơn đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của anh.

    - Không gọi nhân vật bằng tên cụ thể mà bằng đặc điểm giới tính, nghề nghiệp

    - Khắc họa nhân vật qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu sức gợi.

    c) Kết bài

    - Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên.

    - Liên hệ thế hệ trẻ hiện nay.

    Ngoài ra, Doctailieu mời các em tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 Lào Cai qua các năm để đưa ra các lựa chọn nguyện vọng thật đúng đắn.

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Lào Cai các năm trước

    Đề thi vào 10 môn văn Lào Cai 2020

    I. PHẦN ĐỌC HIỂU ( 3.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    Tri thức giống như ngọn đèn trong đêm tối, soi sáng con đường chông gai phía trước. Trí tuệ giống như chiếc chìa khóa diệu kì, mở ra cánh cửa tâm hồn. Trí tuệ giống như tia nắng mặt trời ấm áp xua tan bóng tối lạnh giá. Đấng tạo hóa có trí tuệ thì mới tạo ra một thế giới diệu kì, nhân loại có trí tuệ chỉ đường sẽ bước sang thế giới hiện đại văn minh. Khi có trí tuệ bạn sẽ dễ dàng gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Bảy trăm năm trước, Giovanni Boccaccio đã nói: “Trí tuệ là cội nguồn hạnh phúc của con người". Thật vậy, có trí tuệ, bạn sẽ có nhiều niềm vui và mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh."

    (Trích Lời nói đầu, Kĩ năng sống dành cho học sinh, sự kiên cường - Ngọc Linh, NXB Thế giới, 2019)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

    Câu 2 (0.5 điểm): Trong đoạn văn trên, tác giả đã so sánh trí tuệ với những hình ảnh nào?

    Xem thêm chi tiết đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn lào cai 2020

    Đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm 2019-2020

    I. PHẦN ĐỌC HIỂU (2.0 điểm)

    Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

    (1) Tối 17/5, tại lễ trao giải Hội thi Khoa học quốc tế - Intel ISEF 2019, tổ chức tại Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ, dự án nghiên cứu khoa học "Rô bốt hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh" của em Vũ Hoàng Long, học sinh lớp 12A2, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai được Ban tổ chức cuộc thi trao giải ba. Đây là giải thưởng duy nhất của đoàn học sinh Việt Nam tại cuộc thi quốc tế năm nay và cũng là giải thưởng cấp quốc tế đầu tiên về nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học của tỉnh Lào Cai.

    (2) [...] Ý tưởng chế tạo và lập trình sản phẩm robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân parkinson sử sụng công nghệ xử lý hình ảnh của Vũ Hoàng Long hình thành sau khi em được bố mẹ đưa đến bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh thăm người thân. Chứng kiến nhiều bệnh nhân không tự xúc ăn, khó khăn trong phục vụ bản thân và phải có người hỗ trợ, em đã nảy ra ý tưởng thực hiện dự án này. Khắc phục được rất nhiều hạn chế của những dự án tương tự trước đó dành cho người già và bệnh nhân parkinson, dự án của Vũ Hoàng Long đã thuyết phục được ban giám khảo cuộc thi bằng những sáng tạo mới có tính ứng dụng cao.

    (3) Trước đó, với những sáng tạo mới có tính ứng dụng cao, Dự án “Rô bốt hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” đã giành giải nhất cấp tỉnh và giải nhất cấp quốc gia; là một trong 5 dự án xuất sắc của miền Bắc giành điểm cao nhất tại vòng thi chọn dự án đi thi quốc tế bằng Tiếng Anh và là 1 trong 10 dự án được chọn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - Intel ISEF 2019, tổ chức tại Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ từ ngày 12 - 17/5.

    (Theo Laocaitv.vn)

    Câu 1 (0.25 điểm) Giáo dục Lào Cai có dự án của học sinh nào đã đạt giải thưởng cấp quốc tế đầu tiên ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học năm 2019?

    Câu 2 (0.25 điểm) Phần gạch chân trong câu sau là thành phần biệt lập nào?

    Tối 17/5, tại lễ trao giải Hội thi Khoa học quốc tế - Intel ISEF 2019, tổ chức tại Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ, dự án nghiên cứu khoa học "Rô bốt hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh" của em Vũ Hoàng Long, học sinh lớp 12A2, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai được Ban tổ chức cuộc thi trao giải ba.

    Xem thêm chi tiết đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn 2019 Lào Cai

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Lào Cai 2018

    I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới.

    Tết năm nay là sự chuyển tiếp giữa hai thế kỉ, và hơn thế nữa, là sự chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ. Trong thời khắc như vậy, ai ai cũng nói tới việc chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới.

    Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bàn thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.

    Cần chuẩn bị những cái cần thiết trong hành trang mang vào thế kỉ mới, trong khi chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ, làm cho tỉ trọng trí tuệ trong một sản phẩm ngày càng lớn. Chắc rằng chiều hướng này sẽ ngày càng gia tăng. Một phần dưới tác động của những tiến bộ khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều.

    (Trích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan, SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)

    Câu 1(0,25 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên?

    Câu 2.(0,25 điểm): Phần gạch chân trong câu văn: "Trong thời khắc như vậy, ai ai cũng nói tới việc chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới,” thuộc thành phần gì của câu?

    Câu 3.(0,75 điểm): Theo tác giả, trong những hành trang chuẩn bị vào thế kỉ mới thì sự chuẩn bị nào là quan trọng nhất? Vì sao?

    Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào lớp 10 Lào Cai 2018

    Đề thi vào lớp 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm 2017-2018

    I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (2,0 điềm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Người xưa nói "thư trung hữu kim" - trong sách có vàng. Sách là nơi lưu giữ trí khôn nhân loại, nên đó là kho vàng tri thức. Lại có những bậc đại bút quan niệm, người viết sách phải là người đọc hết các kì thư, ngao du những kì quan, trò chuyện với các kì nhân, về nhà đóng cửa ba năm nghiền ngẫm rồi mới bắt tay vào cầm bút. Xem ra. Với công phu khổ luyện như vậy, những cuốn sách được viết ra có gọi là mỏ kim cương cũng đang lắm.

    Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại hình như người ta không còn tìm vàng, tìm kim cương trong sách nữa. Họ thích tìm trong chứng khoán, bất động sản, dự án, công trình, và cả các phi vụ làm ăn phi pháp. Khi internet trở nên phổ biến, nhiều ngưòi đắm chìm trong thế giới ảo hoặc ngụp lặn trong bể truyền thông thăm thẳm. Không gian hoạt động của người hiện đại chi còn là cuộc di chuyền từ màn hình máỵ vi tính đến giường ngủ. Việc đọc sách trở nên lép vế so với xem, nghe, nhìn, ngắm,... Nếu coi đọc sách là một quá trình tư duy, thì ngày nay. người ta đang ít nghĩ đi nhiều lắm.

    (Trích Một ngày đọc sách. Email lúc 0giờ, Hữu Việt. NXB Trè, 2017. tr 16)

    Câu 1. Hai đoạn văn trong đoạn trích trên có mối liên hệ nhờ phép liên kết hình thức nào? (0,25 điểm)

    Câu 2: Theo tác già, người xưa quan niệm thế nào về người viết sách? (0,25 diẻm)

    Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng không gian hoạt động của người hiện đại chi còn là cuộc di chuyển từ màn hình vi tinh đến giường ngủ? (0.75 điểm)

    Câu 4: Em hây nêu ngắn gọn 3 giải pháp khả thi để nâng cao văn hóa đọc trong xã hội ngày nay. (0,75 điểm)

    Xem thêm chi tiết đề thi môn văn vào lớp 10 2017 Lào Cai

    Trên đây là nội dung đáp án đề thi vào 10 môn văn tỉnh Lào Cai năm 2023 và các năm trước đó để các em đối chiếu, thử sức với các đề khác nhau. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 này. Tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 tại đây!

    Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
    Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
    Hủy

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM